Ba cuộc Hội Nhập Văn Hóa thất bại trong lịch sử

Trích dịch từ Ayward Shorter[1]

 Matteo Ricci và Lễ phép nước Ngô

ILLUSTRATION DEPICTS JESUIT FATHER MATTEO RICCIMatteo Ricci sống và chết trước khi Bộ Truyền Bá Đức Tin (Propaganda Fidei) được thành lập, nhưng những thành tựu của ông đã khơi lên cuộc tranh luận gay gắt sau khi ông mất và cuộc tranh luận vẫn còn tiếp tục mãi đến thời đại chúng ta. Ricci là một tu sỹ Dòng Tên người Ý, sinh năm 1552 và ông đã là thừa sai ở Trung Quốc. Đế quốc Trung Quốc có một nền văn hóa lâu đời và phức tạp, thấm nhuần bởi triết học Khổng Tử. Nền triết học này đã thâm nhập và biến đổi niềm tin Phật Giáo. Đó là một nền văn hóa coi trọng khoa học, học thuật và nặng tính chủng tộc cực đoan, nếu không muốn nói là bài ngoại. Được Alessandro Vagliano khuyến khích, các thừa sai Dòng Tên đã xác định rằng chỉ có một phương thức hành động duy nhất là Kitô giáo phải thâm nhập vào văn hóa Trung Hoa từ bên trong. Vì vậy, Dòng Tên tiến hành truyền bá nền khoa học và kỹ thuật Tây phương, và bằng cách này đóng góp cho nền học thuật Trung Hoa.

Kế hoạch đầu tiên của Ricci là mang lấy y phục và lối sống của một nhà sư. Các phật tử ít có khuynh hướng chỉ trích Kitô giáo hơn các nho sĩ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu ông khám phá phương sách ấy là sai lầm. Phật giáo không phải là tôn giáo chủ đạo của văn hóa Trung Hoa, và có nguy cơ là Kitô giáo sẽ bị loại bỏ như Phật Giáo. Cho nên Ricci  quyết định đổi căn cước thành nho sĩ và làm quan để chinh phục các bậc tôn sư trí thức trong một xã hội do tư tưởng Nho Giáo thống trị. Vì thế, từ năm 1595, Ricci đã chuyển tên Matteo của mình sang tiếng Hoa là “Mã Đậu”. Ông tự đưa mình vào tầng lớp đại sứ và thư lại cao cấp, và đã thành công khi thâm nhập được vào Tử Cấm Thành của Bắc Kinh.

Ricci đã cống hiến nhiều cho nền học thuật Trung Quốc và là tác giả của hơn 20 tác phẩm viết bằng tiếng Hoa. Sự uyên bác của các tu sỹ Dòng Tên trong lãnh vực thiên văn, toán học và khoa học vật lý đã được người Trung Hoa đánh giá cao, nhất là trong việc thiết lập một dạng lịch chính xác. Thành quả này đã thay đổi toàn bộ đời sống xã hội và tôn giáo Trung Hoa. Sự dấn thân vào các lãnh vực thuộc đời sống văn hóa Trung Hoa vừa nói cũng mang lại một nguy cơ bị hiểu lầm đáng kể, và chúng ta không biết việc ấy đã diễn tiến như thế nào, bởi vì nó kết thúc khi Ricci qua đời.

Tuy nhiên, xem chừng như Ricci và các bạn cùng dòng của ông đã đi vào một cuộc đối thoại sâu xa với nền văn hóa và tôn giáo của người Trung Hoa, và họ không có ý nhắm điều gì khác hơn là hội nhập văn hóa theo đúng ý nghĩa của nó. Mục tiêu là giải thích lại theo hướng Kitô giáo những gì thuộc nền văn hóa Trung Hoa; để đến lượt mình, văn hóa ấy sẽ gần gũi lại với Kitô giáo được trình bày dưới hình thức mà người Trung Quốc thấy có thiện cảm. Có lẽ sự kiện 300 người đã chịu phép rửa vào lúc Ricci qua đời năm 1610 là thước đo mức độ thành công của chính sách này.

Bi kịch xảy ra sau khi Ricci qua đời là việc toàn bộ kế hoạch đầy tham vọng này bị giáo quyền bác bỏ, với lý do là có sự tranh cãi về ý nghĩa của một số yếu tố văn hóa, tuy rất quan trọng đối với người Trung Hoa, nhưng lại không mấy đáng quan tâm đối với Kitô giáo. Điều mỉa mai là cuộc tranh cãi này đáng lẽ phải là một thử nghiệm thực hành cho Bộ Truyền Bá Đức Tin về nguyên tắc của Bộ, là chấp nhận mọi khía cạnh văn hóa không hẳn nghịch  với đức tin và luân lý Kitô giáo.

Cuộc tranh cãi liên quan đến điều được mệnh danh là: “Lễ phép nước Ngô” mà Ricci đã chấp nhận, coi như phù hợp với đức tin và luân lý Kitô giáo. Theo cách hiểu của Ricci, những nghi lễ này có ba vế. Thứ nhất là thờ Trời, và ông chấp nhận áp dụng danh hiệu truyền thống Trung Hoa là “Thiên Chủ” vào Thiên Chúa của Kitô giáo. Thứ hai là tôn kính Khổng tử, vị sáng lập Nho Giáo  bằng những nghi lễ định kỳ. Và cuối cùng là thờ kính gia tiên bằng vái lạy, thắp nhang và cúng cơm ngoài mộ. Năm 1603, Ricci cho phép thờ cúng Khổng Tử và gia tiên, coi như không có tính mê tín. Ít nhất theo ông, không có bằng chứng của mê tín. Sau khi Ricci qua đời, quan điểm này bị thách thức bởi  thừa sai  các dòng khác. Trong nhiều trường hợp, cáo buộc của họ bao quát cả một loạt những thực hành mê tín mà Ricci đã không bao giờ cho phép. Thực ra những người tấn công  nghi lễ Trung Hoa đã không có khả năng hay không muốn làm những thứ phân biệt như Ricci đã làm.

Charles Maigrot, đại diện tông tòa Phúc Kiến, đã khởi sự kết án năm 1693, và sự việc này mở đầu cho một quá trình pháp lý dai dẳng và phức tạp kéo dài đến thế kỷ sau. Một uỷ ban đặc biệt gồm các hồng y được triệu tập để xem xét vấn đề, và Đức Giáo Hoàng Clemente IX đã ra một sắc lệnh kết án nghi lễ Trung Hoa năm 1704. Đức Benedicto XIV đã kết thúc cuộc bàn cãi  qua sắc lệnh Ex Quo Singulari năm 1742. Việc kết án bao gồm nhiều thực hành chúng không phải khởi đầu cho tranh cãi, và được coi là nghịch lại giáo lý Kitô giáo.

200 năm sau, những quyết định lên án này đã được rút lại và sự khôn ngoan của Ricci đã được nhìn nhận một cách muộn màng. Năm 1935, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã chấp nhận việc thờ kính Khổng Tử như một thực hành  không cốt yếu tôn giáo và vì thế không nghịch lại giáo lý Kitô giáo. Bốn năm sau, năm 1939, Đức Piô XII ra huấn thị Instructio Circa Quasdam Ceremonias Super Ritibus Sinensibus (Huấn thị liên quan đến các Nghi lễ Trung Hoa). Huấn thị này đã chấp nhận những nghi lễ truyền thống Trung Hoa về an táng và việc thờ kính gia tiên. Vài năm sau, người Cộng sản lên cầm quyền ở Trung Hoa, và người công giáo bị bách hại phần lớn chỉ vì  tính dạng ngoại lai và quan hệ với người ngoài. Ở Đài Loan, sau công đồng Vaticano II, những người Công giáo theo Trung Hoa Dân Quốc đã có thể cử hành việc tôn kính tổ tiên trong khuôn khổ của chính phụng vụ Kitô giáo. Người ta không thể không tự hỏi liệu lịch sử Giáo hội Trung Hoa lục địa sẽ đã ra sao nếu giáo quyền trưởng thành đủ về phương diện thần học để chấp nhận thử nghiệm của Matteo Ricci trong khi ông còn sống hay liền sau khi ông qua đời.

Sự thay đổi lập trường của Giáo hội về “Lễ phép nước Ngô” chiếm một mối quan ngại dai dẳng nơi các tín hữu vừa mới đón nhận Tin mừng và cũng có truyền thống tôn kính tổ tiên. Những người này chủ yếu là nhóm dân thiểu số ở Châu Phi có truyền thống tôn kính tổ tiên. Trong một số trường hợp, lòng tôn kính như vậy có thể đưa tới một hình thức thờ quỷ thần tội lỗi, đặc biệt ở nơi mà  người chết được coi là thành thần. Nhưng trong đa số các trường hợp, đấy là một thực hành có thể hòa giải dể dàng với niềm tin và thực hành Kitô giáo. Một ví dụ điển hình của việc hòa giải này là nghi lễ an táng của người công giáo mới theo đạo ở Zimbahwe.

 Roberto de Nobili ở Ấn độ

profile_roberto_de_nobiliRoberto de Nobili, thừa sai Dòng Tên ở Ấn Độ, sinh năm 1577 và là con của một bá tước người Ý. Tại Ấn Độ, ông đã sử dụng chính cái gốc quý tộc của mình để đưa giáo lý vào các tập cấp cao trong xã hội. Cũng như Ricci ở Trung Hoa, ông nhắm  việc trở lại của các thành phần ưu tú, và thâm nhập thế giới của các học giả và trí thức. Ông là người Châu Âu đầu tiên học tiếng Sanskrit  và đã đọc kinh thư Ấn giáo thuộc Veda và Vednta trong nguyên bản. Ông nhận lấy y phục và cách sống của một nhà tu hành thoát tục Ấn giáo và được gọi là Rjah SaỴnyasi hay “tu nhân cao quý”.

Kitô giáo ở Ấn Độ phải đối đầu với một hệ thống tập cấp cứng nhắc của Ấn giáo, và chuyện này đặt ra một vấn đề lưỡng nan cho các thừa sai. Tập trung nỗ lực vào đẳng cấp tiện dân cũng có nghĩa là chia tay mãi mãi với khả năng gây ảnh hưởng cho các thành phần ưu tú. Kế hoạch của De Nobili là thâm nhập chính hệ thống tập cấp ấy và tiếp cận với chính tập cấp cao nhất là Bà-la-môn (tế sư). Để đạt được mục đích này, ông đã phải chấp nhận một loạt những thực hành văn hóa và lợi dụng được sự phân biệt của Bộ Truyền Bá Đức Tin giữa một bên là những nghi lễ hoặc phong tục có bản chất tôn giáo, và bên kia là nghi lễ hay phong tục mà bản chất là dân sự. Sự phân biệt này đã tạo điều kiện cho De Nobili coi phần lớn các yếu tố văn hóa Bà-la-môn là phù hợp với Tin mừng.

Sự thành công của chiến lược truyền giáo De Nobili đã được chứng tỏ qua việc ông  Çivadharma, một học giả siêu đẳng Bà-la-môn đã theo đạo và được giữ lại lối sống trước đó. Khi De Nobili cuối cùng rời Madras, ở đấy đã có hơn 4 ngàn kitô hữu. Tuy nhiên, chẳng bao lâu phương pháp của ông bị giáo quyền đe dọa, và ông bị kết án năm 1610. De Nobili kháng cáo lên Roma và cuối cùng Roma đã đưa ra phán quyết ủng hộ ông không lâu sau khi Bộ Truyền Bá Đức Tin được thành lập năm 1623.

Dẫu thế, ông đã bị cấm không được rửa tội suốt 13 năm của tiến trình pháp lý này. Thêm vào đó, Giáo hội tại Ấn Độ đã rời bỏ cuộc thử nghiệm của ông sau khi ông về hưu và qua đời năm 1656. Mãi tới thời đại chúng ta, trước thềm công đồng Vatican II, các  SaỴnyasi Kitô giáo mới xuất  hiện trở lại và các ashram hay  trung tâm cầu nguyện Kitô giáo mới được thiết lập theo kiểu Ấn giáo.

Pedro  Paez ở Ethiopia

3Nước Ethiopia Kitô giáo đã bị cắt đứt liên lạc với Kitô giáo Châu Âu do sa mạc, vị trí xa xôi và Hồi giáo. Chỉ tới giữa thế kỷ 15, Châu Âu mới biết được thật sự về nước này. Năm 1441, do kết quả đàm phán của Giáo Hoàng với Thượng phụ Copte ở Alexandria và cộng đồng người Ethiopia ở Giêrusalem, mà một phái đoàn Ethiopia được gửi đi tham dự công đồng Florence. Đầu thế kỷ 16, một nhóm thừa sai dòng Phan sinh được gởi từ Giêrusalem đi Ethiopia nhưng không thành công được bao nhiêu,  khi mà Châu Âu đang trong thời kỳ Cải Cách đau đớn.

Đến thập niên đầu tiên của thế kỷ tiếp theo, mới có một tu sỹ Dòng Tên được gửi đến Ethiopia trong một phái đoàn, và đó là Pedro Paez. Ông đến vào năm 1607. Nhà thừa sai Tây ban nha này hết sức khoan dung đối với văn hóa Kitô giáo Ethiopia. Ông chấp nhận phụng vụ Ethiopia và đã thuyết phục thành công người Negus tuyên xưng hai bản tính của Đức Kitô, đồng thời hợp thức hóa sự hiệp nhất Giáo hội Ethiopia với Rôma. Ngày Sabát của người Dothái cũng bị bãi bỏ và hàng ngàn người Ethiopia chịu phép rửa, xưng tội và rước lễ từ  tay các thừa sai.

Tất cả những thành tựu của Paez đã bị thiêu rụi bởi người kế nhiệm ông, thượng phụ Dòng Tên Bồ đào nha tên là Mendez. Ông này đến đây năm 1625 với tám thừa sai khác. Mendez là một người chủ trương Latinh-hóa không khoan nhượng. Ông không chỉ nhấn mạnh đến tiếng Latinh, mà cả lịch La-mã và chủ trương chỉ một lối hiệp thông Kytô hữu thôi. Thêm vào đó, ông còn ra lệnh rửa tội lại tất cả các tín hữu Ethiôpia, phong chức lại cho các linh mục, rửa lại các bàn thờ và đưa ra khỏi các nhà thờ thánh tích của các thánh Ethiôpia.

Kết quả của sự xúc phạm không thể tin được đối với văn hóa cổ xưa và nghi lễ của Giáo hội Ethiopia này, là họ lập tức quay lại với ly giáo và khôi phục lòng thù ghét cực độ đối với Rôma và tất cả những gì mà Rôma bảo vệ. Tiếp đó, các thừa sai  Latinh bị thảm sát, và chỉ đến thế kỷ 19 các nhà thừa sai Công giáo mới nhận lại nghi tiết Ethiôpia và sau đó tiến hành truyền chức linh mục và giám mục.

                                                          Chuyển ngữ: QM và DS

Hiệu đính: Hoành Sơn

Một vài cảm nghĩ của Hoành Sơn

Á Châu (nhất là với Đông Á và Nam Á) chiếm tới 2/3 dân số thế giới. Thế mà nay, sau gần 500 năm truyền giáo, với biết bao  nhân lực và tài lực bỏ ra, Công giáo chỉ mới đến được với chưa đầy 3/100 số người tại đó. Trái lại, cũng trong thời gian này, đạo đã phủ kín Châu Mỹ và Châu Đại Dương rồi.

Tại sao thế? Hẳn là vì vào thời ấy, Châu Mỹ và Châu Đại Dương còn sống theo bộ lạc, trong khi Ấn Độ có sẵn một nền tôn giáo khá cao, còn văn minh nhân bản Trung Quốc thì khó có vùng trời nào sánh kịp. Để xâm nhập hai khối văn minh này, Đạo không thể không cởi bỏ chiếc áo Tây đang mặc (như KTG thời sơ khai đã theo chân Phaolô-Bacnabê mà rũ bỏ các tập tục Do Thái) để vào khuôn trong hai văn hóa mới ấy, có thế mới phát triển dễ cả về chiều rộng (đông người theo đạo) lẫn chiều sâu (nhiều thánh nhân không phải thánh tử đạo).

Thật ra, thì đã có những nhóm làm công cuộc HNVH táo bạo này rồi, và họ đã thành công ban đầu. Thế nhưng cuối cùng họ đều thất bại cả, dù Ricci bên Tầu hay Di Nobili bên Ấn, và Paez bên Ethiopia. Vi sao vậy? Vì những người khác, cùng Dòng hay khác Dòng, Giáo quyền địa phương hay Giáo quyền trung ương, phần do định kiến và tầm nhìn hạn hẹp kiểu Giacôbê, phần không chịu tìm hiểu trước và kỹ lưỡng về con người và tập tục của vùng đất họ mang ánh sáng Phúc âm đến. Và hậu quả thật tai hại, đáng khủng khiếp : hằng triệu triệu người do đó mà không đến được với đức tin, thậm chí vì thế có thể “mất linh hồn”, đồng thời không một thánh hiển tu nào xuất hiện nổi! Hỏi ai chịu trách nhiệm đây?

Chúng ta thử tưởng tượng xem : Giả như tại công đồng thứ nhất (ở Giêrusalem) nhóm Phaolô-Bacnabê thất bại, thì liệu trong một thời gian ngắn, KTG có mở rộng được khắp đế quốc La mã, tới cả Ấn Độ như thế hay không? Và khi ấy, nhóm Giacôbê có biết tội mình, vì bảo thủ mà để cho biết bao dân không đến được với đức tin KTG? Hẳn có ngưới sẽ vặn lại : -Thì hãy cứ hướng mắt về phía Hồi giáo mà xem, họ đã chẳng tràn lan khắp vùng Địa Trung Hải, sang tới Ấn Độ và Trung Quốc đấy sao, dù họ bắt tất cả phải ăn mặc theo Ả Rập và nói tiếng Ả Rập. Thế nhưng xin quý bạn lưu ý cho: Họ đã truyền giáo bằng chiến tranh và phân biệt đối xử, chứ không bằng cách thuyết phục và phục vụ trong yêu thương như chúng ta.

*

May thay, có lẽ giờ đã điểm để Giáo hội Châu Á thức tỉnh. Vâng, chúng tôi đã rất đỗi vui mừng khi thấy trong Thượng Hội đồng Giám mục Châu Á năm 1998, các giám mục đã nhao nhao đứng lên đòi quyền Hội nhập văn hóa và Đối thoại tôn giáo, trong số đó có ít nhất sáu giám mục Việt Nam. Thế nhưng rồi mười năm đã qua đi, mà hình như chẳng có gì thay đổi cả.

Thật ra, đã có mấy cuộc họp sôi nổi của FABC (Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Châu Á) và ba cuộc tọa đàm hay hội thảo ở Huế và Saigon, nhưng rồi sau đó tất cả lại LẶNG NHƯ TỜ trở lại. Riêng trong cuộc hội thảo năm 2002 ở thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Phụng tự thuộc HĐGM.VN đã hứa sẽ triệu tập các chuyên gia để bàn việc thay đổi các nghi lễ. Thế nhưng rồi, sáu năm trôi qua mà chẳng thấy chi rục rịch hết! Giáo dân VN thì rất thụ động, ở trên không ra lệnh thì chẳng ai động đậy chân tay. Trong khi ấy, các Đức Cha lại ngại thay đổi, không muốn phiền vào thân làm gì.

Và cuộc sống GHVN cứ triền xuôi như thế, rất  ÊM ĐỀM. Ba bài học HNVH thất bại trong quá khứ, chứ ba mươi bài học cũng thế thôi. Vì bài học thì có, mà học bài thì chẳng ai thật sự học cả. Nên đã chẳng có ai Dám đứng ra chịu trách nhiệm về những thất bại đắng cay trong quá khứ, và cũng chẳng mấy ai được thúc đẩy để Dám đứng lên lãnh lấy trách nhiệm mới và những chống đối có thể kèm theo bây giờ.

[1] A. Shorter, Toward a theology of Inculturation, Geoffrey Chapman, Anh quốc, 1988, tr.157-161. Chuyển ngữ Q.M. và D.S..; hiệu đính : Hoành sơn.

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Tâm tình gởi Chúa trên đường Thương Khó

  Chúa Giêsu ơi, Khi đọc Tin Mừng của thánh Mác-cô về Cuộc Thương Khó …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *