Chữ “Nhân” của Khổng Tử trong Tác Phẩm Luận Ngữ (1/2)

Khong-Tu

I. DẪN NHẬP

Nếu như triết học phương tây có xu hướng đưa con người tới những chân trời mới của tri thức, nơi đó, các triết gia tập trung nghiên cứu thế giới vật chất để nhận thức thế giới và cải tạo thế giới, thì triết học Trung Quốc nói chung và nho học nói riêng lại phần nào có xu hướng đưa con người khám phá ra “cái ngã” của bản thân mình. Đối với các triết gia Trung Quốc, việc nghiên cứu triết học không phải là một hành trình tìm kiếm tri thức vị tri thức. Nhưng đúng hơn, đó là làm sao để có thể vận dụng những tri thức vào việc thực hành để mang lại hạnh phúc cho con người, thay vì chỉ là những sự thảo luận  suông. Đối với họ, điều quan trọng  cần chú ý là việc khám phá ra “con người là gì” hơn là “con người có cái gì”. Vì thế, lý tưởng nà các triết gia muốn xây dựng là làm sao để con người có được cái đức của thánh nhân, đồng thời có được công nghiệp của vương đế.

Khổng Tử cũng xây dựng hệ tư tưởng của mình dựa trên quan điểm chủ đạo trên. Trong đó, ông phát huy đức “Nhân” như là một trọng tâm của đời sống đạo đức  con người; và đối với ông, đức “Nhân” này là cái chi phối tất cả mọi hoạt động, tính cách của con người. Do đó, ông cho rằng con người cần rèn luyện để có được đức Nhân trong mối tương quan với chính mình và với người khác.

Trong phạm vi bài viết về đức Nhân của Khổng Tử này, người viết không nghĩ rằng mình có thể trình bày cặn kẽ tư tưởng cao sâu, thâm thúy của Khổng  Tử trong việc bàn về đức Nhân. Điều này thực sự là một công việc vượt quá khả năng hạn hẹp của người viết. Tuy nhiên, để giúp người đọc có thể hiểu rõ hơn phần nào phạm trù Nhân trong  tư tưởng của Khổng Tử, người viết xin được trình bày cái hiểu nông cạn của mình về chữ Nhân dưới cái nhìn của Khổng Tử qua tác phẩm “Luận Ngữ”; đồng thời hệ thống lại phương pháp hành nhân mà Khổng Tử đã hướng dẫn ngang qua những cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và các học trò; từ đó nêu ra những suy tư khởi đi từ quan niệm giáo dục của ông để phản tỉnh về sự giáo dục con người hôm nay. Tuy nhiên, trước khi đi vào triển khai  các đề mục này, người viết xin được trình bày khái quát khái niệm về chữ Nhân theo cách hiểu chung về từ ngữ, cũng như theo quan niệm của Khổng Tử.

II. KHÁI NIỆM CHỮ “NHÂN”

1.  “Nhân” xét về mặt từ ngữ

Theo học giả Trần Trọng Kim, chữ Nhân (仁)gồm có bộ nhân (人)và bộ nhị (二) hợp lại thành một chữ hội ý, nghĩa là nói cái thể và cái đức chung của mọi người đều có với nhau như một[1]. Tương tự như vậy, học giả Phùng Hữu lan cũng cho rằng “ Chữ Nhân 仁 gồm bộ thủ nhân (biến thể của chữ nhân(人), nghĩa là nhân ghép với chữ nhị(二).  Tức nó ngụ ý những phẩm chất đạo đức trong quan hệ giữa người với người[2].  ngoài ra, cũng dựa vào mặt từ ngữ này, người ta còn diễn tả chữ nhân này như sau: từ nhân có hai bộ, bộ nhân người (人)vào bộ nhị ( 二); nghĩa là có ít nhất hai người trong thế giới này, và nhân là cách sống với nhau hay cách đối xử với nhau[3]

Như thế, xét về mặt từ ngữ của chữ “Nhân” từ các định nghĩa trên, chúng ta có thể tóm kết ý nghĩa của chữ “Nhân” này như sau: Nhân là phương thế giúp người ta sống với nhau. Đó là cách hành xử bình đẳng trong quan hệ giữa ta và người. Nhân là đức tính nối kết ta với người thành một.

2.  Khổng Tử quan niệm về nhân

Để hiểu được quan niệm của Khổng Tử về chữ “Nhân”, có lẽ chúng ta cần xét đến cách những người trước thời Khổng Tử đã bàn luận thế nào về Nhân. Đồng thời chúng ta cũng cần tìm hiều một chút bối cảnh xã hội trong thời ông sinh sống. Từ đó, chúng ta sẽ có cái hiểu đúng hơn về quan niệm chữ “Nhân” của Khổng Tử.

Trước hết, các học giả nghiên cứu về triết học và lịch sử Trung Quốc có quan điểm khác nhau về phạm trù “nhân” trước thời Khổng Tử. Một quan điểm cho rằng chữ nhân chưa hề được đề cập đến trong các tác phẩm trước thời Khổng Tử [4]. Trong khi đó, một quan điểm khác lại nghĩ rằng thực ra người ta đã từng nói về chữ nhân trong một vài tác phẩm trước đó; chẳng hạn như trong hai thiên “ Thục vu điền” và “Lư linh” của Kinh Thi, hay trong thiên ‘Kim Đằng” của Thượng Thư đều đã đề cập tới chữ “Nhân” . Tuy vậy, chữ “Nhân” ở đây chỉ có ý nghĩa chính là “tình thương”. Hơn thế nữa, quan niệm này còn cho rằng chữ nhân đã phát triển thành triết lý, được coi như tiêu chuẩn tối cao trong hành vi của con người lại là sáng kiến của Khổng Tử[5].

Từ đây chúng ta có thể phần nào biết rằng, nếu chữ nhân đã được sử dụng trong các tác phẩm cổ điển trước thời Khổng Tử thì nó cũng chỉ mang ý nghĩa rất sơ sài và hạn hẹp. Chỉ đến thời Khổng Tử,  chữ Nhân ấy mới được ông bổ sung  và mặc cho nó nó những ý nghĩa mới, biến nó trở thành tâm điểm, thành cái bản chất nhất trong bản tính con người. Vậy, Khổng Tử đã quan niệm thế nào về phạm trù Nhân?

Sống trong thời điểm xã hội đang bị suy hoại về đời sống: vua chúa không đảm nhận đúng vai trò của mình; chư hầu, quần thần nổi loạn khắp nơi; dân chúng thì sống trong sự khốn khó, và băng hoại về đạo đức, chắc hẳn Khổng Tử đã có nhiều băn khoan và trăn trở đối với dân tình và quốc gia. Có lẽ tất cả những ưu tư này đã phần nào hình thành nên tư tưởng của ông liên quan đến giáo dục và chính trị, cụ thể ở đây là đức nhân.

Đối với Khổng Tử, Nhân trước hết là sự biểu lộ  của thiên đạo trong đời sống con người. điều này ông giả định rằng trong con người phải có cái gốc Nhân nơi bản tính của mình, mà cái gốc Nhân ấy chính là cái con người đón nhận từ Thiên mà có.  Nói khác đi, trong quan niệm của Khổng Tử, Nhân chính là Đạo, là mệnh[6]. Cái đạo hay mệnh ấy có suy có thịnh hay không thì lại do chính thiên mệnh quyết định: “Đạo chi tương hành dã hựu, mệnh dã”. Và từ quan niệm chính Thiên phú bẩm đạo đức cho con ngươi trên, ông cho rằng chẳng có ai có thể tước đoạt được cái đạo ấy, cũng như nếu người nào không có cái đạo ấy thì không đáng được gọi là người quân tử. Do đó, người quân tử phải là ngưởi kính sợ thiên mệnh, kính sợ đại nhân và thánh nhân – là những người đã thuận theo thiên mệnh, là những người đã thể hiện đạo. Như thế, có thể nói đối với Khổng Tử, ông cho rằng Nhân chính là cái mà con người được nhận lãnh tử Thiên. Thế nên, điều quan trọng để có được Nhân là hành động theo như mệnh chỉ bảo, không quan tâm tới sự thành bại bên ngoài.

Hơn nữa, Khổng Tử không chỉ cho Nhân là cái thiên mệnh, là đạo mà con người lãnh nhận được từ trời, ông còn cho rằng Nhân là cái vốn đã có sẵn trong con người.  Bởi lẽ con người vốn có sẵn môt tiềm năng tự nhiên để trở nên tốt, nên thiện.  “Nhân viễn hồ tai? Ngã dục nhân, tư nhân chí hĩ” [7](điều nhân vốn có xa gì ta, ta muốn thì nó đến). Tuy nhiên, vì cái Nhân vốn đã tồn hữu sẵn trong con người nhưng nó chưa được tỏ lộ cách rõ ràng. Nó cần được trải qua tu dưỡng rèn luyện và thực hành thì Nhân trong con người mới sáng lên. Đến lúc đó, Nhân mới có thể được tỏ hiện ra bên ngoài. Vì lẽ đó, ta hiểu được tại sao Khổng Tử nói rằng: “tính tương cận, tập tương viễn”[8]. Bản tính con người lúc đầu vốn rất gần nhau, nhưng chính do sự giáo dưỡng, tiếp xúc và thực tập mà dần trở nên xa nhau. Ngoài ra, ông còn nói cho rằng: “chỉ cần không oán thiên, không trách cứ người khác, có chí học tập, dưới học nhân sự, trên đạt thiên mệnh”.  Như thế, có thể tóm lại rằng Khổng Tử quan niệm về chữ Nhân có tính hai chiều. Một đàng khi con người để cho thiên chi phối, thuận lòng mình theo ý thiên thì có được Nhân. Đàng khác, con người có thể sở đắc được Nhân qua việc tu dưỡng, rèn luyện của bản thân. Nói rõ hơn, Nhân chính là thành quả, của sự chịu khó làm lụng “Nhân giả tiên nan nhi hậu hạnh, khả vị, nhân hĩ”[9].

Ngoài ra, nếu xét quan niệm của Khổng Tử trong một phạm vi lớn hơn là xã hội, ta thấy ông còn bàn luận về nhân chính là lòng thương người. Nói đúng hơn, Nhân theo ông là một đức tính bao quát tất cả đạo lý. Quả vậy, theo học giả W. T. Chan, Chính Khổng Tử là người đầu tiên đã nói về chữ nhân như là nhân đức phổ quát, là toàn đức (general virtue)[10]. Với ý nghĩa chữ Nhân theo nghĩa rộng này, ta thấy Nhân đã chi phối toàn bộ tư tưởng triết học của Khổng Tử nói riêng và của Nho giáo sau này nói chung. Quan niệm của ông về Nhân không chỉ dừng lại ở việc tu luyện, giáo dưỡng bản thân cho thành danh thành tài, Nhưng Nhân phải hệ ở tại “phù nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, đồng thời “sở kỷ bất dục  vật thi ư nhân”[11] – Phàm là người nhân thì khi mình muốn tự lập tự cường thì mình cũng khao khát cho người khác được như thế; mình muốn thành đạt thì cũng cầu mong sao cho tha nhân được thành đạt; và ngược lại,  điều gì mình không muốn, không thích thì cũng là điều mà mình cần tránh gây ra cho người ta. Chính vì quan niệm Nhân như thế, Khổng Tử đã từng ví von những người bất nhân tương tự như chứng bệnh  tê “ma độc bất nhân” để diễn tả những người không có khả năng cảm thông và liên đới với người khác bằng tình yêu.

Tuy nhiên, khi Khổng Tử nói Nhân đòi hỏi phải yêu người, quý người nhưng điều đó không có nghĩa là ông chủ trương yêu tha nhân cách “mù quáng”. Đối với ông, việc yêu người còn phải có sự phân biệt thị phi, thiện ác. Ái nhân của ông không hàm nghĩa “ái vô sai đẳng”, nhưng là yêu người nào đáng yêu và ghét người nào cần ghét[12]. Tuy nhiên, trong cái ghét ấy của ông cũng cho thấy có sự phân biệt rõ ràng giữa người làm điều xấu và việc làm xấu. Chính vì thế, khi ông nói cần ghét những người làm điều xấu nhưng không phải vì vậy mà ông “loại trừ” hay ghét bỏ họ cho bằng ghét những hành vi xấu xa của họ. Do đó, ông luôn chủ trương “giáo hóa vô loài”, nghĩa là ông không có  sự phân biệt thị phi người xấu kẻ tốt; và như thế, chữ “Nhân” của ông không chỉ mang ý nghĩa là yêu người mà còn là hoàn thiện người

Nói tóm lại, xét về quan niệm Nhân của Không Tử, chúng ta có thể thấy ông bàn vể Nhân dưới hai phương diện. Một đàng, chữ Nhân ấy được hiểu theo mối tương quan chiều dọc giữa người với thiên; đàng khác, nó cũng được hiểu theo mối liên hệ chiều ngang giữa người với người. Từ quan niệm về Nhân như thế này, Khổng Tử đã “mặc” cho Nhân một ý nghĩa mới có tính toàn vẹn vào bao quát các nhân đức của con người. (Còn tiếp)

(Nguyễn Đức Thắng, SJ)

……………..

[1] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, Quyển Thượng, Trung tâm học liệu xuất bản, 1971, Trang  44.

[2]Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc ( bản dịch tiếng việt của Lê Minh Anh, nxb: Khoa học Xã hội, 2006).

[3]http://www.chinese-word-roots.org/cwr011.htm (The word 仁 has two radicals, radical ( 人 , man) and radical ( 二 two) . That is, there are at least two men in this world, and 仁 is the way to live with others or the way to govern others.)

[4] Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Đại cương triết học Trung Quốc, Tập 2, Nxb: Thanh niên, 2006, Tr. 361 – 62.

[5]Ngô Quân, Bảy Đại Triết Gia Trung Quốc Đời Chu – Tần  (đọc từ website:      http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237ntn3ntnqn31n343tq83a3q3m3237nvn

[6] x. Trương Lập Văn, Thiên, Nxb: Khoa học xã hội, 2003, Tr. 100 – 105.

[7] Khổng Tử, Luận ngữ, Thuật Nhi, 29 (Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, NXb: Văn Học, 1995).

[8] sđd, Dương Hóa, 2.

[9] sđd, Ung Dã, 20.

[10] Hall, David L.; Ames, Roger T., Thinking Through Confucius, State University of  New York Press,1987, tr.111.

[11]Khổng Tử, Luận ngữ, Ung dã, 28 và Nhan Uyên, 2.

[12] sđd, Dương Hóa, 24.

Kiểm tra tương tự

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

[Giới thiệu sách] Nhân Thần Hội Ngộ- Lm. Giuse Vũ Kim Chính, SJ

 Cha Karl Rahner, SJ (1904-1984) được xem là một trong những thần học gia vĩ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *