Án tử hình ư ?

Như chúng ta đã biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn một sửa đổi mới về đoạn 2267 của Sách Giáo Lý Công Giáo, theo đó “đã xuất hiện một sự hiểu biết mới về ý nghĩa của hình phạt tử hình do nhà nước áp đặt” theo đó “án tử hình là không thể chấp nhận được”. Quyết định này được công bố bởi Bộ Giáo Lý Đức Tin trong “Thư gửi các Giám mục” đề ngày 01 tháng 08 năm 2018 với chữ ký của Đức Hồng Y Tổng trưởng, Luis Francisco Ladaria. Việc sửa đổi này không đồng nghĩa với việc đi ngược lại truyền thống Huấn quyền của Giáo hội nhưng là sự tiến triển nhằm đạt đến sự hiểu biết mới thích hợp cho thời đại chúng ta. Ở đây, chúng ta không bàn đến tiến trình lịch sử hình thành số Giáo lý này nhưng đưa ra vài suy nghĩ xoay quanh vấn đề án tử hình liên quan đến phẩm giá của con người.

Có thể nói, việc bãi bỏ hoàn toàn án tử hình là một kết quả suy tư dựa trên tiền đề căn bản của việc tôn trọng sự sống thánh thiêng của con người, rằng: sự sống con người cần được tôn trọng từ khi thụ thai cho đến chết tự nhiên; mà án tử hình là một việc giết người do tác động từ phía con người. Điều này đi ngược lại với xác tín của Giáo hội: Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử.

Thật ra, từ trước đến nay các chính quyền dân sự đều thi hành án tử hình nhân danh công bằng, công ích và trật tự xã hội. Qua nhiều triều đại Giáo Hoàng, các ngài đã lên tiếng bảo vệ sự sống cho phạm nhân nhưng còn nhân nhượng do giới hạn về việc bảo vệ an ninh các quốc gia. Ngày nay, các thiết bị hiện đại tạo nên những hệ thống tinh vi nhằm kiểm soát hoạt động của mọi người cách riêng các phạm nhân thì việc các tù nhân không thể tự tung tự tác mà sát hại dân lành đã được khắc phục tối đa; đồng nghĩa với việc án tử hình trở nên không còn cần thiết nữa mà nói mạnh mẽ như lời của Đức Phanxicô: án tử hình không thể chấp nhận được; vì lẽ, nhân phẩm của người đó không bị mất ngay cả đương sự đã phạm thứ tội rất nghiêm trọng.

Quả thật, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là luôn mang trong mình “mầm thiện” cần được phát huy tối đa trong ơn nghĩa Ngài. Mầm thiện ấy có thể ví như một loại bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi cho đến khi sự sống ấy không còn nữa ! Có thể nó đang bị một lớp tro trần tục, cặn bã vinh hoa nào đó phủ lấp nhưng vẫn hy vọng một ngày ngọn gió Thần Linh cuốn đi để rồi mầm thiện lại lan tỏa sức nóng giúp đương sự trở về với chính lộ. Mầm thiện ấy giờ đây được cụ thể hóa qua hành vi thú tội của bao tội nhân, điều này chính mỗi người chúng ta hơn một lần đã mục kích.

Có thể nói, bãi bỏ án tử hình ví như trao cho đương sự một chiếc phao cứu tử, đây là tia hy vọng cuối cùng khả dĩ giúp phạm nhân bừng tỉnh mà trân quý sự sống và quay đầu vào bờ. Thật vậy, với những người đã bị tuyên án tử hình, họ sống trong lo sợ không biết cái chết đến lúc nào; có người sống quãng đời còn lại với sự tru tréo hay căm hận cuộc đời, có kẻ trở nên điên loạn khi tưởng tượng đến phát súng cuối cùng vào một ngày đen tối…chung qui, họ sống tiêu cực và bất cần. Còn nếu, họ được giảm án thì đây là một niềm hy vọng lớn lao không phải là hy vọng để tìm cách tẩu thoát trong tương lai nhưng là được sống còn dù phải mang tù tội. Biết đâu với ân huệ ấy lại giúp họ cải tạo cuộc sống đúng với danh nghĩa của nhà tù là nơi cải tạo các phạm nhân. Hơn lúc nào hết, lời khẳng định của thánh Phaolô: nơi đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ơn sủng càng chứa chan gấp bội, càng trở nên xác thực hơn !

Chúng ta không có quyền phán xét ai trước kỳ hạn và lên án tử cho bất cứ người nào, chính Chúa sẽ phân biệt đâu là “tên trộm dữ” còn đâu là “tên trộm lành”. Luật pháp chỉ dựa trên chứng cớ xác thực của người đời mà luận án cách nào đó, nhưng chính Thiên Chúa mới dò thấu lòng dạ con người để “tuyên dương” tên trộm lành mặc dù hắn một đời lầm lỗi.

Chưa hết, xét về mặt tâm lý, việc lên án tử hình cho một ai đó có thể tạo nên một cảm giác hả hê nơi con người, rằng hắn đáng phải chết, sự ác phải được tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta không nên đồng hóa tội lỗi với tội nhân. Sự ác và tội lỗi đều bị lên án bằng bất cứ hình thức nào, song tội nhân hay những kẻ thù của ta cần được tha thứ. Đó là cách sống của người tỏa chiếu ánh sáng Tin Mừng. Chính khi tin tưởng vào cách hành động nhiệm mầu của Thiên Chúa mà không những chúng ta để cho người anh em của mình một con đường giải thoát rồi chính chúng ta cũng được hưởng lòng thương xót của Ngài; vì quả thật, không ai là công chính trước mặt Chúa.

Như thế, một lần nữa từ việc bãi bỏ án tử hình mà Giáo hội qua Đức Phanxicô, người kế vị thánh Phêrô, đã sống đúng vai trò ngôn sứ nhằm nói lên ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Mặc dù, vấn đề này thuộc lãnh vực xã hội không mang tính quyết định nhưng với vai trò định hướng hầu phát triển những gì liên quan đến đời sống toàn vẹn của con người, Giáo hội không ngừng cổ võ kêu gọi những nhà lãnh đạo các quốc gia đọc ra những dấu chỉ thời đại ngõ hầu nỗ lực xây dựng nền văn hóa sự sống và tôn trọng phẩm giá con người.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

Kiểm tra tương tự

Nguồn gốc tên gọi Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô

Vương cung thánh đường Lateranô có nhiều tên gọi, ám chỉ thánh Gioan Tẩy Giả, …

Đong tấm lòng (Mc 12, 41 – 44) | Suy tư Tin Mừng CN 32 Thường Niên B

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 32 Thường Niên B ĐONG TẤM LÒNG (Mc 12, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *