Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán (Ngày 6 tháng 3 năm 2021 – Chúa Nhật III Mùa Chay, năm B)

 Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán
(Xh 20, 1-17 ; 1Cr 1, 22-25 ; Ga 2, 13-25)

 

13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? “19 Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”20 Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? ” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

23 Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm.24 Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy,25 và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

  1. Lề Luật và Đền Thờ

Bài đọc I của Thánh Lễ Chúa Nhật II Mùa Chay trích sách Xuất Hành, kể lại biến cố trọng đại : qua trung gian ông Mô-sê, Đức Chúa công bố cho dân Mười Điều Răn, vốn sau này sẽ trở thành trung tâm của toàn bộ Lề Luật[1]. Và trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan cũng kể lại một biến cố trọng đại không kém : Đức Giê-su « sắp xếp » lại Đền Thờ, vốn là trung tâm của đời sống Dân Chúa. Có thế nói, Người « sắp xếp » lại khởi đi từ tình trạng « hỗn mang » của Đền Thờ. Vì thế, hành động « sắp xếp » của Người có ý nghĩa « sáng tạo » ; bởi lẽ, sáng tạo theo trình thuật « Sáng Tạo Bảy Ngày » (St 1), không chỉ là tạo ra sự vật, nhưng còn là sắp xếp những sự vật đã hiện hữu. Nhưng đâu là tương quan giữa hai biến cố trọng đại này ?

  • Cả hai biến cố đều có bối cảnh Xuất Hành : « Ta là Đức Chúa… đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai cập » (Xh 20, 2) ; « Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái… » (Ga 2, 13). Như thế Lề Luật và Đền Thờ đều đặt nền tảng trên ơn huệ Thiên Chúa ban và có mục đích vừa tưởng nhớ ơn huệ Thiên Chúa ban và vừa bày tò lòng biết ơn bằng việc phụng tự và bằng cuộc sống. Điều này cũng phải là như thế đối với chúng ta, trong việc giữ luật và việc cử hành phụng vụ, nhất là cử hành phụng vụ Thánh Thể.
  • Tuy cả hai là đều là « trung tâm », như chúng vừa nói, nhưng cả hai đều có « vấn đề » : Đền Thờ, Nhà của Thiên Chúa, nhưng bị Sự Dữ, ngang qua những con người cụ thể, biến thành nơi buôn bán. Và tương tự như thế, Luật là tốt và thánh, nhưng trong thực tế đã để cho Tội, nghĩa là Sự Dữ, lợi dụng để mang lại bầu khí chết chóc và gây ra cái chết cho con người (St 3, 1-7 và Rm 7, 7-13).
  • Vì thế, cả hai, Lề Luật và Đền Thờ, cần được Đức Giê-su « sắp xếp » lại. Và điều lạ lùng là Ngài thực hiện bằng chính cái chết của Ngài, nghĩa là bằng mầu nhiệm Vượt Qua, vì Lề Luật và vì Đền Thờ. Vì Lề Luật: « Chúng tôi có Lề Luật ; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết » (Ga 19, 7)[2]. Vì Đền Thờ : người ta sẽ dựa vào hành động « sắp xếp » lại Đền Thờ để chất vấn (x. Ga 2, 18) và kết án Đức Giê-su (x. Mt 26, 61), như lời Thánh Vịnh loan báo : « Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân » (Tv 69, 10) ; hơn nữa, Đức Giê-su muốn thay thể Đền Thờ bằng chính thân thể của Người (x. Ga 2, 19 và 21).

Chết vì Lề Luật và vì Đền Thờ, phải chăng công trình « sắp xếp » của Đức Giê-su bị thất bại ? Để mình bị lên án và bị giết chết, đó là sỉ nhục và điên rồ đối với con người, như thánh Phao-lô nói trong bài đọc II : « ; nhưng đối với TC, đó lại là sức mạnh và khôn ngoan, là con đường ĐGS hoàn tất công trình « sắp xếp » hai vấn đề « trung tâm » nhất của đời sống con người, Lề Luật và Đền Thờ.

Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa

(1Cr 1, 22-24)

Đó là chính là « công trình kì diệu của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta » (Mt 21, 42 và Tv 118, 23), mà chúng ta được mời gọi chiêm ngắm trong mầu nhiệm Vượt Qua.

 

  1. Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán

Hình ảnh Đức Giê-su bừng bừng nổi giận đánh đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, có thể làm chúng ta kinh ngạc. Tương tự như sự kinh ngạc được gây ra bởi những lời nguyền rủa chống lại kẻ dữ trong các Thánh Vịnh (chẳng hạn Tv 69 ; Tv 139, 19-22 ; Tv 141, 10).

Về biến cố này, trong ba Tin Mừng nhất lãm, Tin Mừng theo thánh Luca kể nhẹ nhàng nhất : « Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán » (Lc 19, 45) ; hai Tin Mừng còn lại kể lại cùng một biến cố với nhiều chi tiết hơn : kẻ mua người bán, các bàn đổi tiền, các sạp bán bồ câu… (x. Mt 21, 12 -14; Mc 11, 15 -19). Nhưng thánh sử Gioan, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa nhật hôm nay, tường thuật biến cố này cách đặc biệt nhất :

  • Đức Giê-su đi Giê-ru-sa-lem và vào Đền Thờ ngay từ đầu thời gian rao giảng Tin Mừng. Chính vì thế, biến cố này có liên quan và hướng đến mầu nhiệm Vượt Qua. Tương tự như ngay từ đầu, Người đã so sánh con rắn đồng với mầu nhiệm Thập Giá, khi nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô (x. Ga 3, 14).
  • Và hành động của Ngài rất mạnh mẽ : Ngài tự bện cho mình cái roi đánh đuổi mọi người và hất tung tất cả ra khỏi Đền Thờ : súc vật, tiền bạc, bàn ghế, những người buôn bán.

Các môn đệ chứng kiến cảnh tượng, liền trích Tv 69, 10 : « Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân » !

* * *

Tuy nhiên, lời của Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta hiểu và nhất là cảm nếm hành vi mạnh mẽ của Ngài :

Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,
đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.

(c. 18)

Bởi vì có một tương phản rất lớn, nếu không muốn nói là tuyệt đối, giữa Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán. Tin Mừng Luca nói cho chúng ta biết yếu tính của từng nhà, nhà Chúa Cha và nơi buôn bán :

Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi biến thành sào huyệt của bọn cướp.

(Lc 19, 46)

Thật là lạ lùng, khi Đức Giêsu nhìn ra « sào huyệt của bọn cướp » ở nơi người ta buôn bán ! Tuy nhiên, kinh nghiệm sống của chúng ta cho thấy, trong cách người ta buôn bán ngày nay, nhất là trong cách người ta buôn bán ngày nay, thường hay có sự gian dối, lọc lừa, thậm chí hành vi nguy hại cho sự sống, chỉ vì ham lợi trước mắt. Một đàng, nhà của Thiên Chúa là nhà cầu nguyện, nghĩa là nơi Dân Chúa diễn tả và sống tương quan Giao Ước với Thiên Chúa của mình, là nơi Thiên Chúa hiện diện và nói với dân của Ngài ; đàng khác, là « sào huyệt của bọn cướp ». Hai thực tại quá khác biệt, quá tương phản, quá đối lập, và có thể nói, trái ngược nhau tuyệt đối :

  • Nơi chốn của nhưng không, hiệp thông, của sự thật, của ý nghĩa, của ánh sáng, của hiền lành, của sự sống.
  • Nhưng trong thực tế, nơi này đã trở thành nơi của loại trừ, nơi của gian dối, của vô nghĩa, nơi của bóng tối, nơi của bạo lực, nơi của sự chết. Sào huyệt của bọn cướp chính xác là như vậy.

Chứng kiến cảnh tượng Đền Thờ như thế và hiểu ở mức độ tuyệt đối như Đức Giê-su đã hiểu, làm sao Ngài không nổi giận cho được ? Tuy nhiên, sự nổi giận của Ngài mang tính giải phóng, chứ không phải loại bỏ : giống như những lời nguyền rủa của các Thánh Vịnh, Đức Giêsu làm bật sự dữ khỏi chỗ ẩn nấp của nó, để chúng ta nhìn thấy, và khi nhìn thấy, chúng ta không thể chấp nhận được, vì nó không tương hợp với hình ảnh Thiên Chúa có nơi chúng ta. Đó chính là cách Người chữa lành và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ trong cuộc Thương Khó và mầu nhiệm Thập Giá.

Chúng ta được mời gọi đọc tình trạng của Đền thờ như biểu tượng diễn tả, nhưng chính xác hơn phải nói là mặc khải, sự thật sâu xa và rất đau lòng về thế giới của chúng ta, về xã hội, về Giáo Hội, về cộng đoàn, về chính con người của chúng ta, nhất là nội tâm của chúng ta, bởi vì đó cũng là những « nơi tôn nghiêm » như đền thờ, nhưng đã bị biến dạng, trở thành « nơi buôn bán » !

Hiểu ra như vậy, chúng ta được mời gọi tự nguyện xin Chúa nổi giận và làm như Ngài đã làm xưa kia nơi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, với con người của chúng ta, với nội tâm của chúng ta, để tái tạo con người chúng ta như ơn gọi ban đầu : nghĩa là để cho Lời của Ngài vang vọng mỗi ngày trong nội tâm và trong ngày sống của chúng ta, như xưa Ngài đã đến giảng dạy trong Đền Thờ hằng ngày.

  1. Thanh tẩy Đền Thờ và mầu nhiệm Vượt Qua

Qua hành động “thanh tẩy”, Đức Giê-su không chỉ phá đổ cái trật tự đang có của Đền Thờ, nhưng còn đụng đến “quyền lợi” của các thượng tế và kì mục. Hơn nữa, Ngài còn gọi cái “trật tự” đang có của Đền Thờ là cái hang trộm cướp! Chính vì thế, chúng ta không lạ gì khi các thượng tế và kì mục đến chất vấn Người về quyền hạn:

Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?

(c. 18)

Tất cả các thánh sử đều kể lại lời chất vấn này (x. Mt 21, 23 ; Lc 20, 2 ; Mc 11, 28), bởi vì câu hỏi này là một câu hỏi liên quan đến căn tính của Đức Giê-su, đến tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa Cha: quyền của Ngài đến từ Chúa Cha, bởi vì Ngài đến từ Chúa Cha, Ngài là Con Duy Nhất của Chúa Cha. Chính vì thế, Người trả lời bằng cách nói về mầu nhiệm Vượt Qua, là mầu nhiệm qua đó, Người mặc khải cho người Do Thái và cả loài người chúng ta, Người là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống:

“Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”… Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.

(c. 19 và 21)

Hành động và lời nói của Đức Giê-su về Đền Thờ loan báo cuộc Thương Khó của Người. Chính vì thế, theo lời kể của thánh sử Mác-cô, các thượng tế, kinh sư và kì mục đã có ý định giết Đức Giê-su khi chứng kiến Ngài đánh đuổi tất cả những người mua bán, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu, và khi nghe Ngài nói: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Mc 11, 17).

Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy,
thì tìm cách giết Đức Giê-su.

(Mc 11, 18)

Một cung cách đã khơi dậy nơi người chứng kiến ý định loại trừ, thì hẳn phải là một cung cách có tầm mức rất lớn, tầm mức lịch sử cứu độ, bởi vì đó là ý định loại trừ Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa. Nhưng, đó lại là con đường Thiên Chúa chọn để xây dựng Đền Thờ mới, để hoàn tất lịch sử cứu độ.

Như thế, với mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su sẽ thay thế Đền Thờ và cơ chế lễ tế của Đền Thờ bằng Lời của Ngài, bằng sự hiện diện của Ngài và bằng chính thân mình Ngài, làm của lễ hoàn thiện dâng lên Chúa Cha, vì loài người chúng ta. Đó là chính là Thánh Lễ Tạ ơn mà chúng ta cử hành mỗi ngày.

 

* * *

Sự Dữ, ngang qua những con người cụ thể, đã “phá hủy” Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, khi biến Đền Thờ thành “hang trộm cướp”. Sự phá hủy này loan báo Sự Dữ sẽ “phá hủy” Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó. Nhưng Thiên Chúa đã dùng chính sự phá hủy này để xây dựng Đền Thờ Mới, là Đức Ki-tô Phục Sinh chiến thắng Sự Dữ và sự chết.

Chúng ta vốn là “đền thờ của Thiên Chúa”, nhưng đã bị Sự Dữ phá hủy. Xin cho chúng ta biết mở lòng ra để đón nhận Đền Thờ mới là chính Đức Ki-tô.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Mười Điều Răn (MĐR) là trung tâm của toàn bộ Lề Luật, bởi vì MĐR qui định hai mối tương quan cản bản: tương quan với Thiên Chúa và tương quan với người khác. Vì thế, những luật khác không phải là những khoản thêm vào MĐR, nhưng là một giải thích hay chi tiết hóa MĐR. Mười Điều Răn chi phối tất cả các lề luật khác như ngọn núi vượt trên đồng bằng, hay đúng hơn, chứa đựng tất cả những lề luật này; chúng xuất phát từ Mười Điều Răn và trở về với Mười Điều Răn. Ngày nay, Mười Điều Răn vẫn còn hiện diện như bộ luật căn bản của Giáo Hội.

[2] Và trước đó, đã biết bao lần, họ nhân danh luật Sa-bát, trung tâm của Mười Điều Răn (Xh 20, 8-11), họ rình rập, lên án và lập mưu giết Đức Giê-su (x. Mc 3, 1-6).

Kiểm tra tương tự

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 19-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 19/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Niềm vui của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *