Người Chứng Thứ Nhất – Chương VI: Báo Động Trong Phủ Chúa

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG VI: BÁO ĐỘNG TRONG PHỦ CHÚA

Anre-py-SmlGiữa lúc chính sách công khai của Công Thượng vương tỏ ra khoan dung đối với Công giáo, thì trái lại, trong hậu cung, một âm mưu đen tối đang được xếp đặt để gây giông tố cho giáo hữu.

Trong trường hợp này, cũng như các trường hợp tương tự của lịch sử, ta lại thấy bóng một đàn bà, một dâm hậu. Mà dâm hậu ấy còn là một nữ gián điệp nham hiểm, hai phen suýt làm sụp đổ ngai vàng chúa Nguyễn!

Đây là một trang sử vô cùng đen tối và bi thảm ở xứ Nam hồi đầu thế kỷ XVII, mà cho đến nay chưa có sách báo Việt ngữ nào đưa ra ánh sáng, mặc dầu sử liệu khá dồi dào.

Một kiếp sa đọa

Người đàn bà gây nên trang thảm sử này là Tống thị (người con gái họ Tống – không rõ tên riêng). Tống thị là con quan cai cơ Tống Phúc Thông, lấy hoàng tử Kỳ, trưởng nam chúa Sãi, trấn thủ dinh Quảng Nam, sinh được ba con trai. Thông mừng được vây cánh.

Đến khi Nguyễn Phúc Kỳ chết (1631) Thông không có chỗ nương tựa, bèn đem gia quyến trốn ra cửa Nhuyễn Hải, sau gọi là Nộn Hải, rồi ra Bắc (1632), duy Tống thị ở lại

1. Cuộc phiêu lưu bắt đầu từ đó.

Sau khi Nguyễn Phúc Lan (chúa Thượng), em ruột hoàng tử Kỳ, lên nối nghiệp chúa Sãi vào năm 1635, Tống thị “được vào cung phủ, rất khéo đưa đón cầu cạnh, trở nên giàu có, tiền bạc châu báo chất lại như núi” – đó là dịch theo chính văn trong sử nhà Nguyễn 2. Tất nhiên sử thần nhà Nguyễn phải dè dặt lắm khi nói về đời tư của một vì tiên đế họ Nguyễn, nên chỉ dám hạ bốn chữ “phùng nghinh thỉnh thác” (đưa đón cầu cạnh) để ám chỉ những giao thiệp bất chính giữa chị dâu góa với em chồng, như các giáo sĩ có mặt lúc ấy xác nhận, và chúng tôi sẽ dẫn chứng sau này. Trước tình trạng ấy, “đình thần lên tiếng can ngăn, nhà vương vẫn không nghe”. 3

Chính vì cảnh chướng tai gai mắt ấy mà Tôn Thất Trung, con trai thứ tư của Sãi vương, em Thượng vương lúc ấy làm chưởng cơ, muốn diệt trừ mầm tội lỗi là Tống thị. Đến đây ta thấy rõ, nhan sắc khuynh thành của Tống thị 4 che dấu một tâm địa nham hiểm đến mực nào. Vì sử chính thức lại chép:

“Tống thị thấy vậy sợ hãi lắm. Nhân lúc ấy cha nàng là Phúc Thông đang được chúa Trịnh Tráng ở Đàng Ngoài trọng dụng, nàng liền viết mật thư, kèm theo một trăm hạt trân châu xâu thành chuỗi, sai người đưa ra cho Phúc Thông, để đem dâng Trịnh Tráng, yêu cầu Trịnh Tráng cất quân vào đánh chúa Nguyễn, lại hứa sẽ đem tài sản riêng ra giúp lương cho quân lính.

“Trịnh Tráng tiếp được mật thư, liền quyết nghị xâm lấn xứ Nam, sai đô đốc Trịnh Đảo thống lĩnh các đạo binh cả thuỷ lẫn bộ, kéo vào đánh chúa Nguyễn”.5

Đó là cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn lần thứ tư, xảy ra đầu mùa xuân, tháng giêng năm mậu tí (1648) đời chúa Thượng năm thứ 13. Cho đến nay người ta không ngờ rằng nguyên nhân cuộc nội chiến ấy chỉ vì một đàn bà trắc nết.

Công Thượng vương cùng thế tử Nguyễn Phúc Tần tước Dũng Lễ hầu, đem quân lên ứng chiến ở Quảng Bình. Cha con họ Nguyễn phá tan quân Trịnh, bắt được 30.000 tù binh đem về cho khai thác ở các phủ huyện từ Quảng Nam đến Phú Yên. Sau khi toàn thắng, trở về đến phá tam giang, chúa Thượng từ trần ngày 19 tháng 3 năm 1648. Nguyễn Phúc Tần lên nối nghiệp, gọi là Hiền vương.

Chúa Thượng đã chết, nhưng Tống thị chưa đóng hết vai trò của mình. Đánh từ ngoài vào không hiệu quả, phen này nàng quyết gây phản từ bên trong. Làm chân tay cho nàng sai khiến, lần này, lại chính là kẻ lúc trước đã định tâm giết nàng: chưởng cơ Trung.

Sách Đại Nam liệt truyện chép:

“Trung lúc đầu làm chưởng cơ, về sau càng nhiều quân công. Năm mậu tí 1648, đời chúa Thượng năm thứ 13, Thái tôn Hoàng Đế (chúa Hiền) lên ngôi, Trung được thăng chức chưởng dinh.

“Nhắc lại việc trước, lúc đó vợ lẽ Tôn Thất Kỳ là Tống thị, thời thường lui tới dinh phủ, không còn khiếp sợ ai. Trung muốn trừ, Tống thị sợ hãi, mới lén lút cám dỗ Trung. Trung sa ngã, tư tình cùng nàng. Tống thị nhân đó khuyên Trung làm phản. Trung liền bí mật kết bè cánh, trù tính việc phiến loạn, chẳng may bị bọn thuộc viên là Thắng, Bố tố cáo. Am mưu vỡ lở, Trung bị bắt với đủ chứng cứ buộc tội. Chúa không nỡ giết ngay, hạ lệnh trói bỏ ngục cho chết dần, còn giết Tống thị, đem gia sản chia cấp cho quân dân. Bọn Thắng, Bố được thăng thưởng chức Cai đội dinh Quảng Bình.”6

Cuộc báo động trầm trọng lần thứ hai này trong cung chúa Nguyễn xảy ra vào mùa hạ, tháng tư, năm giáp ngọ (1654), tức năm thứ 6 đời Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng Đế (chúa Hiền).7

Trên đây là bộ mặt thực của Tống thị, người phụ nữ lăng loàn, thủ đoạn và gian ác có một không ai trong lịch sử Việt Nam, mà lịch sử thế giới chưa chắc đã có ai bằng. Nhưng theo giáo sử, trước khi mưu phản để chuốc lấy đoạn đầu đài, Tống thị còn phạm một tội vô cùng nặng nề khác: đổ máu môn đệ Chúa Kitô.

Bạn đọc còn nhớ 8 sau cuộc thảo luận tôn giáo trong dinh một quan đại thần, một số người xấu hổ vì thua lẽ, quyết làm hại thầy giảng Ynhaxô, và để đạt đích ấy, “họ nhờ cậy một bà mà nhà vương coi như vợ, mặc dầu trước kia bà ấy đã là vợ của người anh nhà vương”.9 Đó là lời giáo sĩ Đắc Lộ chỉ Tống thị cách rõ rệt. Nơi khác giáo sĩ Đắc Lộ còn cho biết thêm:

“Bấy giờ trong phủ chúa, có một bà phi được nhà vương sủng ái, bắt người ta kêu bằng chính phi, mặc dầu các bậc hiền giả trong nước đều tỏ ý phản đối. Tôi không biết có phải vì tính nết lăng loàn mà bà ấy ghét đời sống nhân đức của các giáo hữu chăng, nhưng bà ấy rất thù oán những người có Đức Tin cũng là những người thù nghịch nết xấu”.10

Giáo sĩ Saccano, đến xứ Nam ngày 11 tháng 2 năm 1646 để thay thế giáo sĩ Đắc Lộ, cũng xác nhận như vậy, và cho biết chính Tống thị có lần đã tham dự cuộc bàn cãi lẽ đạo giữa Ynhaxô và các thầy sãi. Giáo sĩ nói:

“Bà vương phi trước kia là vợ của người anh cả nhà vương và nay là vợ chánh của nhà vương, mặc dầu theo luật nước thì không được công nhận làm hoàng hậu; bà thù ghét Ynhaxô hơn hết mọi giáo hữu khác, vì Ynhaxô cãi lẽ đạo với một thầy sãi cả rất được lòng bà. Ông sãi biết mình lầm, xấu hổ quá, ra khỏi phòng hội, tức giận vì mất thể diện ngay trước mặt bà Vương phi, và chính bà này cũng lấy làm xấu hổ. Do đó bà sinh lòng oán hận và thù ghết Ynhaxô… Thường tình đàn bà tức giận thì hay báo thù, bà ấy liền ra mật lệnh cho những người chân tay tìm mọi phương thế hãm hại thầy giảng Ynhaxô”.11

Một tay đẫm máu

Tháng bảy năm ấy (1644) – sau khi cha Đắc Lộ và các thầy giảng đã về Hội An rồi – “Ông Nghè Bộ” từ dinh Quảng Nam có việc lên kinh đô. Tống thị chụp ngay cơ hội đó, bí mật truyền lệnh cho ông này thi hành ý định đen tối của mình.12 Thực ra, bà phi ấy không thể tìm được ai làm chân tay đắc lực hơn ông quan kia vì như trên ta đã thấy, ông sẵn có ác cảm với người Công giáo, đã nhiều phen trục xuất giáo sĩ và khủng bố giáo dân. Ông làm quan ở xa Kinh đô, có thể tự tung tự tác, nhất là khi đã có Tống thị che chở. Các thầy giảng lại ở ngay dưới quyền kiểm soát trực tiếp của ông, tại dinh Quảng Nam. Giáo sĩ Đắc Lộ quả quyết rằng:

“Nhà vương đã không hạ lệnh cho ông ngăn cấm việc giảng Phúc âm và phạt tử hình những kẻ theo đạo thánh, vì sau này chính nhà vương thanh minh rằng mình không hề hay biết gì về việc ấy”.13

Ta có thể biết gì về lai lịch ông quan này chăng?

Theo sách Đại Nam Nhất Thống chí, năm nhâm dần (1602) tức năm thứ 45, Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế (tức chúa Nguyễn Hoàng) lập ra dinh Quảng Nam, đặt chức cai bạ, ký lục.14

Năm giáp dần (1614), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, theo khuôn mẫu hành chính nhà Lê, đặt ra tam ty (ba tòa), song lại chia công việc ra như sau:

– Xá sai ty, giữ việc từ tụng văn án, đứng đầu là quan Đô tri và quan Ký lục.

– Tướng thần lại ty, giữ việc tài chính, thâu thuế má, chi phát lương thực cho quân ở các đạo. Có quan cai bạ làm đầu.

– Lịnh sử ty, coi việc tế tự, lễ tết, và việc chi cấp lương thực cho quân ở Chính dinh. Có quan Nha Uý cầm đầu.

Đó là ở chính dinh, chỗ chúa đóng. Còn ở ngoài các dinh, thì tuỳ theo sự quan trọng, có nơi chỉ đặt một Lịnh sử ty kiêm cả việc hai ty khác, có nơi lại đặt Xá sai ty và Lịnh sử ty coi mọi việc quân dân, từ tụng, đinh điền, sổ sách, thuế khóa.15

Đó là về hành chính và chính trị. Ngoài ra dinh Quảng Nam còn là trụ sở của quan trấn thủ, thống suất binh đội khắp miền Nam và kiểm soát cả việc hành chính nữa.16 Trách nhiệm này thường được giao phó cho các thể tử (con nối nghiệp chúa) hoặc bà con thân tín nhất của chúa. Vào khoảng năm 1644, trấn thủ Quảng Nam là thế tử Dũng Lễ hầu17 tức Nguyễn Phúc Tần (sau là chúa Hiền), con Công Thượng vương, người chiến thắng hạm đội Hòa Lan.

Ông quan làm tay sai cho Tống thị mà các giáo sĩ chép là “Onghebo” là nhân vật nào trong các chức quan nói trên? Đó không phải là tên riêng, mà chỉ là một danh xưng phổ thông để chỉ một chức quan: chức Cai bạ (Cai bộ) mà dân chúng quen gọi là “Ông Bộ”, và có lẽ vì “Ông Bộ” này được thưởng hàm “Hàn Lâm”, nên người ta gọi là “Ông Nghè Bộ”18 như trường hợp “Ông Nghè Bộ” Lê Cảnh, hay “Ông Nghè Bộ” Nguyễn Hữu Kính mấy chục năm sau.19 Chức Cai bộ này tương đương với chức Bố chính về sau.

Cứ theo danh xưng như nói trên, và theo cách giáo sĩ Đắc Lộ tả về chức vụ của ông, thì ông không phải là trấn thủ cũng không phải là ký lục. Lúc ấy quan trấn thủ tuy có quyền tuyệt đối trong dinh, song có lẽ quá bận riêng về quân sự, nên ông cai bộ này hành động như không có ai quyền trên. Còn quan ký lục, tuy lo việc từ tụng văn án, nhưng chắc là quyền dưới, vả lại việc phân quyền giữa hành pháp và tư pháp lúc ấy chưa rõ rệt. Vì thế mà ta sẽ thấy “Ông Nghè Bộ” ra lệnh bắt thầy giảng Anrê, triệu tập phiên tòa (có quan khác dự) và tuyên án xử tử. Sử liệu không ghi lại tính danh của ông, song từ đây tiếng xưng hô “Ông Nghè Bộ” đã trở nên tên riêng của ông rồi.20

Ta hãy theo ông về Quảng Nam, không phải để xem tội ác của ông, nhưng là chứng kiến đức tin anh dũng của vị tử đạo tiên khởi.

Thật là lạ lùng, chưa bao giờ những thái cực như thế lại gặp nhau trong cùng một vương triều, ở cùng một thời đại. Trong khi bà Minh Đức, tựa vầng nhật nguyệt, chiếu giãi nhân đức cho muôn đời, thì Tống thị là hiện thân của tội lỗi, muôn đời còn di xú.

Đến như thầy giảng Anrê với Ông Nghè Bộ, thì không khác nào con chiên hiền lành trong nanh sói dữ.

Tóm lại, chưa bao giờ Thiện và Ac, Anh sáng và Bóng tối đối chiếu nhau cách hùng hồn như vậy. Và cũng chưa bao giờ Chân lý sẽ thắng gian tà cách rõ rệt như trong cuộc chiến đấu này.

Chú thích

(1) Thực lục quyển II, tờ 22.

(2) Thực lục quyển III, tờ 11

(3) Thực lục quyển III, tờ 5

(4) Thực lục quyển III, tờ 12

(5) Thực lục quyển III, tờ 12

(6) Liệt truyền, quyển VI tờ 33 – đối chiếu Thực lục quyển IV, tờ 6

(7) Thực lục quyển IV, tờ 6

(8) Xem chương V ở trên.

(9) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.222.

(10) A.R, Glorieuse mort, tr.8. Câu nói của De Rhodes: “Các bậc hiền giả trong nước đều tỏ ý phản đối” phù hợp hoàn toàn với sách “Thực lục”: “Cả đình thần lên tiếng can ngăn, chúa cũng không nghe” (q.III, tờ 5, đã kể trên, tr.110)

(11) Relation Saccano, tr.38-40 (coi phụ bản)

(12) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.7-8. A.R, Glorieuse mort, tr.236

(13) A.R, Glorieuse mort, tr.7 (Nhưng một năm sau, chính chúa Thượng sẽ xử tử hai thầy Ynhaxô và Vinh Sơn)

(14) Đại Nam Nhất thống chí, quyển V, tờ 3

(15) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, tr.324-325

(16) Cadière: Princesse Chrétienne, trong B.A.V.H, 1939, tr.113

(17) Đào Trinh Nhất: Việt sử giai thoại, tr.66 (không ghi xuất xứ)

(18) Giáo sĩ Christoforo Borri, ở Đàng Trong từ 1618 đến 1622, đã gặp tại Quảng Nam một chức quan giỏi về chữ nghĩa, thiên văn, mà giáo sĩ phiên âm là “Omgne” – tức là Ông Nghè (Relation Borri, B.A.V.H.1931, tr.378). Đến lượt giáo sĩ Đắc Lộ phiên ấm tiếng “Ông Nghè” là “Ounghé” (Histoire du Royaume de Tonkin, tr.170). Còn về tiếng “Onghebo” (có chỗ chép Ouenglebo, Longhebo, Ounghsbo, Ounghebo) giáo sĩ Cadière giải thích là “Ông Bộ” (B.A.V.H 1939, tr.112), linh mục Philipphê Bỉnh (s.đ.k, tr.45) nói là “Ou nghè bo”. Đức cha Chappoulie (Rome et les Missions d’Indochine, tr.28) cho rằng chữ “Onghebo” cũng như “Ounghe” đều là “Ông Nghè”. Theo ý chúng tôi “Ông Nghè Bộ” là đúng hơn cả, vì vừa hợp với cách phát âm, vừa hợp với chức quan Cai bộ.

(19) Ông Nguyễn Hữu Kính, người huyện Diên Phước (nay là Duy Xuyên) lãnh chức hương tiến, đời Túc tôn Hoàng Đế Nguyễn Phúc Trú (1725-1738), làm quan tới chức Cai bộ Quảng Nam, khi mất được thăng chức hàm tham nghị (Đại Nam nhất thống chí, quyển V, tờ 53). Ông Lê Cảnh, người huyện Hòa Vang, lãnh chức hương tiến, đời Hiến tôn Hoàng Đế (1691-1725) làm đến chức “Hàn lâm viện chính dinh cai bộ”, khi chết được thăng chức hàm tham nghị (Đại Nam nhất thống chí, quyển V, tờ 54). Đó là mấy “Ông Nghè Bộ” ngày xưa. Nên biết rằng thi hào Nguyễn Du đã có thời kỳ làm cai bộ Quảng Bình (1809) trước khi được bổ về Kinh.

(20) Giáo sĩ Đắc Lộ có khi gọi ông là “Gouverneur” có chỗ gọi “Juge” và chỗ khác gọi “Un des gouverneurs”. Như vậy đủ hiểu ông chỉ là một trong vài ba chức quan đứng đầu trong dinh, chứ không phải chính ông là trấn thủ.

Kiểm tra tương tự

Cùng Chúa chăm sóc và thăng tiến Đời Ta

Sinh ra làm người là hồng ân lớn lao; sống làm người trong ân sủng …

Lời tuyên xưng tự đáy lòng – Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B

Chưa bao giờ Thầy Giêsu cảm thấy vui mừng và tự hào như giây phút …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *