Bài giảng Lễ bế mạc Năm Thánh của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.

DSC_1061

Gần 500 năm trước, thánh I-nhã lúc ấy mới hoán cải, thực hiện một chuyến hành hương Đất Thánh. Sau 3 tuần, ngài ao ước ở lại, nhưng không được phép. Trên tàu biển từ Giêrusalem về lại Châu Âu, ngài tự hỏi: Phải làm gì? Ngài đã cầu nguyện, bàn hỏi và nhận định để rồi gần 20 năm sau, Dòng Tên được Tòa Thánh chính thức phê chuẩn.

“Phải làm gì?” là câu hỏi Dòng Tên thường đặt ra cho chính mình khi phải đối diện với một hoàn cảnh mới. Cách đây 400 năm, các thừa sai Dòng Tên bị trục xuất khỏi Nhật Bản cũng đặt câu hỏi ấy. Ngày 18.1.1615, một toán thừa sai Dòng Tên đã đến Hội An, nơi có một nhóm giáo dân Công Giáo Nhật Bản đang bơ vơ như đoàn chiên không có mục tử. Tiếp xúc với người Việt Nam, các ngài đã thấy tâm hồn và đời sống của dân chúng rất gần với Tin Mừng: các ngài bắt đầu giới thiệu đạo Chúa cho người Việt Nam. Bao nhiêu vấn đề được đặt ra từ ngôn ngữ, phong tục, chính trị được đặt ra. Chắc chắn cái ngài cũng đặt câu hỏi: “Phải làm gì?” Kết quả là các ngài, và tiếp bước các ngài là hàng trăm anh em từ châu Á, châu Âu và châu Mỹ đã thành công trong việc đặt những nền móng vững chắc cho Hội Thánh tại Việt Nam cho đến hôm nay. Sau 150 năm vắng bóng vì bị Tòa Thánh giải thể năm 1773, Dòng Tên trở lại Việt Nam năm 1957. Khởi đi từ Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X ở Đà Lạt, trải qua bao biến chuyển của thế giới và đất nước, Dòng Tên đã không ngừng tự hỏi: “Phải làm gì?” và dấn thân phục vụ Hội Thánh và xã hội Việt Nam trong nhiều lãnh vực. Năm 2007, Dòng Tên tại Việt Nam lần đầu tiên trở thành một tỉnh dòng: sau gần 400 năm khởi sự và sau 50 năm trở lại mới thực sự được công nhận là đã trưởng thành.

Hôm nay Dòng Tên phải làm gì ở Việt Nam? Vượt trên những đau khổ và lo âu của con người thời nay, đặc biệt là của những người nghèo, chúng ta dám vui mừng và hy vọng cùng với Hội Thánh thời Công Đồng Vaticano II. Trong năm Đời Sống Thánh Hiến này, Đức Thánh Cha Phanxicô, Giêsu hữu đầu tiên trở thành mục tử của Hội Thánh toàn cầu, đã nêu lên 3 mục tiêu cho tất cả những người sống đời tận hiến: Tri ân quá khứ, say mê hiện tại và hy vọng tương lai. Chúng ta có thể nhớ lại lịch sử, cả ánh sáng lẫn bóng tối, để theo sát Chúa Giêsu hơn và phục vụ con người hơn. Chúng ta được Chúa sai đến để yêu mến và phục vụ con người chung quanh, những người nghèo, những người đau khổ, những người ước ao được hưởng công bình và hòa bình, những người ước ao một cuộc sống xứng đáng hơn, ý nghĩa hơn và phong phú hơn. Giữa bao khó khăn khách quan và hạn chế chủ quan, chúng ta vững tin ở quyền năng và tình thương của Đấng được thánh Gioan gọi là Tình Yêu. Trong Giáo Hội Việt Nam, chúng ta được mời gọi cùng với mọi người thành tâm thiện chí bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Là những người tận hiến, chúng ta đáp ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trở nên những ngôn sứ của niềm vui Tin Mừng, vì ở đâu có người tận hiến thì ở đấy có niềm vui.

Bài Tin Mừng trong thánh lễ vừa đọc có thể soi sáng chúng ta. Các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu có thể được gọi chính xác là các “Giêsu hữu” đầu tiên. Các ngài được Chúa Giêsu mời gọi, đến ở với Chúa, được Chúa dạy dỗ rồi được Chúa sai đi với sứ mạng yêu mến và phục vụ con người như chính Chúa. Thánh Inhã và các cha đầu tiên của Dòng Tên luôn tự nhận mình tiếp bước các tông đồ. Riêng thánh Anrê có thể giúp chúng ta thấy vai trò cầu nối giữa Chúa Giêsu với con người: dẫn anh mình là thánh Phêrô đến với Chúa, sau này sẽ là trưởng nhóm 12 tông đồ; giới thiệu em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá, để Chúa làm phép lạ nuôi hơn 5 ngàn người; dẫn những người Hy Lạp ngoại giáo đến gặp Chúa. Từng anh em, các việc làm cũng như toàn thể Dòng Tên là những nhịp cầu để Chúa đến với con người và con người đến với Chúa. Thánh Phanxicô Xavier, bổn mạng tỉnh dòng, cũng là mẫu gương không bao giờ phai nhạt: lên đường đến với những anh chị em ở những nơi xa xôi nhất, vượt qua bao khó khăn và nguy hiểm, đưa được Tin Mừng đến với những nơi chưa ai biết Chúa.

Hôm nay là ngày Dòng Tên Việt Nam nhớ chân phước Anrê Phú Yên, hoa trái đầu mùa của cả Hội Thánh ở Việt Nam với lời nhắn nhủ tha thiết: “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu, đem mạng sống đáp đền mạng sống” và “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời.” Nhờ lời chuyển cầu của 200 vị thánh và chân phước của Dòng, cách riêng của vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh tại Việt Nam, xin cho Dòng Tên tiếp tục góp phần sinh hoa trái dồi dào trên mảnh đất Việt Nam đã được tưới bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của nhiều Giêsu hữu. Một người kia làm được 3 cái cung. Khi lấy cái thứ nhất ra bắn, nó bảo: Xin ông kéo nhẹ thôi, kéo mạnh tôi đau lắm. Ông lấy cái thứ hai, nó bảo: Xin ông kéo vừa tôi, tôi sợ gãy lắm. Cầm cái thứ ba, ông hỏi: Mày có sợ đau hay sợ gãy không? Nó đáp: Ông làm ra tôi, ông dùng thế nào tùy ý, miễn là tôi giúp được ông. Xin Chúa Giêsu biến nỗi buồn của chúng ta thành niềm vui như Chúa đã hứa. Xin cho niềm vui của Chúa, niềm vui trọn vẹn và không ai lấy mất được, tràn ngập tâm hồn và cuộc sống chúng ta, và lan tỏa đến mọi người chung quanh.

Thánh I-nhã nói: Phục vụ các tôi tớ Thiên Chúa là vinh dự là chiến thắng. Đáp lại câu hỏi “Phải làm gì?”, trước khi khởi đầu việc gì, chúng ta hãy cầu nguyện với lời kinh rất quen thuộc: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi công mỗi việc chúng con từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa Amen.

+ GM. Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.

Kiểm tra tương tự

Thánh lễ trao Tác vụ Đọc Sách, Giúp Lễ và nhắc lại Lời Khấn

Ngày 31.12.2023, ngay sau khi kết thúc kỳ tĩnh tâm Triduum, tại nhà nguyện Học …

Có những người bạn trong Chúa thắm tình như thế! 

  Cùng hòa chung niềm hân hoan với mọi tâm hồn chuẩn bị đón chào …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *