HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

AI ĐỔI ĐỜI AI

 

Phạm Thanh Liêm, S.J.
16.05.2003

Chúa Nhật Thứ Năm Phục Sinh
(Cv.9, 26-31; 1Ga.3, 18-24; Ga.15, 1-8)

Cuộc gặp gỡ với Đức Yêsu Phục Sinh trên đường đi Damas đã đổi đời Phaolô. Từ một người nhiệt thành với truyền thống tổ tiên, làm Phaolô hăm hở đi bắt các Kitô hữu về “trị tội”, trở thành một tông đồ hăng say làm chứng tin mừng Đức Yêsu Phục Sinh. Niềm tin vào Đức Yêsu Phục Sinh làm Phaolô và các Kitô hữu trở thành những con người khác, như dấu chỉ Thiên Chúa đang hiện diện và yêu thương con người.

i. Phaolô làm chứng Đức Yêsu đã phục sinh

Trước khi ngã ngựa trên đường Damas, Phaolô là một người rất đặc biệt. Ngài là một biệt phái, nghĩa là, một người rất nhiệt thành với lề luật Do Thái, và sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ lề luật. Phaolô đã từng là người giữ áo cho những người ném đá thánh Têphanô. Phaolô đã được phép của các người cầm quyền để đi lùng bắt các Kitô hữu Do Thái đem về Yêrusalem để trị tội. “Có lúc, những người bắt bớ các con, cứ tưởng rằng đó là việc tôn thờ Thiên Chúa” (Ga.16, 2). Nhưng với biến cố Damas, Phaolô đã trở thành con người khác.

Trước khi gặp gỡ Đức Yêsu Phục Sinh, với Phaolô, Do Thái giáo là tôn giáo duy nhất đúng. Tất cả những gì trái với quan niệm truyền thống cha ông để lại, là sai lầm và phải loại bỏ. Những ai cố tình đi theo một niềm tin khác, phải bị trừng phạt. Đó là lý do tại sao Phaolô đi lùng bắt Kitô hữu ở Damas. Sau biến cố Damas, Phaolô đã thay đổi cái nhìn và thay đổi lập trường sống. Do Thái giáo vẫn đúng đó, nhưng “cái khác” vẫn có thể là sự thật. Đức Yêsu Phục Sinh là một thực tại mà Phaolô đã được gặp gỡ, cảm nghiệm, và rồi trở thành chứng nhân cho Ngài. Phaolô được ơn mở mắt để nhìn ra thực tại Đức Yêsu Phục Sinh; qua biến cố ngã ngựa, ông không thể phủ nhận được điều trước đó ông đã một mực chối từ, ông đã nhận ra sự thật, và kể từ đó Phaolô đã rao giảng cho dù bị ghét và bị tìm giết.

Đức Yêsu Phục Sinh đã đổi đời Phaolô. Từ một người không tin vào Đức Yêsu, Phaolô trở thành chứng nhân nhiệt thành của Đức Yêsu Phục Sinh. Từ một người lùng bắt người khác, giờ đây lại là kẻ bị lùng bắt. Biến cố gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh trên đường đi Damas đã làm Phaolô thành một người hoàn toàn khác, đến độ ngài nói: “kể từ khi tôi biết Đức Yêsu Phục Sinh, tôi coi mọi sự như phân bón. Kể từ khi biết Đức Yêsu, tôi coi mọi sự như thua lỗ bất lợi cả trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Yêsu Kitô Chúa tôi” (Pl.3, 8-9). Phaolô đã được Thiên Chúa biến đổi qua cuộc gặp gỡ với Đức Yêsu Phục Sinh.

ii. Đời sống của một người tin vào Đức Yêsu Phục Sinh

Trong thư thứ nhất của thánh Yoan, Kitô hữu được nhắn nhủ: “chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”. Đức tin phải chi phối cách sống của Kitô hữu. Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Đức tin của Kitô hữu không chỉ là chấp nhận một mệnh đề là đúng, nhưng còn là cái biết chi phối toàn bộ đời sống của họ. Chính việc làm của Kitô hữu giúp cho người khác thấy đức tin của họ.

Lời Chúa trong thư của thánh Yoan hôm nay còn cho Kitô hữu hiểu hơn nữa về Thiên Chúa và về con người. Nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, thì chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa; nhưng nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, thì chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết mọi sự. Thiên Chúa nhân từ và yêu thương chúng ta hơn chúng ta có thể tưởng được. “Như trời cao hơn đất bao nhiêu, tư tưởng của Ta cũng vượt xa tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu”. Đừng bao giờ ép Thiên Chúa phải phạt người khác theo phán đoán của mình. Thiên Chúa không phạt ai cả, Ngài chỉ biết yêu thôi. Đau khổ là do con người làm cho nhau hoặc tự chuốc lấy cho mình mà thôi.

Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Vời mà con người không thể hiểu thấu. Ngài nhân từ yêu thương con người hơn con người có thể nghĩ có thể ngờ. Ngài yêu thương con người ngay khi con người còn là tội nhân, xấu xa hư hỏng. Không ai có thể ngờ Ngài đã cho Đức Yêsu phục sinh. Không ai dám ngờ rằng Thiên Chúa có thể chấp nhận để con người giết Con Ngài. Không ai dám ngờ rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương con người đến độ Lời của Ngài nhập thể làm người, ngay cả khi con người đang phản bội và xa lánh Ngài. Thiên Chúa nhập thể là điều vượt sức hiểu của con người, và vượt ngay cả sức hiểu biết của thiên thần. Thiên Chúa là Đấng vượt quá lòng chúng ta có thể ngờ, và bây giờ Ngài vẫn đang tiếp tục làm những điều kỳ diệu và tuyệt vời cho mỗi người chúng ta, trong đời mỗi người chúng ta.

iii. Thầy là cây nho các con là nhành

Tương quan giữa Thiên Chúa, Đức Yêsu, và chúng ta, được Tin Mừng theo thánh Yoan diễn tả như tương quan giữa người trồng nho, cây nho và nhành nho. Đức Yêsu là cây nho, chúng ta là nhành. Một nhành chỉ sống được và sinh hoa trái nếu nhành đó liên kết với thân cây, để lấy nhựa sống từ cây. Giữa chúng ta và Đức Yêsu, có một mối dây rất gần gũi và mật thiết, như nhành và cây. Nhành nào tách khỏi cây, sẽ khô héo và chết. Tương tự vậy, chúng ta sẽ khô héo và chết nếu chúng ta không liên kết với Đức Yêsu. Đức Yêsu là sức sống của mỗi người chúng ta.

Thiên Chúa như người chủ vườn nho. Ngài chăm sóc cây nho và nhành nho. Ngài muốn cây nho nhành nho sinh nhiều hoa trái. Ngài chăm bón cắt tỉa, để nhành nho sinh trái nhiều hơn. Hình ảnh Thiên Chúa như người chủ vườn rất quen thuộc đối với Đức Yêsu. Người chủ vườn trông nom, chăm bón vun trồng để cây nho nhành nho sinh trái. Thiên Chúa chăm sóc mỗi người chúng ta như vậy. Nếu Ngài có cắt tỉa, là để chúng ta sinh nhiều hoa trái hơn.

Tương quan giữa Đức Yêsu và Thiên Chúa như tương quan giữa cây nho và ông chủ vườn. Cây nho luôn tùy thuộc chủ vườn. Người chủ vườn luôn quan tâm và chăm bón để cây nho có nhựa sống cung cấp cho nhành cây, để sinh nhiều hoa trái. Đây là hình ảnh, nó chỉ diễn tả phần nào sự thật. Thiên Chúa luôn có sáng kiến tuyệt vời, để làm những điều kỳ diệu, và ngay cả có thể làm cho những cành nho như thể khô đét có được sức sống và sinh trái. Thiên Chúa là người chủ vườn tuyệt vời. Thiên Chúa làm chúng ta có sức sống và sinh trái qua Đức Yêsu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Đức Yêsu là ai đối với Phaolô?

2. Sau khi gặp gỡ Đức Yêsu Phục Sinh, đời sống Phaolô có gì khác?

3. Bạn nghĩ sao khi đọc câu: “Thầy là cây nho, các con là nhành”? Bạn có cảm được sự thân mật và gần gũi giữa Đức Yêsu và bạn không? Nếu được, xin bạn diễn tả.

 

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

[email protected]