HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

ĐỨC YÊSU- ĐẤNG CÓ QUYỀN THA TỘI

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

Chúa Nhật Thứ Bảy Thường Niên, năm B

(Is.43, 18-19. 21-22. 24-25; 1Cor.1, 18-22; Mc.2, 1-12)

Đức Yêsu nói với người bất toại: “tội anh đã được tha.” Các luật sĩ phản đối: “Tại sao người này nói như vậy? Anh ta lộng ngôn phạm thượng. Không ai có quyền tha tội ngoại trừ Thiên Chúa.” Đức Yêsu là ai mà nhận mình có quyền tha tội? Đây là một mặc khải nếu người ta đặt mình trong hoàn cảnh của những người đương thời không biết Đức Yêsu là ai.

i. Tội làm tổn thương và hủy diệt tương giao

Trong trình thuật tội đầu tiên của con người (St.3, 1-19), tội không chỉ là không vâng lời ăn một trái cây bị cấm, mà còn là hành vi không tin Thiên Chúa yêu thương mình, muốn độc lập với Thiên Chúa. Hành vi tội làm tổn thương chính người phạm tội. Hành vi ca ngợi Thiên Chúa không thêm gì cho Thiên Chúa (kinh Tiền Tụng Chung số 4) nhưng làm cho người ca tụng Thiên Chúa được thêm ân sủng; tương tự vậy, hành vi phạm tội không làm tổn hại được Thiên Chúa nhưng làm thương tổn kẻ phạm tội. Tội không làm thương tổn Thiên Chúa nhưng lại hủy diệt tương quan giữa con người với nhau và giữa con người và Thiên Chúa. Sau khi phạm tội, Adam đã đổ lỗi cho Evà, người mà trước khi phạm tội ông đã rất yêu mến và là hạnh phúc của ông. Sau khi phạm tội, cả Adam lẫn Evà đều đã trốn Thiên Chúa khi Ngài đi dạo trong vườn.

Một hành vi đã được thực hiện, thì nó có đó và không ai làm nó mất được. Một hành vi của một người xúc phạm đến một người, thì dù người đó hối hận đến đâu, thì nó cũng đã xảy ra rồi và không ai có thể làm nó mất được. Chẳng hạn ai đó giết một người, thì dù người đó có hối hận đến đâu, cũng chẳng làm người kia sống lại được. Tuy nhiên, lòng hối hận có thể làm cho người đó được ơn tha thứ. Ơn tha thứ có thể đến từ chính người đã bị thương tổn, hoặc người thân của người bị thương tổn, hoặc Thiên Chúa và chính người lầm lỗi phạm tội. Người bị xúc phạm có thể không tha thứ; người phạm tội cũng có thể không tha thứ cho chính họ; nhưng Thiên Chúa là Đấng yêu thương, Ngài luôn tha thứ cho con người khi con người hối hận. Khi nói Thiên Chúa luôn tha thứ cho con người, cũng vẫn phải hiểu, đó là hành vi tự do và tình yêu của Thiên Chúa, chứ không phải là chuyện “tự nhiên.”

Tiên tri Isaia cho thấy, chính Thiên Chúa xóa bỏ tội của Israel và không còn nhớ đến tội của Israel nữa (Is.43, 25). Hậu quả của việc tha thứ là không để hành vi phạm tội của ai đó ảnh hưởng đến mình và tương quan của mình đối với người đó nữa. Tha thứ cho ai, không đòi phải phủ nhận hành vi tội của người đó, cũng không nhất thiết phải quên hẳn như thể nó không hiện hữu, nhưng chủ yếu là không để hành vi đó dằn vặt hoặc tiếp tục làm tổn thương mình, cũng như không để nó làm tổn thương người đã có hành vi phạm tội. Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài không muốn con người đau khổ, Ngài tha thứ cho con người, để hành vi phạm tội của người đó không còn làm tổn thương người đó nữa.

ii. Người phạm tội hủy diệt chính mình

Người gây tổn thương người khác lại là người đang làm tổn hại chính họ. Phạm tội, ngay cả những hành vi như thể không làm tổn hại ai, chẳng hạn như hành vi ly dị, thì cũng làm tổn hại người khác như con cái và những người thân yêu thương họ. Hành vi tội, phạm đến chính mình, cũng làm mình không triển nở, không đạt tới mức độ Thiên Chúa muốn, và nhiều ít cũng làm tổn thương tha nhân qua cách cư xử của mình.

Một người bị xúc phạm nhưng không phản ứng phạm tội trở lại, thì không bị tổn thương ngay cả khi người khác cố tình làm hại họ. Không chỉ Thiên Chúa là Đấng không bị tổn thương khi con người phạm tội xúc phạm đến Ngài, nhưng cả những người thuộc về Ngài, những người không phạm tội khi bị xúc phạm, thì một khía cạnh nào đó cũng là những người không bị tổn thương cho dù thể lý có thể bị tổn hại. Hành vi tội không thể làm tổn hại một người công chính, mà chỉ làm tổn hại chính những kẻ phạm tội mà thôi.

Tội gây thương tổn tương quan giữa con người, và làm tổn hại tương quan của con người đối với Thiên Chúa. Tuy nhiên, chính những người phạm tội mới là những người bị tổn thương. Những người công chính, tuy dù các ngài bị tra tấn và thậm chí ngay cả bị giết, thì thật sự các ngài cũng vẫn là những người bất khả bại. Chẳng hạn nơi các thánh tử đạo, vì không thể làm các ngài đổi ý được, nên người ta đã giết các ngài. Hành vi giết các ngài cho thấy những kẻ bách hại bất lực. Thái độ của các ngài đối với những kẻ bách hại, vẫn là yêu thương và tha thứ. Yêu thương, là thái độ của người dũng mạnh, của người chiến thắng cho dù thể xác có bị giết. Tội, là dấu chỉ và hậu quả của người yếu và thất bại.

iii. Phép lạ để chứng mình lời nói Đức Yêsu là đúng sự thật

Đức Yêsu đã chữa lành một người bất toại. Tuy nhiên điều được lưu ý đặc biệt hôm nay là Đức Yêsu có quyền tha tội. Đức Yêsu đã nói với người bất toại: “tội con đã được tha.” Theo quan niệm của người Do Thái, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội, tại sao Đức Yêsu lại nói với người này “tội con đã được tha.”

Có thể Đức Yêsu phạm thượng lộng ngôn, nhận mình có thể làm điều mình không được phép làm hoặc không thể làm, như những luật sĩ hiện diện đã đang suy nghĩ. Đức Yêsu biết điều đó, và Ngài biết tại sao họ suy nghĩ như vậy. Đức Yêsu hỏi họ: “theo các ông, nói thế nào dễ hơn: nói “tội con đã được tha” hay nói “hãy đứng dậy vác chõng mà đi”?” Nói “tội con đã được tha” khó hơn vô cùng lần, vì “chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội.” Đức Yêsu đồng ý với các luật sĩ rằng, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Tuy nhiên, Ngài thấy Ngài có quyền tha tội, và Ngài đã nói “tội con đã được tha.” Khi Ngài nói với những bất toại: “hãy đứng dậy vác chõng mà về,” và điều này xảy ra thực, hàm chứa lời nói trước của  Ngài “tội con đã được tha” là đúng sự thật.

Nếu chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội, mà Đức Yêsu có quyền tha tội, vậy Đức Yêsu là ai? Ngài là một tiên tri, và còn hơn là một tiên tri nữa. Ngài là Đấng Kitô, Đấng được xức dầu để thi hành sứ mạng Thiên Chúa trao phó như Môsê và Đavít xưa; nhưng có lẽ còn là Đấng đặc biệt hơn nữa. Ngài là ai mà có quyền tha tội, quyền mà chỉ Thiên Chúa mới có? Các nhà thần học sau này dùng từ ngữ “Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể” để chỉ chân tướng của Ngài.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Theo bạn, tội là gì?

2. Các linh mục có quyền tha tội không? Các vị này có quyền tha tội giống như Đức Yêsu không? Xin giải thích.

 

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

[email protected]