HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

Chúa Nhật thứ ba mươi ba thường niên, năm B
Lễ Trọng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
(2Mcb.7, 1.20-23.27b-29; Rm.8, 31b-39; Lc.9, 23-26)

Tử đạo, là từ ngữ dịch của chữ martuV, marturew (martus, martureô), có nghĩa là chứng nhân, làm chứng. Các vị tử đạo là những chứng nhân, những người đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng cho điều mình tin, điều mình biết và nói. Trong cuộc sống, người ta có thể chỉ trời chỉ đất để thề điều người ta nói là sự thật; nhưng lời chứng đáng tin nhất là lời chứng của kẻ dám lấy chính mạng sống của mình làm bảo đảm.

i. Hiện hữu một Thiên Chúa tình yêu

Các vị tử đạo làm chứng cho điều gì? Các vị tử đạo Việt Nam là những người bị buộc phải bỏ đạo nếu không họ sẽ bị tra tấn và bị giết. Những người muốn các ngài bỏ đạo không có cùng niềm tin với các ngài; những người này không biết như các ngài đã biết. Không chắc rằng những người có quyền thế này không tin có một Đấng tối cao vượt trên tất cả mà tất cả mọi loài phải kính tôn thờ phượng. Có lẽ những người có quyền thế này hiểu lầm, cho rằng các ngài là những người không tốt, cho rằng các ngài bị mê hoặc để tin theo một tôn giáo dạy điều xằng bậy, hoặc một tổ chức gây phương hại đến sự tồn vong của đất nước.

Khi trung thành với chính mình, trung thành với đức tin, trung thành với Thiên Chúa mà các ngài tôn thờ, các vị tử đạo cho tất cả mọi người, kể cả những người bắt bớ các ngài thấy rằng, có một điều gì quý trọng hơn cả mạng sống. Có một thực tại nào đó mà các ngài sẵn sàng chết vì thực tại đó, có một Đấng nào đó mà các ngài đã cảm nghiệm, đã biết một cách thâm sâu và có tương quan thân thiết; vì nếu không như vậy thì tại sao các ngài đã dám bỏ cả mạng sống mình, bỏ tất cả kể cả những người thân yêu vì Đấng đó!

Đành rằng có nhiều người chết vì ý thức hệ, nhưng những người chết vì đạo là những người chết cho tình yêu, không thù hận những người giết hại mình, ngược lại, các ngài là những kẻ cầu nguyện và muốn điều tốt lành cho mọi người, ngay cả những kẻ hãm hại mình. Chính tương quan với Đấng Siêu Việt đã làm các ngài có cách cư xử khác với những người chết vì ý thức hệ hay tham vọng trần gian. Các vị tử đạo làm chứng hiện hữu một Đấng Thiên Chúa yêu thương, và các ngài sẵn sàng đánh đổi tất cả để được chia sẻ sự sống với Người. Thiên Chúa đang mời gọi các ngài bước lên, chấp nhận tất cả vì tình yêu, vì sự thật, vì Thiên Chúa tình yêu.

ii. Niềm vui và bình an của các chứng nhân anh dũng

Các chứng nhân đã dám hy sinh chính mạng sống để sống trung thực với chính mình, và qua đó cho con người của mọi thời đại thấy rằng, có một điều gì đó siêu vượt và đặc biệt, đã làm các ngài dám hiến chính mạng sống mình. Đã là người, ai không sợ đau đớn và gian khổ, ai không sợ chết, ai không muốn được sống gần những người thân yêu của mình, nhưng các ngài đã vượt lên trên những gì tự nhiên đó, các ngài đã chấp nhận bị hành hạ và ngay cả cái chết. Nơi các ngài, người ta còn nhận ra có một sự an bình nào đó mà những người ghét các ngài không thể làm mất được.

Đứng trước các ngài, những người quyền thế hành hạ các ngài vẫn như là những kẻ thua cuộc. Trước một phụ nữ chân yếu tay mềm như thánh Anê Lê Thị Thành, các quan quyền với những tra tấn vẫn không thể thắng được bà. Qua bà, người ta nhận thấy một sức mạnh siêu vời tiềm ẩn mà thế gian không thể thắng được. Người ta có thể lấy mạng sống của bà, nhưng người ta vẫn là kẻ thua. Những người bị giết chết lại là những người bất khả bại. Dưới một khía cạnh nào đó, tra tấn hành hạ và ngay cả giết người, là dấu chỉ bất lực của sự dữ và những người theo sự dữ.

Giữa những đau đớn của thân xác mà con người không thể tránh được, người ta vẫn nhận ra nơi các chứng nhân tử đạo một niềm tin niềm vui và một sức mạnh vô hình. Ngay lúc chết, các chứng nhân mục kích tường thuật, các ngài vẫn luôn kêu tên Yêsu, điều này cho thấy tình yêu của các ngài đối với một Đấng đặc biệt, Đấng mà vì Ngài mà các chứng nhân tử đạo đã dám hiến chính mạng sống, và sẵn sàng mất tất cả vì Ngài. Niềm vui, bình an và khao khát siêu nhiên đã làm các ngài chiến thắng tất cả. Ngay cả giữa những đau khổ thể xác, các ngài vẫn cho thấy có niềm tin niềm vui và hy vọng tràn ngập lòng các ngài.

iii. Cuộc chiến vẫn tồn tại mỗi ngày nơi mỗi người

Ngày nay không còn nhiều những cơ hội thách đố tín hữu phải chết vì đức tin, nhưng con người của mọi thời đại đều phải đối diện với những cám dỗ hướng về những thực tại trần thế, khuynh chiều chỉ muốn sống riêng cho mình bằng cách thỏa mãn quyền lợi và ham muốn thể xác. Con người phải chọn lựa sống tốt lành hay vi phạm quyền lợi và nhân phẩm của người khác, chọn tôn trọng tha nhân hay thỏa mãn xu hướng ích kỷ của mình.

Ngày nay, thân xác và những khuynh chiều của thân xác vẫn luôn hiện diện với con người: bao nhiêu người đã chọn vật chất trần gian như tiền bạc danh vọng, bao nhiêu người đã chọn đề cao chính mình và những quyền lợi của họ cho dù chà đạp nhân phẩm. Ngày nay, con người vẫn được mời gọi để vươn lên từng ngày: con người được mời gọi tôn trọng phẩm giá của tha nhân cũng như của chính mình; con người được mời gọi tôn trọng quyền lợi của tha nhân được diễn tả qua việc tôn trọng công bình; con người được mời gọi sống ơn gọi làm người, ơn gọi yêu thương tha nhân như chính mình, và hơn nữa, yêu thương tha nhân như chính Đức Yêsu đã yêu thương.

Vượt qua chính mình với những khuynh chiều của thể xác, là một hành vi cao thượng. Con người phải chết mỗi ngày cho những khuynh chiều vật chất nơi mình. Làm như vậy, con người cũng trở thành chứng nhân “tử đạo”: làm chứng  có một đời sống mai hậu, hiện hữu một Tuyệt Đối đằng sau những thực tại hữu hình mau qua này. Con người được mời gọi làm cho thế giới này tươi đẹp hơn bằng những hành vi yêu thương tha nhân đồng loại. Kitô hữu Việt Nam hôm nay được mời gọi sống sao cho xứng với các bậc cha anh, những người đã hiến thân làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn có tự hào vì là người Việt Nam không? Tại sao có? Tại sao không? (Một số người trẻ Việt Nam sinh tại ngoại quốc có mặc cảm tự ti vì là người Việt Nam. Chỉ có một số thôi, không phải tất cả!).

2. Bạn có tự hào về các bậc cha anh tử đạo không? Bạn tự hào vì điểm gì?

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

Chúc bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]