Trong những ngày áp lễ Giáng Sinh này, tôi có cơ hội nhìn ngắm cách người ta đón ngày lễ trọng đại này. Tại những thành phố lớn, người ta đổ xô đến những khu mua sắm sầm uất. Người ta nô nức đến những khu phố có trưng đèn hoa, cây thông để chụp hình, đăng facebook. Trong những khu phố Công Giáo, người ta thấy những hang đá được dựng lên hoành tráng và công phu. Ở một đoạn phố khác, nhiều đoàn người lướt qua chiêm ngưỡng và râm ran bình phẩm cách bố trí bày biện hang đá. Để cho sôi động, người ta tổ chức múa nhảy với màn biểu diễn của những DJ nóng bỏng ngay trên đường khiến những người đi đường cũng nóng nảy không kém. Ở một khu phố khác lặng lẽ hơn, người ta cũng thấy những hang đá với Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giê-su nhưng im ắng và sâu lắng. Nhìn những gam màu cuộc sống khác nhau, nghe những âm thanh của cuộc đời như thế, tôi tự hỏi thực ra người ta làm hang đá để làm gì? Để trang trí vì nó là biểu tượng của Giáng Sinh, hay bởi người ta muốn bảo tồn tính Ki-tô Giáo nơi gia đình mình? Chiêm ngắm gia đình Ki-tô giáo đầu tiên, ta nhận thấy những điều đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trong gia đình Công Giáo ngày nay.
Trước một thế giới tôn thờ vật chất, gia đình Công Giáo hẳn không cầu cho mình giàu có. Người mong giàu có hẳn sẽ chẳng thờ phượng một Hài Nhi sinh ra và sống trong cảnh nghèo hèn như thế. Chẳng thế mà chàng thanh niên giàu có kia đã chán ngán bỏ Chúa mà đi. Người ta đã giàu thì muốn giàu hơn, đã có danh thì muốn thăng tiến hơn. Rốt cuộc, người ta có được cuộc sống thoải mái, nhưng lại chẳng đảm bảo cho mình có đời sống hạnh phúc và viên mãn. Dần dà, người giàu cũng phần nào trở thành một ông thần trong xã hội này. Nhiều người đến với họ nhưng thật khó để biết người ta đến vì quý mến chân thành hay chỉ vì lợi dụng nhau.
Phần Chúa Giêsu, Người dạy các môn đệ hãy xin cho mình có lương thực đủ dùng hàng ngày. Biết đủ, nghèo cũng là giàu; không biết đủ, thừa thãi mà vẫn thấy nghèo. Có lẽ, một khi tôn kính Gia Đình Thánh Gia – một gia đình nghèo, gia đình Kitô Giáo đầu tiên – trong gia đình mình, người ta không sợ mình nghèo. Người ta chỉ sợ mình vì cái nghèo mà không còn sống ngay chính và yêu thương mà thôi.
Trước một thế giới thích bình phẩm công kích, gia đình Công Giáo cũng dễ đánh mất đi sự thinh lặng thánh thiêng. Thánh Giuse là người trải qua những điều khó nói và chẳng biết chia sẻ cùng ai. Ngài đã định tâm bỏ đi trước vị hôn thê đang cưu mang một hài nhi không phải của mình. Còn Đức Maria, người cũng mang nơi mình một sứ vụ cao cả trong công việc Nhà Chúa. Người không biết phải giải thích thế nào để thánh Giuse hiểu. Đúng là phụ nữ nhiều khi sống chịu đựng và chỉ biết thinh lặng. Nhưng nơi thánh Giuse, người ta sẽ thấy, người nam chịu đựng không phải ít. Nếu bảo người nam có quyền quát tháo nói lớn trong nhà, thì nơi thánh Giuse, chúng ta thấy một người chồng sống thầm lặng và vâng phục những điều Chúa gửi tới đến lạ. Nếu nói người nam thích ra lệnh, chỉ tay năm ngón, bắt người khác phục vụ, thì thánh Giuse sống trách nhiệm, bảo vệ và chăm sóc gia đình.
Trong bối cảnh ngày nay, hai chữ “trách nhiệm” đang bị liệt vào sách đỏ, dễ có nguy cơ bị tuyệt chủng, nhường chỗ lại để hai chữ “vứt bỏ” lên ngôi. Người ta sẵn sàng giết chết một sự sống khi con trẻ chưa được chào đời. Người ta sẵn sàng vì lợi ích của mình, vì những điều không mấy dễ chịu trong đời sống vợ chồng mà vứt bỏ luôn cái gọi là “tổ ấm” của những đứa con.
Tôn kính thánh Giuse và Mẹ Maria, hẳn gia đình Công Giáo đang xin cho mình được can đảm đón nhận những biến cố xảy đến trong cuộc đời với thái độ thinh lặng và khiêm tốn. Thinh lặng để nhìn nhận vấn đề cho thấu đáo, khiêm tốn để xin sức mạnh vượt qua điều ấy. Đau khổ và những khó khăn ở đời này dễ làm cho người ta quay quắt, nổi nóng và làm người khác tổn thương. Can đảm đón nhận, thinh lặng nhìn nhận và sống có trách nhiệm không phải là điều dễ dàng!
Rước Gia Đình Thánh vào trong gia đình mình, người ta xin cho mình sống “tình yêu” và “hy sinh”. Chữ “hy sinh” này đang sắp bị tuyệt chủng, còn đáng báo động hơn cả hai chữ “trách nhiệm”. Sự hy sinh đòi hỏi một sự tế nhị và âm thầm. Ngày nay, dễ gì có chuyện mình sẵn sàng hy sinh, nhường nhịn một chút để gia đình êm ấm, thuận hoà. Dễ gì có chuyện vợ chồng hy sinh những thói xấu của nhau để nên một. Dễ gì bỏ được thói quen hút thuốc, say xỉn chỉ vì vợ con. Dễ gì bỏ được thói nói hành, nói xấu, chọc bị gậy, đâm bị thóc. Nhưng ngay cả khi người ta không có sức mạnh để thắng mình đi nữa, thì vì tình yêu, người ta có thể làm tất cả. Hy sinh quảng đại chính là để tình yêu được thắm nồng. Nhưng yêu thương lại là một ơn. Mà là một ơn, thì người ta chỉ còn biết nài xin và đón nhận. Đau khổ và vui mừng sẽ chẳng biến mất trên cõi đời này, nhưng ước gì khi làm một hang đá trong gia đình, xứ đạo mình, gia đình Công Giáo cũng bảo tồn được sự thinh lặng suy gẫm Lời Chúa, sống sự hy sinh tế nhị, và gia đình được sống trong yêu thương, bình an.
Nhiều đoàn du khách từ khắp nơi đến thăm hang đá làm bằng cát ở quảng trường Thánh Phê-rô. Đâu đó có một bà mẹ đang kể cho đứa con nhỏ nghe câu chuyện về Hài Nhi năm xưa. Và hai mẹ con chắp tay cầu nguyện.