HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

PHÙ VÂN

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

Chúa Nhật thứ mười tám thường niên, năm C
(Gv. 1, 2; 2, 21-23; Cl.3, 1-5. 9-11; Lc.12, 13-21)

Tác giả sách Giảng Viên nghiên cứu những sự việc xảy ra trên đời, sau những năm tháng dài suy tư, Ngài nói: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv.1, 2). Thành công lẫn thất bại, danh thơm tiếng tốt cũng như những tài sản một người có thể có, cũng chỉ là phù vân. Vất vả cực nhọc làm việc, an nhàn hưởng thụ, cũng chỉ là phù vân. Tất cả đều qua đi, chẳng có gì tồn tại. Phù vân, tất cả chỉ là phù vân. Tất cả những gì con người vất vả lam lũ để có, hoặc chịu đựng, dường như chẳng có chi trường tồn.

Có nhiều người đi tìm tiền bạc chức quyền, tưởng rằng những điều đó đem lại cho con người hạnh phúc, nhưng họ khổ vẫn khổ. Có thể họ sung sướng thỏa mãn trong một thời gian, nhưng rồi sau đó lại thấy bất hạnh! Thành công cũng làm con người thỏa mãn trong một khoảng khắc nào đó, nhưng rồi tất cả cũng qua đi. “Nào ai giầu ba họ, nào ai khó ba đời!” “Dù ai ruộng sâu trái núi, đụn lúa kho tiền, bất qua cũng thủ tài chi lỗ.” Tiền bạc tài sản, tất cả sẽ qua đi. Kể cả mạng sống con người, cũng qua đi. Thời gian đưa tất cả đến chỗ “kết” của nó.

“Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi người mong được vào.” Danh lợi, tình tiền, bao nhiêu là mong ước, bao nhiêu là trói buộc! Tất cả đã qua đi, đang qua đi, và sẽ qua đi; dường như chẳng có gì tồn tại với con người. Người ham tiền bạc, có thể bị người khác dùng tiền bạc để điều khiển sai khiến; người ham công danh chức quyền cũng tương tự vậy, cũng có thể bị người khác chi phối điều khiển bằng cái mồi công danh. Người ham danh tiếng, bị cái sợ chi phối: sợ bị người khác hiểu lầm, sợ bị người này hiểu thế này thế kia, và họ trở thành nô lệ.

Đức Yêsu đã sống thân phận con người như tất cả và từng người chúng ta. Ngài đã thấy có những người quá lo cho cơm ăn áo mặc, lo đến độ sống bất an. Những người đó không tin rằng Thiên Chúa yêu thương họ; họ không tin rằng Thiên Chúa đã cho họ được sinh ra, thì Ngài cũng sẽ ban cơm ăn áo mặc cho họ và cho con cái họ. Dĩ nhiên, khi Thiên Chúa ban cho con người lý trí, là để con người có thể nhìn trước thấy sau, để họ có thể toan tính dự trù; điều đáng trách ở đây là họ làm như thể Thiên Chúa không yêu thương không quan tâm đến họ, nên họ lo lắng đến độ bất an. Với những người này, Đức Yêsu dạy họ: hãy tín thác nơi Thiên Chúa quan phòng (Mt.6, 25-34).

Tin mừng theo thánh Luca hôm nay cho thấy Đức Yêsu được một người xin Ngài can thiệp: “xin thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Có người lạc quan thấy rằng qua biến cố này, Đức Yêsu là người được tin tưởng và cậy nhờ; nhưng người khác cho rằng trong vụ việc này Đức Yêsu cũng chỉ là phương tiện mà thôi; đối với người xin Đức Yêsu can thiệp này, bất cứ ai giúp họ đạt được yêu cầu “được người anh chia gia tài” là anh ta có thể cậy nhờ. Chính Đức Yêsu cũng không hài lòng về điều này: “này anh, ai đặt tôi là người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Người ta quá bận tâm về tiền bạc, người ta tưởng rằng có của là có tất cả. Điều quan trọng người ta không lo tìm kiếm, mà lại quá bận tâm về những sự mau qua. Dụ ngôn người phú hộ cho thấy cái chết sẽ làm cho người ta nhận ra sự thật về con người. Cái chết giúp con người bình đẳng với nhau trước nhan thánh Chúa. Người ta không thể mang tiền của đi theo mình được; những gì người ta cố công thu góp lại để cho người khác hưởng. Danh tiếng một người sẽ được cái chết đưa vào dĩ vãng. Người chết chẳng nhận danh tiếng mà chỉ người sống mới có thể nhận lời ca tụng của người khác.

Mỗi người hãy sống hạnh phúc ngay từ giây phút này, không phải chờ tới tương lai hay ngày mai. Sống hạnh phúc chính hôm nay và ngay bây giờ, đó mới là điều quan trọng. Hạnh phúc tương lai một Kitô hữu mong đợi, cũng phải hàm chứa người đó bình an ngay giây phút này. Một Kitô hữu phải là người liên đới với mọi người, mong ước điều tốt cho mọi người và đặc biệt những người mình thương yêu, nhưng vẫn phó thác tất cả cho Thiên Chúa, có như vậy người đó mới có thể sống bình an và hạnh phúc thật sự. Kitô hữu phải xác tín, Thiên Chúa là Cha của tất cả, Thiên Chúa yêu thương tất cả và từng người, hơn bất cứ ai ở trần gian này. Chính Thiên Chúa sẽ lo lắng và săn sóc cho tất cả và từng người mà mình thương mến lo lắng. Nếu mình lo lắng quá đáng, là dấu chỉ cho thấy chưa nhận biết và tin vào Thiên Chúa là Thiên Chúa tình yêu.

“Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl.3, 1). Để có thể có được những gì tốt đẹp thường hằng, chúng ta cũng phải sống như Đức Yêsu Kitô. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống như có Thiên Chúa là gia nghiệp, như Thiên Chúa là tất cả cho mình, nghĩa là, Thiên Chúa là gì quý nhất mà mỗi người chúng ta ao ước và khao khát. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống theo ơn gọi và bản tính của con cái Thiên Chúa, vì mỗi người chúng ta là con cái Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy” (1Ga.4, 16). Chúng ta được mời gọi để sống yêu thương, để muốn điều tốt cho người khác, để tôn trọng tự do của mỗi người, để thương yêu và giúp đỡ những người cần đến sự giúp đỡ của mỗi người chúng ta.

Gia nghiệp của Kitô hữu, là chính Thiên Chúa và những người mà mình đã cộng tác với Thiên Chúa để giúp họ có Thiên Chúa là tất cả. Yêu thương như Đức Yêsu đã yêu thương. Đức Yêsu là mẫu gương, là lý tưởng sống, là thần tượng của mỗi Kitô hữu. Con người khi chưa được hiện hữu thì chưa có, nhưng một khi đã được hiện hữu thì tồn tại mãi mãi. Tất cả những sự trần gian sẽ qua đi, nhưng Thiên Chúa thì vĩnh cửu, và con người còn mãi với Thiên Chúa. Nếu chúng ta cùng cộng tác với Thiên Chúa, giúp cho một người nhận ra sự thật về chính họ, giúp họ sống an bình hạnh phúc, giúp họ thuộc trọn vềThiên Chúa và trở thành tình yêu của Thiên Chúa cho người khác, thì sự nghiệp của chúng ta tồn tại mãi mãi. Yêu thương Thiên Chúa và con người, là đang tạo cho mình một gia tài tuyệt vời và vĩnh cửu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn mong ước thành người thế nào trong tương lai? Theo bạn mơ ước, sự nghiệp của bạn sẽ là gì?

2. Sự nghiệp của ba mẹ bạn là gì? Sự nghiệp của vua Quang Trung là gì? Sự nghiệp của vua Gia Long là gì?

3. Theo bạn, sự nghiệp của Đức Maria là gì?

4. Sự nghiệp của Đức Yêsu là gì?

 

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

Chúc bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]