“Abel em ngươi đâu?”

 – Có người bán trái cây ngoài ngõ kìa, ra mua ký ổi về ăn tráng miệng đi chị!

 – Đừng em, ổi toàn thuốc độc không đó, kiếm gì khác ăn cho lành.

Đó là mẩu đối thoại giữa tôi và người chị họ. Rốt cuộc, chúng tôi cũng ăn một vài thứ khác, nhưng chúng có ‘lành’ hay không thì chỉ còn cách ‘lấy đức tin bù lại’!

Thật ra, dạng câu chuyện như thế chẳng còn là một điều mới mẻ gì đối với người Việt hiện nay, đến mức tâm lý chung của chúng ta dường như đã chấp nhận chuyện ‘sống chung với lũ’ rồi. Tuy nhiên, thực trạng này hẳn vẫn luôn làm nhức nhối tâm can tất cả những ai còn bận lòng với đất nước, với dân tộc. Không đau lòng sao được khi hằng ngày chúng ta phải nghe những tin về ung thư của hàng xóm láng giềng, của bè bạn, hay thậm chí của những người thân thuộc của chúng ta! Hơn nữa, tình trạng ‘rau trồng hai luống, gà nuôi hai chuồng’ chỉ là phần điển hình của một bức tranh khủng hoảng đạo đức sâu rộng hơn của toàn xã hội Việt Nam: sự bạo lực, gian dối, lừa lọc, tâm thức làm ăn ‘bất chấp thủ đoạn’, vv. Có thể nói, phía sau tất cả những biểu hiện này là một mẫu số chung: vị trí của tha nhân không có chỗ xứng đáng ở trong tâm can nhiều người Việt hiện nay.

Điều này nhắc chúng ta về câu chuyện của Cain trong Sách Sáng Thế: vì ghen tị mà Cain đã ra tay tàn nhẫn sát hại chính em mình. Sau đó, Chúa hỏi anh: “Abel em ngươi đâu?”, Cain trả lời: “Con không biết! Con có phải là người giữ em con đâu!” Cain bị chúc dữ, khiến tất cả những gì anh làm đều không sinh hoa trái, và anh phải lang thang trên khắp mặt đất (St 4, 9-15). Có lẽ lời Chúc dữ này không phải là một án phạt từ Thiên Chúa, mà là từ chính việc Cain đã đánh mất tương quan với em mình. Khi không còn biết đến em mình nữa, thì anh cũng chẳng thể biết mình là ai; và vì thế, anh phải lang thang phiêu bạt một cách vô phương hướng. Như Cain, nhiều người Việt hiện cũng đang ‘lang thang’, không biết mình thực sự là ai và đang đi về đâu.

Ở bình diện quốc gia, dường như chúng ta đành bất lực trước hiện trạng này, đơn giản vì, như nhiều người đã nói, nó thuộc ‘lỗi hệ thống’. Khi bị lỗi hệ thống, dù người ta có cố gắng vá víu, sửa chữa chỗ này thì chỗ khác cũng bị xì ra. Vì thế, bao lâu chưa ‘format’, chưa sửa chữa lại toàn hệ thống, thì cũng chưa có cơ hội giải quyết vấn đề cách rốt ráo.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà Ki-tô hữu lại ‘khoanh tay’ trước vấn nạn đó. Lý do là vì chúng ta còn có một định hướng cho ơn gọi làm người cao hơn cả hệ thống do xã hội vận hành nữa, đó là những thang giá trị trong ý muốn của Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài. Vì thế, con người có ơn gọi khám phá chính mình, và chỉ biết mình khi đặt trong tương quan với Thiên Chúa. Nhưng tương quan giữa con người với Thiên Chúa lại được phản ánh nơi trong tương quan của ta với xã hội và với tha nhân. Nói cách khác, chỉ khi có sự hiện diện của tha nhân nơi mình, ta mới có khả năng sống ơn gọi làm người cách đích thực.[1]

Vì thế, vấn đề bây giờ là làm sao tái xây dựng một lối sống trong đó tha nhân luôn có vị trí quan trọng thiết yếu trong ý thức của mỗi người. Tất nhiên, đây là một bài toán nan giải. Tuy nhiên, nếu chúng ta thành tâm nỗ lực hết mình, và với ơn Chúa trợ giúp, chúng ta có thể làm được. Chúng ta sẽ có nhiều cách và nhiều sáng kiến cho bài toán này nếu chúng ta biết đặt ưu tiên cho nó. Ở đây, tôi đề nghị giải pháp của mình với hai hình thức thực hành cho cả trẻ em lẫn người lớn như sau:

Đối với trẻ nhỏ, điều cần thiết là làm sao giúp các em có tâm thức quý trọng và yêu mến sự sống, nhất là sự sống của con người. Một trong những điều cần thiết nhất để đạt điều này chính là giúp các em tiếp xúc và chăm sóc môi trường thiên nhiên. Điều này cần thực hiện theo một cách căn cơ, chứ không chỉ theo những dạng phong trào, như kiểu thỉnh thoảng tổ chức chương trình ‘Giờ Trái Đất’! Theo quan sát của tôi, nhiều nước trên thế giới đã làm rất tốt điều này. Nền giáo dục của họ hướng trẻ con hoà mình vào thiên nhiên, để không chỉ vui chơi, mà còn biết tiếp xúc, trân quý, và chăm sóc sự sống của từng sinh mệnh bé nhỏ. Ví dụ, trẻ em mẫu giáo được cho gieo một hạt giống nào đó, rồi sau đó từng em sẽ quan sát và chăm sóc cây đó cho đến trưởng thành. Các em cũng được tạo điều kiện để tiếp chúc, chơi đùa với các con vật (trong công viên, nơi nông trại, vv.), và chăm sóc chúng. Đó không chỉ là những bài học mang tính khoa học để mở mang trí tuệ, mà còn là bài học giúp các em mở rộng tâm hồn, và biết kinh ngạc trước sự kỳ diệu của sự sống. Đó có lẽ cũng là cách hiệu quả nhất để các em thật sự có lòng quý trọng từng sinh mệnh, lẫn lòng tôn kính Đấng Tạo Hoá. Tôi vẫn luôn tin rằng, thiên nhiên là món quà vô giá mà Thiên Chúa ban cho ta, để không chỉ cung cấp môi trường và các sản vật nuôi sống cơ thể, mà còn giúp ta khám phá và đụng chạm vào sự thiện hảo nơi chính Mẹ Thiên Nhiên, nhờ đó tâm hồn ta được nuôi dưỡng và thiện tính được mở rộng.

Một đứa trẻ biết yêu mến thiên nhiên, yêu mến sự sống của muôn loài, thì chắc hẳn cũng sẽ yêu mến gia đình và tất cả những người mà em gặp, nhất là sẽ tôn trọng sự sống của họ. Năng lượng thiện tâm từ trong căn cốt của em cũng sẽ toả ra khi tiếp xúc với người khác; hay nói đúng hơn, trái tim em sẽ để cho người khác được bước vào và hiện diện ở đó.

Đối với người lớn, bài học trên của trẻ em cũng dành cho mình. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, vì cuộc sống ‘cơm áo gạo tiền’, và vì sự ‘cứng cỏi’ do đã hình thành một tính cách nhất định, không dễ gì để chúng ta thực tập những điều như trẻ con làm. Nhưng chúng ta cũng có thể tập thực hành một số điều: biết chú ý, chiêm ngắm, và tiếp xúc với thiên nhiên trong những dịp có thể, để có thể cảm nhận được vẻ đẹp và sự tốt lành của chúng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhận xét rằng, “nếu người nào không biết cách dừng lại để ngưỡng mộ vẻ đẹp của điều gì đó, thì ta không ngạc nhiên nếu người đó không ngần ngại đối xử với mọi thứ như vật thể chỉ để sử dụng và lạm dụng.”[2]

Hơn nữa, người Ki-tô hữu trưởng thành nên tập xét mình và phản tỉnh để nhìn lại tương quan của mình với tha nhân. Mỗi cuối này, chúng ta có thể dành dăm bảy phút nhìn lại những hoạt động trong ngày của mình, xem trong từng việc làm đó, chúng ta đặt sự chú ý đến ích lợi của những người liên quan đến nó chưa. Ví dụ, nếu hôm nay tôi trồng rau, tôi đã từng mong muốn những luống rau này sẽ phát triển tốt và sạch để cung cấp năng lượng tốt cho người dùng sau này hay chưa, hay tôi chỉ mới nghĩ đến phần lợi nhuận mà mình ước ao thu được (dù cho mình vẫn có ý định làm rau sạch). Nếu tôi may quần áo, tôi có mong đợi rằng người mặc nó sẽ được vui thích vì những bộ đồ vựa vặn, khéo léo, và nhờ thế cuộc sống họ thêm hạnh phúc, hay tôi chỉ mới đến phần công việc mình phải hoàn thành để lấy được tiền mà thôi. Hay hôm nay tôi nói câu này với người nọ, tôi có tự vấn xem lời nói như thế có ảnh hưởng gì họ không, hay tôi chỉ mới đơn thuần muốn thể hiện ý của mình.

Chúng ta cũng luôn cần nhìn lại mọi sự bằng con mắt và thái độ biết ơn. Quả vậy, nếu chúng ta chịu khó để ý, thì phần mà ta cho là ‘tự chủ’ trong đời sống mình chẳng được bao nhiêu đâu! Ngược lại, hầu như mọi sự ta có đều được ban tặng. Ta đâu tự mình có mặt trên đời! Vợ/chồng và con cái cũng đâu phải cứ theo ý muốn là ta có được. Ngay cả trên mâm cơm hằng ngày: hầu hết mọi thứ đều đến từ công sức lao động của bao người. Đồng ý là ta làm ra tiền bạc, nên ta mua chúng; nhưng nếu không có sự lao động trên nhiều lãnh vực khác nhau của tha nhân, ta đâu thể tự mình làm hết được. Khi nhìn mọi sự và tha nhân như những quà tặng được gửi đến để xây đắp và làm phong phú cuộc đời mình, ta sẽ có thái độ trân trọng và biết ơn chính đáng đối với họ.

Cuối cùng, một đời sống cầu nguyện sẽ giúp chúng ta biết đặt tha nhân vào trái tim mình. Sự thân tình với Thiên Chúa tự nó luôn kéo theo sự thân tình với tha nhân. Hơn nữa, chính trong liên hệ với Thiên Chúa mà ta có thể tái khám phá, và nghiệm thấy, mối liện hệ sâu xa với anh chị em mình ngay trong những việc, những biến cố hằng ngày. Nếu cố gắng tập luyện, chúng ta có thể từng bước cải thiện, nâng cao được cảm thức quý trọng đó; và đó chính là cách ta sống ơn gọi của mình cách đẹp lòng Thiên Chúa.

Sống ơn gọi Ki-tô hữu như thế là một cách đóng góp để hy vọng phần nào cải hoá xã hội trong thực trạng hiện nay. Nhưng ngay cả khi chúng ta chẳng hy vọng nhiều rằng cách sống của mình sẽ tạo nên sự thay đổi lớn ở tầm toàn quốc gia, vì người Công giáo Việt Nam vẫn còn là thiểu số bé nhỏ, thì ít ra chúng ta không bị lối sống sai lạc của xã hội – do ‘lỗi hệ thống’ gây nên – cuốn mình vào dòng xoáy của nó: nghĩa là chúng ta không trở nên tha hoá với bản chất ơn gọi của mình.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn mở lòng để mỗi ngày được Chúa nhắc nhở bằng câu hỏi: ‘Abel em ngươi đâu?’

Khắc Bá, SJ.

[1] Gio-an Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống, số 35.

[2] Giáo hoàng Phan-xi-cô, Laudato sì, số 215.

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ cuối: Kẻ phạm thượng và cái kết

Cái chết của Đức Giêsu không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và cũng …

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Một bình luận

  1. Con đã theo dõi trang Dòng Tên từ khi Đức Phanxico lên ngôi Giáo Hoàng.
    Con cảm thấy được yêu mến và sốt sắng nhiều hơn,khi đọc những bài chia sẻ Tin Mừng và nghe chương trình Phút Cầu nguyện hằng ngày của Linh Mục Nguyễn Cao Siêu.con mong được nghe và được học hỏi nhiều ,để đức tin trưởng thành hơn trong đời sống đạo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *