Ba bài Thánh Ca trong Tin Mừng Luca

BA BÀI THÁNH CA TRONG TIN MỪNG LUCA

  1. Magnificat : Hồn Tôi Tôn Vinh Chúa ( Lc 1, 46-55)
  2. Benedictus : Chúc Tụng Chúa ( Lc 1, 68-79)
  3. Nunc Dimittis : Giờ Đây, Lạy Chúa ( Lc 2, 29-32)

 

Trong cả bốn quyển sách Tin Mừng, chỉ có duy nhất tác giả Luca ghi lại Ba Bài Thánh Ca trong Tin Mừng gồm: Magnificat, Benedictus và Nunc Dimittis. Mỗi bài đều có nội dung và chủ đích riêng biệt, khác nhau. Nhưng tất cả ba bài đều chung một ý tưởng xuyên suốt, hiệp nhất và bất biến. Đó chính là vui mừng, biết ơn, cảm tạ, ca khen, chúc tụng Thiên Chúa từ bi, nhân ái, tràn đầy Lòng Thương Xót.

Ba bài thánh ca Tin Mừng do ba người hát dâng lên Thiên Chúa với những phúc lành lãnh nhận. Những hồng phúc công khai, minh bạch, đặc biệt ưu ái theo nguyện ước nóng bỏng của từng người.

Mẹ Maria ngợi khen Đức Chúa và hớn hở vui mừng, hát lên bài Magnificat bất hủ vô song. Mẹ vui mừng nhận được ơn cứu độ ngay khi Xin Vâng. Mẹ luôn nhớ và luôn ý thức phận hèn nữ tỳ, được Chúa quan tâm, ưu ái. Mẹ cũng ý thức Thiên Chúa uy quyền tột bực, vô cùng chánh trực, vừa chí ái vừa chí công.

Thầy Tư tế Dacaria và vợ là bà Elizabét, đều công chính trước mặt Thiên Chúa. Ông đã hết bị câm, ngay khi ông cho thân nhân biết ý định đặt tên Gioan cho con trẻ vừa sinh. Câm lặng suốt chín tháng mười ngày, Dacaria hẳn đã dư đủ thì giờ suy gẫm, thấm thía Thánh Ý Chúa và sẵn sàng đáp lại.

Khi nói được, Thầy Tư tế Dacaria liền ca khen, chúc tụng, tôn vinh và biết ơn cảm tạ Thiên Chúa. Đồng thời ông thành ngôn sứ cho chính con mình: Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên.“

 Cuối cùng là ông cụ Simêon, cũng là người công chính và sùng đạo, và Chúa Thánh Thần hằng ngự trên ông. Được linh báo và thúc đẩy, ông lên Giêrusalem, được gặp Hài Nhi, được gần gũi, ôm lấy Hài Nhi mà ca ngợi, chúc tụng, biết ơn và cảm tạ hồng ân cuối đời: Nunc Dimittis.  “Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ.”

 

  1. Magnificat, Hồn Tôi Tôn Vinh Chúa

(Lc 1, 46b-55)

46b      “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47        thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48        Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49        Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !
50        Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51        Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52        Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53        Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54        Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55        như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”

Ðức Bênêđitô XVI giải thích về lời Kinh Tạ Ơn Magnificat của Mẹ Maria, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, ngày 15 tháng 2 năm 2006, để kết thúc loại bài giải thích các thánh vịnh và ca vịnh được dùng trong các giờ kinh Phụng Vụ Sáng và Chiều mỗi ngày. Lọat bài nầy đã được Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu vào năm 2001, và được Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI tiếp tục cho đến tháng 2/2006.

Đức Maria vừa được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, mà muôn dân trông đợi hàng bao nhiêu thế kỷ nay. Người hay tin bà chị họ là Êlisabét cũng đã mang thai trong lúc tuổi già, nên Người vội vã lên đường đến thăm và giúp đỡ người chị họ ấy. Khi hai người gặp nhau, Bà Êlisabét chức mừng Đức Maria “Em có phúc hơn mọi người phụ nữ”; còn bà Êlisabét thì tràn ngập vui mừng “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi”; ngay cả bào thai trong bụng bà Êlisabét cũng vui mừng đến nỗi nhảy lên! Trong bầu khí tràn ngập vui mừng ấy, Đức Maria đã hát lên bài ca này để tán dương và tạ ơn Thiên Chúa vì đã thương đến những người hèn mọn khiêm nhu.

Thực ra bài ca này không phải do Đức Mẹ đã một mình sáng tác. Nó là cô đọng cả một trào lưu suy tư của những người hèn mọn trải suốt lịch sử cứu độ. Từ xưa đến nay và mãi tới muôn đời, hễ ai hèn mọn nhưng biết khiêm tốn nương nhờ nơi Thiên Chúa thì Ngài sẽ bênh vực che chở. Còn những người “lớn” và “mạnh” mà kiêu căng ỷ sức mình hay cậy vào những thứ mình đang có, thì Thiên Chúa sẽ hạ bệ. Đức Maria chỉ làm công việc đúc kết tất cả những cảm nghiệm ấy trong bài ca Magnificat này.

Trong nguyên văn bằng tiếng Hy Lạp của Phúc âm theo thánh Luca, bảy hành động của Thiên Chúa được nhắc đến trong đoạn nầy, nói lên ý nghĩa những hành động của Thiên Chúa còn đang xảy ra trong lịch sử: Ngài đã và còn đang biểu lộ quyền năng của Ngài, đã và còn đang làm tan rã những kẻ kiêu căng, đã và còn đang hạ xuống người quyền thế, đã và còn đang nâng dậy kẻ khiêm cung,  đã và còn đang ban tràn đầy ơn lành cho người đói khát, đã và còn đang đuổi người giàu có ra về tay không, đã và còn đang cứu giúp Israel Dân Người.”

Ngài luôn đứng về phía những kẻ thấp hèn nhất. Dự án của Ngài là dự án thường bị ẩn khuất trong vùng tăm tối của những thăng trầm lịch sử con người, một lịch sử thường nhìn thấy “chiến thắng” của những kẻ kiêu hãnh, quyền thế và giàu sang”. Nhưng sức mạnh ẩn khuất của Thiên Chúa chỉ được mạc khải lúc cuối cùng, để chỉ cho thấy ai là những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn: đó là những ai “kính sợ Người, trung thành với Lời Người; đó là những kẻ khiêm tốn, những kẻ đói khát; đó là Israel người tôi tớ trung thành của Người; đó là cộng đồng dân Chúa, được kết thành bằng những kè nghèo hèn, trong sạch và đơn sơ trong tâm hồn, như Mẹ Maria. Ðó là “đoàn chiên nhỏ bé” được khuyến khích đừng lo sợ, bởi vì Cha Trên Trời vui lòng ban Nước Trời cho đoàn con như vậy” (Lc 12, 32).

Thánh Ambrogiô khi giải thích Bài Ca Tạ Ơn Magnificat của Mẹ Maria, như sau: “Uớc chi linh hồn của Mẹ Maria hiện diện trong mỗi tín hữu, để ngợi khen Thiên Chúa; ước chi thần trí của Mẹ Maria hiện diện nơi mỗi tín hữu để nhảy mừng trong Thiên Chúa.  (Đặng Thế Dũng, Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI giải thích Lời Kinh Tạ Ơn Magnificat của Mẹ Maria)

Dẫu vinh dự được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ Maria vẫn chân thành khiêm hạ, vẫn ý thức thân phận “nô tỳ” tầm thường, vẫn nhận mình chỉ là một thụ tạo bình dị, chẳng đáng chi với Thiên Chúa. Vì vậy, Mẹ rất hân hoan, mừng rỡ được Chúa đoái thương nhìn tới, khiến muôn đời Mẹ được ngợi khen. Mẹ hân hoan chúc tụng Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, đã làm biết bao điều cao cả, phi thường ngay trên bản thân Mẹ, mà chính Mẹ không dám nghĩ đến, cũng chẳng dám mơ tưởng, ước ao.

Suy gẫm từ những hồng ân chính mình được hân hạnh lãnh nhận, Mẹ nhìn xa hơn, khái quát các diễn biễn trong lịch sử, lẫn trong đời, nghiệm thấy rằng, “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.” Chúa luôn ưu ái những ai hèn mọn, đơn sơ, khiêm hạ, luôn mến yêu, biết ơn, cảm tạ, ca ngợi, tôn thờ Chúa, những ai tự thân cảm thấy yếu đuối, bơ vơ, cô đơn, bị khước từ, bị đối xử phân biệt, biết chạy đến nương tựa vào Chúa.

Mẹ cảm nhận Thiên Chúa luôn công thẳng, luôn giơ tay biểu dương sức mạnh cứng rắn xử sự, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, những kẻ tự cao, tự đại, tự mãn, cậy sức mình, huyền hoặc mình tài năng, giỏi giang, khôn khéo, thành công, thành đạt.


Mẹ còn thấy Thiên Chúa thẳng tay trấn áp, trừng trị những ai cậy vào quyền lực, quyền uy, quyền thế, uy hiếp người khác. Trái lại, Chúa thương yêu, bao bọc và hồi phục nhân phẩm cho những người chịu áp bức. “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”. Một lần nữa, đức tính hạ mình, bỏ mình, xả kỷ lại được đề cao, Mẹ muốn nhắn nhủ những tín hữu Kitô hãy cố gắng thấm nhuần, gắng sức luyện tập đức khiêm nhu này.

Mẹ càng thấm thía Lòng Thương Xót vô biên luôn ban dư dả, tràn đầy hồng ân cho những người nghèo đói, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, nhất là thiệt sự ao ước, đói khát Lời Chúa, đói khát Tin Mừng: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” Những ai tự đắc, ngạo nghễ tưởng mình thủ đắc đầy đủ Tin Mừng, tưởng rằng thuộc làu Lời Chúa, vì học cao biết rộng, vì bằng cấp dư thừa, thì Người từ chối, đuổi về trắng tay, chẳng được chút gì, chẳng cảm nhận được những phúc lành.

Mẹ tiếp tục suy gẫm đến Israel, dân tộc Chúa chọn được bao bọc, che chở, gìn giữ trong tình yêu thương. Đó cũng chính là hình ảnh Giáo Hội của Chúa hôm nay, mặc dầu chịu bao thử thách, bao sóng gió, bão bùng, vẫn cứ bền vững trên Đá Tảng Giêsu, Đức Chúa Con thân thương, nhân ái, luôn hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Tóm lại, Kitô hữu chúng ta cần khiêm nhường, trở nên hèn mọn như Mẹ Maria, mới có thể cảm nhận được biết bao hồng phúc Thiên Chúa đã thương ban hằng ngày. Cũng như Kitô hữu luôn cần cung kính đón tiếp Lời Chúa và Thánh Thể, Mình Máu Chúa ngự vào trong lòng, hầu  được tràn đầy diễm phúc và vui mừng như Mẹ.

 

  1. Benedictus, Chúc Tụng Chúa

(Lc 1, 68-79)

68          “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en

           đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.

69        Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,

 70      như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ
mà phán hứa tự ngàn xưa:
71       sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;
72       sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên

và nhớ lại lời xưa giao ước;
73       Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,
74       và cho ta chẳng còn sợ hãi,
75       để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

 76      Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
77       bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
78       Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
79       soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.

Về chuyện ông Dacaria bị câm, nhưng ngay sau khi đặt tên cho con là Gioan, thì ông nói được, cũng rất có ý nghĩa. Sự kiện ông không nói được, là một dấu chỉ nhắc nhớ ông rằng, có một lúc ông đã không tin vào quyền năng Thiên Chúa, có thể thi ân ở nơi mà con người không còn hy vọng gì, có thể làm phát sinh sự sống nơi cung lòng hiếm hoi và già cỗi của bà Elizabét. « Không nói được », không chỉ là không nói được ngôn ngữ, nhưng nhất là không thể ca tụng Chúa được. Thật vậy, khi người ta không tin, không nhận ra ơn Chúa ban cho mình và người khác, thì không thể ca tụng Chúa được; và khi ghen tị nhau và kêu trách Thiên Chúa, người ta càng không thể tạ ơn, chúc mừng và ca tụng Thiên Chúa. Chính khi ông đặt tên cho con là Gioan, « Thiên Chúa Thi Ân », thì ông « lưỡi ông lại mở ra, ông nói được » và lời nói đầu tiên là lời chúc tụng Thiên Chúa:

Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Israel,
đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.

Đó là lời tán tụng Benedictus bất hủ, vang lên mỗi ngày trong Giờ Kinh Sáng của chúng ta. Ước gì, khi đọc hay hát lời chúc tụng này, chúng ta mặc lấy tâm tình của ông Dacaria. Hình ảnh giấc ngủ còn dẫn chúng ta đi xa hơn, đó là lúc chúng ta nhắm mắt và câm lặng tuyệt đối trong sự chết, nhưng với niềm hy vọng lại được mở mắt và mở miệng chúc tụng Thiên Chúa trong niềm vui của Sáng Tạo Mới.

Hơn chín tháng câm lặng về mặt thể lý, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đó một cuộc « tĩnh tâm » dài; vì chắc chắn, đối với ông Dacaria, đó là thời gian suy niệm và chiêm niệm, để khám phá sự hiện diện và cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử thánh của Dân Chúa, trong đời mình và đặc biệt nơi hồng ân lạ lùng « Gioan ». Chín tháng thinh lặng phải là chín tháng cầu nguyện, để có thể hát lên lời ca tụng Thiên Chúa tuyệt vời như vậy, lời mà Giáo Hội đặt vào miệng chúng ta mỗi ngày trong Giờ Kinh Phụng Vụ. Hơn nữa, đó là lời được thốt ra bởi người « đầy Thánh Thần » (c. 67). Lời ca tụng như thế đã trở thành chính là Lời Chúa cho chúng ta. Rốt cuộc, đối với ông Dacaria, chín tháng mười ngày thinh lặng, chính là thời gian « cưu mang » Lời Chúa. Cũng cùng một thời gian đó, Gioan được cưu mang trong dạ mẹ cách lạ lùng.

Lời chúc tụng mở đầu bằng lời công bố lý do chúc tụng: Đức Chúa, là Thiên Chúa của Israel đã viếng thăm cứu chuộc dân Ngài, ngang qua sự xuất hiện của « Vị Cứu Tinh quyền thế » (c. 68-69). Xin cho chúng ta cảm nhận được hồng ân này và được tràn đầy niềm vui như ông Dacaria, mỗi khi chúng ta đọc hay hát bài ca Chúc Tụng này. Bởi vì, Chúa thực sự « viếng thăm cứu chuộc » chúng ta mỗi ngày nơi Đức Giê-su Ki-tô, « Vị Cứu Tinh quyền thế », ngang qua bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành mỗi ngày. (Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, Hài Nhi hỡi con sẽ mang tước hiệu là Ngôn Sứ của Đấng Tối Cao”)

Chín tháng mười ngày câm lặng, ông Dacaria mới dần thấm thía, thấu hiểu Thánh Ý Chúa soi sáng, mở lòng trí cho ông và bà Elizabét, vợ của ông, để ông đem thực hành cách trung thành và chính xác.

Trong cuộc sống hỗn độn và xô bồ hiện nay, con người chạy đua với kim đồng hồ để mưu sinh và hưởng thụ, không còn giờ nào để suy tư, ngẫm nghĩ, nên gần như trở thành những robot vô hồn, hờ hững với mọi sự siêu nhiên. Nếu ai sống nghịch lại trào lưu xã hội, coi như lội ngược dòng đời, liền nhận được những lời khích bác khinh chê. Cho nên, cần vào sa mạc thinh lặng như ông Dacaria, cần nguyện xin Đức Chúa Thánh Thần khai sáng, giúp đỡ, thêm sức và hướng dẫn. Bởi “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15, 5)

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết thinh lặng, để sốt sắng cầu nguyện, để lắng nghe Lời Chúa dạy bảo, cùng tìm hiểu Thánh Ý Chúa mà tận lực thi hành. Xin Chúa luôn hướng dẫn và giúp đỡ chúng con đi theo đúng đường ngay nẻo chính của Ngài, hầu được cứu rỗi.

  

  1. Nunc Dimittis, Giờ Đây, Lạy Chúa

(Lc 2, 29-32)

29        “Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

30        Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31        Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32        Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

Trong dịp đem Trẻ Giêsu dâng trong Đền thờ, Thánh Gia đã gặp được cụ Simêon. Cụ được Thánh Thần soi sáng cho biết trẻ Giêsu chính là Đấng Messia, cho nên toại nguyện vì gặp được Ngài. Cụ nói Chúa Giêsu là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại.”

Sau cả một đời chờ mong, cụ già Simêon sung sướng thỏa mãn, đến nỗi sẵn sàng chết cũng được, bởi vì cụ đã được thấy Đấng Cứu Thế và biết rằng thời đại cứu thế đã khai mở.

Theo lời tiên tri của cụ già Simêon, Đức Giêsu là một dấu gây chia rẻ: kẻ thì theo, người thì chống đối; kẻ theo thì đứng lên, người chống thì té ngã.

Bài ca Nunc Dimittis này được Giáo Hội chọn đọc trong giờ kinh tối mỗi ngày. Ước gì tôi sống làm sao để tối đến, trước lúc lên giường nằm ngủ, tâm hồn tôi luôn cảm thấy an bình thanh thản, đến nỗi có thể giã từ cõi thế mà ra đi ngay trong đêm đó cũng được.

 “Ông Simêon nói với bà Maria: ‘Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng’.” (Lc 2,34)

Chúa Giêsu cũng đã đến để yêu thương, cứu giúp mọi người. Ngài vốn là Thiên Chúa cao sang, nhưng đã trở nên thấp hèn để nâng đỡ con người lên. Nhưng cuối cùng Ngài đã bị con người đóng đinh thập giá, bỏ mặc trong cái chết đau đớn và tủi nhục.

Xin cho con luôn tiếp bước theo Chúa trên con đường yêu thương, dẫu có bị người đời chống báng hay chối từ. (Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Epphata)

Cả cuộc đời luôn trông đợi hy vọng được nhìn thấy Đấng Thiên Sai, được chiêm ngưỡng, gần gũi và được ôm lấy Đức Giêsu trong vòng tay thân yêu, nay ông Simêon đã được mãn nguyện, ông liền khấn xin cho ông về an nghỉ trong Chúa. Đó không chỉ mong ước cá nhân ông Simêon, mà là nguyện ước của tất cả những ai tin Chúa, đi theo Chúa, của tất cả Kitô hữu và tất cả những người công chính.

Vấn đề là chúng ta có thành tâm tìm kiếm Đức Giêsu trong đời hay không. Nhưng gặp được Người, đi theo Người, sống theo Người sẽ gặp những khó khăn, thách đố, gian lao, nguy hiểm, không phải dễ dàng vượt qua, nếu không khấn xin Người ân cần cứu giúp. Hy vọng nhờ hồng ân Chúa trao ban, chúng ta sẽ cùng được toại nguyện như ông Simêon, mong được an nghỉ trong Chúa muôn đời. Amen.

Thérèse Huỳnh Thị Thuý Hằng

(Tập sống Tin Mừng Luca)

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ cuối: Kẻ phạm thượng và cái kết

Cái chết của Đức Giêsu không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và cũng …

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 3: Mất trí và bị quỷ ám

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối từ phe …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *