HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

 

 

ĐỨC YÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

Lễ Chúa Yêsu chịu phép rửa, năm B

(Is.42, 1-4. 6-7; Cv.10, 34-38; Mc.1, 7-11)

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Yêsu chịu phép rửa. Thêm một lần nữa Kitô-hữu nhận ra Đức Yêsu sống trọn thân phận con người, khi Ngài nhận mình đồng hàng với con người cần lòng thương xót của Thiên Chúa. Mặt khác, chính khi Ngài yêu thương và đồng hóa mình với anh em, thì Thiên Chúa xác chuẩn Ngài là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa. Ngài tỏ lộ chân tướng của Ngài qua hành vi và cung cách cư xử của Ngài.

i. Đức Yêsu chịu phép rửa

Đức Yêsu được sinh ra trong chuồng chiên cừu, lớn lên và làm việc tại Nazaret. Ngài ăn cùng thức ăn như họ, cùng hưởng bầu không khí như họ, hưởng một nền giáo dục như bao trẻ em làng Nazaret thời đó, đặc biệt nền giáo dục về tôn giáo. Đức Yêsu đã trưởng thành từ làng quê Nazaret, và là người Do Thái hoàn toàn. Khi nghe tin Yoan xuất hiện như một tiên tri, rao giảng mời gọi toàn dân nhận lãnh phép rửa diễn tả lòng sám hối để đón chờ Thiên Chúa can thiệp cứu dân Người, có lẽ Đức Yêsu đã xin phép mẹ Người, tới với Yoan xin ông thanh tẩy cho.

Đức Yêsu đã cùng với bao người Do Thái khác, lắng nghe Yoan giảng dạy, và lần lượt tới để được thanh tẩy trong dòng sông Yordan. Đức Yêsu đã sống như bao người trẻ khác ở Nazarét, và giây phút ở sông Yordan này, Đức Yêsu cho thấy Ngài chia sẻ thân phận con người hoàn toàn, Ngài là người giữa bao người, Ngài hành xử như tất cả mọi người.

Con người, với thể xác và linh hồn, là thực tại vô cùng cao quý. Con người được mời gọi vươn lên thành con người trọn vẹn, thành thánh, chia sẻ sự sống và hạnh phúc với Thiên Chúa. Con người hình thành chính mình qua cung cách cư xử và chọn lựa của mình. Qua hành vi “xin vâng,” Đức Maria trở nên con người tuyệt vời; qua cách hành xử “của ăn của Ta là làm theo Đấng đã sai Ta,” Đức Yêsu cho thấy Ngài là một với Thiên Chúa trong tất cả.

ii. Ngài vượt trên tôi, sao Ngài lại đến với tôi?

Theo đức tin của Kitô-hữu, Đức Yêsu là Ngôi Lời nhập thể, là Con Thiên Chúa giáng trần, là Đấng vô tội, vậy tại sao Ngài lại chịu phép rửa? Nếu bảo rằng Ngài chịu phép rửa để làm gương cho con người khi Ngài không cần phải chịu phép rửa, phải chăng hàm chứa nói Ngài “giả hình”, “làm bộ.” Khiêm nhường là sự thật, giả hình hay làm bộ, chẳng làm gương sáng cho ai, mà chỉ là gương xấu.

Đức Yêsu chịu phép rửa thống hối, vì Ngài cần phải chịu phép rửa. Đức Yêsu không làm bộ hay giả hình. Ngài chịu phép rửa, vì Ngài đại diện con người, Ngài mang nơi mình tội của tất cả con người, nên Ngài thống hối nhân danh tất cả con người: “đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” Ngài chịu phép rửa thống hối không phải vì Ngài, nhưng vì Ngài “gánh tội trần gian,” Ngài đại diện con người xin Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm của tất cả con người.

Yoan đã nói: “Sao Ngài lại đến với tôi? Tôi mới là người phải đến với Ngài chứ.” Yoan tiền hô đã nhận ra Đức Yêsu là con người đặc biệt, trổi vượt trên mình. Ngày nay, người ta nhận biết chân tính của Đức Yêsu nhờ ánh sáng biến cố phục sinh, nhưng ở thời điểm của Yoan tiền hô, người ta chưa biết điều này. Khi Yoan nhận ra mình “không đáng cởi dây giầy” cho Ngài, Yoan đang làm chứng cho thấy phần nào chân tướng của Đức Yêsu. Đức Yêsu là con người rất đặc biệt.

iii. Này là Con Ta rất yêu dấu

Đa số người ta hiểu rằng, Đức Yêsu biết mình là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể, nên Ngài biết hết mọi sự. Tuy nhiên có một số nhà thần học, và ngay cả một số tác giả tin mừng cho thấy Đức Yêsu chia sẻ trọn vẹn thân phận con người, nghĩa là, Ngài không biết trước mọi chuyện, có nhiều điều Ngài không biết. Những người này chủ trương, là người thì không ai biết tất cả tương lai mình, nếu Đức Yêsu biết trước hết mọi chuyện thì Đức Yêsu không chia sẻ trọn thân phận con người. Mà theo đức tin ki-tô, Đức Yêsu là người trọn vẹn, nên có nhiều điều Đức Yêsu không biết khi Ngài đang sống tại trần gian.

Là người, là chấp nhận đi trong đêm tối của đức tin. Như Abraham ra đi trong niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, cho dù không biết tương lai mình như thế nào, chỉ tin vào Thiên Chúa và lời hứa của Ngài mà cất bước ra đi. Đức Maria thưa tiếng “xin vâng,” cũng không biết rõ tương lai đời mình, chỉ tin tưởng rằng những gì Thiên Chúa phán với mình sẽ được thành sự. Đức Yêsu cũng không biết rõ tương lai đời mình, nên cũng phải sống trong niềm tin tưởng phó thác như bất cứ con người nào khác. Khi Đức Yêsu chịu phép rửa, là Ngài hành xử theo tiếng gọi của tình yêu, Ngài yêu thương con người đến độ muốn mang vác tất cả tội lỗi cho con người. Đây là một hành vi yêu thương và đẹp tuyệt vời, yêu thương con người ngay khi người tội lỗi: bất toàn và gian ác.

Thiên Chúa đã chuẩn nhận hành vi của Đức Yêsu: “Con là Con Ta rất yêu dấu, Ta hài lòng vì Con.” Theo tin mừng Mác-cô, tiếng này nói cho chính Đức Yêsu. Là người, Đức Yêsu cũng cần một lời chuẩn nhận của Thiên Chúa như bao người khác cần Thiên Chúa chuẩn nhận khi họ được sai gởi thi hành ý định của Thiên Chúa. Hành vi của con người diễn tả chân tướng của họ. Qua hành vi “chịu phép rửa” này, Đức Yêsu biểu lộ chân tính của Ngài: Con Yêu Quý của Thiên Chúa. Đức Yêsu tiếp tục sống, và qua chính cung cách hành xử “yêu thương đến hiến dâng chính mạng sống mình,” Đức Yêsu cho thấy tình yêu của Ngài đối với con người, và cũng mặc khải tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn nghĩ sao về quan điểm: con người hình thành chính mình qua cung cách hành xử và chọn lựa của mình?

2. Bạn có thể trở thành người tuyệt vời không? Bằng cách nào?

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

[email protected]