“Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy” (01.5.2016 – Chúa Nhật V Phục Sinh, Năm C)

 

“Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”
(Ga 14, 23-29)

22 Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian? ” 23 Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.

28 Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

  1. “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

Tông đồ Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” (c. 22) Đức Giê-su trả lời: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”. Câu trả lời của Ngài xem ra không liên quan gì đến câu hỏi, nhưng đụng chạm đến cội nguồn làm phát sinh ra câu hỏi, đó là tương quan tình yêu: người ta chỉ có thể tỏ mình ra cho nhau trong tương quan tình yêu mà thôi. Tuy nhiên, câu nói này của Đức Giê-su còn đưa chúng ta đi rất xa, xa cả ở phía trước lẫn ở phía sau.

Trước hết, rất xa ở phía trước, bởi vì lời này của Đức Giê-su hướng chúng ta đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và nhất là ơn huệ Thánh Thần:

Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

(c. 26)

Thánh Thần được ban cho chúng ta, chính là để làm chúng ta nhớ lại lời của Đức Giê-su; như thế, chính khi chúng ta nhớ, hiểu và cảm nếm Lời Chúa trong cầu nguyện hằng ngày, trong thời gian tĩnh tâm, trong Thánh Lễ hằng ngày, chính khi chúng ta để cho Lời Chúa trở thành lương thực, trở thành sự sống hằng ngày của chúng ta, thì chính lúc đó, chúng ta đang chịu ơn của Chúa Thánh Thần, chính lúc đó Thánh Thần đang hoạt động nơi chúng ta, đang nối kết chúng ta nên một, không chỉ với nhau, nhưng với Chúa Cha và Chúa Con, như Đức Giê-su nói:

Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.

(c. 23)

Như thế, lời của Đức Giê-su: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”, mở ra cho chúng ta cả một con đường đi vào cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu, là Đấng sẽ luôn yêu thương chúng ta và đã luôn yêu thương chúng ta trước, trước từ khởi nguyên và trước cả khởi nguyên. Vì thế, lời này của Đức Giê-su còn dẫn chúng ta đi rất xa về phía sau nữa.

 

  1. “Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy”

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy”. Lời nói này của Đức Giê-su thật đơn sơ và thật nhân tính; thật nhân tính, là bởi vì ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: yêu nhau thì giữ lời nhau; giữ lời nhau thì là yêu nhau! Lời nói đơn sơ và nhân tính, nhưng lại mặc khải cho chúng ta căn nguyên sâu xa của tội nguyên tổ, và vì thế, căn nguyên sâu xa của mọi tội của loài người và của chính chúng ta: đó là không yêu mến.

Thậy vậy, chúng ta thường hiểu tội là không giữ lời Thiên Chúa, như chúng ta thường nói, là vi phạm lệnh truyền (x. St 3, 1-7). Nhưng Đức Giê-su nói cho chúng ta biết rằng, chúng ta không giữ lời Thiên Chúa, là vì chúng ta không yêu mến Thiên Chúa. Mặc khải thật đơn sơ, nhưng đụng chạm đến gốc rễ của con tim, và của mọi khó khăn của chúng ta có với Chúa và có với nhau. Nhưng tại sao chúng ta không yêu mến Thiên Chúa? Bởi vì chúng ta không nhận ra, hay đúng hơn ma quỉ làm cho chúng ta mù quáng không nhận ra, tất cả những gì Thiên Chúa đã, đang và sẽ làm cho chúng ta ngang qua những ơn huệ chúng ta nhận được trong cuộc đời và nhất là ngang Ơn Huệ của mọi ơn huệ là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, như Người nói với người phụ nữ Samari: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị…” (Ga 4, 10).

Ngoài ra, lời của Đức Giê-su cũng dẫn chúng ta đi rất sâu nữa, rất sâu trong lòng thương xót của Thiên Chúa; đó là trong hành vi phạm tội, chúng ta không đối diện với một điều luật hay các điều luật tất yếu kèm theo xét xử và án phạt, nhưng đối diện với chính Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh.

 

*  *  *

Đức Giê-su và các môn đệ đang ở trong bầu khí của bữa tiệc li, nơi mà Đức Giê-su đã muốn sống trước “biến cố” sẽ đến và muốn diễn tả hết mọi ý nghĩa của biến cố này, dưới ánh sáng của kế hoạch yêu thương, được thực hiện bởi Thiên Chúa Cha.

  • Đó là “biến cố” Ngài nộp mình cho Sự Dữ, như chính Ngài nói ở đây: “Thủ Lãnh thế gian đang đến”; và quả vậy, Điều phải xẩy ra sẽ đến rất mau, vì ngay sau lời tâm sự với các môn đệ và với Chúa Cha, Ngài sẽ để cho mình bị bắt (Ga 18).
  • Tuy nhiên, đó lại là “Giờ” của Ngài, giờ Ngài đi về cùng Chúa Cha, để dọn chỗ và sẽ trở lại đón các môn đệ của Ngài.
  • Nhưng trên hết, đó là cách Ngài yêu thương các môn đệ của Ngài “đến cùng”; tình yêu đến cùng là tình yêu trao ban chính mình, được diễn tả qua hình bánh và rượu, qua hành vi rửa chân cho “từng người”; và hành vi trao ban này sẽ được hoàn tất nơi Thập Giá, như tấm bánh phải “nát tan” để trở thành sự sống cho con người.

Là hành động của Sự Dữ, nhưng lại là đường đi về với Cội Nguồn là Thiên Chúa Cha, và là cách thức diễn tả tình yêu đến cùng và tuyệt đỉnh; như thế “tất cả đều trong một”. Ngài như muốn dẫn các môn đệ, ngay lúc này, đi vào mọi chiều kích khôn dò của Mầu Nhiệm.

*  *  *

Xin Đức Ki-tô phục sinh giúp chúng ta, nhờ Thánh Thánh của Người, khám ra ý nghĩa của những biến cố trong cuộc đời chúng ta, nhất là những là những biến cố “bi đát”, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, để chúng ta biết tín thác vào “tình thương muôn ngàn đời của Thiên Chúa Cha” (x. Tv 136), và nhờ đó, ngay hôm nay, chúng ta đã được hưởng bình an và niềm vui của Ngài rồi.

  1. “Anh em đừng xao xuyến”

Trong bữa tiệc li, Đức Giê-su nhiều lần nói về hành trình đi về cùng Chúa Cha của mình (x. Ga 13, 3 và 33), nhưng hành trình này lại đi “ngang qua” con đường, nghĩa là trở thành nạn nhân, của hành vi phản bội, dẫn đến cuộc Thương Khó và cái chết trên Thập Giá. Đó là “biến cố” Ngài nộp mình cho Sự Dữ, như chính Ngài nói ở đây: “Thủ Lãnh thế gian đang đến”; và quả vậy, Điều phải xẩy ra sẽ đến rất mau, vì ngay sau lời tâm sự với các môn đệ và với Chúa Cha, Ngài sẽ để cho mình bị bắt (x. Ga 18).

Chính vì thế, các môn đệ xao xuyến, nhưng thực ra chính Người cũng xao xuyến: “Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến” (Ga 13, 21), vì sự phản bội mà Đức Giê-su tự nguyện đón nhận tượng trưng cho mọi tội lỗi, sự dữ và cả Satan nữa, như thánh sử Gioan nói về Giu-đa: “Xa-tan liền nhập vào y” (Ga 13, 2 và 27).

*  *  *

Tuy nhiên, đó lại là con đường làm cho “mọi sự được hoàn tất”. Mọi sự là toàn bộ Kinh Thánh kể lại lịch sử cứu độ, hình ảnh của lịch sử loài người và từng người, trong đó diễn ra thân phận, số phận con người, tội và sự dữ. Đó chính là tâm tình của Đức Giê-su, khi Ngài nói trên Thập Giá : « Ta khát » : Ngài khát mong cho lời Kinh Thánh được hoàn tất (Ga 19, 28 ; Tv 69, 22) và Ngài cũng khát mong cho toàn bộ Kinh Thánh được hoàn tất, cho sáng tạo và lịch sử của loài người và của từng người chúng ta được hoàn tất.

Vì thế, con đường Thập Giá, gây ra bởi tội lỗi, sữ dữ và Satan, lại là con đường diễn tả :

  • Cách Ngài yêu thương các môn đệ của Ngài “đến cùng”; tình yêu đến cùng là tình yêu trao ban chính mình, được diễn tả qua hình bánh và rượu, qua hành vi rửa chân cho “từng người”; và hành vi trao ban này sẽ được hoàn tất nơi Thập Giá, như tấm bánh phải “nát tan” để trở thành sự sống cho con người (x. Ga 13, 1).
  • “Giờ” của Ngài, giờ Ngài đi về cùng Chúa Cha, để dọn chỗ và sẽ trở lại đón các môn đệ của Ngài. Hành trình Người đi “dọn chỗ” cho các môn đệ, các môn đệ đang diện diện với Người và các môn đệ của Người thuộc mọi thời, như Người đã nói: “Nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (c. 2); và Người nhắc lại ở đây, và đồng thời mời gọi các môn đệ vui mừng, khởi đi từ tình yêu nhưng không: “Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (c. 28)
  • Và cách thức Người chọn để được tôn vinh, như người nói: “Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13, 31-32).

Vì thế, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ, trong đó có chúng ta hôm nay, vượt qua sự xao xuyến bằng lòng tin vào Thiên Chúa và tin vào Người, dù cuộc đời thăng trầm, thử thách, đau khổ và lỗi lầm như thế nào, và cùng đi trên con đường của Người, như Người mời gọi thánh Phê-rô: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” (Ga 13, 36).

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 09-09-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 09/09/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Ngày cầu nguyện …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 06-05-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 06/09/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Đón nhận những …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *