Bài giảng của Tân linh mục trong thánh lễ tạ ơn

Người đã mang lấy thương tích của chúng ta [Is 52, 13 – 53, 12; Lc 10, 25-37]

 

Kính thưa quý bác, quý cha và quý anh em:

Lễ truyền chức linh mục của chúng con năm nay diễn ra trong một khoảng thời gian đặc biệt, khi cả thế giới đang lao đao với cơn đại dịch Covid. Sự đơn sơ trong việc tổ chức thánh lễ cũng là dịp cho chúng con phần nào có được cảm thức chung về những đau thương mà nhân loại đang gánh chịu.

Song song với những nỗi đau này của đời sống xã hội là nhiều tin tức buồn phiền khác mà chúng ta nghe được từ phía Giáo hội: như những nghi ngờ trong lòng Giáo hội, vấn đề chia rẽ của Giáo hội Đức, hay mới đây nhất là cuộc khủng hoảng của Giáo hội Pháp liên quan đến lạm dụng tình dục.

Và những nỗi đau như vậy xem ra cũng mới chỉ là những vết hằn rõ nét ở bề nổi mà thôi. Chúng ám chỉ cả một thực tế phía sau rằng thế giới và Giáo hội đang thật sự có nhiều thay đổi, đang mang những bệnh tật, thương tích và lở loét nơi nhiều phương diện khác nhau.

Nhìn từ bối cảnh đó, ‘linh mục’ trong thế hệ chúng con hẳn sẽ khác rất nhiều với ‘linh mục’ trong thế hệ cha anh. Không phải là khác về căn tính, mà khác trong lối sống, trong phương cách thi hành sứ mạng, vốn gắn liền với bối cảnh của thời cuộc.

Thời cuộc nào đang chờ chúng con? Chắc hẳn tương lai của xã hội lẫn Giáo hội sẽ không thiếu những điều tốt đẹp và những niềm hy vọng, nhưng có lẽ chúng ta đang cảm nhận rõ những khía cạnh bóng tối dường như sẽ lấn át hơn. Về phía xã hội, có lẽ sẽ gia tăng viễn tượng về một thế giới nhiều đổ vỡ, chia rẽ, tranh chấp, ly tán, bệnh tật, mất phương hướng và bất định. Về phía Giáo hội, hẳn chúng ta phải sẵn sàng đón nhận viễn tượng một Giáo hội thu nhỏ hơn, bị lãng quên hơn; còn bản thân người linh mục sẽ bị phớt lờ hơn, bị coi khinh nhiều hơn, chịu nhiều nhục mạ hơn.

Nêu lên điều đó không phải vì bi quan, cho bằng để chúng con biết hướng mình sát hơn về thực tại của sứ mạng mà Thiên Chúa đang mời gọi mình; vì, linh mục – xét như con người của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại – không thể tách mình ra khỏi khỏi cộng đoàn, khỏi thế giới, vốn luôn gắn liền và thuộc về một bối cảnh, một thời cuộc nhất định. Đó là đòi hỏi của ơn gọi linh mục, vốn là một ‘Đức Ki-tô khác – alter Christus’, tức là kẻ mang nơi mình mẫu sống của Đức Ki-tô – Đấng đã mang lấy thương tích của chúng ta, đã gánh lấy đau khổ và bệnh tật của chúng ta, như lời tiên tri Isaiah diễn tả về ‘người tôi trung đau khổ’ trong Bài đọc thứ nhất.

Trong viễn tượng đó, bài Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta hai vai trò đặc biệt của người linh mục: chữa lành và được chữa lành.

Linh mục được ví như một thầy thuốc mang vai trò chữa lành. Điều đó thật chính đáng, vì, xét như ‘alter Christus’, linh mục quả thật là vị lương y mang vai trò chữa lành; và điều này càng trở nên cấp thiết trong thời đại hôm nay. Chúng ta đã suy niệm nhiều về vai trò đó của người linh mục, nhất là qua hình ảnh người Samari nhân hậu trong bài Tin Mừng.

Nhưng nhiều khi việc chỉ chú trọng đến vai trò ‘thầy thuốc’ của linh mục có thể khiến chúng ta không thật sự nhập thế như Đức Ki-tô; chúng ta có nguy cơ tách mình ra khỏi đời sống đầy tính hiện sinh của dân chúa, trở thành những ‘thầy thuốc đơn thuần’, tức thành kẻ trị cơn bệnh chứ chưa hẳn là chữa lành người bệnh. Con nhớ lời cha Viện trưởng Phạm Tuấn Nghĩa, qua email phản hồi về việc chữa trị cho cha Liêm, đã đề cập đến vấn đề của một số bác sỹ: đó là, có nhiều khi họ không thật sự hiểu nỗi đau của người bệnh, vì họ chưa từng mang lấy nó. Có nhiều trường hợp: bác sỹ tiêu diệt được căn bệnh, nhưng đâu có nghĩa là chữa lành được bệnh nhân. Một căn bệnh đâu chỉ gây ra những vấn đề cho thân xác, mà còn có thể tạo ra bao nhiêu vấn đề khác, từ tinh thần cho tới các mối quan hệ. Vì thế, bác sỹ có thể giải quyết được phần bệnh thân xác, nhưng những ảnh hưởng khác của nó lại có thể không được chữa lành; và thậm chí, nhiều khi để giải quyết căn bệnh thể xác, người ta lại dùng những phương pháp không thích đáng, để lại những di chứng tinh thần không thể phục hồi.

Vì vậy, thiết tưởng vai trò ‘thầy thuốc’ thôi thì chưa đủ, mà để có khả năng chữa lành đích thật, vị lương y cần phải có thêm điều kiện là người có kinh nghiệm ‘mang thương tích và cần được chữa lành’. Đó cũng là điều mà con đặc biệt muốn nhấn mạnh trong bài chia sẻ này, để chúng ta hướng sự chú ý nhiều hơn đến việc: người linh mục, nhất là trong thế giới hôm nay, cần mang thương tích và phải thấy bản mình cần được băng bó, được chữa lành, như hình ảnh người bị nạn trong bài Tin Mừng. Chính việc để cho mình được chữa lành mới là nền tảng giúp chúng ta thực thi vai trò chữa lành người khác như Thiên Chúa đang kêu mời.

Việc sống kinh nghiệm mang thương tích giúp chúng ta được thực sự nối kết cách mật thiết và thâm sâu với dân Chúa, những người cũng đang chịu bao thương tích và đau khổ. Nó giúp chúng ta thật sự thấy rằng mình là một phần của dân Chúa, thuộc về dân Chúa, được chia sẻ với dân Chúa một nền tảng chung về căn tính nhân loại. Chính sự gắn kết – hiệp nhất đó giúp chúng ta có thể thi hành sứ mạng tư tế cách chân thực nhất: đó là, hướng dẫn và cùng toàn thể dân Chúa dâng lên Chúa Cha lời Tạ Ơn vì quyền năng cao cả và tình yêu tốt lành mà Ngài dành cho nhân loại.

Đó là mẫu thức tư tế mà chính Đức Giê-su Ki-tô đã thực hiện: Ngài không chọn lựa đứng ngoài cuộc hay đứng bên lề để quan sát những thương tích và nỗi đau của nhân loại. Ngược lại, Ngài chọn cách đi vào, đụng chạm, ôm ấp và mang lấy chính những thương tích đó. Đó là cách Thiên Chúa nhập cuộc vào thế gian trong thân phận con người; để cho những nỗi đau của thân phận đó đụng chạm mình. Ngài đã thực sự kết hợp với con người qua sự chung chia và mang vác những nỗi đau đó cách tận cùng trong thân phận mỏng dòn của nhân tính, để hợp mình cùng thân phận đó mà dâng lên Chúa Cha như của lễ tạ ơn, hầu thánh hiến và đưa nhân loại đi vào sự hiệp nhất với Thiên Chúa.

Vì thế, kính thưa quý bác, quý cha và quý anh em, tấm bánh người linh mục đón nhận và đưa lên bàn thờ không chỉ là lúa mì – là hoa trái của ruộng đồng – mà còn là toàn thể đời sống dân Chúa, vốn đong đầy những niềm vui và hy vọng, nhưng cũng không thiếu những đau khổ, những thương tích và lở loét. Ơn gọi tư tế đòi hỏi chúng ta phải kết hợp chính mình cách mật thiết với đời sống đó.

Nếu người linh mục không sống sự kết hợp đó, chúng ta có nguy cơ trở thành những kẻ ‘hành nghề tư tế’, như vị thầy Levi trong bài Tin Mừng, người đã thành kẻ nệ luật vì không cảm nhận được tầm quan trọng nơi nhu cầu cần được chữa lành khẩn thiết của tha nhân; tính vô cảm đó là dấu chỉ thiếu vắng sự nối kết thực sự với đời sống tha nhân, với dân Chúa. Ông không dừng lại chữa lành cho nạn nhân vì bản thân ông chưa được chữa lành, và chưa có cảm nghiệm cần được chữa lành.

Là linh mục, chúng ta sẽ để ai chữa lành cho mình? Ngoài chính Đức Giê-su Ki-tô qua hình ảnh của người Samari nhân hậu, chúng ta cũng cần để cho mình được chữa lành bởi người chủ quán trọ, tức người khác biệt với mình về nhiều mặt: họ có thể là giáo dân; có thể là những người đang hoàn toàn xa lạ, những người thuộc các nền văn hoá, tôn giáo, ý thức hệ khác với chúng ta; và đặc biệt, đó cũng có thể là Mẹ Thiên Nhiên mà lâu nay ta đã bị tách rời bởi lối sống tiêu thụ của mình.

Nhưng, thưa quý cha và quý anh em, tinh thần ‘sẵn sàng mang lấy thương tích’ cũng giả thiết là ta cần một tâm thế sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Như trường hợp nạn nhân trong bài Tin Mừng: anh đã ‘đi từ Giêrusalem xuống Giê-ri-khô’, nghĩa là, đã đi ngược lại với điều mà nhiều người mong ước. Anh đi từ nơi cao tới nơi thấp; từ nơi uy quyền, tôn nghiêm về mặt tôn giáo xuống nơi dành cho dân tội lỗi; từ nơi an toàn, trật tự, xuống chốn đô thị xô bồ, lộn xộn.

Tất nhiên ở đây, khi nói đến việc sẵn sàng ra khỏi vùng an toàn, con không có ý nói đến những điều thuộc về căn tính linh mục, hay những ‘thành trì bảo vệ đời tu’! Nhưng trong nhiều khía cạnh khác của đời sống, của sứ mạng, có lẽ chúng ta cần tự vấn: liệu chúng ta có đang tìm cách bao bọc cho mình quá không; đang ‘miễn nhiễm’ với những thương tích, những đau khổ của anh chị em mình hay không?//

Chúng ta cần cầu nguyện, xin Chúa cho chúng ta có thể cảm nghiệm nơi mình những thương tích đang có, biết sẵn sàng mang vác thương tích chung với thế giới, với Giáo hội, và đặc biệt là sẵn sàng để cho mình được băng bó, được chữa lành.

Đặc biệt, xin gia đình Tỉnh Dòng cầu nguyện và đồng hành với các tân chức chúng con, để chúng con có thể trở thành những linh mục như lòng Chúa mong ước, biết “tin điều chúng con đọc, dạy điều chúng con tin, và thi hành điều chúng con dạy”. Amen.

An-tôn Trần Khắc Bá, S.J.

Kiểm tra tương tự

Tin mừng, phúc âm hay tin lành?

Chúng ta đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là quốn sách chứa đựng 73 …

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Một bình luận

  1. bài giảng quá chất. một tân linh mục mà cò tần nhìn rất sâu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *