Bàn Luận Về Sự Hoài Nghi

Silhouette of a man in a business suit giving a shrug with a question mark

Khi đứng trước nhiều lựa chọn để trả lời cho một câu hỏi, người ta không khỏi nghi ngờ về khả năng trả lời đúng. Hoài nghi do vậy là một trong những thái độ căn bản của cuộc sống. Thông thường, hoài nghi giống như một phản xạ giúp ta đi tìm câu trả lời thực sự của vấn đề, và do vậy là một trong những cách tiếp cận tri thức. Trong triết học cổ đại, hoài nghi đã xuất hiện với ý nghĩa đó, trở thành một trong những cách tìm kiếm tri thức, và có khi trở thành mục đích hay cách sống, với phái Ngụy biện và phái Hoài nghi. Hai phái này có cùng nguồn gốc phát sinh nhưng cách làm khác nhau.[1] Trong khi phái Ngụy biện lèo lái chân lý và chịu sự phê bình gay gắt của Socrates, phái Hoài nghi với ba gương mặt nổi bật là Pyrrho, Carneades và Sextus Empiricus liệu có rơi vào trường hợp tương tự.

1.      Hoài nghi tra vấn tiêu chuẩn chân lý[2]

Pyrrho (~ 365 A.D.- 270 A.D.) được biết đến là người sáng lập chủ thuyết Hoài nghi. Trong khi đi tìm những giải pháp cho các vấn đề của cuộc sống, ông không dựa vào chân lý nào hoặc điều gì chắc chắn, nhưng lại dựa vào điều ngược lại, sự thiếu vắng chân lý hiểu theo nghĩa sự khẳng định phạm trù về đặc điểm tuyệt đối của cái bề ngoài (appearences).[3] Hay có thể nói ông đã nêu lên luận điểm rằng chúng ta không thể tin tưởng cảm giác và ý kiến của ta như những chỉ dẫn đến bản chất sự vật. Cơ sở của nó hoặc do luận điểm siêu hình cho rằng sự vật vốn bất định hoặc luận điểm tri thức luận rằng sự vật thì không thể biết được (unknowable).[4]

Theo Pyrrho, cũng không thể có được bất kỳ tiêu chuẩn nào của chân lý đại loại như các nhà Ngụy biện chấp nhận khả năng đặt con người làm tiêu chuẩn cuối cùng của hữu thể và chân lý. Hạnh phúc rốt cuộc phụ thuộc vào thái độ chứ không phải sự chắc chắn của chân lý. Một môn đồ của Pyrrho là Timon nói rằng, bất cứ ai muốn hạnh phúc phải cân nhắc ba điều, đầu tiên là bản chất của sự vật là gì; thứ hai, chúng ta phải có thái độ nào hướng đến chúng; thứ ba, điều gì sẽ xảy đến với những người áp dụng thái độ này. Timon cho biết đối với Pyrrho, sự vật không thể đo lường được, cũng không thể phân biệt chúng với cái khác. Do vậy, cả giác quan lẫn các ý kiến của chúng ta không thể đúng hoặc sai được. Thế nên, con người cần có thái độ căn bản là tránh sự phán đoán (aphasia) và dù không có gì nhưng bình tâm đối với mọi sự (ataraxia). Hạnh phúc hệ tại ở điều này.

Cùng quan điểm với Pyrrho, Carneades (~219 B.C.- 129 B.C.) khẳng định rằng chẳng có tiêu chuẩn nào của chân lý. Xác suất do vậy được dùng như tiêu chuẩn thực hành cho hành động. Cuối cùng, đối với ông, con người không thể ứng xử dựa trên bất cứ tiêu chuẩn khách quan nào của chân lý nhưng chỉ có thể dựa trên khả thể chọn lựa chủ quan trong số nhiều những chọn lựa.

Cuối cùng, chủ nghĩa hoài nghi Hy Lạp còn quy mọi sự dựa trên kinh nghiệm giác quan mà đại diện là Sextus Empiricus thuộc trường phái Kinh nghiệm (nửa sau thế kỷ thứ II SCN). Theo Sextus, không thể có tri thức khách quan và do đó phải hoãn lại mọi phán đoán. Khác với Pyrrho khi quy giản mọi sự đơn thuần là cái xuất hiện cho ta hay hiện tượng, ông tiền giả định sự tồn tại của khách thể, tức sự vật trong chính nó. Hiện tượng không phải là mọi sự trong thực tế; chúng đại diện cho phần thực tế tác động đến con người. Bên cạnh hiện tượng, những diễn tả lý trí và những khách thể thực tồn tại, nhưng không thể biết chúng được.

Theo Sextus, chúng ta nên cư xử dựa vào những gì hiện tượng- được xác định bởi dữ liệu cảm quan- nói chúng ta làm. Con người có thể có những diễn tả lý trí nhưng chúng là thứ yếu đối với hiện tượng bởi vì chúng có thể bị mâu thuẫn bởi dữ liệu cảm quan hoặc những diễn tả lý trí khác.

‘Nguyên tắc căn bản của phái Hoài nghi, trên hết, là: mọi lý lẽ có thể bị phản đối bởi một lý lẽ khác có cùng sức nặng. Với nguyên tắc này, chúng ta tin rằng đã loại trừ được khả thể của bất kỳ giáo điều nào.’[5]

Và trong khi có thể xuất hiện sự đồng thuận với những dữ liệu cảm quan mà Sextus gọi là sự đồng thuận kinh nghiệm, người ấy nên hoãn mọi phán đoán về chân lý của những diễn tả cảm giác vì chẳng có cách nào thiết lập tính khách quan và giá trị của hiện tượng.

‘Hiện tượng chỉ có thể cho chúng ta chắc chắn về thực tế mà chúng xuất hiện. Chúng không thể cho chúng ta bất kỳ sự chắc chắn nào về tồn tại thực sự của chúng.’[6]

Người Hoài nghi do vậy không chắc liệu thế giới này có được mô tả chính xác hay không, dù họ không nghi ngờ gì về việc mình đang sống trong một thế giới ‘thực.’ Mục đích của những hoài nghi này là nhằm đánh đổ khẳng định của các triết gia ‘giáo điều’ ở tính ‘hời hợt’ của nó, chứ không nhằm phủ nhận thực tại của các biểu hiện bên ngoài.

Ataraxia (bình tâm theo Pyrrho) giờ đây mang nghĩa mới là sống theo những mệnh lệnh thúc đẩy tự nhiên vốn được tiết chế cách phù hợp với các luật lệ và các phong tục của cộng đồng. Tuy nhiên, trong khi nên thực hành nghệ thuật, anh ta phải coi khinh mọi thứ triết học có ngụ ý giải thích những gì không thể biết được. Ataraxia hay tính bình tĩnh, đích cuối cùng của con người, sẽ là hoa trái của tất cả những điều này.

Do vậy, thái độ tri thức dựa trên tiền đề không chắc chắn về thực tại, đồng nghĩa bác bỏ giáo điều, dẫn các nhà Hoài nghi đến thái độ bình tâm trong đạo đức.

2.      Sự thanh thản và thực hành của nhà Hoài nghi[7]

Về mặt ngôn ngữ, từ Hy Lạp cổ ‘skepticoi’ có nghĩa là người tìm kiếm hay người truy tìm. Dù căn bản người triết gia Hoài nghi có thái độ hoài nghi nhưng là hoài nghi hiểu như một thái độ để có đời sống thanh thản. Theo Sextus, nguồn gốc phát sinh của sự hoài nghi là niềm hy vọng đạt sự bình an hay thư thái của tâm hồn, do sự xáo trộn và mâu thuẫn của các sự vật. Các triết gia hoài nghi nghĩ rằng nếu họ có thể tìm phân biệt được chân lý với sự sai lầm, họ có thể đạt được sự thanh thản đó. Trong khi tìm kiếm, người Hoài nghi không phủ nhận khả năng tìm kiếm chân lý, cũng không phủ nhận những điều kiện cơ bản của kinh nghiệm con người. Đúng hơn, hoài nghi là một tiến trình truy tìm liên tục trong đó mọi cắt nghĩa về kinh nghiệm đều được kiểm tra bởi một kinh nghiệm ngược lại. Cách làm này cho thấy phái Hoài nghi tích cực hơn phái Ngụy biện.[8]

Nhà Hoài nghi khai triển điều đó bằng cách treo lửng phán đoán,[9] chẳng hạn thái độ nước đôi đối với vật lý học. Một mặt, nhà Hoài nghi từ chối đưa ra lý thuyết về vật lý học, từ chối đưa ra ‘ý kiến chắc chắn và đáng tin về bất cứ sự vật nào trong lý thuyết vật lý để xây nền những học thuyết chắc chắn.’[10] Mặt khác, các nhà Hoài nghi vẫn đề cập đến vật lý học ‘để tìm ra một luận cứ đối lập với một luận cứ khác nhưng có cùng sức mạnh, để đem lại sự thư thái cho tâm hồn.’[11] Cách treo phán đoán này là để đặt các sự vật đối lập với nhau.

Phái Hoài nghi làm điều đó với các sự vật không hiển nhiên. Vì các sự vật hiển nhiên như đêm hay ngày không đặt ra vấn đề nghiêm trọng nào cho nhận thức, nhưng các vấn đề không hiển nhiên thường gây ra những tranh cãi về nhận thức. Nguyên nhân của những tranh cãi ấy chung quy là do chúng có thể đúng, có thể sai, nhưng không thể nào xác định được là người ta biết đúng hay sai, hay nói cách khác chúng có giá trị ngang nhau. Có thể nói, xã hội khi ấy, về mặt tri thức không có sự chắc chắn về thực tế, không chắc có thực và được mô tả thực không, ví như khi tri giác bị đánh lừa với trường hợp mái chèo bị cong trong nước, hoặc những trường hợp khác tương tự nhưng không dễ kiểm tra. Xã hội khi ấy, về mặt đạo đức, vì không đề cao đúng hay sai, mọi phán đoán đều có giá trị ngang nhau và có thể đúng, sẽ không có niềm tin, chỉ có sự hoài nghi với mức gần chắc của những gì được chấp nhận.

So với Socrates, xét trên bình diện theo đuổi tri thức cũng như đạo đức, cách làm này của phái Hoài nghi không triệt để bằng. Dù phái Hoài nghi mang tinh thần truy vấn như Socrates, nghĩa là đi vào trong đối thoại, nhưng khác về mục đích và cách làm. Trong khi Socrates đề cao tinh thần truy vấn đến cùng để đạt được chân lý,[12] phái Hoài nghi truy vấn để không liên lụy đến chân lý.

3.      Hoài nghi không đem đến sự triệt để

Trên hết, chủ nghĩa hoài nghi có cơ sở tồn tại dựa trên tinh thần theo đuổi bình an và đích nhắm loại bỏ giáo điều, nhưng cách làm của phái này dường như không thể đứng lâu, như trong lãnh vực tri thức và đạo đức.

Về mặt tri thức, hoài nghi của phái Hoài nghi không đưa đến chân lý. Nghĩa là người Hoài nghi không đưa ra phán đoán, và như vậy không giúp giải quyết các mâu thuẫn. Cách giải quyết này không triệt để. Bởi thứ nhất, nếu có hai mệnh đề trong tranh luận có giá trị ngang nhau, cùng có khả năng đúng, hoài nghi không giúp ta tìm cách giải quyết. Hoặc nếu hai mệnh đề không có giá trị ngang nhau, chiều hướng của lý luận sẽ là mệnh đề đúng hơn sẽ phủ định mệnh đề ít đúng hơn, như trong các đối thoại của Socrates.[13] Tiến trình này làm lộ dần tri thức nhưng phái Hoài nghi không nhắc đến. Thứ hai, khi đặt một mệnh đề đối lập với mệnh đề có sẵn, người Hoài nghi làm cho tri thức trở nên tương đối và người tìm kiếm tri thức hoang mang, vì tri thức chỉ dừng ở mức chấp nhận được hoặc có thể vậy. Điều này trái với các phương pháp tri thức khoa học mà Aristotle đã xây dựng.[14] Thứ ba, giả như tri giác hoàn toàn đúng thì nó có khả năng bị đánh lừa, nhưng quá trình tư duy có thể giúp ta nhận ra điều đó, như trong nhận thức luận của Aristotle, khi ông nói về trực giác của trí khôn.[15]

Hơn nữa, việc phủ nhận có tri thức tuyệt đối, do tính hời hợt của các khẳng định giáo điều dường như làm giảm tinh thần theo đuổi chân lý tối hậu của thế giới, điều mà các bộ môn triết học vẫn đi tìm trong khả năng của mình, chẳng hạn đạo đức học, hay tri thức luận. Do vậy, nếu tinh thần hoài nghi đòi hỏi các khoa học đi tìm cơ sở nền tảng cho những lý thuyết chắc chắn, vì tri thức thì bao la, và giới hạn nơi khả năng nhận thức của con người, thì tinh thần ấy tích cực. Song nếu phủ quyết tính chắc chắn của mọi khẳng định mà phái Hoài nghi sử dụng thuyết tương đối của Protagoras,[16] hoài nghi cũng sẽ không đứng vững được. Do vậy, chủ nghĩa hoài nghi chống giáo điều, nghĩa là thúc đẩy người ta đi tìm chứng cứ nhằm xác định chân lý, nhưng không vượt qua để khắc phục giáo điều, nghĩa là không giúp tìm chân lý. Hoặc ở ngay sự phân biệt giữa hiện tượng và bản chất của sự vật theo Sextus cũng đã bị phản đối là giáo điều[17].

Quan niệm về tri thức như trên kéo theo hệ quả nơi nền đạo đức, điều mà Socrates và Plato đã nhấn mạnh ‘đức hạnh sẽ không thể có mà không có tri thức’.[18] Nói cách khác, các hành động đưa ra đều đòi hỏi có nền tảng vững chắc đóng vai trò như những hướng dẫn đáng tin cậy. Trong khi tránh phán đoán, người Hoài nghi làm ta hoang mang không thấy điều thực, không giúp ta tìm thấy niềm tin đúng, thay vì tin đúng để có bình an thực. Người Hoài nghi có lý khi cho rằng các luật lệ và quy tắc đạo đức chỉ dừng ở mức chấp nhận được, vì có thể thay đổi???, và do vậy, ta không được lầm tưởng bề ngoài với thực tại, hơn hết phải tránh cuồng tín và giáo điều. Song một xã hội muốn trở nên tốt, các ý niệm cần mang tính phổ quát, như Socrates vẫn luôn đi tìm,[19] chẳng hạn ai cũng hiểu khôn ngoan là nhân đức. Nhờ vậy hành vi của con người mới được hướng dẫn đúng.

Như vậy, xét mặt tích cực, người Hoài nghi truy vấn là để người ta truy vấn. Đầu tiên là tình trạng giáo điều, sau là giúp các khẳng quyết chân lý đi vào tính chắc chắn của nó. Mặt khác, người Hoài nghi tiếp tục tra khảo vấn đề đó, nhưng tiếc rằng kiểu truy vấn này dường như chỉ để truy vấn và làm xã hội không có tính chắc chắn, vì khẳng định không có chân lý, như vậy có thể rơi vào chính giáo điều hoặc không dấn thân vào tri thức.

4.      Những ích lợi và sự kết thúc của thuyết Hoài nghi

Như phương pháp Socrates, đối thoại giúp mở dần tri thức cho con người. Sự thực hành tri thức của nhà Hoài nghi cách nào đó không thể tồn tại lâu theo lối ấy, vì sau khi bảo vệ sự quan điểm vắng bóng chân lý, và treo lửng phán đoán để có được bình an, phái Hoài nghi cách nào đó cũng rơi vào sự giáo điều và thuyết tương đối về tri thức và đạo đức.

Song thuyết Hoài nghi ở một mức độ nào đó đóng góp quan điểm về tính chắc chắn, bằng cách phá đổ tinh thần giáo điều, tức thái độ chắc chắn những gì mình tin là đúng và mọi người phải chấp nhận nó mà không tập trung vào chứng cớ hoặc các quan điểm khác.[20] Những người được kể vào nhóm này gồm những người nghĩ mình đã tìm ra chân lý và những người thú nhận mình không tìm ra chân lý và cũng khẳng định chân lý không thể tìm ra được. Nhóm còn lại không được kể vào giáo điều là nhóm đi tìm chân lý.[21] Nhà hoài nghi thuộc nhóm ba này- đứng giữa hai khả thể kia.

Bằng cách ấy, chủ nghĩa hoài nghi kết thúc[22] với việc tiết giảm thành công những nền tảng của văn hóa Hy Lạp cổ đại, vốn đã hình thành trào lưu giáo điều mà chủ nghĩa Khắc kỷ là đại diện. Phái Hoài nghi như vậy đã hoàn thành sứ mạng mình đề ra. Nói cách khác họ đã sống triệt để lý tưởng qua những công sức mà Arcesilaus, học trò của Pyrrho và Sextus đã dành ra để làm.[23] Điều này đồng nghĩa nhà Hoài nghi tìm được bình an, nhưng khi việc thực hành tri thức của phái khó tồn tại, sự bình an cách nào đó cũng sẽ rơi vào thế tương tự.

Chủ nghĩa hoài nghi tồn tại trong khoảng gần hai thế kỷ. Sự ra đời, lớn lên và chết đi của thuyết này trùng với sự khai sinh, lớn lên và chết đi của các hệ thống Hy Lạp.[24] Lối suy tư của phái cũng không tồn tại sau cái chết của Sextus, và trong khi sự kết thúc đang đến gần với thuyết Hoài nghi, đã xuất hiện ở Alexandria một trường phái tư tưởng mới: tân Plato.

Nguyễn Quang Huy, S.J.

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên

Tài liệu tham khảo

  • Ignatius Yarza, History of Ancient Philosophy, Sinag-Tala Publishers, INC., Manila, 1994
  • Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết Học và Các Luận Đề, biên dịch Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2004
  • William S. Sahakan, Mabel L. Sahakan, Tư Tưởng Của Các Triết Gia Vĩ Đại, biên dịch Lâm Thiện Thanh, Lâm Duy Châu, Nxb Tp. HCM, 2001
  • Bernard Morichère và nhóm các Giáo sư triết học các trường Đại học Pháp, Triết học Tây phương từ Khởi thủy đến Đương Đại, biên dịch Phan Quang Định, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2010
  • Anthony Kenny, A new History of Western Philosophy, 1- Ancient Philosophy, Clarendon Press, Oxford, 2004
  • Sara Ahbel-Rappe, Rachana Kamtekar, A companion to Socrates, Blackwell Publishing, 2006

[1] Ví như nhà Ngụy biện Protagoras đặt vấn đề về tính chắc chắn. Nếu những phẩm tính đối lập được diễn tả cùng một thời điểm trong các sự vật, ta không thể có tri thức khoa học chắc chắn về tự nhiên vì không có gì biết được một cách chắc chắn. Ông dựa vào tính chủ quan của con người quyết định chân lý của đối tượng. Trong khi đó, Gorgias bác bỏ sự tồn tại của sự vật như là hiện hữu vì có quá nhiều khả thể giữa các triết gia Tự nhiên.

[2] Ignatius Yarza, History of Ancient Philosophy, Sinag-Tala Publishers, INC., Manila, 1994, tr.211-216

[3] ibid., tr.212

[4] Richard Bett edited, Sextus Empiricus- Against the Logicians, New York: Cambidge university press, 2005, tr.xiv

[5] Sextus Empiricus, Pyrr. Hyp., I, 12.

[6] Sextus Empiricus, Adv. Math., VIII, 368.

[7] Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết Học và Các Luận Đề, biên dịch Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2004, tr. 102-105

[8] Khi hoài nghi do sự không chắc chắn đưa các nhà Ngụy biện tập trung vào các thuật ngụy biện, tìm thuyết phục người ta trong mọi hoàn cảnh, và như vậy, dạy người ta có thể đổi trắng thay đen, người hoài nghi đi tới sự tra vấn chân lý dựa trên nguyên lý mệnh đề nghịch, chỉ có điều họ từ chối phán đoán để có được sự bình tâm.

[9] Bernard Morichère và nhóm các Giáo sư Triết học các Trường Đại học Pháp, Triết học Tây phương từ Khởi thủy đến Đương Đại, biên dịch Phan Quang Định, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2010, tr. 181-184

[10] Samuel Enoch Stumpf, op.cit., tr.104

[11] ibid., tr. 104

[12] Vấn đề nhất quán tri thức và đạo đức, Samuel Enoch Stumpf, op.cit., tr. 439: ‘Socrates luôn sống theo sự hướng dẫn của lý lẽ’

[13] Sara Ahbel-Rappe, Rachana Kamtekar, A companion to Socrates, Blackwell Publishing, 2006, tr. 433

[14] Wilhelm Windelband, A History of Philosophy, Elibron Classics, Macmillan Publisher, New York, 1901, tr. 200-202

[15] Samuel Enoch Stumpf, op.cit., tr.76

[16] Wilhelm Windelband, op.cit., tr. 200

[17] Ignatius Yarza, History of Ancient Philosophy, Sinag-Tala Publishers, INC., Manila, 1994, tr. 216

[18] Wilhelm Windelband, op.cit., tr. 202

[19] Ví dụ ý niệm Đạo trong Vấn Đề Định Nghĩa, Samuel Enoch Stumpf, op.cit., tr. 417

[20] Theo Từ điển Oxford

[21] cf. Samuel Enoch Stumpf, op.cit., tr. 103

[22] cf. Ignatius Yarza, op.cit., tr. 216

[23] Anthony Kenny, A new History of Western Philosophy, Vol.1- Ancient Philosophy, Clarendon Press, Oxford, 2004, tr. 100-101: Arcesilaus bác bỏ những ấn tượng tinh thần mà phái khắc kỷ khẳng định là mang lại tri thức; Sextus viết tác phẩm Adversus Mathematics để phê phán các nhà triết học khác vốn đang trở nên giáo điều.

[24] cf. Ignatius Yarza, op.cit., tr. 216

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *