Bước Người đi qua

Sống trên đời, ai cũng mang trên mình những nỗi sợ hãi, lo lắng, ưu tư và khắc khoải về cuộc đời. Người thì sợ cái nghèo, khi từng ngày từng đêm phải vật lộn với cuộc sống để kiếm cái sinh nhai. người thì sợ mất cái “tình”, khi thiếu vắng sự quan tâm từ gia đình, bạn bè và xã hội. Và cũng không ít người sợ cái chết khi phải chứng kiến bao nhiêu cảnh tang thương mà dịch bệnh, thiên tai và chiến tranh gây ra cho con người. Mỗi nỗi sợ đều ẩn chứa những mối nguy thường trực, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của con người rơi vào cảnh khốn khổ, lầm than. Hơn hết, có một mối sợ còn nguy hiểm hơn những mối sợ đời thường và nó đang cố ăn sâu vào tâm thức của mỗi người. Để rồi nó làm cho đời sống của con người rơi vào cảnh đau khổ, khi mất đi mối tương quan mật thiết với Chúa ngang qua việc chăm sóc người nghèo và liên đới với tha nhân. Nỗi sợ đó được Thánh Augustino phác họa trong cuốn tự thuật của mình: “Tôi sợ Chúa khi Người đi qua, tôi sợ rằng Người đi qua và tôi không nhận ra Người”. Đây như một lời cảnh tỉnh cho con người biết canh tân đời sống thực tại của mình, để rồi chúng ta nhận ra được tiếng Chúa đang chờ, đang gọi mỗi người hãy tỉnh thức và sẵn sàng nhận ra Chúa khi Người đi qua.

Lặng nhìn những người vô gia cư đang thấp thỏm, nép mình bên những ngã ba, ngã tư hay những con đường nhỏ của phố thị. Từng đoàn người vội vã lướt qua, họ bận rộn, say sưa với những công việc thực tại mà quên đi sự hiện diện của những người nam, người nữ cùng chung sống trong quả đất này. Họ lớn tiếng kêu gào trong cơn đau của bệnh tật, cơn đói của thể xác và cơn khát của tình người, tất cả được phát ra từ trong con tim tan nát, vụn vỡ và đầy thương tích của những người vô gia cư. Tiếng kêu đó như hồi chuông vô nghĩa khi nhiều người phớt lờ đi nỗi đau mà họ gánh chịu, mặc cho vết thương từng rỉ máu nơi thể xác và con tim của họ.

Thật vậy, mỗi người đều mang trên mình hình ảnh của Thiên Chúa, là thụ tạo cao quý nhất trong công trình sáng tạo của Ngài (X. St 1, 27). Cho nên, nơi con người đều mang một phẩm giá cao trọng được Thiên Chúa phú ban và chúng ta có trách nhiệm trong việc tôn trọng hình ảnh Thiên Chúa nơi tha nhân. Qua việc chăm sóc và nâng đỡ nhau trên bước đường lữ hành, chúng ta ý thức trong việc liên đới, hiệp nhất và cùng nhau kiến tạo một nền văn minh tình thương. Tình thương đó được phát xuất nơi con tim, khối óc và việc làm thiết thực nhất, để mọi người nhận ra hình ảnh Đức Ki-tô đang sống giữa lòng nhân loại.

Chính vì lẽ đó, chúng ta không thể quên đi sự hiện diện của những người nghèo khổ, bởi vì chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, nâng đỡ và chia sẻ với những khó khăn mà họ gặp phải. Thánh Gioan Kim khẩu đã nói: “ Không chia sẻ của cải của chúng ta cho người nghèo, đó là ăn cướp và giựt mất sự sống của họ. Của cải mà chúng ta đang sử hữu không phải của riêng chúng ta mà cả họ nữa”. Bởi, người nghèo cũng có quyền bình đẳng và được thụ hưởng trên mọi công trình mà Chúa sáng tạo ngay từ thuở ban đầu (x. St2, 28). Hơn thế nữa, mỗi chúng ta phải ý thức bảo quản, sử dụng mọi tài sản trong tinh thần liên đới với tha nhân, biết lưu tâm và giúp đỡ những người nghèo khổ. Bởi đó là phận vụ của mỗi người như lời của Thánh Phaolô đã nói: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau.”

Trong một xã hội phát triển với tốc độ choáng ngợp, từng ngành kinh tế đều đua nhau mang trên mình những chiếc áo của sự lộng lẫy, xa hoa. Điều này làm cho bộ mặt của xã hội từng ngày đi lên và đời sống người dân được nâng cao. Chất liệu để đan dệt những tấm áo đó lại là những sợi chỉ nhuốm màu đỏ của máu, màu trắng của da thậm chí là nhân phẩm, mạng sống của không ít người nghèo khổ. Thật là điều kinh khủng, khi từng giây, từng phút chúng ta lại chứng kiến hàng triệu trẻ em, người già, người nghèo chết vì đói, vì sự lãnh đạm hay vô cảm từ trái tim chai lì chúng ta.

Nhìn lại câu chuyện trong cựu ước giữa Aben và Cain: Sau khi cả hai vất vả làm việc, đến ngày dâng của lễ cho Thiên Chúa thì Ngài đã thích của lễ mà Aben dâng lên, còn lễ vật mà Cain thì Thiên Chúa không đoái nhìn. Chính vì lòng hận thù, ghen tức em mình nên ông đã giết chết Aben…chính dòng máu của Aben đã kêu vào lên Thiên Chúa và Ngài đã trừng phạt ông Cain (x. St 4, 1-16). Cũng vậy, tiếng kêu xin của người nghèo ngày hôm nay cũng như tiếng kêu của dòng máu Aben xưa, sẽ chạm tới cung lòng thương xót của Thiên Chúa. Điều này như nhắc nhở mỗi chúng ta hãy không ngừng canh tân đời sống của bản thân, qua việc lưu tâm đến những người nghèo khổ, bệnh tật, neo đơn và bị xã hội gạt ra bên lề của cuộc sống. Bởi nơi họ, chúng ta tái khám phá được Đức Ki-tô đang ẩn mình trong những người bé nhỏ. (x. Mt 25, 40).

Hơn bao giờ hết, lời mời gọi của Chúa Giê-su luôn vang vọng trong tâm thức mỗi người chúng ta: “Anh em hãy canh thức và sẵn sàng, vì không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (x. Mt 24, 37-44). Đây như lời nhắc nhở, cảnh tỉnh cho những ai đang chìm say trong những giá trị trần tục, hãy canh tân đời sống và nhạy bén với mọi dấu chỉ của thời đại. Hơn nữa, phải luôn tỉnh thức để nhận ra bước chân của Thiên Chúa đang ngang qua cuộc đời chúng ta. Ngài luôn ẩn mình nơi những người nghèo khổ, bệnh tật, neo đơn và bị xã hội loại trừ. Ngài chờ, gọi mỗi chúng ta hãy can đảm ra đi đến với họ để băng bó những thương tích, để xoa dịu những nỗi đau và chữa lành những vết thương đang rỉ máu nơi tâm hồn, thể xác của họ.

Ước mong rằng, thế giới ngày hôm nay sẽ bớt đi những đau khổ mà chính ta đang tự gieo mình vào nền văn hóa sự chết, để tiến tới nền văn minh tình thương. Bởi đó như phương thức diễn tả cung lòng thương xót của Chúa Ki-tô nơi trần gian.

Gioan

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Tin mừng, phúc âm hay tin lành?

Chúng ta đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là quốn sách chứa đựng 73 …

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *