HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

ĐỨC YÊSU NHƯ CHÀNG RỂ

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

Chúa Nhật Thứ Tám Thường Niên, năm B

(Hs.2, 16.17.21-22; 2Cor.3, 1-6; Mc.2, 18-22)

Qua lịch sử dân Do Thái và đặc biệt qua Đức Yêsu, con người nhận ra giá trị đặc biệt của mình. Thiên Chúa chăm sóc từng người như đã từng chăm sóc dân Israel; Đức Yêsu là con người rất đặc biệt; Thiên Chúa đang hình thành mỗi người qua Thần Khí Đức Yêsu.

i. Khách dự tiệc cưới sẽ ăn chay khi chàng rể bị đem đi

Đức Yêsu đã trả lời những người tra vấn Ngài: “sau khi chàng rể đi rồi, những bạn của chàng rể sẽ ăn chay.” Thời gian 40 ngày trong mùa chay của Giáo Hội Công Giáo, thường được hiểu như hình bóng của 40 năm dân Do Thái đi trong hoang địa, 40 ngày chay tịnh cầu nguyện của Đức Yêsu trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng. Ăn chay phải diễn tả thái độ nội tâm của con người. Nếu một người ăn chay, mà không làm với thái độ sám hối, thì e rằng việc ăn chay không có ý nghĩa thật sự.

Đối với Kitô hữu, ăn chay thường đi liền với cầu nguyện. Ý thức mình tội lỗi, ao ước trở về thật sự với Thiên Chúa. Kitô hữu ăn chay để phần nào đền bù tội lỗi, hy sinh ăn uống để có tiền giúp đỡ tha nhân. Cầu nguyện như thái độ của tạo vật đối với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và yêu thương mình, như thái độ con cái đối với Cha mình. Cầu nguyện để nhận ra Thiên Chúa yêu thương mình, và mời mình mỗi ngày sống phó thác và an bình trong tình yêu của Ngài.

Với cái nhìn của tiên tri, thời gian dân Do Thái đi trong hoang địa là thời gian như thể Thiên Chúa dẫn người yêu vào nơi thanh vắng để tình tự. Thời gian đi trong hoang địa cho thấy Thiên Chúa săn sóc dân của Ngài một cách rất đặc biệt. Thiên Chúa nghe tiếng dân kêu than, nên qua Môsê Ngài đã giải phóng dân khỏi nô lệ bên Aicập, dẫn dân vào đất hứa qua hoang địa. Ngài nuôi dân bằng Manna từng ngày; Ngài cho cột mây che nắng cho dân ban ngày, cột lửa soi sáng cho dân ban đêm; Ngài bảo vệ dân khỏi bị tru diệt khi người Aicập săn đuổi khi cho họ đi qua biển đỏ khô chân. Trong thời gian nay, Thiên Chúa dạy dỗ dân, ban thập giới để hướng dẫn dân, điều khiển dân qua Môsê. Tuy dù Môsê lãnh đạo nhưng thực là Thiên Chúa dẫn dắt dân qua trung gian Môsê. Với cái nhìn của các tiên tri, đây là thời gian trăng mật giữa Thiên Chúa và dân Ngài.

ii. Đức Yêsu ý thức Ngài như chàng rể

Tin Mừng hôm nay cho thấy khi môn đệ của Yoan Tẩy Giả và những người biệt phái ăn chay, thì có một số người tới hỏi Đức Yêsu: “tại sao môn đệ của Yoan và của những người biệt phái ăn chay, còn môn đệ của thầy thì không?” Đức Yêsu đã trả lời họ: “làm sao những người phụ rể có thể ăn chay, khi chàng rể còn đang ở với họ?” Nhiều người tưởng rằng Đức Yêsu bênh các môn đệ của Ngài nên trả lời như vậy, nếu ai nghĩ như vậy thì họ sẽ không nhận ra được một mặc khải qua câu trả lời của Đức Yêsu.

Qua câu trả lời của Đức Yêsu, người ta nhận ra Ngài ý thức Ngài như “chàng rể,” một nhân vật rất quan trọng trong hôn lễ. Đây không chỉ là lần duy nhất Đức Yêsu ví mình như chàng rể. Ắt hẳn mỗi người cũng còn nhớ dụ ngôn mười cô trinh nữ, khi chàng rể đến những ai sẵn sàng đi vào phòng cưới và buổi tiệc bắt đầu (Mt.25, 1-13). Đức Yêsu là ai? Người ta có thể có những câu trả lời khác nhau về Ngài; và chính Ngài, Ngài cũng ý thức ngày càng rõ hơn Ngài là ai. Hôm nay, Đức Yêsu ý thức Ngài là nhân vật như chàng rễ trong một tiệc cưới. Chàng rể là nhân vật mọi người trong tiệc cưới phải chờ đón, và là người làm cho niềm vui của tiệc cưới được bắt đầu và hiện hữu.

Đức Yêsu là ai? Đức Yêsu là người như mọi người; và đã là người thì kiến thức mỗi ngày một tăng, ý thức về mình mỗi ngày một rõ hơn. Đức Yêsu trong cuộc sống, đã ý thức Ngài là con Thiên Chúa, là tiên tri, là Đấng Thiên Sai. Đức Yêsu là một người Do Thái, nên Ngài chia sẻ niềm tin của người Do Thái: Thiên Chúa là Đấng duy nhất (Đnl.6, 4). Thiên Chúa là Cha; Đức Yêsu khác Cha, nhưng lại là một với Cha (Ga.10, 30). Trong lịch sử Giáo Hội, có những người nhấn mạnh khía cạnh “con người” của Đức Yêsu quá, nên Giáo Hội đã khẳng định với công đồng Nicea: Đức Yêsu đồng bản tính với Thiên Chúa. Để hiểu đúng ý của lời giáo huấn này, nghĩa là, để hiểu đúng về Đức Yêsu, Kitô hữu cần hiểu lời khẳng định này trong bầu khí tranh luận về chân tính của Đức Yêsu. Tất cả những diễn đạt và giải thích, là để hiểu rõ về Đức Yêsu, về biến cố Yêsu Kitô.

iii. Qua Đức Kitô người ta nhận ra giá trị đích thực của con người

Không chỉ dân Do Thái, nhưng tất cả mọi người và cụ thể là mỗi Kitô hữu, là tạo vật vô cùng quý đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa săn sóc và muốn thân mật với mỗi người như xưa Ngài đã quan tâm, săn sóc, giải phóng và bảo vệ dân Do Thái. Thánh Phaolô dùng một ngôn từ khác để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và con người: “anh em là bức thư của Đức Kitô… được viết không phải bằng mực mà bằng Thần Khí của Thiên Chúa.”

Đức Yêsu, là dấu chỉ và là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa làm tất cả cho mọi người và từng người. Đức Yêsu là sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa trong công việc làm con người thuộc về Ngài, giúp con người hạnh phúc. Thiên Chúa trong thời xưa đã dùng các tiên tri để nói về tình yêu của Ngài cho dân, nhưng vào thời sau hết này, Ngài nói với con người qua Đức Yêsu Kitô.

Mỗi người là bức thư của Đức Yêsu, được Đức Yêsu viết bằng Thần Khí. Thiên Chúa, qua Đức Yêsu, đang viết bức thư là mỗi người. Con người được tất cả trong Đức Yêsu Kitô. Qua Đức Yêsu, người ta nhận ra giá trị đích thực của con người: con người biết Thiên Chúa yêu thương con người đến độ như thế nào. Và nếu Thiên Chúa yêu thương con người như vậy, con người có giá trị biết bao!

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Tước hiệu nào của Đức Yêsu bạn thích nhất? Xin cho biết lý do?

2. Theo bạn, con người ngày nay có cần ăn chay hãm mình đền tội không? Tại sao?

 

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

[email protected]