Ông Si-mong vác thánh giá…
Đàng thánh giá: “nơi thứ năm: ông Si-mong vác thánh giá đỡ Đức Chúa Giê-su…”
Hôm nay Thứ sáu Tuần Thánh, những đường phố trong cổ thành Giêrusalem mà các Kitô hữu “đi Đàng Thánh Giá” theo truyền thống từ thế kỷ 12, khi liên quân các nước Âu Châu hiệp nhau (gọi là Đạo Binh Thánh Giá) đánh chiếm lại Thánh Địa và đặc biệt Giê-ru-sa-lem.
Thành phố Giêrusalem thời Chúa Giê-su đã bị quân đội Rôma phá bình địa khi dẹp cuộc nổi dậy của dân Do Thái vào năm 70. Sáu chục năm sau, Hòang đế Rôma Adriano cho xây lại theo đúng sơ đồ quen thuộc của một thành phố Rôma. Mặt bằng của hồ Chiên (nơi Chúa Giê-su chữa người bất toại đã nằm chờ 38 năm) nay đã đào thấy, sâu 20 mét dưới mặt bằng hiện tại của thành phố. Cũng chẳng ai biết đích xác dinh Philatô nằm ở góc nào, dựa trên một vài chi tiết trong Phúc Âm, người ta nghĩ là Philatô lên Jerusalem dịp lễ lớn này thì đóng tại pháo đài ở góc phía bắc của khuôn viên Đền Thờ, nơi ngày nay là một trường học của con em người Hồi Giáo, đối diện với tu viện của các cha Dòng Phanxicô. Các tín hữu từ thời Binh Thánh Giá chọn địa điểm đó làm nơi bắt đầu đàng Thánh Giá (Nơi thứ nhất: quan Philatô luận giết Đức Chúa Giêsu) và phân chia con đường vòng vo theo các đường phố, hiện nay toàn là những phố buôn bán, đông nguời qua lại, để lên giốc cho tới Đền Thờ Mộ Thánh (người Hy Lạp gọi là Đền Thờ Chúa Phục Sinh), do bà thánh Helena (thế kỷ thứ tư) đã cho xây dựng trên nơi mà các tín hữu thời xưa vẫn tôn kính như nơi Chúa chịu đóng đinh và táng xác. Thời Chúa Giê-su thì nơi này ở bên ngoài thành, khi Jerusalem được xây lại sáu chục năm sau thì nơi này vào trong tường thành, và người Rôma xây đền thờ thần của họ trên đó, có vẻ như để xóa dấu vết “nơi thánh” của các Kitô hữu. Bà thánh Helena đã cho phá đền thờ của người Rôma, san lại mặt bằng và xây Đền Thờ Mộ Thánh trên đó. Nơi thứ ba, thứ bốn và thứ năm ở giữa hai góc đường, đoạn đường giữa nơi thứ ba và nơi thứ năm, nay là trục chính con đường người Hồi Giáo đi vào nhà thờ của họ (nơi thánh thứ ba của họ, sau Međina và Mecca), nên hôm nay cả đại đội cảnh sát và quân đội của Israel vào đây giữ an ninh, trật tự. Họ kéo rào sắt ngăn đôi lòng đường vốn chẳng rộng rãi gì cho lắm. Giờ tín hữu đi đàng thánh giá trưa thứ sáu Tuần Thánh cũng là giờ hàng tuần người Hồi Giáo kéo nhau vào cầu nguyện buổi trưa và nghe giảng tại nơi thánh của họ .
Có lẽ ngày Chúa Giê-su vác thánh giá năm xưa, chưa có người Hồi Giáo, nhưng người Do Thái thập phương về dự lễ Vượt Qua chen chúc nhau trên đường, thì cũng chẳng khác cảnh hôm nay (tối nay trăng 14, cũng là tối người Do Thái mừng lễ Vượt Qua theo lịch của họ, nhưng không có Đền Thờ nên không có nghi thức sát tế chiên Vượt Qua).
Các tín hữu khắp nơi hành hương về Giêrusalem cử hành Tam Nhật Thánh và sáng thứ bảy, ngày mai, cử hành nghi lễ Vọng Phục Sinh. Trong Đền Thờ Mộ Thánh thì giờ giấc và nghi thức không được thay đổi, kể từ năm 1860, do quyết định của ông vua Thổ Nhĩ Kỳ, họ chiếm giữ Đất Thánh hơn 800 năm cho tới 1917, để tránh va chạm giữa các giáo hội phương đông và giáo hội Rôma ở bên trong Đền Thờ (Hai gia đình Hồi Giáo được vua trao cho, vẫn giữ hai chìa khóa Đền Thờ này từ mấy trăm năm nay, phải có cả hai chìa mới mở hay đóng được).
Nhân dịp này thử đọc kỹ lại trong các sách Tin Mừng xem vai trò của ông Si-mong người Kyrênê. Có nhiều điều sâu sắc hơn là một câu xướng của “nơi thứ năm” trong kinh “đàng thánh giá” quen thuộc gợi cho chúng ta. Có thể đặt câu hỏi ngớ ngẩn như thế này: trong trình thuật cuộc Thương Khó theo các sách Tin Mừng, ai vác thập giá? Thậyp giá của ai? [tôi thay đổi bản dịch một chút cho sát, để giúp hiểu rõ hơn vài khía cạnh]
Mt 27: Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.32 Đang đi ra, thì chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-mon; chúng bắt ông [làm tạp dịch] vác thập giá của Người.
Mc 15 : Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.21 Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-mong, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông [làm tạp dịch] để vác thập giá của Người.22 Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ.
Lc 23 26 Khi điệu Đức Giê-su đi, họ túm lấy một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác đi đàng sau Đức Giê-su.
Ga 19: 16 Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Người tự mình vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha;18 tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa.
Đọc kỹ và so sánh 4 bản văn này, điều thứ nhất nổi lên trước mắt chúng ta là chỉ có ba sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mt-Mc-Lc) nói đến nhân vật Si-mong này, còn Tin Mừng Gio-an không nói đến, lại còn nhấn mạnh việc Chúa Giê-su tự mình vác lấy thập giá đi ra, đến nơi…
Ba sách Tin mừng Nhât Lãm lại dùng ba cách nói khác nhau;
Mt: Chúng bắt ông vác thập giá của người, cùng một động từ bắt như trong Mt 5, 41 “nếu có người bắt anh đi một dặm”, trong bản văn tiếng Hy Lạp, đây là một từ chuyên môn, mượn từ tiếng Ba Tư, hàm nghiã là bị một kẻ có quyền bắt làm tạp dịch (tiếng Việt thời trước có từ “bắt xâu” để diễn tả việc này). Bọn lính trong trường hợp này có quyền túm bất cứ người nào gặp ngang đường để bắt làm việc này. Chúng gặp ông Si-mong đi ngang liền túm lấy ông và bắt ông vác thập giá cho tử tù. Tất nhiên là chẳng phải vì chúng tử tế gì đâu, chỉ là vì sau khi đánh Chúa đã tay bằng roi tua có móc sắt, xé da xé thịt, máu me bê bết cùng mình từ đầu đến chân, chúng thấy Chúa Giê-su không còn đủ sức vác thập giá đi tới nơi cho chúng kịp đóng đinh, nên bắt ông Si-mong vác giúp thôi!
Mc xem ra biết rõ ông Si-mong, biết cả hai con của ông, có lẽ vì họ là thành viên của cộng đoàn tín hữu được Mac-cô phục vụ. Mc dùng cùng một cách nói như Mt: bắt. Mc diễn tả rõ hơn: “Chúng bắt [xâu] ông, để vác thập giá của Người”.
Lc dùng một từ khác, có thể dịch là chúng túm lấy ông và đặt thập giá lên vai cho ông vác [đi] đàng sau Đức Giê-su. Cách diễn tả hành động của bọn lính có vẻ thô bạo hơn.
Mt và Mc nói rõ thập giá của Người, còn Lc không nói thập giá của ai, nhưng nói rõ ông vác [đi] đàng sau Đức Giêsu.
Cách diễn tả của Lc thoáng làm ta nghĩ tới cách Lc diễn tả điều kiện để làm môn đệ của Chúa ở chương 9, 23: “ai muốn đi theo đàng sau tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình hàng ngày mà đi theo“; và 14, 27: “Ai không vác thập giá của mình mà đi theo đàng sau tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Các môn đệ từng theo Chúa từ thuở ban đầu tới nay, khi thấy Chúa bị bắt thì mạnh ai nấy chạy để thoát thân, chứ đâu đã chịu “từ bỏ chinh minh”, nói chi đến vác thập giá của mình. Lần đầu Chúa nói đến thập giá là các ông đã giãy nảy lên. Trong phòng tiệc ly thì đua nhau cam kết sẵn sàng chết với Chúa chứ không bỏ, không chối… Bây giờ thấy thập giá ló mặt ra là chạy tán loạn hết rồi. Trong tình huống này Lc chụp ngay hình ảnh ông Si-mong để khắc họa nên hình mẫu của người môn đệ đích thực: vác thập giá của mình mà đi theo đàng sau Chúa. Lính đặt thập giá lên vai cho ông vác thì nó là thập giá của ông chứ của ai nữa! Ông vác thập giá của ông, nhưng Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên đó chứ không phải ông! Thập giá của ông hay của ai thì tự nó chỉ là sự nguyền rủa, nhưng vì Chúa đã chịu đóng đinh trên đó nên nó trở thành cây sự sống, cây phúc lành: “Đức Ki-tô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng bị nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!” (x. Đnl 21, 23; Gl 3, 13).
Ai ngu gì mà chọn thập giá! Thập giá là cái mình bị người ta đặt lên vai như ông Si-mong đã bị. Thập giá của mình hàng ngày cũng chẳng phải là cây thập giá mình chọn, nhưng là cái mình bị đặt lên vai, làm cho mình phải từ bỏ chính mình. Từ bỏ chính mình là kiểu nói trừu tượng, vác thập giá của mình hàng ngày là nói bằng hình ảnh. Người tử tù đã vác thập giá lên vai thì chẳng còn gì thuộc về mình, kể cả thân xác minh, vì người ta đang bắt mình “vác xác” đi cho người ta đóng đinh vào thập giá!
Cái gì tôi chọn thì vẫn còn tôi trong đó. Cái nghịch lý ở đó, tự ý giữ thì mất, tự ý cho thì còn. Nếu tôi chọn “từ bỏ chính mình”, thì tôi được lại chính mình. “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10, 38-39; x. Lc 14, 26-27). Chuyện thời sự nóng bỏng, viên sĩ quan cảnh sát người Pháp, Arnaud Beltrame, đã tự ý đánh đổi chính mình để giải thoát cho một người phụ nữ bị kẻ khủng bố gữ làm con tin, ông đã mất mạng. Ông được phong ngay là anh hùng dân tộc. Ông là một người công giáo rất nhiệt thành và tích cực. Gương của ông đã được Hội Đồng Giám Mục Pháp nêu cao cho các tín hữu. Sự hy sinh mạng sống của ông để cứu mạng người khác minh họa lời Tin Mừng kể trên.
Tôi chọn thập giá vì Chúa đã chọn và đã gọi tôi làm theo : “mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.3 Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí.4 Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.” (Hr 12, 2). Tôi chọn là chọn Chúa và chọn đi theo con đường Chúa đi, như người mù ở Giê-ri-khô khi đã được thấy Chúa thì bỏ cả áo choàng mà “đi theo Chúa trên con đường Chúa đi” (Mc 10, 50-52 x. Xh 22, 25-26: áo choàng gắn với mạng sống của người nghèo). Tôi chọn là tôi đánh đổi: mất tất cả, cả đến mạng sống tôi, để được Chúa. Thập giá là cái khôn của Thiên Chúa mà thế gian coi là cái ngu. Tôi chọn cái ngu này vì Chúa đã chọn nó. Ai khôn hơn Chúa được!
“Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin.22 Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan,23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.
26 Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.27 Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh;28 những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có,29 hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.30 Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em,31 hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa. (1Cr 1, 21-25)
Những cái khốn khổ vất vả cay đắng sỉ nhục đến với tôi hàng ngày, đưa tôi vào tình huống giống như ông Si-mong đang đi đường, bị lính túm lấy và đặt thập giá lên vai cho ông vác đi đàng sau một người tử tù vốn chẳng quan hệ gì với ông. Quả là ách giữa đàng… Những gian khổ tôi tự chọn, như người cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp chấp nhận tập luyện vất vả hàng ngày, như cô con gái nên nhịn ăn nhịn uống để giữ eo … thì vẫn là tôi, vẫn làm cho tôi thỏa mãn, hãnh diện. Những cay đắng khốn khổ “không mời mà đến” mới tước đoạt tôi của chính tôi. Tự ý chấp nhận những thứ đó mới là từ bỏ chính mình vậy.
Tin Mừng Gio-an nói: Người tự mình vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha;18 tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá. Cả bốn sách Tin Mừng đều nhiều lần nói cho biết Chúa Giê-su đã chấp nhận trước và tự ý đi tới thập giá, cách riêng trong lời cầu nguyện ở Núi Cây Dầu của ba sách Nhất Lãm, và lới cầu nguyện tương đương ở Gio-an (12, 27-28).
Nhưng chuyện Gio-an nói Chúa “tự ý vác lấy thập giá đi ra, đến nơi…” tức là không có ông Si-mong nào vác đỡ dọc đường, lại mời chúng ta phải tìm hiểu thêm tại sao như vậy.
Hồi sau sẽ rõ… Hôm nay Chúa Nhật, Mừng lễ Chúa chiến thắng khải hoàn, hát Halleluiah, ăn ngon, ngủ bù đi đã.
Tạ ơn Chúa, Halleluiah.
Nguyễn công Đoan S.J.
AI VÁC THẬP GIÁ THẬP GIÁ CỦA AI (bài 2)
CHÚA GIÊ-SU VÁC THẬP GIÁ
Ngày nào trong thánh lễ, khi chủ tế bẻ bánh thì cộng đoàn đọc hoặc hát ba lần: “Lạy Chiên Thiên Chúa…” Rồi trước khi cho cộng đoàn rước Mình Thánh Chúa, chủ tế nâng Mình Thánh lên cao và nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa ». Hai câu này Phụng Vụ lấy ở đâu trong Sách Thánh?
Câu thứ nhất “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”, là lời đầu tiên ông Gio-an Tẩy giả giới thiệu Chúa Giê-su với dân chúng (Ga 1, 29). Câu thứ hai “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” là lời trong sách Khải huyền loan báo Tiệc Cưới của Con Chiên (Kh 19, 6-9) trước khi diễn ra hai trận chiến quyết liệt đánh bại Con Rắn Xưa và bè lũ tay sai của nó (Kh 20) để Cô Dâu có thể xuất hiện trong vinh quang rực rỡ (Kh 21, 1-27).
Để hiểu câu thứ nhất, gồm hai vế: Con Chiên của Thiên Chúa và Đấng xóa tội trần gian, cần trở lại Cựu Ước: sách Sáng Thế, chương 22 và sách I-sai-a, “Bài Ca Người Tôi Tớ Đau Khổ” (Is 52-13 – 53, 12).
Con Chiên của Thiên Chúa.
Trong Cựu Ước, con chiên là con vật dùng tế lễ trong nhiều trường hợp (coi sách Xuất Hành, sách Lê-vi). Nhưng cụm từ “con chiên của Thiên Chúa” không xuất hiện nguyên dạng, mà hàm chứa trong câu chuyện ông Ap-ra-ham vâng lời Thiên Chúa đem con một yêu dấu là I-xa-ác (St 22). Thiên Chúa nói với ông:
“Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.
3 Sáng hôm sau, ông Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con ông là I-xa-ác, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu, rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo.4 Sang ngày thứ ba, ông Áp-ra-ham ngước mắt lên, thấy nơi đó ở đàng xa.5 Ông Áp-ra-ham bảo đầy tớ: “Các anh ở lại đây với con lừa, còn cha con tôi đi lên tận đàng kia; chúng tôi làm việc thờ phượng, rồi sẽ trở lại với các anh.”
6 Ông Áp-ra-ham lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai I-xa-ác, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi.7 I-xa-ác thưa với cha là ông Áp-ra-ham: “Cha! “8 Ông Áp-ra-ham đáp: “Cha đây con! ” Cậu nói: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu? ” Ông Áp-ra-ham đáp: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ.” Rồi cả hai cùng đi.
9 Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói I-xa-ác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi.10 Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình.
11 Nhưng sứ thần của ĐỨC CHÚA từ trời gọi ông: “Áp-ra-ham! Áp-ra-ham! “Ông thưa: “Dạ, con đây! “12 Người nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc! “13 Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Áp-ra-ham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.
Đây là một đoạn văn kể chuyện với nghệ thuật tuyệt vời, và kịch tính mãnh liệt. Suốt đời ông Áp-ra-ham cầu xin, mong đợi co đứa con nối dòng theo lời Thiên Chúa đã long trọng thề hứa với ông (x. St 15). Thiên Chúa để ông chờ mỏi mắt, mãi tới năm ông mừng thọ 100 và vợ ông 90 tuổi, ông bà mới được hưởng niềm vui này. Niềm vui đã khiến hai ông bà lần lượt cười suốt năm, đứa con ấy sẽ làm cho mọi người cười, và cái tên gọi “I-xa-ác” (Ông Cười) như hứa hẹn nụ cười không bao giờ tắt… Hãy đếm những lần động từ cười xuất hiện trong ba bản văn sau đây liên quan tới chuyện này, và chú ý lần cuối: “Mọi người nghe biết sẽ cười với tôi” (tôi dịch lại câu này)
15 Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham: “Xa-rai, vợ ngươi, ngươi không được gọi tên là Xa-rai nữa, nhưng tên nó sẽ là Xa-ra.16 Ta sẽ chúc phúc cho nó, Ta còn cho nó sinh cho ngươi một con trai. Ta sẽ chúc phúc cho nó, nó sẽ trở thành những dân tộc; vua chúa các dân sẽ phát xuất từ nó.17 Ông Áp-ra-ham cúi rạp xuống; ông cười và nghĩ bụng: “Đàn ông trăm tuổi mà có con được sao? Còn bà Xa-ra đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao?“ (St 17, 15-17).
9 Khách nói với ông: “Bà Xa-ra vợ ông đâu? ” Ông đáp: “Thưa nhà tôi ở trong lều.”10 Người nói: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai.” Bà Xa-ra bấy giờ đang nghe ở cửa lều, phía sau.11 Ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra đã già nua tuổi tác, và bà Xa-ra không còn điều thường xảy đến cho đàn bà.12 Bà Xa-ra cười thầm tự bảo: “Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao? Ông nhà mình lại là một ông lão! “13 ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ra-ham: “Tại sao Xa-ra lại cười và nói: “Có thật tôi già thế này mà còn sinh đẻ được chăng?14 Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức ĐỨC CHÚA? Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và Xa-ra sẽ có một con trai.”15 Bà Xa-ra chối và nói: “Con đâu có cười! ” Vì bà sợ. Nhưng Người bảo: “Có, ngươi đã cười! ” (St 18, 9-15)
1 ĐỨC CHÚA viếng thăm bà Xa-ra như Người đã phán, và Người đã làm cho bà như Người đã hứa.2 Bà Xa-ra có thai và sinh cho ông Áp-ra-ham một con trai khi ông đã già, vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa.3 Ông Áp-ra-ham đặt tên cho đứa con sinh ra cho ông là I-xa-ác, đứa con mà bà Xa-ra sinh ra cho ông.4 Ông Áp-ra-ham cắt bì cho I-xa-ác, con ông, lúc nó được tám ngày, như Thiên Chúa đã truyền cho ông.5 Ông Áp-ra-ham được một trăm tuổi khi sinh được người con là I-xa-ác.6 Bà Xa-ra nói:
“Thiên Chúa đã làm cho tôi cười; mọi người nghe biết sẽ cười với tôi.” (St 21, 1-6)
Nhưng rồi một hôm Thiên Chúa tỏ ra như muốn lấy lại nụ cười muộn màng này của hai ông bà khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn nhận lại “Ông Cười” như một của lễ toàn thiêu. Lời Thiên Chúa phán từng lời như ngắt từng mảnh quả tim già của ông Áp-ra-ham [tôi dịch sát]:“Hãy đem con của ngươi, đứa con một của ngươi mà ngươi yêu dấu là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi mà Ta sẽ bảo ngươi.” Thậm chí ngọn núi nào Thiên Chúa cũng chưa cho biết, cũng như từ đầu Thiên Chúa bảo ông ra đi đến miền đất Ta sẽ chỉ cho ngươi, khiến ông ra đi mà không biết mình đi đâu (x. Hr 11, 8). Hôm nay ông lại bt đầu một khúc quanh vô định mới: trả lại nụ cười cho Thiên Chúa tại một ngọn núi mà ông chưa biết, nó ngầm chứa cả một tương lai vô định: những lời thề hứa của Thiên Chúa sẽ ra sao? Dòng dõi của ông đâu? Ông cảm thấy như mình đang bị thả cho rơi tự do trong không gian!
Ông không đáp lại một tiếng, chỉ lặng lẽ một mình “dạy sớm, thắng lừa, rồi đem hai người tôi tớ trẻ và đem I-xa-ác con mình theo, rồi chẻ củi để dùng cho lễ toàn thiêu, rồi trỗi dạy đi tới nơi Thiên Chúa đã bảo ông”. Con đường như dài vô tận, chỉ nghe bước chân người nhẹ nhàng và tiếng bước chân lừa lộp cộp hòa theo. Mãi đến ngày thứ ba ông Áp-ra-ham ngước mắt lên mới thấy nơi đó ở đàng xa. Đoàn lữ hành nhỏ bé tách làm hai: Ông Áp-ra-ham bảo hai người tôi tớ với con lừa ở lại, “cha con tôi đi lên tận đàng kia; chúng tôi làm việc thờ phượng rồi sẽ trở lại với các anh”. Lời ông Áp-ra-ham kín đáo, như hé cho chúng ta một tia hy vọng vẫn còn chập chờn cái thinh lặng trên đường hai ngày nay. Nói rồi, ông lặng lẽ chuyển “củi dùng cho lễ toàn thiêu” từ lưng lừa lên vai I-xa-ác con ông, còn ông cầm lửa và dao trong tay, “rồi cả hai cùng đi”.
Hãy thinh lặng nhìn từng bước và nghe kỹ từng lời trong chuyến lên núi trang trọng này. Từ khi Ông Cười ra đời tới hôm nay chúng ta mới được nghe Ông nói, còn người cha già Áp-ra-ham thì đang được nghe con gọi lần cuối: “Ba ơi!” Và đây cũng là lần cuối ông được nói với con: “Ba đây, con ơi!” Hãy nhìn đôi mắt ngây thơ như nai vàng ngước lên cha, và giọng của một cậu bé đang đi bên cha trong cuộc hành trình trang trọng lên núi để tế lễ, ngỡ ngàng hỏi cha: “Lửa và củi đây, còn con chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” Hãy thử vào trong trái tim người cha già này mà nghe âm vang và cảm nghiệm… Nhưng một lần nữa ông lại bất ngờ hé cho chúng ta thấy, trong đáy lòng ông niềm hy vọng vẫn sáng: “Chiên làm lễ toàn thiêu, Thiên Chúa sẽ lo liệu cho mình, con của Ba à!” Rồi cả hai cùng đi.
Một sự thinh lặng, thanh thản và những bước chân cuối cùng. Rồi hãy nhìn Ông Áp-ra-ham trân trọng dựng bàn thờ, xếp từng cây củi lên trên. Ông đang dọn chiếc giường cuối cùng cho con ông. Hãy nhìn ông trói con lại và đặt con lên trên cái giường kỳ lạ này. Hãy nhìn đôi mắt I-xa-ác ngơ ngác, nhìn đôi mắt người cha già… Không biết mỗi người đang nghĩ gì trong long. Bây giờ hãy nhắm mắt lại, vì cử chỉ hãi hùng nhất sắp diễn ra đấy. “Ông Áp-ra-ham đưa tay ra… cầm lấy dao… để sát tế đứa con của mình”, đứa con một của mình, đứa con mình yêu dấu, đứa con mang tên Ông Cười… Nụ cười sắp được ngọn lửa từ cái giường cuối cùng ông dọn cho con, biến thành làn khói bay lên trời…
Nhưng bỗng có tiếng uy nghi từ trời vang lên, liên tiếp hai lần “Áp-ra-ham! Áp-ra-ham!” như gọi giật để kịp ngăn tay ông Áp-ra-ham lại trước khi ông kịp cầm lấy dao giơ lên. “Đừng giơ tay lên hại đứa trẻ, đừng làm gì nó!” Thiên Chúa long trọng tuyên bố đón nhận lòng thành của ông: “Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kinh sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!”
Thế là Ông Cười được xuống khỏi cái giường đặc biệt của cha dọn trên núi, để trở về với cái giường mẹ dọn trong lều mỗi đêm. Nhưng ngọn núi không tên bây giờ có tên: “Núi Chúa Lo Liệu”, đứng mãi với thời gian để làm chứng về lòng tin của một người dám “trông cậy khi không còn gì để cậy trông” (Rm 4, 18), vì tin vào “Chúa Lo Liệu” và làm chứng về lòng yêu thương và thành tín của Thiên Chúa, Đấng giữ lời hứa, “Đấng không bao giờ để kẻ trông cậy vào Người phải thất vọng”, khiến chúng ta dám cầu xin: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trong cậy nơi Ngài – Con trông cậy nơi Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ”, ở cuối kinh “Lạy Thiên Chúa” (Te Deum).
Nhưng người kể chuyện lại ngừng ở đây, không kể nỗi vui mừng của ông Áp-ra-ham vì được giữ lấy nụ cười Thiên Chúa đã nhận như hương thơm nhưng không biến thành khói, rồi cho lại ông. Và thay vì một đứa con duy nhất, Thiên Chúa cho ông một niềm hy vọng mới: “Sứ thần của ĐỨC CHÚA từ trời gọi ông Áp-ra-ham một lần nữa16 và nói: “Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi,17 nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển.”
“Ông Áp-ra-ham trở lại với các đầy tớ của ông; họ đứng dậy và cùng nhau đi đến Bơ-e Sê-va”. Nghệ thuật kể chuyện ở đây đạt tới đỉnh cao bằng nghệ thuật tạo hình, giống như điện ảnh ngày nay: lấy cận ảnh cho chúng ta nhìn ông Áp-ra-ham một mình đi xuống núi. Sự vắng mặt của một đứa con, “hai cha con cùng đi” lên núi, được thay bằng hình ông một mình xuống núi, gợi cho chúng ta nhớ là sau khi hiến tế đứa con một, ông đang mang một sứ mạng mới: ông đang ôm cả một dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển không ai đếm nổi cùng đi xuống núi…
Câu chuyện mời chúng ta cùng với ông Áp-ra-ham rời “núi Chúa Lo Liệu” để nhìn về một chân trời mới. Sách Tin Mừng Gio-an cho chúng ta thấy Thiên Chúa lo liệu cho mình một con chiên để làm lễ toàn thiêu như thế nào, và “Con Chiên của Thiên Chúa” sẽ làm cho lời hứa “một dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển” thành sự như thế nào.
Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian.
Thiên Chúa sẽ làm cho dòng dõi Áp-ra-ham sẽ nên đông đúc như sao trời cát biển bằng cách nào?
Tin Mừng Mát-thêu sẽ kể cách biến hóa nhiệm màu, tiếp tục câu chuyện từ lúc ông Áp-ra-ham xuống núi: “núi Thiên Chúa đã truyền cho ông Áp-ra-ham đem con lên tế lễ” và tại đó Thiên Chúa xác nhận lại lời hứa về dòng dõi, bây giờ là “ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến”, Đức Giê-su phục sinh sai môn đệ đi làm cho muôn dân thành dòng dõi Áp-ra-ham nhờ Tin Mừng và phép rửa (xin đọc trong cuốn sách của tôi “Tự đáy lòng” [Tĩnh Tâm với Tin Mừng Mat-thêu] đã xuất bản năm 2017).
Tin Mừng Gio-an tiếp tục câu chuyện từ lúc đi lên ngọn núi sẽ mang tên là “Núi Thiên Chúa Lo Liệu” và Con Chiên mà Thiên Chúa sẽ lo liệu cho mình, “Con Chiên của Thiên Chúa”. Con Chiên này sẽ làm cho lời hứa kia thành sự thật bằng cách “xóa bỏ tội trần gian”, “Người cho tất cả những ai đón nhận Người, tức là tin vào Danh Người, quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12). Con Chiên Thiên Chúa lo liệu cho mình là chính Con Một của Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Cách thức Thiên Chúa thực hiện điều này khiến chúng ta phải ngỡ ngàng kinh khiếp, nhưng lại không được phép nhắm mắt mà phải mở mắt đức tin ra mà nhìn lên: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14). [Xin đọc lại câu chuyện “con rắn bằng đồng” trong sách Dân Số (21, 9) và lời giải thích trong sách Khôn Ngoan: “Họ được một dấu hiệu cứu thoát, nhắc họ nhớ đến luật Ngài truyền. Vì bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu thoát, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấn cứu độ muôn người hết thảy” (Kn 16, 6-7).
Gio-an sẽ tìm thấy lời giải thích:
Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả,50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.”51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân,52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. (Ga 11, 49-52)
Từ tiệc cưới Cana, Đức Giê-su đã kín đáo nói tới “giờ của tôi chưa đến” (Ga 2, 4). Dịp lễ Vượt Qua ở Giê-ru-sa-lem cùng với các môn đệ lần đầu tiên Người đã nói các bí ẩn về việc “phá Đền Thờ” và “dựng lại Đền Thờ”. Nhưng mãi sau này, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó và hiểu ra: “Đền Thờ Đức Giê-su nói ở đây là chính thân thể Người”. “Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.” (Ga 2, 21-22)
Người nhận ra tín hiệu giờ ấy đã đến, khi những người Hy Lạp lên dự lễ Vượt Qua xin gặp Người. Lúc ấy Người thoáng rùng mình khiếp sợ, không biết nói gì.
27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa! “29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm! ” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy! “30 Đức Giê-su đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào. (Ga 12, 27-33).
Người chập nhận đi vào giờ này, vì “Những việc đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14, 31).
Áp-ra-ham đã không tiếc con một của mình, đã đem con đi tế lễ đúng như Thiên Chúa truyền, tại nơi Thiên Chúa chỉ định. Bây giờ thì Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Người đối với loài người, đến nỗi ban chính Con Một cho thế gian; “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8, 32).
Thiên Chúa đã tha cho con một của Áp-ra-ham, ngăn tay ông lại khi ông đưa tay ra cầm lấy con dao để sát tế con đã đặt sẵn trên đống củi: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ!” Thiên Chúa không chịu thua lòng quảng đại của Áp-ra-ham. Áp-ra-ham tự tay chẻ củi rồi tự tay chất củi lên vai con. “Rồi hai cha con cùng đi”. Ông tự tay dựng bàn thờ, tự tay chất củi lên bàn thờ, tự tay trói con và đặt lên bàn thờ. Ông giơ tay cầm lấy dao để tự tay sát tế con. Lúc này Thiên Chúa mới can thiệp, gọi giật và bảo ông “đừng giơ tay hại đứa trẻ!”
Con của Thiên Chúa đã trở thành con của Áp-ra-ham. Trong tư cách là con của Áp-ra-ham, Chúa Giê-su biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa như Áp-ra-ham và I-xa-ác. Trong tư cách là Con Thiên Chúa, Chúc Giê-su biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho loài người, chu toàn Ý Cha, “để cho thế gian biết Thầy yêu mến Cha”, và biết Cha yêu mến thế gian tới mức nào.
I-xa-ác vác củi, Áp-ra-ham cầm dao và lửa. Hai cha con cùng đi lên núi Thiên Chúa đã truyền. Chúa Giê-su Con Thiên Chúa tự vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Núi Sọ cho người ta đóng đinh. Ta tưởng Chúa Giê-su đi một mình, nhưng chính Chúa đã nói với các môn đệ: “32 Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (Ga 16, 32). Chúa Cha cùng đi với Con Một của mình đang vác thập giá, như Áp-ra-ham cùng đi với con một I-xa-ác đang vác củi. Và sẽ không có ai để ngăn tay Chúa Cha được nữa… Chúa Giê-su sẽ công bố: “Đã hoàn tất” (Ga 19, 30). Thế là câu chuyện Áp-ra-ham đem con lên núi để dâng làm củ lễ toàn thiêu giúp ta hiểu ý nghĩa việc Chúa Giê-su tự vác lấy thập giá, không có ai vác đỡ, trong ách Tin Mừng Gio-an.
“Đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy”
Ý muốn của Thiên Chúa mà Chúa Giê-su thi hành triệt để thì Tin Mừng Gio-an cho chúng ta biết là Thiên Chúa đã biểu lộ từ đầu Sách Thánh, qua hình ảnh Áp-ra-ham và I-xa-ác và Con Chiên làm của lễ mà Thiên Chúa lo liệu cho mình, hình ảnh Con Chiên Vượt Qua là con chiên làm dấu chỉ ơn cứu độ Thiên Chúa đã ban cho dân của Người, “Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”, lại được diễn tả qua hình ảnh người tôi tớ đau khổ của sách I-sai-a (53, 12 – 52, 13). Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh đọc bài này trước khi đọc bài Thương Khó theo thánh Gio-an.
Chúa Giê-su là Con Chiên của Thiên Chúa, vì là Con Chiên Thiên Chúa tự lo liệu cho mình. Chúa Giê-su lại là Con Chiên Vượt Qua đích thật đem ơn giải thoát khỏi tội lỗi. Con chiên vượt qua mà dân chúa đã ăn tại Ai-cập trở thành dấu hiệu của ơn giải thoát và hàng năm họ cử hành lễ Vượt Qua, ăn con chiên vượt qua để nhớ nguồn gốc của mình là dân nô lệ được Thiên Chúa giải thoát. Con Chiên của Thiên Chúa thành Con Chiên Vượt Qua đích thật để đem ơn giải thoát khỏi tội lỗi bằng cách xóa bỏ tội trần gian. Xóa bỏ bằng cách nào? Bằng cách mang vào thân mình và đóng đinh nó vào thập giá (x. Cl 2, 34), gánh lấy mọi hậu quả vào thân như những hình phạt:
4 Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.
5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.
6 Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,
lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người
tội lỗi của tất cả chúng ta.
7 Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca;
như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,
người chẳng hề mở miệng. (Is 53, 4-7)
Hình ảnh con chiên là cầu nối nhưng hình ảnh này. Thánh Phê-rô cũng chỉ cho cbúng ta thấy:
18 Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại.19 Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô.20 Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này.21 Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa. (1Pr 1, 18-20)
Trình thuật Cuộc Thương Khó của Gio-an xoáy vào hình ảnh Con Chiên Vượt Qua. Lễ quan trọng nhất của dân Chúa trong Cựu Ước là lễ Vượt Qua. Cấu trúc Tin Mừng Gio-an lấy lễ này làm cột mốc, nêu lên ntới ba lần: lần thứ nhất (ch. 2) Chúa Giê-su thanh tẩy Đền Thờ và loan báo Đền Thờ Mới. Lân thứ hai (ch. 6) Chúa Giê-su nuôi dân trên núi trong nơi hoang vắng và nói về Manna đích thực. Lần thứ ba (ch.12-19) thì Chúa Giê-su là Con Chiên Vượt Qua đích thật.
Gio-an khởi đầu và kết thúc trình thuật Cuộc Thương Khó với mốc thời gian: sáu ngày trước lễ Vượt Qua (12, 1; x. Xh 12, 3) là ngày mỗi gia đình phải sắm con chiên Vượt Qua (ngày mồng mười, chiều ngày 14 khi mặt trời lặn thì sát tế và tối hôm đó thì ăn – tức là ngày 15, vì ngày mới bắt đầu khi mặt trời lặn và kết thúc khi mặt trời lặn, khác với chúng ta, tình ngày từ lúc mặt trời mọc), như vậy từ lúc sắm con chiên tới lúc ăn là 6 ngày. Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su, Đức Giê-su đến làng Bêtania, trong gia đình gồm ba người mà Dức Giê-su yêu mến và đã cho Ladarô ra khỏi mồ sau khi đã chôn được 4 ngày. Trong bữa ăn, cô Maria đem một cân dầu thơm quý giá xức lên chân Đức Giê-su. Việc này gợi cho ta liên kết với quy định sắm chiên Vượt Qua sáu ngày trước.
Bữa Tiệc Ly trong các Tin Mừng Nhất Lãm là bữa ăn lễ Vượt Qua (con chiên vượt qua). Còn trong Tin Mừng Gio-an thì tối hôm sau mới là lễ Vượt Qua. Ngày dọn mừng lễ Vượt Qua, lúc 12 giờ trưa, người ta đem con chiên lên Đền Thờ giao cho tư tế và khoảng ba giờ chiều thì bắt đầu sát tế.
Khoảng mười hai giờ trưa, Phi-la-tô đưa Chúa Giê-su ra trước mặt dân lần cuối. Các thượng tế gào lên tuyên xưng lòng trung thành với hoàng đế Xê-da, và đòi dóng đinh Chúa Giê-su. “Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ [các thượng tế] đóng đinh vào thập giá” (Ga 19, 16). Chiên vượt qua phải được sát tế trong Đền Thờ do tay các tư tế. Chúa Giê-su là Con Chiên của Thiên Chúa, nên được sát tế trên thập giá do tay các thượng tế.
Không được đánh giập cái xương nào của con chiên Vượt Qua (Xh 12, 46), Chúa Giê-su cũng không bị đánh giập cái xương nào. Theo Tv 34, 21 thì người ẩn náu nơi Chúa cũng được bảo đảm: “Xương cốt họ đều được giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy” (Tv 34/33, 21). Thế là chi tiết này lại nối kết với hình ảnh người tôi tớ đau khổ của I-sai-a nữa.
Chúa Giê-su Con Thiên Chúa làm người, quả là Con Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian qua con đường của người tôi tớ đau khổ. Gio-an kể Chúa Giê-su tự vác lấy thập gía đi ra, tới nơi cho người ta đóng đinh Người vào thập giá, gợi cho chúng ta nhớ rằng “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một cho thế gian”.
(Muốn hiểu thêm, xin đọc trong cuốn “Ngài đến đây làm gì?” và nhất là đọc trọn sách Tin Mừng Gio-an cùng với những sách liên hệ trong Cựu Ước).
Giêrusalem, ngày Thứ Ba trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh năm 2018
L.M. Giuse Nguyễn Công Đoan s.j.