14 CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

NIHIL OBSTAT: 22–02–2023

Phanxicô Xaviê Nguyễn Hai Tính, SJ

Censor Librorum

IMPRIMI POTEST: 27–03–2023

Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ

Giám Tỉnh Dòng Tên

© Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

Dẫn nhập

Cộng đoàn dân Chúa rất thân mến,

Chặng đàng thánh giá năm nay trở nên đặc biệt khi chúng ta cùng bước đi với Lời của Chúa, với chính Thầy Giêsu. Vì yêu thương, Chúa Giêsu sẵn sàng bước vào con đường thương khó và chịu chết để cứu độ từng người. Hãy để cho Lời Chúa hướng dẫn chúng ta bước đi trên 14 chặng đàng thánh giá này. Khi ấy, không chỉ chúng ta hiện diện với Chúa, nhưng còn để sứ điệp Tin Mừng trở nên ngọn đèn soi cho mỗi người bước đi trên hành trình dương thế (x.Tv 118,105). Vì lý do này, trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Giáo Hoàng nhắn với mỗi người: chúng ta cần lắng nghe Chúa Giêsu[1].

Hơn nữa, lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho năm 2023 này là củng cố sự hiệp thông[2], vốn chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Trên con đường này, chính Thiên Chúa sẽ dẫn mỗi người bước đi cùng nhau với con tim rộng mở yêu thương: yêu Thiên Chúa, thương con người.

Dĩ nhiên chúng ta cũng xin Chúa Thánh Thần dẫn bước vào những chặng đàng thánh giá sắp tới với nhiều tâm tình thiêng liêng.

 Chặng 1:

Phi-la-tô Kết Án Chúa Giêsu

Lời Chúa theo thánh Mác-cô:

Ông Phi-la-tô lại hỏi: “Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do Thái?” Họ la lên: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Phi-la-tô lại hỏi: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!”. (Mc 15,12-13).

– Suy ngắm:

Kể từ giây phút này, Chúa Giêsu chính thức bước lên ngọn đồi Canvê. Chúng ta không nghe Đức Giêsu nói lời nào trong khoảnh khắc đón nhận bản án này. Nếu có mặt trong thời khắc ấy, chúng ta cũng có thể đồng cảm với nỗi đau của Ngài.

Chúa Giêsu không nói gì, nhưng chỉ một lòng vâng theo thánh ý Chúa Cha. Ý định ngàn đời của Ngài là gửi Con Một xuống thế làm người để yêu thương và cứu độ con người (Ep 1,5). Vậy là với bản án của Phi-la-tô hôm nay, Ngôi Lời Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá. Có lẽ lúc này Chúa Giêsu chỉ còn biết nhìn xung quanh với lời mời gọi thống thiết: “Phần anh chị em, hãy theo Thầy.” (Lc 22,31-32).

– Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con được Lời Ngài hướng dẫn để có thể hiệp hành trong yêu thương. Trong tiến trình này, đôi khi ngôn ngữ của cử chỉ và hành động lại trở nên quan trọng hơn lời nói. Ước gì Lời Chúa thấm vào cuộc sống của mỗi người chúng con. Với Lời Chúa, chúng con hiểu rằng: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”[3]. Xin Ngôi Lời của Chúa nhìn đến chúng con ở đây và lúc này. Amen.

 Chặng 2:

Chúa Giêsu Vác Thập Giá

– Lời Chúa theo thánh Gioan:

“Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha.” (Ga 19,17).

– Suy ngắm:

Đó là buổi chiều với nhiều hoang mang dành cho các môn đệ khi thấy Thầy mình phải vác thập giá nặng nề. Theo luật hình sự ngày ấy, thập giá là nỗi sỉ nhục, là án tử ghê rợn dành cho những phạm nhân. Chúa Giêsu vô tội (x. Hr 4,15), nhưng vì yêu thương con người, Ngài đã đón lấy khúc gỗ sần xùi ấy đặt lên bờ vai đang còn rướm máu, vì roi đòn trước đó.

Hình ảnh này gợi nhớ lại biết bao lần Đức Giêsu nói về thập giá. Đó là những đau khổ mà chính Chúa Giêsu muốn chia sẻ với phận người chúng ta. Ngôi Lời đến ở giữa chúng ta. Ngài không giải thích về khổ đau, nhưng đón lấy đau khổ. Trái tim Chúa Giêsu biết bao lần rung động và chạnh lòng với khổ đau của ta. Ngài đã làm nhiều phép lạ để giải thoát con người khỏi đau thương.

Chính lúc này, Chúa Giêsu như thể đang nói với tôi, với từng người trong chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Theo Lời này của Chúa, chúng ta xin ơn sức mạnh để vác thập giá đời mình cho đến cuối con đường.

–Cầu Nguyện:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, muôn đời chúng con sẽ không hiểu hết về thập giá. Tiếc là đau khổ cứ theo chúng con hệt như cái chết mà chính Chúa Giêsu lúc này cũng đang đối diện. Xin Lời của Ngài vực dậy tinh thần để chúng con dám sống với khổ. Xin cho chúng con biết rằng mình phải vác thập giá chứ không được kéo lê, và phải đón nhận thập giá như kho tàng quý giá, chứ không phải như một gánh nặng. Chỉ nhờ thập giá mà chúng con mới có thể nên giống như Chúa Kitô[4]. Amen.

 Chặng 3:

Chúa Giêsu Ngã Xuống Đất Lần Thứ Nhất

– Lời Chúa theo thánh Mát-thêu:

“Khi nghe tiếng Chúa Cha, các môn đệ “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Chúa Giêsu lại gần, chạm đến các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Chúa Giêsu mà thôi.” (Mt 17,6-8).

– Suy ngắm:

Những lời trên đây gợi nhớ lại bối cảnh Đức Giêsu hiển dung (x. Mc 9,2-10). Lần đó Chúa Giêsu biến hình, tỏ lộ vinh quang quyền năng sáng lạn của Ngài trên núi Ta-bor. Trước vinh quang đó, các môn đệ sợ đến nỗi không đứng vững.

Còn lúc này, Chúa Giêsu của chúng ta đang ngã xuống đất lần thứ nhất. Với sức nặng của thập giá, giữa dòng người chen lấn, Đức Giêsu đã ngã nhoài. Từ lần ngã này, Đức Giêsu muốn Lời Chúa thấm vào tận ngóc ngách cuộc đời của chúng ta. Đức Giêsu cũng cho thấy Lời Chúa không chỉ ở trên cao, nhưng còn xuống thấp, đến gần với cuộc đời của từng người.

– Cầu nguyện:

Lạy Ngôi Lời hằng sống, đã bao lần chúng con cho rằng Lời Ngài quá xa vời. Suy nghĩ ấy khiến chúng con tự cách xa Thiên Chúa, giữ khoảng cách với Lời cứu độ. Lúc này đây, Ngài đã đi vào những khốn khổ của phận người. Ngài ở cùng chúng con, để Lời Chúa cũng vực dậy, nâng chúng con đứng lên đi tiếp. Xin giúp chúng con đừng bao giờ bỏ cuộc trước những thách đố và khổ đau. Amen.

 Chặng 4:

Chúa Giêsu Gặp Đức Mẹ

– Lời Chúa theo thánh Luca:

 “Sau đó, Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ Ngài, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2,35).

– Suy ngắm:

Mẹ Maria cố gắng chen qua đám đông để được gặp người Con mà Mẹ hằng yêu mến. Lần gặp này tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để cả hai được tiếp thêm sức mạnh. Hẳn là lúc này, biết bao kỷ niệm tràn về với Mẹ Maria và Đức Giêsu. Từ biến cố truyền tin cho đến giây phút hiện tại, Mẹ Maria với Chúa Giêsu như hình với bóng. Biết bao Lời của Đức Giêsu đã thủ thỉ với Đức Mẹ. Mẹ muốn nhớ và suy đi nghĩ lại trong tâm tình cầu nguyện! Càng nhớ, Mẹ càng thương Đức Giêsu; càng nhớ, nước mắt Mẹ càng tuôn rơi vì thương con mình đang phải chịu cực hình. Tuy nhiên, Mẹ hằng tin tưởng vào Lời của con mình rằng: “Rồi đây nhân loại sẽ được cứu độ.”

  – Chúng ta cùng cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, trong tiến trình hiệp hành này, lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim chúng con rộng mở, bỏ đi những thành kiến. Trước hết, xin Mẹ giúp chúng con biết lắng nghe và hằng ghi nhớ Lời Chúa; và sau là giúp chúng ta biết lắng nghe nhau.

Xin thôi thúc những vị chủ chăn cũng biết lắng nghe giáo dân, đặc biệt là những người nghèo khổ, yếu thế cô thân. Khi đó, Mẹ con chúng ta cũng được gặp Thiên Chúa, và gặp gỡ nhau trong tình yêu thương chia sẻ. Amen.

 Chặng 5:

Ông Simon Vác Đỡ Thập Giá

– Lời Chúa trong Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát:

 “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô.” (Gal 6,2).

– Suy ngắm:

Càng bước đi, Đức Giêsu càng yếu dần, nhưng Ngài không bỏ cuộc. Quân lính cảm thấy cần ai đó giúp Đức Giêsu, nên gọi một người đang đứng bên lề đường. Tên ông ấy cũng được Tin mừng nhắc đến, đó là Si-mon ở thành Ky-rê-nê. Ông “vô tình” được cộng tác với chương trình cứu độ của Đức Giêsu.

Lúc này, Đức Giêsu cảm ơn Si-mon đã giúp đỡ. Chính Si-mon từ từ vượt qua mặc cảm để tự nguyện vác thập giá cùng với Chúa Giêsu. Thập giá nhẹ hơn rất nhiều khi hai người cùng vác. Đây là Lời Thiên Chúa hằng nhắn nhủ cho mỗi người trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu: “Các con hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10,29-37). Nghĩa là bên cạnh chúng ta còn nhiều người đang cần trợ giúp.

– Cầu nguyện:

Lạy Cha nhân lành, quảng đại giúp đỡ tha nhân thường là thách đố với mỗi người chúng con. Trên chặng thập giá này, ông Si-mon đã giúp chúng con can đảm hơn, dấn thân hơn để vươn đến những ai đang cần chúng con giúp. Ước sao chúng con nghe được những lời cầu xin của biết bao người. Khi đó: “Lời cầu xin của họ được lắng nghe, những khó khăn của họ nhận được sự trợ giúp, tấm lòng quảng đại sẵn sàng của họ được đề cao, phẩm giá của họ được Thiên Chúa nhìn nhận và được cộng đồng phục hồi.”[5] Amen.

 Chặng 6: Bà Vêrônica Lau Mặt Chúa Giêsu

– Lời Chúa theo thánh Mát-thêu:

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40).

– Suy ngắm:

“Thưa thầy, xin cho con được lau mặt của thầy!” Đó là lời của một phụ nữ đang giúp Đức Giêsu trên con đường thương khó. Chẳng ai biết tên của bà, nhưng vì tấm khăn bà lau mặt Đức Giêsu mà người đời sau gọi tên bà là Vêrônica, nghĩa là “chân dung đích thực phản ảnh gương mặt Thầy Giêsu.”[6]

Nếu phải xem ai là mẫu gương giúp tha nhân tốt nhất, chúng ta phải nhớ đến bà Vêrônica. Lý do là “mỗi lần chúng ta thực thi bác ái với những người nghèo khổ, người cần sự giúp đỡ, là chúng ta đang làm cho Đức Kitô” (x. Lc 10,37). Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ có Giáo hội của niềm vui, một Giáo hội của người nghèo và một Giáo hội rắc gieo men công lý, tình huynh đệ, với hy vọng chắc chắn về trời mới đất mới nơi khuôn mặt của Đức Giêsu[7].

– Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu nhân lành, chúng con phải làm gì để được sự sống đời đời? Câu hỏi quan trọng này giúp chúng con vừa chú tâm dành thời gian để sẵn lòng gặp gỡ người khác, vừa để mình bị chất vấn bởi những ưu tư của họ. Trong Tin mừng, Chúa không xa cách, không tỏ ra bực bội hay khó chịu khi bị làm phiền. Ngược lại, Ngài luôn muốn gặp gỡ con người, gặp gỡ các khuôn mặt, đón nhận những ánh mắt, chia sẻ chuyện đời của mỗi người chúng con. Trong Tin Mừng, chúng con thấy Ngài không vội vã bước đi. Ngài không nhìn đồng hồ để mau chóng kết thúc cuộc trò chuyện. Ngài luôn phục vụ người đối diện, lắng nghe những gì họ nói[8]. Chúng con muốn bắt chước Ngài khi gặp ngỡ nhau. Amen.

 Chặng 7: Chúa Giêsu Ngã Lần Thứ Hai

– Lời Chúa theo thánh Mát-thêu:

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,29-30).

–  Suy ngắm:

Càng bước đi, sức Thầy Giêsu càng yếu dần. Ngài đã ngã xuống đất lần thứ hai. Lần ngã này đau hơn lần trước, nhưng Ngài không bỏ cuộc. Một tay chống xuống đất, tay kia ôm nghì thập giá. Ngài đứng lên đi tiếp.

Chiêm ngắm Đức Giêsu lúc này, chúng ta thêm xác tín rằng: “Mục đích của hiệp hành là để gieo mầm ước mơ, rút ra các lời tiên tri và thị kiến, cho phép hy vọng nảy nở, khơi dậy niềm tin, băng bó các vết thương, cùng nhau đan kết các mối tương quan, đánh thức bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và mang lại một khả năng sáng tạo giúp khai mở trí tuệ, sưởi ấm trái tim, tiếp thêm sức mạnh cho đôi tay.”[9] Lời Chúa hay mẫu gương của Đức Giêsu lúc này thôi thúc tâm trí mỗi người dấn thân.

–Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, trên lộ trình hiệp hành, ngay cả khi Thiên Chúa ban cho chúng con ân sủng của một số trải nghiệm hiệp thông mạnh mẽ, ước mong chúng con đừng ảo tưởng là mình đã đến đích. Mỗi khi gặp khó khăn, xin Chúa lặp lại với chúng con lời này: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”. Khi đó, chúng con sẽ là “những nghệ nhân của tính hiệp hành” trong cuộc sống thường ngày tại các cộng đoàn của chúng con[10]. Amen.

 Chặng 8:

Chúa Giêsu An Ủi Con Cái Thành Giêrusalem

– Lời Chúa theo thánh Luca:

“Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc, thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28).

– Suy ngắm:

Trên chặng đường này, Đức Giêsu gặp một số phụ nữ Giêrusalem. Họ là những phụ nữ ở Giêrusalem thường mang thuốc giảm đau và an thần đến cho những người bị hành quyết uống. Khi gặp họ, Đức Giêsu đã nói những lời an ủi trên đây.

Trong năm Giáo hội khuyến khích chúng ta đọc Thánh Kinh, ước gì Lời này của Chúa cũng tác động đến từng người. Chúng ta hãy khóc thương cho thân phận tội lỗi yếu đuối của mình. Những giọt nước mắt hối hận sẽ giúp chúng ta cùng nhau hàn gắn các vết thương. Đó có thể là những nỗi đau giữa mục tử với đoàn chiên, giữa các nhóm nhỏ với nhau, hoặc xảy ra trong các thành viên nơi gia đình.

Chiêm ngắm Đức Giêsu lúc này, chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Chúa ban ơn hoán cải và xức dầu bên trong mỗi người để có thể biểu lộ sự hối lỗi trước tội mình đã phạm, và can đảm quyết tâm chống lại những cám dỗ của kẻ thù[11] .

–Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, “dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.” Xin thôi thúc chúng con đến với Lời Chúa. Có thể lúc đầu hơi khó, nhưng với ơn Chúa giúp, chúng con hy vọng mình dám mở cuốn Kinh Thánh ra để tập đọc, tập lắng nghe và tập cầu nguyện với Thiên Chúa. Xin tiếp tục an ủi và dạy bảo chúng con sống theo bức thư tình Kinh Thánh[12] mà chính Thiên Chúa viết cho chúng con. Amen.

 Chặng 9:

Chúa Giêsu Ngã Lần Thứ Ba

– Lời Chúa theo thánh Gioan:

Đức Giêsu hỏi ông Si-môn Phêrô: “Này anh Si-môn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” (Ga 21,15).

–Suy ngắm:

Chúng ta cảm ơn Thiên Chúa đã đến để chăm sóc mỗi người như mục tử tốt lành. Lúc này Mục tử Giêsu của chúng ta ngã xuống đất lần thứ ba. Những vết thương va vào đất đá càng khiến máu chảy ra thêm. Ngài đau… nhưng không một lời oán trách.

Có lẽ lần ngã này Đức Giêsu muốn ôm lấy các mục tử của Chúa đang có những lỗi lầm. Chính Chúa Giêsu muốn đi vào tận nỗi đau của các mục tử để đưa họ về với Chúa Cha. Khi chiêm ngắm Mục Tử Giêsu gương mẫu tốt lành, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn cho các mục tử rằng:

“Toàn thể Hội thánh được mời gọi giải gỡ gánh nặng của nền văn hóa thấm nhiễm chủ nghĩa giáo sĩ trị do lịch sử để lại, cùng với những thói tục thi hành quyền bính để mọi thứ lạm dụng khác như: quyền lực, kinh tế, lương tâm, tình dục, có cơ hội bám vào. Không thể có chuyện hoán cải hoạt động của Hội thánh mà lại không có sự tham gia tích cực của tất cả mọi thành phần Dân Chúa”[13].

–Cùng với Chúa Giêsu chúng ta cầu nguyện cho các mục tử, các linh mục của Chúa:

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót,

xin nhớ đến các linh mục,

bởi các ngài cũng chỉ là tạo vật yếu đuối thấp hèn.

Xin Chúa hằng khơi dậy nơi tâm hồn các ngài,

hồng ân đã lãnh nhận trong ngày chịu chức thánh.

Xin gìn giữ các ngài thật gần Chúa,

để kẻ thù không lấn át được,

và cũng để các ngài biết bảo vệ toàn vẹn,

sự trong sáng của ơn gọi cao cả trong chức linh mục.

Chúng con khẩn cầu cho các linh mục,

là những vị trung tín và nhiệt tâm,

cũng như những vị bất tín và nguội lạnh;

những vị đang làm việc nơi đây,

vì Danh Chúa và lợi ích các linh hồn.

Xin cho các ngài được tràn đầy sức mạnh Chúa Thánh Thần,

và xin chúc phúc dồi dào cho các ngài

bây giờ và mãi mãi[14]. Amen.

 Chặng 10:

Quân Dữ Lột Áo Chúa Giêsu

– Lời Chúa theo thánh Gioan:

“Lính tráng  nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.” (Ga 19,24).

– Suy ngắm:

Quần áo Ngài lúc này cũng bị lột bỏ. Những sỉ nhục mà Đức Giêsu đang chịu là vì tội lỗi của chúng ta. Vì yêu nên Ngài chấp nhận mọi khổ đau khinh rẻ. Lúc này Đức Giêsu thực sự là người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa mà tiên tri I-sa-i-a bảy thế kỷ trước đã tiên báo. Người tôi tớ là Đức Giêsu đang nhìn chúng ta để nhắn nhủ bao điều với ngôn ngữ của tình yêu.

Nhất là trong những biến cố đau khổ, chúng ta cảm thấy dường như Thiên Chúa vắng bóng. Sự thật là Thiên Chúa luôn hiện diện. Ngài luôn ở với con người, nhưng nhiều khi Thiên Chúa cũng muốn im lặng để đồng cảm với chúng ta.

Ước gì chúng ta không quên Ngôi Lời vẫn đang nói với mỗi người trong Kinh Thánh, trong các biến cố của cuộc đời. Bất cứ khi nào chúng ta đọc Lời Chúa, là lúc Chúa nói thật lớn, với những thông điệp rất cụ thể. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4,12).

–Cầu nguyện:

Lạy Ngôi Lời của Thiên Chúa, xin giúp chúng con dám suy gẫm Lời Chúa và để cho Chúa Thánh Thần làm Thầy dạy của chúng con. Khi đó, chúng con nhận ra: “tư tưởng của Chúa không phải tư tưởng của loài người”. Hơn nữa chúng con sẽ chiêm ngắm Thiên Chúa thật, và nhìn mọi biến cố bằng con mắt của Chúa. Lúc ấy chúng con sẽ được hưởng nếm một niềm vui dồi dào phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa[15]. Amen.

 Chặng 11:

Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh Vào Thập Giá

– Lời Chúa theo thánh Mác-cô:

“Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba. Bản án xử tội Người viết rằng: “Vua người Do Thái”. Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái.” (Mc 15,25-26).

– Suy ngắm:

Thân tàn lực kiệt, Đức Giêsu bị đóng đinh vào thập giá. Cũng từ đây, thập giá trở nên thánh giá như là biểu tượng của những ai tin vào Đức Giêsu. Lúc này, thánh giá trở nên biểu tượng của ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã đánh đổi mạng sống để mang đến cho loài người chúng ta[16].

Như thế, chính Đức Giêsu đang đi cùng với từng người trong nỗi bi thương này. Ngài cũng là lớp người bị đóng đinh. Trong thân phận ấy, Đức Giêsu của chúng ta đang ở gần với những ai bị bóc lột về mặt kinh tế, bị áp bức về mặt chính trị, bị xa lánh ghét bỏ về mặt văn hóa và tôn giáo, bị kỳ thị về mặt giới tính, chủng tộc hoặc giai cấp xã hội, trong thời Đức Giêsu cũng như hiện nay và trong tương lai[17].

– Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, khi bàn tay Ngài bị đóng đinh vào thập giá, Ngài đã đóng đinh cả tội lỗi chúng ta vào thập giá nữa[18]. Giây phút này, chúng con cùng nhìn lên thánh giá. Ngài đang nói những lời sau cùng:

  • “Cha ơi, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34).
  • “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng.” (Lc 23,43).
  • “Thưa bà, đây là con bà – hỡi con, này là mẹ con” (Ga 19,26).

Xin cho chúng con cũng biết lắng nghe những lời này với tâm tình đồng cảm với Chúa thật nhiều. Amen

 Chặng 12: 

Chúa Giêsu Chết Trên Thập Giá

– Lời Chúa theo thánh Gioan:

“Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 19,30).

– Suy ngắm:

Ánh nắng ngả về chiều. Đức Giêsu gục đầu trao Thần Khí. Ngài đã chết. Cái chết như biết bao phận người. Cái chết đã được báo trước trong Kinh Thánh, trong hành trình rao giảng của Ngài. “Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.”[19]

Hôm nay Đức Giêsu vẫn tiếp tục hiến mạng sống trong Bí tích Thánh Thể. Ngài luôn là nguồn suối hiệp thông, khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được hiệp thông với Chúa và được liên kết với nhau (x. 1 Cr 1016-17). Mong sao chúng ta tham dự thánh lễ cách tích cực và sống động, nhờ đó ngày càng củng cố mối hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa[20].

–Cầu nguyện[21]:

Lạy linh hồn Chúa Kitô, xin thánh hóa con.

Lạy xác thánh Chúa Kitô, xin cứu độ con.

Lạy Máu Thánh Chúa Kitô, xin làm cho con say mến.

Lạy nước bởi nương long Chúa Kitô, xin tẩy rửa con.

Lạy sự thương khó Chúa Kitô, xin thêm sức cho con.

Lạy Chúa Giêsu nhân ái, xin nhận lời con.

Xin giấu ẩn con trong các vết thương Chúa.

Xin cho con đừng bao giờ lìa xa Chúa.

Xin gìn giữ con khỏi kẻ thù tinh quái.

Đến giờ lâm tử, xin Chúa gọi con, và cho con đến cùng Chúa,

để con được cùng các thánh ca tụng Chúa muôn đời. Amen.

Chặng 13:

Tháo Xác Chúa Giêsu Khỏi Thập Giá

–Lời Chúa theo thánh Luca:

“Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính!” Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.” (Lc 23,47-48).

–Suy ngắm:

Bầu không gian yên lặng lột tả hết nỗi buồn của từng người khi chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã chết, nhưng Ngài sẽ sống lại. Giáo hội tin rằng: “Dù vô tội, Chúa Giêsu cũng chọn cái chết để từ bỏ mình và tận hiến hoàn toàn trên thánh giá. […]. Như thế, vì Tình yêu trọn hảo của Người, Người đã đem nhân loại trở về cùng Thiên Chúa.” (Youcat 101).

Những câu chuyện trên đây chúng ta có thể tìm thấy trong Kinh Thánh. Mỗi trang Tin mừng là thông điệp yêu thương Thiên Chúa dành cho con người. Để biết Đức Giêsu, không có cách nào tốt hơn việc đọc Kinh Thánh và suy gẫm về nó với tất cả ước ao và tâm tình. Chúa Giêsu đến từ trời cao, hạ sinh vào kiếp người; Ngài bị giương cao trên thập giá, giờ được đưa xuống để chờ thời khắc phục sinh. Đây chính là đỉnh cao của sứ điệp Tin Mừng của Đức Giêsu: cái chết[22] và phục sinh[23] mà chúng ta đang chiêm ngắm.

–Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Giờ này con thử tìm về,

đồi Can-vê vắng nặng nề tâm tư.

Không gian ánh nắng giã từ,

Để lại khoảng trống tâm tư u buồn.

Cảnh xưa con chợt bồn chồn,

Tâm tưởng nhớ Chúa mà hồn xuyến xao.

Thương cho thân phận thuở nào,

Vì đâu con Chúa ngất cao khổ hình?

Thân đòn mắt lệ tay đinh,

Chịu thay nhân loại tội tình đau thương.

Khổ hình không chút vấn vương,

Cho con được sống miên trường cùng Cha.

Trên đồi hoang vắng con ca,

Con đường Chúa đã đi qua một lần.

Giờ đây không chút ngại ngần

Cho con vững bước theo chân Cha lành. Amen

 Chặng 14:

Táng Xác Chúa Giêsu Trong Huyệt Đá

– Lời Chúa theo thánh Gioan:

“Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái. Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.” (Ga 19,40-41).

–Suy ngắm:

Sau một hành trình mệt mỏi ròng rã với cây thập giá, giờ đây thân xác Đức Giêsu được yên nghỉ trong ngôi mộ. Với cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài đã đi xuống tận cùng nỗi đau của nhân loại. Để từ đó, Ngài đem mỗi người chúng ta trở về với Chúa Cha. Nếu Đức Giêsu không sống lại, chúng ta không có Kinh Thánh Tân Ước, không có Giáo hội (1Cr 15,14-19). Sự thật là Đức Giêsu lúc này đang chờ ngày thứ nhất trong tuần để phục sinh[24], để minh chứng Ngài chính là Thiên Chúa thật.

– Chúng ta cùng cầu nguyện:

 Lạy Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa, chúng con sầu buồn với cái chết của Ngài lúc này. Là Kitô hữu, là môn đệ của Ngài, chúng con tin Chúa Giêsu sẽ sống lại. Bởi chúng con biết rằng: Biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại của Ngài đã trở thành tâm điểm của Kitô giáo. Đó là điểm tựa cho đức tin của chúng con, là đòn bảy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người[25]. Được như thế, chúng con tiếp tục bước đi trong Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Amen.

 Kết Thúc

Anh chị em thân mến,

Tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta đi một chặng đường dài với Đức Giêsu và với nhau. Đó là ý nghĩa của hiệp hành. Chúng ta tin rằng: “Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể bao hàm tất cả mọi khía cạnh của con người, cả những góc độ đối lập nhau cũng có thể hợp nhất, vì tất cả đều qui tụ về Thiên Chúa. Chỉ có sự hợp nhất và vô biên của Thiên Chúa mới có thể làm cho con người hòa hợp, vì Thiên Chúa không loại trừ một thành phần nào.”[26]

Xin Chúa đến giúp chúng ta, ban cho chúng ta ơn bắt đầu và lại bắt đầu. Xin Chúa cho chúng ta ơn biết cậy trông, ngay cả những khi cùng đường tuyệt vọng. Xin Chúa củng cố lòng tin để chúng ta tin chắc rằng thập giá Chúa đã, đang và sẽ luôn mang lại chiến thắng, một chiến thắng huy hoàng nơi cuộc đời chúng ta.

***

Giờ đây để kết thúc, chúng ta cùng đọc một Kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh…

Mùa Chay 2023

WORD: LỜI CHÚA TRÊN 14 CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

PDF: LỜI CHÚA TRÊN 14 CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Mua Bản sách in tại đây.

…………..

[1] Ngoài ra ngài con đưa ra lộ trình thứ hai đó là: “đừng dựa vào một thứ tôn giáo được tạo ra từ những sự kiện phi thường và những kinh nghiệm kịch tính, hãy vượt qua nỗi sợ vì phải đối diện với thực tế và những đấu tranh, khó khăn và mâu thuẫn của nó trong cuộc sống hàng ngày.” (x. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-mua-chay-nam-2023-cua-duc-thanh-cha-phanxico-50301)

[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-nam-2022-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-ve-giao-hoi-hiep-hanh-46586

[3] Trích diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 17-10-2015.

[4] Youcat 102

[5] Tài liệu chuẩn bị, số 17.

[6]  x. Dégert, A. (1912). St. Veronica. In The Catholic Encyclopedia.

[7] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/sau-thuong-hoi-dong-huong-den-mot-giao-hoi-vui-tuoi-ngheo-kho-va-ngon-su-49209

[8] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-giang-cua-duc-thanh-cha-phanxico-trong-thanh-le-khai-mac-thuong-hoi-dong-ve-tinh-hiep-hanh-44833

[9] Phanxicô, Diễn từ tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng giám mục.

[10] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-mua-chay-nam-2023-cua-duc-thanh-cha-phanxico-50301

[11] Phanxicô, Thư gởi dân Chúa (20.08.2018), Lời ngỏ.

[12] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/kinh-thanh-la-buc-thu-tinh-danh-cho-ban-46755

[13] Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ Tài liệu chuẩn bị, số 6.

[14] Lượt trích: http://ttmucvusaigon.org/nguyen-cau/kinh-cau-cho-cac-linh-muc/

[15] Xem Youcat 16.

[16] Từ Điển Công Giáo, mục từ: Thánh Giá.

[17] Xem Hợp Tuyển Thần Học số 23 năm 1999. 50.

[18] Xem. Youcat 70.

[19] Đức Giêsu ba lần tiên báo về cái chết của Ngài: lần 1 (Mt 16,21–23), lần 2 (Mt 17,22–23), lần 3 (Mt 20,17–19).

[20] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-nam-2022-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-ve-giao-hoi-hiep-hanh-46586

[21] Kinh Lạy Linh Hồn Chúa Kitô.

[22] Mt 16,16; Mt 27,40.43; Mc 1,34; Mc 9,9; Mc 15,39; Lc 8,24; Lc 7,36-50; Ga 1,1-14; Ga 13,13; x.Gl 1,15-16; Cv 2,36; Cv 9,20.

[23] Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-11; Ga 20,1-9; 1Cr 15,14.19.

[24] Ga 20,1-29; Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-11

[25] Theo Đức Bênêđictô XVI phát biểu 19-10-2006 (X. Youcat 105).

[26] https://vntaiwan.catholic.org.tw/thanhoc/luanly.htm

Kiểm tra tương tự

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

  “Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu. Chúc tụng suối mạch hằng …