Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Bài Tin Mừng theo thánh sử Luca hôm nay, cho chúng ta thấy sự thay đổi thái độ rất nhanh chóng, của người dân Na-da-rét đối với Đức Giêsu. Chúng ta tự hỏi điều gì đã khiến họ thay đổi thái độ, từ “tán phục” thành “phẫn nộ” đến mức muốn “xô Người xuống vực.” Chúa Giêsu đã nói gì, hay làm gì khiến họ phật lòng không thể chấp nhận?
Sau khi đọc đoạn trích sách ngôn sứ I-sai-a, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (Lc 4,21b). Ở đây, chúng ta có thể nhận ra hai ứng nghiệm quan trọng trong tuyên bố trên của Đức Giêsu, đó là về căn tính, và về sứ mạng của Người. Trước hết, Đức Giêsu tuyên bố chính Người là Đấng Thiên Sai: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (Lc 4: 18a). Thật vậy, thánh sử Luca đã phác họa cho chúng ta thấy rõ Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến, cùng với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong biến cố chịu phép rửa, chúng ta đọc có đoạn: “Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu . Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha ; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22). Cũng vậy, khi chuẩn bị cho sứ vụ công khai,“suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ.” Và Đức Giêsu bắt đầu rao giảng với sự hướng dẫn của Thần Khí: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận” (Lc 4,14). Như vậy, Chúa Giêsu cho thấy Người chính là vị Ngôn Sứ đã được nói đến, và hôm nay đã ứng nghiệm như lời tiên báo xưa.
Thứ đến, điều ứng nghiệm được Đức Giêsu công bố chính là sứ mạng của mình, đó là: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn; công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha; cho người mù biết họ được sáng mắt; trả lại tự do cho người bị áp bức…(Lc 4,18-19). Đối với thánh sử Luca, Tin Mừng không chỉ được công bố cho người Do-thái, nhưng còn cho cả dân ngoại – cho toàn thể nhân loại. Trong biến cố dâng Hài Nhi Giêsu nơi đền thờ, ông Si-mê-on đã vui mừng bồng ẵm Đấng Cứu Độ mà muôn dân hằng mong chờ: “Xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2,30-32).
Cũng vậy, gia phả của Đức Giêsu theo thánh sử Luca là không chỉ dừng lại ở tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng Đức Giêsu còn là con cháu của A-dam nữa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã không ngần ngại cho mọi người thấy các ngôn sứ xưa kia cũng được sai đến với dân ngoại. Cụ thể, ngôn sứ Ê-li-a được sai đến để giúp bà góa thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Tương tự như thế, ngôn sứ Ê-li-sa đã chữa bệnh phong hủi cho một người ngoại giáo là ông Na-a-man là người xứ Sy-ri. Ở đây chúng ta thấy Đức Giêsu đã ý thức rõ ràng rằng sứ mạng của Người vượt ra khỏi ranh giới của ‘dân tộc Do-thái’, để mang Tin Mừng Cứu Độ đến cho muôn dân. Dân Thiên Chúa giờ đây không chỉ giới hạn ở Dân riêng là Ít-ra-en, nhưng Thiên Chúa đã muốn quy tụ tất cả mọi người trong tình yêu thương của Người.
Đối với người dân Na-da-rét, họ biết Đức Giêsu vì là người cùng quê quán: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao ?” (Lc 4,22b). Trong 30 năm sống ẩn dật tại quê nhà, có lẽ người dân Na-da-rét phần nào biết biết Đức Giêsu là một người tốt lành ‘trước mặt Thiên Chúa và mọi người’. Gần đây, họ mới bắt đầu nghe nói nhiều hơn về Đức Giêsu về năng quyền giảng dạy cũng như các phép lạ Người thực hiện ở khắp nơi. Sự thực, chính người dân nơi đây đã chứng kiến năng quyền giảng dạy của Đức Giêsu, và mọi người đều “tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.”
Có lẽ họ cũng mong muốn chứng kiến tận mắt thêm việc Đức Giêsu làm những phép lạ mà họ nghe đồn thổi bấy lâu nay. Tuy vậy, sự việc đã khác đi khi Đức Giêsu có ý tỏ mình ra như vị Ngôn Sứ được Thiên Chúa sai đến. Thời Cựu ước, ngôn sứ là những người được Thiên Chúa gọi làm sứ giả, nhân danh Thiên Chúa để nói và chuyển đạt sứ điệp của Ngài, đôi khi báo trước điều sẽ xảy ra cho dân. Như thế ngôn sứ là người vĩ đại, được dân kính trọng mộ mến. Với hoàn cảnh của Đức Giêsu lúc này, người dân chưa chấp nhận.
Không chỉ thế, người dân Na-da-rét còn tỏ ra ‘phẫn nộ’ khi Đức Giêsu trích dẫn việc các ngôn sứ được sai đến với dân ngoại. Đối với họ, Thiên Chúa là Thiên Chúa của riêng họ, và dân ngoại thường luôn bị xem thường xa tránh. Như vậy, Đức Giêsu đã không được đón nhận như một vị Ngôn Sứ, đặc biệt với sứ mạng Loan Báo Tin Mừng cứu độ cho cả dân ngoại. Sự từ chối và ngay cả chống đối là điều mà các ngôn sứ của Thiên Chúa vẫn thường gặp phải trong khi thi hành sứ mạng. Cụ thể như trong bài đọc thứ nhất trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ : từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ” (Gr 1,18). Đối với Đức Giêsu, dẫu có bị chống đối, Người luôn kiên định trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Cũng vì vậy mà các Tông đồ vẫn tiếp nối sứ mạng ấy, để rồi chúng ta có được cơ hội đón nhận được Tin Mừng Cứu Độ.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể học nơi Đức Giêsu, tinh thần sẵn sàng vượt ra khỏi những ‘răn giới,’ để có thể đến với hết thảy mọi người. Thật vậy, khi chúng ta mở rộng tâm hồn mình, chúng ta mới có thể thấy được những điều hay điều đẹp nơi các tôn giáo bạn. Khi chúng ta dám bước ra khỏi làn răn cục bộ, chúng ta mới có thể thấy những tinh túy nơi các nền văn hóa khác nhau. Khi chúng ta thôi ảo tưởng cho mình ‘là hay là giỏi nhất,’ chúng ta mới có thể thấy được những cái hay cái giỏi nơi anh chị em mình.
Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn vì hồng ân đức tin mà chúng con được lãnh nhận qua các vị truyền giáo. Xin cho mỗi người chúng con luôn nhìn thấy được những giá trị mà Thiên Chúa đã đặt để nơi mỗi người cách vô điều kiện. Xin cho mọi người trên thế giới dù khác nhau về quốc gia – văn hóa – tôn giáo luôn được hiệp nhất và tôn trọng lẫn nhau trong tình bác ái. Amen!
Giuse Hoàng Thanh Phong, S.J.