Thiên Chúa gọi những ai Người muốn để làm linh mục. Người chọn họ từ giữa Dân của Người để thánh hiến họ, làm cho họ thuộc về Người. Từ giây phút đó, các linh mục không còn thuộc về chính mình nữa mà thuộc về Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao, trong suốt đời linh mục, trái tim của linh mục biến đổi thành trái tim của Chúa Giêsu, và dần dần học cách để [trở nên] hiền lành và khiêm nhường. Bằng cách này, chúng ta có thể nhận ra bảy trái tim của một linh mục, bảy mà chỉ là một, được nhìn thấy từ những nhãn quan khác nhau về ơn gọi đời sống thánh hiến của ngài. Linh mục không kết hôn, nhưng ngài là cha; ngài không sống với một người phụ nữ, nhưng ngài là một người chồng. Ngài không có một vài anh chị em ruột, cũng không phải là đứa con duy nhất, nhưng toàn thể nhân loại như gia đình của ngài. Linh mục không phải là bạn của một vài người, nhưng là bạn của nhiều người. Ngài không đi lang thang trên các cánh đồng, nhưng ngài là một mục tử thực sự. Tóm lại, trái tim của linh mục là trái tim của Đức Kitô.
Trái tim của linh mục là…
1. Trái tim của một người cha
Linh mục không lập gia đình, nhưng điều đó không ngăn cản ngài trở thành một người cha đích thực bởi ơn gọi, đó là một ngoại lệ. Sự sinh sản mà Thiên Chúa ban cho các linh mục thì khác biệt, đó là một sự sinh sản trong tâm hồn như việc đặt để vào đó hạt giống của Tin Mừng và để hạt giống ấy lớn lên. Linh mục là người sinh ra linh hồn cho cuộc sống vĩnh cửu. Ngài là người cha dạy dỗ, giáo dục, vui chơi nhưng cũng sửa dạy con cái mình. Ngài là một người cha thiêng liêng lắng nghe những vấn đề của con cái mình và khuyên bảo cũng như giúp họ vượt qua những khoảnh khắc khó khăn của cuộc sống. Linh mục là một người cha can dự vào đời sống của con cái, nhưng ngài cũng để cho chúng được độc lập. Ngài không chỉ có mặt trong các sự kiện quan trọng của cuộc đời, như khi con cái lãnh nhận các Bí tích, nhưng cũng tham gia vào những khoảnh khắc thường ngày, như chơi trò chơi bóng đá vậy. Linh mục là cha bởi ơn gọi, đó chính là lý do tại sao chúng ta gọi ngài là “cha”; đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
“Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11, 11-13).
2. Trái tim của một người con
Chiều kích trái tim mục tử rất quan trọng đối với việc mục vụ của ngài. Một kinh nghiệm thực sự về Thiên Chúa sẽ là điều thiết yếu cho linh mục để giúp ngài nhận ra mình là cha của đàn chiên – vốn là những anh chị em của ngài trong Chúa Kitô. Để làm một người cha, linh mục trước hết phải là một người con; một đứa con phạm sai lỗi và nài xin sự tha thứ; một người con tin tưởng và yêu mến cha mình; một người con khiêm tốn chấp nhận được sửa lỗi; một người con đáp lại [người Cha] với sự tôn trọng và yêu mến. Là con của Thiên Chúa thì không dễ dàng như một số người có thể nói. Là con thì đòi hỏi một số trách nhiệm và quyền hạn. Ơn gọi đầu tiên của chúng ta ngay từ khi sinh ra là ơn gọi làm con Thiên Chúa. Chúng ta là một phần của Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, vì thế, chúng ta là con cái của Thiên Chúa trong Người Con. Chính nhờ Chúa Kitô mà chúng ta có thể được gọi là con cái Thiên Chúa. Điều này xảy ra qua Bí tích Rửa Tội của chúng ta, bí tích ấy ghi một dấu ấn không thể xóa nhòa trong tâm hồn chúng ta. Linh mục luôn hành động theo ý Chúa, “vì từ Ngài và qua Ngài, và vì Ngài là mọi sự” (Rm 11,36). “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa -mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người. Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,1-2).
3. Trái tim của một người anh em
Oh, là một người anh em thì khó khăn biết mấy! Như thánh Phanxicô Assisi đã nói: “người ta chọn những người bạn của mình, nhưng chấp nhận gia đình mình.” Các anh chị em ruột được chấp nhận với tình yêu và họ được chấp nhận như họ là. Chúng ta luôn tìm kiếm những điều tốt nhất cho họ, chúng ta khuyên nhủ và giúp đỡ họ trong khi chúng ta cũng để họ khuyên nhủ và giúp đỡ chúng ta. Đó là mối tương quan lẫn nhau của tình yêu mà người ta không chọn, nhưng đúng hơn là người ta ôm ấp nó. Linh mục được mời gọi làm anh em của tất cả mọi người, mà không được đối xử ưu đãi với bất cứ ai. Mọi người đều quan trọng với ngài. Bất kể họ là ai hay họ làm gì, họ có thể yên tâm nơi vị linh mục, rằng họ có một người anh em mà họ có thể tin cậy. Nhưng hãy ý thức rằng, người linh mục anh em của họ không được miễn trừ những thiếu sót và yếu đuối. Trái lại, linh mục cũng làm việc chăm chỉ hàng ngày để củng cố bản thân và vượt qua cái tôi của mình. Thật là đẹp khi thấy rằng cả linh mục và những người không là linh mục phải phải chiến đấu hàng ngày để trở thành những vị thánh, và chúng ta cùng nhau chiến đấu để bổ túc cho nhau.
“Nhưng Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? ” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,48-50).
4. Trái tim của một người chồng
Trong Giáo hội Công giáo Rôma, linh mục không lập gia đình, và điều này không phải là một hình thức phân biệt đối xử. Trái lại, Giáo Hội, với tư cách là Mẹ và là Thầy, đã nhìn nó với sự thận trọng trong suốt nhiều thế kỷ, rằng các linh mục vẫn duy trì tình trạng độc thân vì lợi ích trong sứ mạng của các ngài. Và vấn đề là tình yêu của linh mục dành cho cả gia đình Giáo Hội. Ngài tự nguyện đảm nhận việc này trong yêu mến. Như chúng ta có thể đọc trong Tin Mừng theo Matthêu: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu” (Mt 19,11). Ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội, Chúa Kitô đã được gọi là “Hôn Phu của Giáo Hội,” và linh mục cũng trở thành “hôn phu” bằng cách hành động nhân danh Thiên Chúa, với người mà ngài cam kết trung tín và giáo dục con cái mình về đức tin. Đây là một chiều kích rất quan trọng trong đời sống của linh mục. Là một người chồng, linh mục có trách nhiệm và quyền lợi. Đó là cách ngài sống như một phần của một gia đình vĩ đại, chăm sóc nó với tình yêu và bảo vệ nó bằng mạng sống của mình nếu cần thiết.
“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,25-27).
5. Trái tim của một người bạn
Tôi sẽ nói rằng một linh mục là một trong những người bạn tốt nhất mà một người có thể có. Chúng ta biết rằng chúng ta có thể tin tưởng ngài cho dù có bất cứ chuyện gì; ngài sẽ luôn ở đó khi chúng ta cần ngài, và ngài sẽ quan tâm vì ngài muốn điều tốt nhất cho tất cả chúng ta. Trên hết, linh mục được mời gọi làm bạn của Chúa Giêsu, để nhờ đó ngài làm bạn của mọi người. Chính qua mối liên hệ đặc biệt này mà linh mục được mời gọi làm bạn với người khác, bởi vì ngài đã học hỏi được từ Chúa Kitô tình bạn chân thật là gì. Vâng, linh mục cũng tranh luận với Chúa Giêsu mỗi khi ngài không thể hiểu hoặc mỗi khi gặp những điều đó rất khó khăn. Tuy nhiên, điều tốt nhất xảy đến khi họ hòa giải: đó là cách làm việc của tình bạn. Hãy suy nghĩ về bạn bè của bạn, những người không bao giờ tranh luận với họ? Tất cả chúng ta đã có những cuộc tranh luận với bạn bè của chúng ta! Điều này là bình thường vì tình bạn không phụ thuộc vào những vấn đề mà chúng ta có, trái lại, là dựa trên tình yêu vô ngã.
“Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng. Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được. Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời, những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy” (Hc 6,14-16).
6. Trái tim của một mục tử
Hình ảnh người chăn chiên với bầy chiên đề cập trực tiếp đến Chúa Kitô là Mục Tử Tốt Lành. Vị linh mục trở thành mục tử của dân Chúa qua việc truyền chức linh mục, bởi vì ngài hành động giống như Đấng Kitô khác. Ngài là công cụ mà qua đó Thiên Chúa đã muốn hành động trong cuộc đời của Người. Đây là điều thực sự quan trọng, đôi khi khó hiểu đối với một số người, nhưng đó là một món quà tuyệt vời từ Thiên Chúa cho con người trong Giáo Hội của Người. Linh mục tìm kiếm con chiên lạc và đưa chúng trở về đàn. Ngài yêu mến chúng, mang chúng trở về, ôm lấy chúng một cách dịu dàng khi ngài tìm thấy chúng. Một người chăn chiên phải là người đáng tin cậy, nghĩa là anh ta phải để cho chiên ăn trong bình thản. Anh ta quan sát chúng, nhưng cũng cho chúng không gian. Con chiên biết tiếng người chăn chúng, chúng không đi với ai cả. Cách đây mấy năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các linh mục phải có “mùi của chiên,” các ngài phải tham gia vào cuộc sống của họ, ở bên họ, và ẵm họ lên khi cần thiết. Đây không phải là một sứ mạng dễ dàng, nhưng tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta biết rằng nó có thể được thực hiện bằng tình yêu và niềm vui.
“Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 23,3-4).
7. Trái tim “giống như trái tim của Chúa Kitô”
Trái tim của linh mục là một trái tim được đồng hoá với trái tim của Chúa Kitô: với những đau khổ, nỗi đau, niềm vui, tình cảm, v.v. Có một lời cầu nguyện ngắn mà chúng ta, các tu sĩ nam nữ, luôn luôn cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin làm cho trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa.“ Những lời này nhằm vào tất cả những người được thánh hiến cho Thiên Chúa, nhưng đặc biệt là những người mà Ngài đã chọn cho chức tư tế.
Thánh Faustina Kowalska đã viết trong nhật ký của mình: “Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho trái tim con giống như trái tim của Chúa, hay biến đổi nó thành Trái tim của chính Ngài để con có thể cảm nhận được nhu cầu của những trái tim khác, đặc biệt là những người buồn sầu và đau khổ. Nguyện những tia lòng thương xót nằm lại trong trái tim con“ (Diary, 514). Đây là lời Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, một sự kêu gọi đòi hỏi sự tự chối bỏ chính mình, yêu thương và từ bỏ. Lời kêu gọi này không chấp nhận tính tầm thường. Nó đòi hỏi chúng ta phải hiến dâng mọi thứ cho Nước Trời. “Vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá.20 Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Ga 2, 19-20).
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 29-30).
Trái tim linh mục càng giống như trái tim của Chúa Kitô càng tốt, vì thế, từng chút một, ngài bắt đầu trở nên giống như Chúa Kitô, bắt đầu ngay từ khi bước vào chủng viện. Trái tim của linh mục là trái tim rộng mở đối với tất cả mọi người, đầy tình thương yêu để trao ban. Một trái tim bừng cháy của tình yêu đối với Chúa Kitô. Một trái tim cũng bị những thương tổn, nhưng đã được tha thứ và chữa lành. Một trái tim được Thiên Chúa yêu mến. Nói tóm lại, nó giống như trái tim của Chúa Kitô trên trần gian. Hãy để thánh Therese thành Lisieux giải thích món quà tuyệt vời này bằng những từ đơn giản và sâu sắc của mình:
“Tôi hiểu rằng nếu Giáo Hội có một thân thể bao gồm các thành viên khác nhau, điều cần thiết nhất và cao quý nhất không thể thiếu được, và vì vậy tôi hiểu rằng Giáo Hội có một trái tim và trái tim này đang nung nấu tình yêu. Tôi hiểu đó chỉ là tình yêu làm cho các thành viên của Giáo hội hành động; rằng nếu tình yêu đã từng biến mất, các tông đồ sẽ không rao giảng Tin Mừng và các vị tử đạo sẽ không đổ máu của họ. Tôi hiểu rằng tình yêu bao gồm tất cả ơn gọi, tình yêu đó là tất cả mọi thứ, rằng nó ôm lấy tất cả thời gian và nơi chốn … Nói tóm lại, nó là vĩnh cửu!” (St. Therese of Lisieux, Chuyện Một Tâm Hồn).
Công Trình, SJ chuyển ngữ
(Nguồn: https://catholic-link.org/seven-hearts-of-a-priest/)