Có những điều mà cha mẹ già hay nhắc nhở, nhưng thường được đáp lại bởi những thái độ không vui hoặc không hài lòng từ con cái. Có lẽ ở tuổi già nua, cha mẹ cũng chẳng muốn phải nhẩm đi nhắc lại những điều xem ra quá bình thường, nhỏ nhặt trong cuộc sống, nhưng họ càng không muốn để con cái phải rơi vào những thất bại hoặc khó khăn như chính họ đã từng gặp trước đây. Thế nên khi nghe những lời nhắc ấy đừng vội phản ứng, hãy dừng lại và suy ngẫm, vì: “Người cao niên phán đoán, bậc kỳ lão chỉ bảo, thật đẹp đẽ biết bao! Sự khôn ngoan của các vị bô lão, tư tưởng và ý kiến của các bậc danh nhân, thật đep đẽ chừng nào! Giàu kinh nghiệm là triều thiên cho bậc bô lão, lòng kính sợ Đức Chúa là niềm hãnh diện của các ngài” (x. Hc 25, 4-6).
Sự khôn ngoan nơi cha mẹ già có thể là những bài học được truyền từ đời này sang đời kia, và đến nay vẫn còn được lưu lại. Khôn ngoan đó cũng có thể được dệt nên từ chính cuộc đời của họ, bởi cha mẹ đã đi qua bao nhiêu năm cuộc đời, họ tích luỹ nhiều kinh nghiệm quý báu để giúp họ sống vui vẻ, hạnh phúc. Kinh nghiệm ấy cũng không loại trừ những thất bại trong cuộc sống, nhưng họ đã đứng lên và bước tiếp từ thất bại ấy. Kinh nghiệm cuộc sống là gia sản lớn lao mà cha mẹ còn lưu giữ được và truyền lại cách trọn vẹn cho con cháu.
Trong thời buổi văn minh, hiện đại, con người đã đẩy nhiều ngành khoa học đến đỉnh cao. Những khám phá ấy cuốn hút nhiều người trẻ, và hình như kinh nghiệm sống của cha mẹ già dần trở nên lạc hậu, lỗi thời. “Cha mẹ nói vô lý quá! Khoa học đã chứng minh rồi cái này là đúng, cái cha mẹ biết là sai.” Hay thi thoảng con cái chẳng muốn nghe thì phát ra một tràng cảm thán: “Vậy à! Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!”. Hoặc có khi nặng nề hơn thì phán xét bằng câu nói: “cha mẹ biết gì mà nói!”. Vô tình, họ đã vứt sang một bên cái kinh nghiệm sống của cha mẹ già, mà theo đuổi những gì có tính xác thực và hợp lý hơn.
Theo đuổi và khám phá ra những chân lý mới mẽ, thay vì ngủ vùi trong lối mòn của tri thức là điều đúng đắn, đáng khen ngợi. Tuy nhiên, những khám phá mới mẽ không phải tự nhiên mà có được, cũng vẫn phải bắt nguồn từ kinh nghiệm sống thực tế của bao đời, để dần dần hình thành nên lối tri thức tân tiến như ngày hôm nay. Vậy nên phải nhắc đến tinh thần “ôn cố tri tân” mà bao đời cha ông đã dạy và vẫn còn ý nghĩa đến ngày nay.
Bên cạnh đó, có những điều mà trường lớp không hề dạy, hoặc vì đó là những vấn đề quá nhỏ nhặt trong cuộc sống, hoặc phạm trù ấy đòi hỏi nơi kinh nghiệm thực tế chứ không phải lý thuyết suông. Có những cô dâu sắp về nhà chồng, được mẹ chia sẻ kinh nghiệm làm dâu phải sống như thế nào. Có những cuộc làm ăn thất bại được cha mẹ hướng dẫn cách vượt qua ra sao. Có những lúc tinh thần trở nên phấn chấn sau những chia sẻ, khuyên răn của cha mẹ. Hay những cảnh báo nguy hiểm, khó khăn trước những lựa chọn. Người đầu bạc thì khôn ngoan, họ biết và hiểu, chỉ có điều họ chưa được cập nhật những nền khoa học mới mẻ, nên chưa thuyết phục được con cái, chứ chưa hẳn tất cả điều họ nói là vô lý đâu.
Chắc hẳn thời đại sẽ có những suy nghĩ, hành động và xu hướng khác nhau, nhưng có một điểm chung là tất cả đều là con người, và cùng bước đi trên con đường tìm kiếm chân lý. Chính vì thế Thiên Chúa đã trao cho cha mẹ quyền huấn giáo con cái, để khuôn con cái hướng về sự thiện hảo, mà cùng đích là chính Thiên Chúa, như sách Huấn Ca đã nhắc: “Ðức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con”. (x. Hc 3,2). Tuổi già đến lúc nào đó cũng sẽ đi vào quên lãng, và con cái sẽ là thế hệ tiếp nối tuổi già ấy.
Đã có những giọt nước mắt muộn màng, mà đáng ra đã không như thế nếu chịu suy ngẫm lời khuyên của cha mẹ. Sa vào những con đường tội phạm, tệ nạn xã hội, những cuộc ăn chơi; vùi đầu vào những cuộc làm ăn phi pháp; phải trả công bằng qua những ngày tháng tù giam, thậm chí cả mạng sống. Rồi chật lưỡi ngẫm: “phải chi mình nghe lời cha mẹ…”, nhưng giờ thì: “…mọi chuyện đã lỡ rồi!”.
Người khôn ngoan là một người biết lắng nghe, phân tích, suy ngẫm, hành động và lượng giá để rút kinh nghiệm. Thế nên, người khôn ngoan là điều mà mỗi người cha, người mẹ mong muốn con cái mình trở thành. Hãy thay suy nghĩ: “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!” bằng sự phân tích, suy ngẫm, rồi cuộc sống sẽ tốt hơn rất nhiều.
Little Stream