Việt Nam Quốc hiệu và Cương vực (tt): Thời Kỳ độc lập tự chủ

8. CƯƠNG VỰC ĐẠI VIỆT DƯỚI THỜI NAM BẮC TRlỀU (1528-1592)
Năm 1527, Mạc Đăng Dung thoán ngôi nhà Lê. Cựu thần nhà Lê không chịu: Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm suy tôn Lê Trang Tôn lên ngôi từ năm 1533 bên đất Lào, rồi đem quân về lấy lại Nghệ An và Thanh Hóa. Trong thời gian trên 60 năm, từ Thanh Hóa vào Nam thuộc về nhà Lê, gọi là Nam Triều. Từ Sơn Nam ra Bắc thuộc về nhà Mạc, gọi là Bắc Triệu.
Nam Triều có các vua:
Lê Trang Tông (1533-1548)
Lê Trung Tông (1548-1556)
Lê Anh Tông (1556-1573)
Lê Thế Tông (1573-1599)
Bắc Triều có các vua:
Mạc Đăng Dung (1527-1529)
Mạc Đăng Doanh (1530-1540)
Mạc Phúc Hải (1541-1546)
Mạc Phúc Nguyên (1546-1561)
Mạc Mậu Hợp (1562-1592).

9. CƯƠNG VỰC ĐẠI VIỆT DƯỚI THỜI TRỊNH NGUYỄN PHÂN TRANH (1600-1771)

Năm 1545, Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm muốn giữ hết quyền bèn cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa (1588) nhưng buộc vẫn thường phải về chầu vua Lê và đem binh ra giúp họ Trịnh để dứt nhà Mạc. Năm 1593, Trịnh Tùng có sự tiếp tay của Nguyễn Hoàng lấy lại Thăng Long nhưng vẫn muốn giữ Nguyễn Hoàng không cho về hẳn Thuận Hóa. Mãi năm 1600, Nguyễn Hoàng mới trốn được vào Nam và mưu tính lập căn cứ lâu dài chống lại họ Trịnh. Từ đó, các chúa Nguyễn tìm cách phát triển lãnh thổ cả về phía nam lẫn phía tây và phía biển Đông trên các quần đảo xa xôi nữa.

Sau đây là các đời chúa Nguyễn:

Nguyễn Hoàng tức Chúa Tiên (1558-1613) tổ chức cai trị thêm từ đèo Cù Mông tới núi Đá Bia, lập phủ Phú Yên hồi năm 1611

Nguyễn Phước Nguyên tức Chúa Sãi (1613-1635) hình như có gả “công nữ” Ngọc Vạn cho Chey Ghetta II, vua Chân Lạp hồi 1619.

Nguyễn Phước Lan tức Chúa Thượng (1635-1648) tổ chức cai trị và khai khẩn từ núi Đá Bia tới sông Phan Rang hồi năm 1635.

Nguyễn Phước Tần tức Chúa Hiền (1648-1687) cho quân sang U Đông và Nam Vang để cản ngăn việc quân Xiêm chiếm đóng hồi 1658-1672, lại cho người Minh Hương đến khẩn hoang ở Mỹ Tho và Biên Hòa hồi 1679. (Bản đồ 24)


Nguyễn Phước Trăn tức Chúa Ngãi (1687-1691) cho quân chinh phạt nguời Minh Hương là Hoàng Tiến hồi năm 1689.

Nguyễn Phước Chu tức Chúa Minh (1691-1725) “đặt phủ Bình Thuận, vẫn để vua Chiêm cai trị người Chiêm như cũ” hồi năm 1697. Năm 1698 phái Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, đăt phủ Gia Đinh và hai huyện Tân Bình (Sài Gòn), Phước Long (Biên Hòa).

Năm 1708, chúa cho Mạc Cửu làm tổng binh trấn Hà Tiên.

Nguyễn Phước Trú tức Chúa Ninh (1691-1738)đặt chức Điều Khiển để coi việc quân toàn miền Nam.

Nguyễn Phước Khoát tức Chúa Võ (1738-1765) hoàn chỉnh việc chia cắt phủ huyện trên toàn cõi miền Nam. Năm 1744, Đàng Trong chia ra làm 12 dinh và 1 trấn

Chính dinh (Phú Xuân).

  1. Cựu dinh (Ái Tử, Quảng Trị).
  2. Quảng Bình dinh tục gọi dinh Trạm.
  3. Lưu Đồn dinh cũng gọi dinh Mười (Võ Xá, Quảng Bình).
  4. Bố Chính dinh tục gọi dinh Ngói.
  5. Quảng Nam dinh tục gọi dinh Chiêm.
  6. Phú Yên dinh.
  7. Bình Khang dinh (sau là Khánh Hòa).
  8. Bình Thuận dinh.
  9. Trấn Biên dinh (sau là Biên Hòa)
  10. Phiên Trấn dinh (sau là tỉnh Gia Định).
  11. Long Hồ dinh (sau là Vĩnh Long và An Giang).
  12. Hà Tiên trấn.

Dân số Đàng Trong, ở niên đại 1750, có khoảng 1.500.000 người.

Nguyễn Phước Thuần tức Chúa Định (1765-1776) sai Nguyễn Cửu Đàm giải phóng Cao Miên khỏi tay quân Xiêm chiếm đóng (1772). Đầu năm 1776, quân Tây Sơn vào chiếm miền Nam, sau khi làm chủ Qui Nhon[1].

Nguyễn Anh (1776-1802) tái chiếm Gia Định từ tay Tây Sơn, xây thành Bát Quái rồi theo gió mùa lần hồi lấy lại Phú Xuân và cả Đàng Ngoài.

(Bản đồ 25)

10. CƯƠNG VỰC ĐẠI VIỆT DƯỚI THỜI TÂY SƠN (1771-1802)

Có lẽ chính quyền nuớc ta chưa bao giờ phân tán như trong thời gian 30 năm này, ngoại trừ thời Thập Nhị Sứ Quân. Năm 1771, anh em Tây Sơn dấy binh rồi chiếm thành Qui Nhơn. Năm 1774, chúa Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc vào chiếm Phú Xuân. Chúa Định cùng Nguyễn Ánh chạy vào Nam. Năm 1776, Tây Sơn vào chiếm Nam Bộ. Từ đó đến năm 1778, Nam Bộ bị giành giật bảy tám lần giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Năm 1786, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ lấy Thuận Hóa, rồi thừa thắng đem quân ra lấy Bắc Hà với danh nghĩa diệt Trịnh phù Lê. Trịnh Khải tự tử, chấm dứt nghiệp chúa của họ Trịnh kéo dài 216 năm (1576-1786) với 10 đời chúa là:

Trịnh Tùng (1570-1670)

Trinh Tráng (1623-1657)

Trịnh Tạc (1657-1682)

Trịnh Căn (1682-1709)

Trịnh Cương (1709-1729)

Trịnh Giang (1729-1740)

Trịnh Doanh (1740-1767)

Trịnh Sâm (1767-1782)

Trịnh Cán (1782)

Trịnh Khải (1783-1786).

Lấy được Bắc Hà rồi, nhà Tây Sơn phân quyền lại: Nguyễn Nhạc làm Trung ương Hoàng Đế đóng đô ở Qui Nhon, Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương ở đất Gia Định, Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương ở đất Thuận Hóa, lấy đèo Hải Vân làm giới hạn. Riêng nhà Tây Sơn đã chia làm “ba nuớc”. Nhưng Nguyễn Lữ ở Gia Định thì không bao giờ vững và Nguyễn Ánh vẫn tự coi là chúa chính thống, còn Quy Nhơn và Thuận Hóa thì hiềm khích, có lúc Nguyễn Huệ đã kéo quân vào đánh Nguyễn Nhạc. Trong khi ấy, vua Lê còn thoi thóp ở Thăng Long và dùng Trịnh Bồng làm chúa. Lên được tấm bản đồ phân ranh hành chính của nước ta trong thời kỳ lắm vua nhiều chúa này thật không dễ[2].(Bản đồ 26)

Năm 1787, Nguyễn Huệ dứt bỏ nhà Lê nhưng vẫn đặt Giám quốc “để giữ tông miếu tiền triều”. Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc xin cầu viện. Nhà Lê làm vua cả thảy được 360 năm (1428-1788). Tiếp theo Lê Thế Tông (đã chép ở một đoạn trên) là các vua:

Lê Kính Tông (1600-1619).

Lê Thần Tông (1619-1643) lần thứ nhất.

Lê Chân Tông (1643-1649).

Lê Thần Tông (1649-1662) lần thứ hai.

Lê Huyền Tông (1663-1671).

Lê Gia Tông (1672-1675).

Lê Hi Tông (1676-1705).

Lê Dụ Tông (1706-1729).

Lê Duy Phương (1729-1732).

Lê Thuần Tông (1732-1735).

Lê Ý Tông (1735-1740).

Lê Hiển Tông (1740-1786).

Lê Mẫn Đế (1787-1788) tức Chiêu Thống.

Đó là những vị vua ngồi làm vì, còn quyền bính đều trong tay họ Trịnh quyết đoán. Họ Trịnh suy thì nhà Lê cũng tàn.

Dân số Đàng Ngoài, ở niên đại 1750, có khoảng 4.000.000 người.

Quang Trung (1788-1792). Khi được tin quân Thanh mượn tiếng cứu Lê để xâm chiếm nước ta, Nguyễn Huệ tức vị xưng đế rồi đem quân ra Bắc để phá quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị bỏ hết ấn tín mà chạy (1789). Thắng mà không kiêu, Nguyễn Huệ biết lượng sức mình đối với Trung Quốc to gấp mấy chục lần nước ta, nên tạm hoãn binh và xin cầu phong. “Vua nhà Thanh bèn sai sứ sang phong cho Quang Trung làm An Nam Quốc Vương[3]. Đó là tuóc hiệu mà “thiên triều” vẫn dùng để phong cho vua nuớc ta. Tuy ta tự xưng nước là Đại Việt nhưng Trung Quốc chỉ gọi ta là An Nam. Trên danh nghĩa, tước hiệu An Nam Quốc Vương là làm vua toàn quốc từ Nam chí Bắc, song thực tế thì lúc đó Nguyễn Ánh đã làm chủ Nam Bộ và Trung ương Hoàng Đế (tức Nguyễn Nhạc) vẫn còn làm chủ ở phía Nam Trung Bộ tới đèo Hải Vân.

Cảnh Thịnh (1792-1802) tức Nguyễn Quang Toản, lên nối ngôi cha, còn nhỏ tuổi không làm được gì, chứng kiến từ thất trận này đến thất trận khác, từ Nam ra Bắc và chỉ tồn tại được 10 năm. (Bản đồ 27) Và (Bản đồ 28)



[1] Phan Khoang, Xứ Đàng Trong 1558-1777. NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1970. Tr. 131-130

[2] Lê Thành Khôi, Le VietNam, histoire et civilisation. Les editions de Minuit. Paris, 1955. Bản đồ Le Đạí Việt en 1790, trang 528.

[3] Trần Trọng Kim, sdd, tr. 376.

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *