15 từ khóa trong tông huấn “Các con hãy vui mừng hân hoan” của Đức Thánh Cha Phanxicô

Tông huấn thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô được công bố vào ngày 09 tháng 04 năm 2018 là một lời mời gọi nên thánh. Với giọng văn đơn sơ và dễ tiếp cận nhưng không hời hợt, nội dung tông huấn giúp gạt đi bất cứ “nỗi sợ hãi nào về sự thánh thiện.”

Dưới đây là 15 từ chính yếu trong tông huấn:

  1. Tám Mối Phúc (số 63): Không gì gợi sáng hơn cho bằng quay về với những lời của Chúa Giêsu và nhìn vào cách thức rao giảng chân lý của Người. Chúa Giêsu đã giải thích rất rõ ràng về ý nghĩa nên thánh khi Ngài ban cho chúng ta Tám Mối Phúc. Tám Mối Phúc giống như chứng minh thư của người Kitô hữu.
  2. Đức Maria (số 176): Tôi muốn những phản tỉnh này được nêu bật bởi Đức Maria, vì Mẹ đã sống các Mối Phúc của Chúa cách trọn hảo. Mẹ chính là người nữ được vui mừng hoan hỷ trước mặt Thiên Chúa, đấng đã trân quý mọi thứ trong trái tim mình, và đã để thanh gươm đâm thâu tâm hồn mình. Đức Maria là vị thánh giữa các vị thánh, được ban phước trên hết mọi người. Mẹ dạy cho chúng ta cách thức nên thánh và luôn đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống.
  3. Sự bách hại (số 92-93): Dù bất cứ nỗi mệt nhọc và khổ đau nào trong cuộc sống mà chúng ta có thể kinh nghiệm khi sống giới răn yêu thương và tuân theo đường lối sự công chính, thập giá vẫn là nguồn mạch cho sự trưởng thành và thánh thiện của chúng ta.
  4. Niềm vui (số 122 và 126): Chẳng chút nhút nhát, buồn rầu, gay gắt hay u uất, hay mang một khuôn mặt ảm đạm, các vị thánh luôn vui vẻ và đầy hài hước lành thánh. Dù hoàn toàn thực tế, các ngài tỏa ra một tinh thần tích cực và đầy hy vọng. […] Niềm vui Kitô giáo thường đi kèm với một cảm thức hài hước. […] Buồn bực, rầu rĩ không phải là dấu chỉ của sự thánh thiện.
  5. Sự thinh lặng (số 149, 150, 151): Lời cầu nguyện với lòng tin tưởng phó thác là sự đáp trả của một con tim biết mở ra để gặp gỡ Thiên Chúa mặt đối mặt, nơi đó mọi sự đều yên ắng, và con người có thể lắng nghe tiếng nói thầm kín của Thiên Chúa nơi tâm điểm của sự thinh lặng. Trong sự thinh lặng đó, dưới ánh sáng của Thần Khí soi dẫn chúng ta có thể nhận ra lối sống thánh thiện mà Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta. […] Bạn có dành những khoảnh khắc đặt mình hoàn toàn tĩnh lặng trong sự hiện diện của Thiên Chúa, tĩnh tại dành thời gian với Ngài, hay đắm mình trong ánh nhìn của Ngài không?
  6. Bí Tích Thánh Thể (số 157): Việc gặp gỡ Đức Giêsu trong Kinh Thánh dẫn chúng ta đến Bí Tích Thánh Thể, nơi lời đã được viết ra đạt được hiệu quả cao quý nhất, vì ở đó Lời Hằng Sống thực sự hiện diện. Trong Bí Tích Thánh Thể, một Thiên Chúa đích thực đón nhận sự tôn kính lớn lao nhất mà thế giới có thể dâng lên Ngài, vì đó chính là Đức Kitô, Đấng đã được trao ban.
  7. Chứng tá (số 138): Chúng ta được truyền cảm hứng để hành động theo gương của các linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người dâng hiến đời mình cho việc loan báo Tin Mừng và phục vụ tha nhân với lòng trung thành lớn lao, họ thường đánh liều cuộc sống của mình và chắc chắn phải trả giá bằng sự an nhàn thư thái của họ. Chứng tá của họ nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội cần đến các nhà truyền giáo nhiệt thành, hăng hái chia sẻ cuộc sống chân chính.
  8. Sự khiêm nhường (số 118, 119, 120): Sự khiêm nhường chỉ có thể bén rễ trong tâm hồn nhờ sự sỉ nhục và khinh chê. Không có chúng, không có sự khiêm nhường hay thánh thiện. Nếu bạn không thể chịu đựng đau khổ và hy sinh trước sự nhục nhã, bạn không phải là người khiêm nhường cũng như không ở trên con đường dẫn đến sự thánh thiện. […] Chịu sỉ nhục khiến bạn nên giống Đức Giêsu; đó là một khía cạnh tất yếu của việc noi gương Đức Kitô. […] Ở đây tôi không chỉ nói về các hoàn cảnh nổi bật của việc tử đạo, mà còn về những sỉ nhục hằng ngày. […] Đó là ân sủng được tìm thấy trong lời cầu nguyện.
  9. Ác thần (số 158-161): Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến liên lỉ. […] Thật vậy, kết thúc Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu muốn chúng ta khẩn cầu Chúa Cha “cứu chúng ta khỏi sự dữ”. Lời kinh cuối cùng đó không đề cập đến sự dữ trừu tượng; bản dịch chính xác hơn là “ác thần”. Lời kinh muốn nói đến một thực thể có ngôi vị đang tấn công chúng ta. […] Chúng ta không nên nghĩ về ác thần như một huyền thoại, một hình ảnh, một biểu tượng hay một dáng vẻ của lời nói hoặc một ý tưởng.
  10. Internet (số 155): Các Kitô hữu cũng có thể bị cuốn vào mạng lưới của bạo lực ngôn từ thông qua Internet […]. Ngay cả trên các phương tiện truyền thông Công giáo, các ranh giới có thể bị vượt qua, lời phỉ báng và vu khống có thể trở nên phổ biến, tất cả các chuẩn mực đạo đức và việc tôn trọng danh dự của người khác có thể bị xem nhẹ. Kết quả dẫn đến một sự phân tách nguy hiểm, vì những điều được nói trên Internet có thể không được chấp nhận trong các cuộc trò chuyện công khai, và con người tìm cách bù trừ sự bất mãn của họ bằng cách chửi bới người khác.
  11. Ý thức hệ (số 100, 101): Tôi thật sự lấy làm tiếc khi các hệ tư tưởng đôi khi dẫn chúng ta đến hai sai lầm tai hại. Một mặt, sai lầm của các Kitô hữu là khi họ tách những đòi hỏi của Tin Mừng khỏi mối tương quan cá nhân của họ với Thiên Chúa, […] khỏi sự mở ra trước ân sủng của Người. Do đó, Kitô giáo trở thành một kiểu tổ chức phi chính phủ (NGO) vốn đã bị loại bỏ tính thần bí sáng láng […]. Sai lầm tai hại thứ hai về ý thức hệ được nhận thấy nơi những người hoài nghi sự dấn thân xã hội của người khác, xem những việc người khác làm là bề ngoài, hời hợt, thế gian, tục hóa, duy vật chất, cộng sản hay dân túy.
  12. Người nghèo (số 96, 97): Trong lời mời gọi nhận ra Thiên Chúa trong người nghèo và trong khổ đau, chúng ta thấy được trái tim của Đức Kitô, những cảm xúc và những chọn lựa sâu xa nhất của Người, điều mà mỗi vị thánh tìm cách để noi theo. […] Nhờ những đòi hỏi kiên quyết của Chúa Giêsu [để giúp đỡ những người đang cần giúp đỡ nhất], bổn phận của tôi là mời gọi các Kitô hữu nhận ra và đón nhận người nghèo trong tinh thần cởi mở chân thành, không cần giải thích gì thêm. Nói cách khác, không có bất kỳ từ “nếu hay nhưng” nào có thể làm giảm sức mạnh của chúng.
  13. Người di cư (số 102, 103): Chúng ta thường nghe nói rằng, đối với chủ nghĩa tương đối và những thiếu sót nơi thế giới hiện tại của chúng ta, tình trạng của người di cư là một vấn đề nhỏ. […] Thái độ thích hợp nhất (đối với người Kitô hữu) là đặt mình vào vị trí những người anh chị em của chúng ta, những người gánh chịu rủi ro trong cuộc sống để hy vọng một tương lai cho con cái của họ. Có thể nào chúng ta không nhận ra đây thật sự là những gì Đức Giêsu đòi hỏi, khi Người nói với chúng ta rằng việc tiếp đón người lạ chính là tiếp đón chính Ngài? […] Đây không phải là một khái niệm được phát minh bởi một vài vị Giáo Hoàng, hay một kiểu mốt nhất thời.
  14. Sự giản dị (số 108): Chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa tiêu thụ có thể chứng thực sự sa sút của chúng ta, vì khi chúng ta bị ám ảnh bởi niềm vui thích của chính mình, thì rốt cuộc chúng ta lại quá quan tâm đến bản thân và các quyền lợi của mình […]. Chúng ta sẽ cảm thấy khó cảm nhận và thể hiện bất kỳ mối quan tâm thực sự nào đối với những người có nhu cầu, trừ khi chúng ta có thể trau dồi một lối sống giản dị đích thực, chống lại các nhu cầu mãnh liệt của một xã hội tiêu dùng […].
  15. Táo bạo truyền giáo (số 129, 130 và 131): Sự thánh thiện […] là sự táo bạo, là động lực thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng và để lại dấu ấn trong thế giới này. […] [Thiên Chúa] cho phép chúng ta vận dụng cuộc sống của mình trong sứ mạng phục vụ của Ngài. […] Chúng ta yếu đuối, nhưng chúng ta đang nắm giữ một kho tàng vốn có thể giúp tăng triển bản thân chúng ta và làm cho những người đón nhận kho tàng ấy trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn. Sự táo bạo và lòng can đảm tông đồ là một phần thiết yếu của sứ mạng.

 

Chuyển ngữ: Minh Thiện,S.J.

(Nguồn – https://aleteia.org/2018/04/09/the-popes-new-doc-on-holiness-gaudete-et-exultate-in-15-key-words/)

 

Kiểm tra tương tự

Khai hoang tâm hồn (Lc 3, 1-6) | Suy tư TMCN 2 mùa Vọng năm C

KHAI HOANG TÂM HỒN (Lc 3, 1-6)   Bạn đã bao giờ có kinh nghiệm …

Thánh Ambrôsiô và bí quyết chinh phục lòng người

  Nếu bạn muốn thuyết phục ai đó bằng lời nói của mình, hãy đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *