Bổn phận của các Hồng Y: Cầu nguyện và công bố Lời

c1299ffcb3

“Giáo hội cần sự can đảm của anh em để công bố Tin Mừng cho mọi thời, khi thuận tiện cũng như lúc khó khăn, để làm chứng cho chân lý. Giáo hội cần lời cầu nguyện của anh em cho sự thăng tiến của đàn chiên Đức Ki-tô, việc cầu nguyện, cùng với việc công bố Lời, chính là bổn phận chính yếu của một vị Giám Mục.” Đây là lời mời gọi của ĐTC Phanxicô dành cho các Hồng Y trong Lễ  tấn phong 19 Hồng y mới. Sau đây là toàn bộ bài giảng của ĐTC.

“Người dẫn đầu các ông…” (Mc 10,32).

Trong khoảnh khắc này, Đức Giê-su cũng dẫn đầu chúng ta. Ngài luôn đi trước. Ngài đi trước và mở đường cho chúng ta… Và đây chính là niềm tin tưởng và niềm vui của chúng ta: trở nên môn đệ của Người, ở với Người và bước theo Người, đi sau Người…

Khi chúng ta cùng nhau cử hành thánh lễ đầu tiên trong nhà Nguyện Sistina, “bước đi” chính là lời đâu tiên mà Thiên Chúa trao cho chúng ta: bước đi rồi xây dựng và tuyên xưng.

Hôm nay lời này quay lại, nhưng ngang qua một hành động, hành động của Đức Giê-su vốn đang diễn ra: “Đức Giê-su bước đi…”. Điều đánh động chúng ta trong Tin Mừng: Đức Giê-su thường bước đi và Ngài dạy các môn đệ bước đi trên con đường này. Điều này rất quan trọng. Đức Giê-su không đến để trao cho chúng ta một tư tưởng triết học, một ý thức hệ, nhưng là một con đường, một con đường bước đi với Người, và con đường giúp chúng ta học biết để bước đi, ngang qua việc bước đi. Vâng, anh em thân mến, đây là niềm vui của chúng ta, bước đi với Giê-su.

Nhưng điều này thì không dễ, không hề thoải mái, bởi vì con đường Đức Giê-su chọn là con đường Thập giá. Trên đường đi, Ngài đã nói với các một đệ về điều sẽ diễn ra tại Giê-ru-sa-lem: Ngài báo trước về cuộc tử nạn, cái chết và phục sinh của Ngài. Họ kinh hoàng và sợ hãi. Kinh hoàng, chắc chắn, vì đối với họ, lên Giê-ru-sa-lem nghĩa là dự phần vào vinh quang của Đấng Mê-si-a, vào sự vinh thắng của Ngài, như chúng ta thấy ngang qua lời thỉnh cầu của Gioan và Gia-cô-bê; và đầy sợ hãi vì điều mà Đức Giê-su phải chịu thì chính họ cũng phải chịu.

Khác với các môn đệ lúc này, chúng ta biết rằng Đức Giê-su đã vinh thắng, và chúng ta không còn phải sợ hãi Thập giá, trái lại, thập giá chính là niềm hi vọng của chúng ta. Tuy nhiên, là phận người tội lỗi, chúng ta bị cám dỗ suy nghĩ theo cách của con người chứ không phải theo cách của Thiên Chúa.

Và khi chúng ta suy nghĩ theo cách của thế gian, điều gì sẽ xảy ra? “Mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và Gioan” (câu 41). Họ giận dữ. Nếu để cho não trạng thế gian thắng thế, thì sự ganh đua, ghen ghét và bè phái sẽ xâm nhập vào.

Lời Chúa hôm nay nói cho chúng ta điều tốt đẹp nhất. Lời ấy thanh luyện chúng ta, soi sáng lương tâm chúng ta và giúp chúng ta liên kết trọn vẹn với Đức Giê-su, và giờ đây, chúng ta cùng nhau làm điều đó khi Hội đồng Hồng y được mở rộng nhờ sự gia nhập của các thành viên mới.

“Khi ấy, Đức Giê-su gọi họ đến với Người…” (Mc 10,42). Đây là một hành động khác của Đức Giê-su, Ngài ý thức rằng, Ngài cần nói với Nhóm Mười Hai; Ngài dừng lại, và gọi họ đến với mình. Anh em thân mến, hãy để Thiên Chúa gọi chúng ta. Hãy để cho mình được Thiên Chúa gọi mời. Và chúng ta hãy lắng nghe Ngài, cùng nhau đón nhận lời Người với niềm vui, để cho mình được dạy dỗ bởi Lời và Thánh Thần nhờ đó, chúng ta trở nên một lòng một trí, bên cạnh Người.

Và khi chúng ta thực sự được gọi mời, được gọi đến với Ngài bởi người Thầy duy nhất của chúng ta, tôi sẽ nói cho anh em điều Giáo hội cần: Giáo hội cần anh em, cần sự hợp tác của anh em, và cần sự hiệp nhất của anh em, hiệp nhất với tôi và hiệp nhất với nhau. Giáo hội cần sự can đảm của anh em để công bố Tin Mừng cho mọi thời, khi thuận tiện cũng như lúc khó khăn, để làm chứng cho chân lý. Giáo hội cần lời cầu nguyện của anh em cho sự thăng tiến của đàn chiên Đức Ki-tô, việc cầu nguyện, cùng với việc công bố Lời, chính là bổn phận chính yếu của một vị Giám Mục. Giáo hội cần sự thương xót của anh em, đặc biệt là vào thời khắc có biết bao nhiêu đau khổ và buồn phiền tại các quốc gia trên toàn thế giới. Chúng ta muốn diễn ta sự gần gũi thiêng liêng với các cộng đoàn Giáo hội và với mọi Ki-tô hữu đang chịu đau khổ vì phận biệt đối xử và bách hại. Giáo hội cần chúng ta cầu nguyện cho họ, để họ có thể vững mạnh trong đức tin, có khả năng đáp trả sự dữ bằng sự thiện. Lời cầu nguyện của chúng ta cũng mở rộng đến mỗi người nam và người nữ đang chịu đau khổ vì niềm tin tôn giáo của mình.

Giáo hội cần chúng ta trở thành những người kiến tạo hòa bình, xây dựng hòa bình bằng lời nói, bằng niềm hy vọng và bằng lời cầu nguyện của chúng ta: vì thế, chúng ta ước mong hòa bình và hòa giải cho những người đang phải sống trong bạo lực và chiến tranh. Anh em thân mến, xin cảm ơn anh em. Chúng ta hãy cùng nhau bước theo Chúa, hãy để cho Thiên Chúa gọi mời giữa đoàn dân trung thành với Mẹ Thánh Giáo hội của chúng ta.

 

Nguyễn Minh Triệu sj chuyển ngữ

 

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *