Cha Arturo Sosa, SJ, Bề Trên Cả Dòng Tên, đã có một cuộc phỏng vấn với tạp chí America tại trụ sở Dòng Tên ở Roma trước ngày ra mắt một cuốn sách mới được xuất bản trùng với Năm Inhã. Trong cuộc phỏng vấn này, ngài đã nói về cách Đức Phanxicô, vị giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, đang cải tổ Giáo Hội, dẫu cho có một số giám mục “không chèo cùng với ngài”, và cho rằng liệu sự đối lập này có thể dẫn đến chia rẽ trong Giáo Hội hay không.
Ngài cũng đề cập đến vấn đề bất khoan nhượng trong Giáo Hội và bê bối lạm dụng trong Dòng Tên. Ngài nói về cách mà Dòng liên hệ với các tu sĩ đã rời khỏi Dòng và cách ngài hình dung về xã hội trong tương lai. Ngài bàn luận về khả năng có một giáo hoàng Châu Mỹ Latinh hoặc giáo hoàng Dòng Tên. Ngài bình luận về tầm nhìn của cố giáo hoàng Gio-an Phao-lo II về đời sống tu trì và việc Đức Giáo hoàng muốn cha Pedro Arrupe, SJ, rời khỏi vai trò lãnh đạo Dòng Tên.
Chúng tôi đã nói chuyện vào ngày 10 tháng 5, trước khi ra mắt cuốn sách Sánh Bước Cùng Thánh Inhaxiô, một ấn phẩm dựa trên các cuộc phỏng vấn mà ngài thực hiện với Dario Menor, một nhà báo Tây Ban Nha, đã kết hôn và có con, và không phải là tu sĩ Dòng Tên. Cuốn sách 270 trang này đưa ra những cái nhìn sâu sắc và chất liệu hấp dẫn cho việc suy tư và bàn luận trong Năm Inhã, năm kỷ niệm 500 năm cuộc hoán cải của thánh Inhaxiô sau khi ngài bị thương nặng bởi một quả đại bác tại Pamplona, Tây Ban Nha vào ngày 20 tháng 5 năm 1521. Năm kỷ niệm bắt đầu ngày 20 tháng 5 và kết thúc vào ngày lễ kính thánh Inhã 31 tháng 7 năm 2022.
Tôi bắt đầu với một nhận xét từ cuốn sách rằng “Tôi thấy thánh Inhaxiô như một nhà cải cách vĩ đại” – và hỏi rằng liệu ngài có coi Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng là một nhà cải cách không?
Cha Sosa giải thích rằng việc cha đã sử dụng tính từ “vĩ đại” khi được hỏi liệu rằng thánh Inhaxiô có thể được xem là “một tông đồ của Phong Trào Phản Cải Cách” hay không. Cha lưu ý rằng: “Thánh Inhaxiô và các bạn đầu tiên của ngài được coi là ‘những nhà cải cách’ nhưng quan điểm của tôi là ngài không phản cải cách. Thánh Inhaxiô là một nhà cải cách và là một nhà cải cách tốt hơn Luther”. Cha nhắc lại rằng Luther ủng hộ một cuộc cải cách nhưng “kết thúc bằng một cuộc ly giáo mà ngay từ đầu ông ấy không hề mong muốn,” trong khi thánh Inhaxiô, giống những nhà cải cách khác trong Giáo Hội Công Giáo như thánh Phanxicô Assisi, “đã đạt được những cải cách mà không gây chia rẽ.”
Cha nói, “theo nghĩa đó, Đức Phanxicô là người tin rằng Giáo Hội cần phải được cải tổ và ngài biết rằng việc cải tổ Giáo Hội bắt nguồn từ Công đồng Vatican II. Vì thế, ngài muốn thực hiện kiểu cải cách đó, cuộc cải cách đã được phân định và quyết định trong Công đồng Vatican II.”
Vui lòng chấp nhận sử dụng dịch vụ của Youtube để xem Video này. Youtube là dịch vụ phát video trực tuyến được cung cấp bởi Google
Trong cuốn sách của mình, Cha Sosa nhấn mạnh đến “tính đồng nghị” là một trong những yếu tố chính cho cuộc cải tổ Giáo Hội. Cha giải thích rằng “Tính đồng nghị là từ mà chúng ta đang sử dụng hiện nay, nhưng Công đồng Vatican II đã sử dụng từ ‘dân Thiên Chúa.”
Cha nhớ lại rằng Jorge Mario Bergoglio “là một trong những người khởi xướng ‘Teologia del pueblo’ [thần học dân chúng] ở Argentina.” Cha nói ngày nay “cuộc cải cách chính yếu là Giáo Hội thực sự trở nên ‘dân Thiên Chúa’ và điều đó có nghĩa là những thừa tác viên của Giáo Hội là những người phục vụ hoặc những mục tử. Đức Phanxicô thường sử dụng hình ảnh của mục tử, nghĩa mọi người đang chăm sóc cho người khác. Mục tử không phải thủ lãnh và những người khác không phải con chiên. Đó là một cuộc cải cách rất lớn và sâu sắc”.
Tại nhà thờ Gesu ở Rôma vào ngày 27 tháng 9 năm 2014, nhân kỷ niệm 200 năm tái lập Dòng Tên, Đức Phanxicô đã mời gọi anh em Dòng Tên của ngài “hãy chèo cùng nhau!” Tôi hỏi các tu sĩ Dòng Tên có đang làm điều đó không. Cha Sosa trả lời: “Có! Có chứ! Tôi nghĩ vậy. Chúng tôi đang cố gắng chèo cùng nhau và chèo ra những chỗ sâu hơn”.
Tuy nhiên, “nguy hiểm ở chỗ là một số người có thể chèo theo một hướng, những người khác theo một hướng khác, vì vậy thách thức lớn là phải chèo cùng nhau theo cùng một hướng. Và hôm nay Đức Thánh Cha Phanxicô đang chỉ ra một hướng để Giáo Hội cùng chèo với nhau,” cha Sosa nói.
Khi được hỏi về việc một số giám mục không cùng chèo với Đức Phanxicô, người đứng đầu Dòng Tên nói rằng điều này là do “sự đa dạng trong bản chất con người và trong Giáo Hội. Các giám mục đã được bổ nhiệm trong nhiều thời điểm khác nhau, với nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Có những giám mục mà đối với họ, Công đồng Vatican II, vốn đã diễn ra cách đây gần 60 năm, không có chỗ trong cung cách hành xử của họ”. Nhiều vị vẫn không chấp nhận đây như một cách để cải tổ Giáo Hội hoặc là con đường mà Giáo Hội nên đi theo, Cha nói.
“Nguy cơ thì luôn ở đó,” cha nói về một Giáo Hội song song đang xuất hiện, “nhưng tôi không thấy nguy cơ gần của một sự chia rẽ trong Giáo Hội.”
Trong cuốn sách, khi được hỏi liệu rằng cha có nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo ở Châu Âu và Châu Mỹ đang hướng tới việc trở thành một Giáo Hội gồm một thiểu số tinh tuý nhỏ bé hay không, cha Sosa cảnh báo, “Chúng ta cần phải cẩn thận về sự tinh túy vì nó có thể là mầm mống của chủ nghĩa bảo căn tôn giáo, một thứ chủ nghĩa tồi tệ nhất trong tất cả các loại chủ nghĩa bảo căn vì nó chém giết nhân danh Chúa và gieo rắc sự bất khoan dung nhân danh Ngài.” Cha nói thêm: “Không có chỗ cho sự bất khoan dung trong Giáo Hội.”
Tôi hỏi Cha thấy sự bất khoan dung như thế xuất hiện ở đâu hiện nay? Cha trả lời, “Tôi nhìn thấy nó trong sự thiếu vắng lòng thương xót.” Ví dụ, “trong nhiều thái độ xung quanh [hiện tượng của] những vụ lạm dụng.”
Cha nói, “Đối với tôi, những lạm dụng là một tội lỗi rất lớn của Giáo Hội, của hàng giáo sĩ và các thành viên khác của Giáo Hội. Tôi không biện minh cho họ và như Đức giáo hoàng đã nói, tôi cũng nghĩ rằng một lần lạm dụng thì đã là đáng xấu hổ đối với chúng ta.” Cha thêm rằng: “Đó là điểm khởi đầu. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã làm điều gì đó về việc nhận ra sai lầm và tội lỗi, nhưng sự bất khoan dung thì về các bước khác”.
Cha Sosa nói: “Các nạn nhân và những kẻ lạm dụng cần được chữa lành. Lạm dụng là một vết thương rất sâu, và chúng ta cần phải chữa lành vết thương đó. Nhưng làm thế nào để bạn chữa lành vết thương đó? Với sự bất khoan dung chăng? Không! Bạn chữa lành điều đó với lòng thương xót. Bạn chữa lành điều đó bằng các quá trình đồng hành. Bạn chữa lành điều đó bằng cách hòa giải và tha thứ”.
Trong cuốn sách, cha cũng nói về sự cần thiết để tìm cách mang sự chữa lành cho những kẻ lạm dụng.
Tôi hỏi cha có bị sốc hay ngạc nhiên khi thấy các vụ lạm dụng nổi lên giữa các tu sĩ Dòng Tên không? “Vâng,” Cha nói. “Đó là một tình huống rất đau đớn. Rất đau. Và không phải một trường hợp mà có rất nhiều trường hợp, và ở nhiều nơi bao gồm Chile, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Tây Ban Nha và các nơi khác nữa. Đó thực sự là một cú sốc, một cú sốc theo nghĩa rằng tôi không thể tưởng tượng được như vậy”.
Cha thừa nhận rằng một phần nguyên nhân là do “trong việc đào luyện của chúng tôi, trong cách chúng tôi đồng hành với mọi người. Nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề”, Cha nói. “Tôi nghĩ chúng tôi không nằm ngoài xã hội và điều rất quan trọng để hiểu – không phải để bào chữa cho chúng tôi nhưng để hiểu bản chất to lớn của vấn đề này vì văn hóa của xã hội. Chúng ta không đến từ hành tinh khác. Những thái độ này cũng có trong xã hội chúng ta. “
Cha có nghĩ rằng Giáo Hội đang vượt qua vấn đề này không? Cha Sosa nói: “Tôi cảm thấy rằng Giáo Hội đã bắt đầu làm được điều đó, nhưng vấn đề không hề lui lại phía sau chúng ta, nó vẫn ở phía trước và chúng ta phải đối mặt với nó. Tôi nghĩ rằng Giáo Hội đã bắt đầu thực hiện các bước và thay đổi lớn mà tôi đã thấy là Giáo Hội đặt nạn nhân vào trung tâm.” Cha nhớ lại, “cách đây 30 năm hoặc hơn, khi các trường hợp đầu tiên xảy ra, phản ứng đầu tiên là việc bảo vệ thể chế, bảo vệ dòng hoặc giáo phận, đặt thể chế lên trước cá nhân.
“Nhưng ngày nay nạn nhân được đặt ở vị trí đầu tiên, để nghe nạn nhân, để tin nạn nhân và nỗi đau khổ của họ và điều đó đã giúp thay đổi rất nhiều cách cư xử của Giáo Hội và giúp đưa ra các chuẩn mực và các thủ tục, v.v.,” Cha nói: “Tôi nghĩ rằng ngày nay không có trường hợp nào mà không bị tố giác và đặt dưới luật dân sự và giáo luật”.
Cha nói, “Nhưng điều đó là chưa đủ. Chúng ta cũng phải linh động như một nhóm theo nghĩa rằng, nạn nhân là nạn nhân, nhưng cũng còn đó một thủ phạm với những vấn đề. Hơn nữa, nạn nhân và thủ phạm là một phần của cộng đồng chúng ta. Vì vậy, cũng có một chiều kích thể chế và chiều kích văn hóa cho những gì đang xảy ra”.
“Tất cả những điều này là một sự thay đổi lớn về văn hóa… và nếu chúng ta nghiêm túc với những gì chúng ta tin, cụ thể là, rốt cuộc sự cứu độ chính là tha thứ và hòa giải, thì đó là thách đố lớn để đạt được điều này. Chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài phải đi,” cha nói.
Kể từ khi số lượng tu sĩ Dòng Tên giảm trong những thập kỷ gần đây, tôi hỏi Dòng có liên hệ như thế nào với những người đã rời Dòng. “Rất nhiều cựu tu sĩ Dòng Tên đang làm việc trong những sứ vụ tông đồ của chúng tôi và đang đang làm rất tốt.” Cha giải thích rằng “hầu hết các cựu tu sĩ Dòng Tên, sau một tiến trình phân định, đã quyết định rằng đây không phải là ơn gọi của họ, hoặc Dòng nói với họ đây không còn là nơi dành cho bạn. Phần lớn, đây là một tiến trình được thực hiện rất tốt trong sự đối thoại và [quyết định được đưa ra] với một sự đón nhận. Nhưng cũng có những trường hợp không được như vậy và họ được báo là phải ra khỏi Dòng, hoặc khi có vấn đề nghiêm trọng xảy ra”.
“Việc một số người rời Dòng trong quá trình huấn luyện là điều bình thường… huấn luyện là để kiểm tra. Nhưng nếu họ rời đi sau khi được huấn luyện, điều đó đặt ra một câu hỏi khác”. Cha tiết lộ rằng ở một số tỉnh Dòng trong những năm gần đây “một số lượng bất thường các linh mục trẻ rời bỏ Dòng,” và điều này đặt ra câu hỏi liên quan đến “việc huấn luyện của chúng tôi và cách đồng hành của chúng tôi”.
Trong cuốn sách, Cha Sosa nói, “Châu Phi ngày nay là nơi mà thân thể tông đồ của Dòng đang phát triển mạnh mẽ nhất, cả trong ơn gọi cũng như trong các hoạt động và những quan hệ cộng tác của chúng tôi.”
Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn về sự phát triển này, Cha nói, “Châu Phi là Giáo Hội trẻ hơn. Giáo Hội đang lớn mạnh ở Châu Phi, và Dòng Tên cũng đang như thế ở nơi này”. Cha Sosa cho biết Dòng cũng có nhiều ơn gọi ở Việt Nam, “nhưng những hoàn cảnh thì khác nhau ở đó và thậm chí có liên hệ đến ước muốn để được tự do. Nhưng sự phát triển ở Châu Phi lớn hơn và có thể giống như những gì đã xảy ra ở Châu Mỹ Latinh hơn một trăm năm trước”.
Khi được hỏi liệu việc có một vị giáo hoàng Dòng Tên có làm tăng số lượng ơn gọi cho Dòng hay không, Cha Sosa nói, “Không thể chứng minh được điều đó, nhưng tôi nghĩ Đức Thánh Cha Phanxicô là một điểm tham chiếu tốt cho nhiều người.”
Cha tiết lộ trong cuốn sách rằng nhiều ơn gọi trong Dòng ngày nay không đến từ các cơ sở giáo dục của Dòng Tên. Cha giải thích rằng trong “những thập niên 60 và 70, ơn gọi Dòng Tên được biết đến qua các trường của Dòng”, nhưng “điều này không còn xảy ra ngày nay nữa vì có nhiều cách khác để liên lạc với Dòng, bao gồm thông qua công việc của chúng tôi với những người tị nạn hoặc tại các giáo xứ và qua các khóa Linh Thao. “
Thật vậy, “những người trẻ rất được thu hút bởi Linh Thao và chúng tôi có rất nhiều cách để đưa ra các bài thao luyện [bây giờ] trong khi trước đây chúng tôi có một mô hình cứng nhắc hơn.” Cha thêm rằng, “thậm chí nhiều phụ nữ làm Linh Thao cho các tu sĩ Dòng Tên và họ rất giỏi. Vì thế, đó là một bước phát triển hoàn toàn mới.”
Khi được hỏi Cha dự đoán Dòng Tên sẽ như thế nào trong khoảng thời gian từ 10 đến 20 năm nữa, Cha Sosa nói, “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ ít hơn về số lượng, có thể là 10.000 đến 12.000 thành viên, nhưng chúng tôi sẽ trẻ hơn. Bây giờ chúng tôi có một nhóm lớn những người lớn tuổi — và tôi là một trong số họ — và chúng tôi sẽ không ở đây trong 20 năm nữa”.
Cha nói: “Chúng ta sẽ đa dạng hơn về văn hóa. “Đó là một hiện tượng thú vị khác trong Dòng, sự đa dạng của các nền văn hóa, đa dạng về hoàn cảnh gia đình, xã hội của những thành viên mới gia nhập Dòng. Và sẽ có nhiều cộng đồng liên văn hóa hơn”.
Cha hình dung về “việc cộng tác nhiều hơn với những người khác, với những người không phải là tu sĩ Dòng Tên, không chỉ cộng tác nhiều hơn trong các công việc của Dòng mà còn trong các dự án chung với những người khác, với người Công Giáo và không Công Giáo.”
Cha nói: “Chúng tôi có một nhóm rất lớn các tu sĩ Dòng Tên ở châu Á và châu Phi, ở những quốc gia mà Ki-tô giáo là thiểu số. “Vì vậy, ngoài việc trở nên liên văn hóa, tôi nghĩ chúng tôi cũng sẽ trở nên liên tôn giáo ở nhiều nơi. Tôi hình dung một xã hội đối thoại nhiều hơn trong tất cả những tiến trình này và rất dấn thân trong công tác xã hội … liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và đói nghèo. Ngày nay rất nhiều tu sĩ Dòng Tên đang làm việc với người nghèo. “
Khi được hỏi “sau một giáo hoàng Dòng Tên và Châu Mỹ Latinh, chúng ta có thể mong đợi điều gì?” Cha Sosa chỉ lên trên, ám chỉ Chúa Thánh Thần. Cha nói rằng có rất ít khả năng Giáo Hội sẽ có một giáo hoàng Dòng Tên người Mỹ Latinh khác, nhưng “chúng ta có thể có một giáo hoàng từ lục địa khác”. Cha nói thêm, “Rất khó khi chúng ta có hai giáo hoàng Dòng Tên liên tiếp,” nhưng Cha thừa nhận rằng trước khi Đức Phanxicô được bầu chọn, “Tôi nghĩ rằng các tu sĩ Dòng Tên không bao giờ nghĩ đến việc có giáo hoàng Dòng Tên, và tôi cũng đã nghĩ như,” vì thế về chuyện tương lai, “Tôi có thể sai,” Cha nói.
Trong cuốn sách, Cha nói “thực tế là giáo hoàng bây giờ là một tu sĩ Dòng Tên đặt chúng tôi vào thế bất lợi vì ngài ấy phải cẩn trọng để không đưa ra cảm tưởng rằng ngài có mối tương quan ưu ái với Dòng Tên.” Tôi thừa nhận là ắt hẳn cũng phải có những thuận lợi, vậy đó là gì?
“Đối với tôi, thuận lợi là bạn có thể nói một ngôn ngữ giống nhau,” Cha nói. “Khi chúng tôi nói từ” phân định “, chúng tôi đang nói về cùng một điều. Khi chúng tôi nói “tư vấn”, chúng ta biết chúng ta đang nói về điều gì, tương tự như vậy khi chúng ta nói “tính ứng trực” (disponabilità). Chúng tôi đang nói cùng một ngôn ngữ”.
Cha nhớ lại rằng “rất khó nói chuyện với thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài ấy nói một ngôn ngữ khác. Ngài hiểu đời sống tu trì theo một cách rất khác với Đức Phanxicô. Và bạn cũng có thể hỏi các nữ tu về điều này, không chỉ các tu sĩ Dòng Tên. Đức Gioan-Phaolô II không hiểu một người tu sỹ không có chức thánh; ngài ấy không hiểu ơn gọi tu huynh. Đối với ngài, đời sống tu trì dành cho phụ nữ, cho người không có chức linh mục, nhưng ở một vị trí thứ yếu mà thôi.”
Khi Cha đề cập đến cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, tôi hỏi cha cảm thấy gì khi Đức Gio-an Phao-lô II loại bỏ Cha Arrupe khỏi vai trò lãnh đạo của Dòng Tên vào năm 1981 và bổ nhiệm Paolo Dezza, S.J., lúc đó 80 tuổi, làm đại diện đặc biệt của ngài trong Dòng Tên?
“Điều đã loại bỏ Arrupe là bộ não của Cha ấy!” Vào thời điểm từ chức, cha Arrupe thực sự đã bị đột quỵ do suy nhược. “Khoảnh khắc đó rất đặc biệt vì có thể giữa họ đang có căng thẳng, nhưng tôi nghĩ Đức Gioan-Phaolô II thực sự ngưỡng mộ nhân cách của cha Arrupe… Sự căng thẳng không phải với Arrupe mà đối với các tu sĩ Dòng Tên, với Dòng Tên, Cha Sosa nói.
“Vì vậy, khi Cha Arrupe bị bệnh, Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng, “Các anh không thể bầu một Arrupe mới; các anh không thể chọn một cha bề trên cả mới cho đến khi tôi có thể nhìn thấy nội bộ của các anh.” Và đó là quá trình kéo dài trong hai năm…. Tôi không biết [liệu có khó] đối với ngài ấy không, nhưng đối với Dòng thì rất khó khăn. “
Giờ đây, “chúng tôi phải minh oan cho Cha Paolo Dezza. Ngài thật phi thường.”
Cha Sosa cho biết rằng “Cha Dezza không chỉ rất trung thành với Giáo Hội và với Đức Giáo Hoàng, mà còn với Dòng Tên. Ngài không bao giờ để ơn gọi Dòng Tên đằng sau và ngài thực sự muốn giúp Dòng và đã làm được điều đó! Ngài thật điên rồ khi nhận tôi vào Dòng Tên và đã nhận lời khấn cuối của tôi!”
Chuyển ngữ: Học viên JB. Hoàng Lê Công Đức, SJ
Theo America Magazine