Chúng ta đang sống trong một thời kỳ nhiều biến động và bất ổn. Rất nhiều người dân Việt Nam đang phải sống trong cảnh lầm than, khốn khó, và chịu nhiều bất công. Một cách đặc biệt những dạng thức bất công mới của thời đại này là việc người nghèo trở thành nạn nhân của khủng hoảng môi trường, mà nguyên nhân chính yếu gây ra sự bất công ấy là do sự rối loạn về chức năng của các thiết chế kinh tế và xã hội. Đứng trước thực trạng này, đức tin và tình yêu theo tinh thần Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng, đứng về phía các nạn nhân để tranh đấu cho công bình, bởi chưng việc công bố và thực thi Tin Mừng tự nó đòi hỏi việc “làm chứng cho phẩm giá của con người, cho ơn gọi sống hiệp thông giữa mọi người với nhau.”[1] Điều này đã được Giáo hội xác quyết: “Tình yêu Kitô giáo sẽ đưa chúng ta tới chỗ tố cáo, đề nghị và dấn thân vào những dự án văn hoá và xã hội; tình yêu này thúc đẩy sự hoạt động tích cực để tất cả những ai thành thật coi trọng ích lợi của con người đều muốn góp phần của mình.”[2]
Tranh đấu có hiệu quả: một vấn đề của phương pháp?
Một câu hỏi quan trọng cần phải được suy xét: nên tranh đấu như thế nào cho phù hợp tinh thần Tin Mừng và có sự “khôn ngoan để không tạo ra điều đáng tiếc?”[3] Câu hỏi này càng đặc biệt quan trọng đối với bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, trong đó có hai yếu tố gây ảnh hưởng lớn tới các cuộc tranh đấu: thứ nhất, vì cơ chế pháp lý còn bất cập, chưa tạo nên một lộ trình thật rõ ràng và dân chủ để giải quyết các vấn đề; thứ hai là sự bùng nổ khó lường của ‘thời đại truyền thông’. Hai yếu tố này có thể gây nên những ‘cơn xoáy’ cuốn các bên của cuộc tranh đấu vào một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Thực vậy, một đàng, đây là thời đại mà chỉ cần một câu bình luận, một hình ảnh trên mạng xã hội cũng có thể trở thành nguồn cơn tranh cãi bất tận; và nó cũng có thể thổi bùng các cơn giận dữ tập thể theo các hướng khác nhau. Đàng khác, sự bất cập của cơ chế pháp lý sẽ khiến các bên đều bị bối rối. Trong bối cảnh đó, người tranh đấu cho công bình xã hội có nguy cơ bị cuốn vào những cuộc tranh cãi lý lẽ và đáp trả nhau một cách bất đắc dĩ. Cuộc tranh đấu như thế có nguy cơ bị biến thành một cuộc đấu trí, và thậm chí là đấu đá, khó có lối ra, theo công thức vòng xoáy: công kích – đáp trả công kích. Vấn đề ở đây là nếu cuộc tranh đấu bị rơi vào trường hợp đó, mục tiêu ban đầu – hay mục tiêu chính yếu của cuộc tranh đấu sẽ vô tình bị che mờ, hay thậm chí bị đẩy lùi lại phía sau. Vì thế, suy xét về phương thức tranh đấu là một việc quan trọng đối với những ai tranh đấu cho công bình nhân danh đức tin Ki-tô giáo.
Từ góc nhìn của linh đạo thánh I-nhã Loyola
Chắc hẳn Thiên Chúa sẽ ban sự khôn ngoan dưới nhiều hình thức khác nhau cho những ai chân thành tranh đấu cho công bình vì ‘thành thật coi trọng ích lợi của con người’. Và Thiên Chúa cũng ban cho Giáo hội những đặc sủng khôn ngoan, với biết bao kinh nghiệm phong phú, để hướng dẫn con cái mình, và cả những ai thành tâm thiện chí, trong việc tranh đấu cho công bình. Ở đây tôi xin thử đề nghị áp dụng một trong các đặc sủng theo tinh thần Giáo hội[4], đó là phương pháp ‘Nhận Định’ của Thánh I-nhã (Ignatius Loyola)[5].
Ba điểm then chốt của nhận định
Phương pháp Nhận Định của Thánh I-nhã đặt nền trên xác tín rằng Thiên Chúa hoạt động trong mọi sự, nơi mọi người; và trong tinh thần cầu nguyện, con người có thể dùng các tài năng Chúa ban (khả năng suy tư, phản tỉnh, chiêm niệm, nói chuyện vv.) để tìm hiểu ý muốn và sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Tiến trình nhận định theo phương pháp của Thánh I-nhã có thể được giải thích theo nhiều kiểu khác nhau, nhưng chung quy lại, nó là một bài cầu nguyện với ba điểm chính: thứ nhất, cần ước muốn và khiêm nhường mở lòng ra cho Thiên Chúa hướng dẫn; thứ hai, tiêu chuẩn của chọn lựa là ‘Magis – Hơn Nữa’, và thứ ba, tiêu chuẩn đó được xác chuẩn bởi ‘ơn an ủi’. Mở lòng ra nghĩa là thành thật với chính mình trước mặt Chúa: nhìn vào những ước muốn, những suy nghĩ sâu thẳm nhất nơi tâm hồn mình, và xin ơn để can đảm trình bày những điều đó trước mặt Ngài, và xin Ngài hướng dẫn. Chọn theo ‘Magis’ là chọn những gì đẹp lòng Thiên Chúa hơn và mưu ích[6] cho con người hơn. Tiêu chuẩn này của Magis sẽ được xác chuẩn bởi ơn an ủi của Thiên Chúa: được bình an thẳm sâu của tâm hồn; được vững mạnh về đức tin hơn; có lòng yêu mến Thiên Chúa và ước ao phục vụ con người lớn hơn.
Vậy, tinh thần ‘Nhận Định I-nhã’ đó có thể hướng dẫn ta cách cụ thể thế nào đối với một cuộc tranh đấu cho công bình xã hội? Điều trước tiên là tinh thần cầu nguyện. Đó là tinh thần khiêm tốn và tín thác vào Thiên Chúa, đặt mình trước sức mạnh của Thánh Thần để được soi sáng và hướng dẫn. Chính trong tinh thần cầu nguyện mà ta có thể xác định được đâu là mục tiêu then chốt cần tranh đấu. Điều thứ hai là luôn cần giữ tiêu chuẩn ‘Magis’: làm sao để trong mọi diễn biến, mọi hoàn cảnh của cuộc tranh đấu, điều cần thiết là phải suy xét, cầu nguyện, và chọn lựa những gì làm đẹp lòng Chúa hơn và mưu ích cho con người hơn. Năng động của một cuộc nhận định có thể đưa đến những hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, hai điều liệt kê phía trên cho thấy tinh thần nhận định theo phương pháp I-nhã sẽ mở cửa cho sự đối thoại.
Nhận định để đưa đến đối thoại
Tại sao cần đối thoại trong một cuộc tranh đấu cho công bình? Trước hết, vì cuộc tranh đấu đó diễn ra giữa người với người. Thật thế, mặc dù ta có thể gọi theo những tên đại diện cho các bên, như đấu tranh giữa dân oan và chính quyền, giữa nạn nhân và cơ cấu bất công, nhưng rốt cuộc thì ‘chính quyền’ hay ‘cơ cấu bất công’ cũng do một nhóm người vận hành, điều khiển. Vì vậy, với tinh thần Magis, cuộc tranh đấu không chỉ nhằm mang lại ích lợi hơn cho những người chịu bất công, mà cũng cần hướng đến việc giúp đỡ cả những người ở trong cơ cấu bất công. Vì trong mức độ nào đó, họ cũng là nạn nhân (nạn nhân của ý thức hệ, nạn nhân của tham vọng quyền lực, tiền tài). Tự bản thân việc đối thoại cũng là một cách để rao giảng Tin Mừng. Có thể qua cuộc đối thoại, họ sẽ được cảm hoá hơn, sẽ được đánh động bởi tình yêu phục vụ vô điều kiện và lòng khoan nhân của con cái Thiên Chúa, và nhờ đó phần nào nhận biết được Thiên Chúa. Tình yêu luôn có khả năng tạo nên tác động và hiệu quả theo cách của nó! Như thế, mở ra cho đối thoại cũng là mở ra hy vọng hoán cải cho ‘đối phương’, như ước muốn của Thiên Chúa: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống.” (Ed 33,11). Hơn nữa, có lẽ đối thoại là hình thức tốt nhất để đạt hiệu quả đích thật cho một cuộc tranh đấu. Tất nhiên, một cuộc ‘đấu tranh không đối thoại’ cũng có thể đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, chắc hẳn hiệu quả của nó không lớn, vì không có sự cộng tác của mọi phía; và nguy hiểm hơn, nó cũng có thể gây ra những hệ luỵ là những “việc làm trả đũa” sau đó của đối phương. Cuối cùng, việc đối thoại cũng giúp chính người tranh đấu được lớn lên: đối thoại dạy chúng ta sự kiên nhẫn và lòng độ lượng; giúp ta có cơ hội thành thật với chính mình và mở lòng với tha nhân; cách đặc biệt, đối thoại chân thành sẽ hướng ta đến đời sống cầu nguyện, vì chỉ trong tinh thần cầu nguyện ta mới đủ can đảm, đủ nhiệt tâm và ơn soi sáng để dấn thân vào những tình huống bế tắc, những hoàn cảnh gây nản lòng. Do vậy, tinh thần đối thoại là đòi hỏi của Tin Mừng[7].
Ai đó sẽ thắc mắc: nhưng nếu ‘đối phương’ không chịu mở ra để đối thoại thì sao? Tôi tin rằng, vì Thiên Chúa luôn hoạt động nơi mỗi người và trong mọi hoàn cảnh, vì thế nếu chúng ta thật sự mở lòng ra cho đối thoại, ta sẽ luôn tìm thấy được những cánh cửa mở, như nhận định của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: “Luôn có những cánh cửa không đóng. Hãy tìm ra những cánh cửa dù chỉ hé hé mở, hãy bước vào đó và nói về những điểm chung và từng bước tiến về phía trước.“[8]
Những yếu tố gìn giữ bầu khí đối thoại
Theo tinh thần cầu nguyện – nhận định của Thánh I-nhã, một cuộc đối thoại trong việc tranh đấu cho công bình trên thực tế hiện nay cần bao hàm những yếu tố quan trọng gì? Trước hết là sự khiêm tốn và ao ước mang lại ích lợi cho con người, như lời của Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư Ký HĐGMVN: “chúng tôi luôn tin tưởng rằng một cuộc đối thoại chân thành và thẳng thắn giữa chính quyền dân sự và tổ chức tôn giáo sẽ giúp giải quyết vấn đề cách tốt đẹp hơn, nếu chúng ta thực sự có chung đối tượng phục vụ là con người, và chung mục đích là xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.”[9] Điều đó cũng dẫn đến việc cả hai phía cần tôn trọng một nguyên tắc cơ bản của đối thoại: tinh thần mưu tìm chân lý. Đối thoại không phải là một cuộc tranh cãi xem ai đúng ai sai. Đối thoại không phải là chỉ nhắm bảo vệ ý kiến của mình, mà là để cho vấn đề được đối thoại ‘cất lên tiếng nói’ của nó. Đối thoại là cả hai phía cùng mở ra không gian, tạo điều kiện để chủ đề đối thoại được sáng tỏ hơn; và chính nó định hướng cuộc đối thoại. Ví dụ, đối với cuộc đối thoại trong việc tranh đấu cho các nạn nhân của khủng hoảng môi trường biển, điều cần thiết là hai phía phải tạo điều kiện để chính vấn đề ô nhiễm biển và những khó khăn của người dân ‘lên tiếng’. Hãy cùng nhìn ra biển; cùng xem biển đang nói cho ta những điều gì; xem ‘vết thương’ ô nhiễm đang diễn tiến thế nào. Cũng nhìn về đời sống người dân, để xem họ đang chịu ảnh hưởng thế nào từ cuộc khủng hoảng đó. Cụ thể, để có thể nghe được ‘tiếng nói’ của biển, và nhìn thấy được những khó khăn của người dân, thì cả hai phía cần cùng nhau xác định những điều phải làm, ví dụ như: thuê các cơ quan nghiên cứu, phân tích về tình trạng ô nhiễm; kiểm tra thường xuyên xem mức độ nhiễm độc của nguồn nước như thế nào, có tiến triển tích cực không; tổ chức các buổi trao đổi để người dân chia sẻ khó khăn của họ; xem xét nguồn hải sản sinh sôi trở lại ở mức nào; xem mức nhiễm độc của chúng ra sao; theo dõi mức độ giảm sút sản lượng đánh bắt cá; tổ chức các nghiên cứu về ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của người dân, từ mặt kinh tế cho đến tinh thần; tạo lập hành lang pháp lý yêu cầu sự cộng tác, cam kết, và bồi thường của tổ chức gây ra sự ô nhiễm; tạo cơ chế giám sát môi trường cho người dân hay các tổ chức trung gian, vv. Nếu những điều đó được thực hiện, ‘tiếng nói’ của môi trường biển và những khó khăn của các nạn nhân sẽ dạy cho cả hai phía biết cần phải làm gì tiếp theo. Tất nhiên, đó là mức độ lý tưởng của đối thoại trong tranh đấu. Trên thực tế sẽ không dễ gì để đạt được như vậy. Tuy nhiên, nói như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, chúng ta có thể khởi đầu bằng cách tìm ra cánh cửa hé mở, dù rất hẹp. Và trong hoàn cảnh đó, chúng ta cũng cần cầu nguyện cho chính phía ‘đối phương’ để họ cũng biết mở lòng hơn, và biết hướng đến thiện ích chung hơn, hướng đến việc phục vụ con người hơn.
Đó là hướng đi căn bản của một cuộc tranh đấu khi được áp dụng theo tinh thần Nhận Định I-nhã. Tất nhiên, Chúa Thánh Thần có thể thúc đẩy sự khôn ngoan của Ngài theo những cách thức khác nhau cho những ai thành tâm thiện chí phục vụ con người. Nhưng dẫu có hành động theo hình thức nào đi nữa, thiết nghĩ tinh thần của lời Kinh Hoà Bình của thánh Phan-xi-cô Assisi cần phải được thấm nhuần và vang vọng trong con tim của người tranh đấu cho công bình:
Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.
Amen!
Trần Khắc Bá, S.J.
[1] Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 2419.
[2] Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, số 6. Bản dịch của HĐGMVN.
[3] Đức Cha Giu-se Nguyễn Chí Linh, Chủ Tịch HĐGMVN, trả lời phỏng vấn đài RFA, ngày 14/2/2017. Xem tại: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-epi-counsil-speak-up-songngoc-parish-gather-f-lawsuit-formosa-ml-02142017134756.html. Cập nhật ngày 14/5/2017.
[4] Linh Thao sồ 352-370.
[5] Linh Thao số 313-336.
[6] Cả ích lợi phần xác lẫn ích lợi phần hồn; và ích lợi phần xác được xác định trong mức độ tương hợp với ích lợi phần hồn.
[7] Xem Mt 18,15-18
[8] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trả lời phỏng vấn báo chí trên chuyến bay từ Fatima về Rome, ngày 14/05/2017. Xem tại:
http://www.catholicherald.co.uk/news/2017/05/14/pope-francis-i-personally-doubt-authenticity-of-medjugorje/. Cập nhật ngày 14.5.2017.
[9] Phát biểu của Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thứ Ký HDGMVN, tại Hội nghị với Thủ Tướng Chính Phủ, ngày 19/12/2016. Xem: http://hdgmvietnam.org/thu-tuong-chinh-phu-gap-go-dai-dien-cac-ton-giao/8462.63.8.aspx. Cập nhật ngày 14.5.2017.