Buổi tiếp kiến của ĐTC với các tham dự viên Khoá Học về Toà Trong

Vào lúc 12h ngày 17/3/2017, tại Hội Trường Phaolo VI, ĐTC Phanxiô đã tiếp kiến các tham dự viên Khoá Học thường niên lần thứ XXVIII về Toà Trong, được tổ chức bởi Toà Ân Giải Tối Cao.

Sau đây là diễn văn của Đức Thánh Cha

Kính chào quý anh em

Tôi rất vui mừng được gặp gỡ quý anh em, trong cuộc tiếp kiến đầu tiên với anh em sau năm Thánh Lòng Thương Xót, nhân dịp Khoá Học thường niên về Toà Trong. Tôi gửi lời chào thân ái đến Đức Hồng Y Chánh Toà Ân giải Tối cao và tôi cảm ơn ngài vì những lời chúc tốt đẹp. Tôi cũng chào thân ái các giáo sĩ và các viên chức của Toà Ân giải Tối cao cũng như các cha giải tội tại bốn Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng tại Rome và tất cả những người tham dự vào khoá học này.

Thực sự, tôi thú thật với anh em rằng, Toà Ân Giải Tối Cao là một Toà Án mà tôi thật sự thích! Bởi vì đó là “toà án của lòng thương xót”, nơi đó chúng ta hướng đến để lãnh nhận phương dược thiết yếu cho linh hồn của mình, là lòng thương xót của Thiên CHúa

Khoá học của anh em về Toà Trong, nhằm góp phần đào tạo nên các cha giải tội tốt, thì hữu ích hơn bao giờ hết, và tôi có thể nói rằng nó rất cần thiết cho thời đại chúng ta ngày nay. Chắc chắn là, người ta không thể trở nên một cha giải tội tốt chỉ nhờ một khoá học, không: việc đào tạo giải tội là một “trường học trường kỳ” vốn kéo dài suốt cả đời. Nhưng ai là “cha giải tội tốt”? Làm thế nào để trở nên một cha giải tội tốt?

Tôi muốn chỉ ra ba khía cạnh

1. Trước hết, cha giải tội tốt là một người bạn đích thật của Đức Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Thiếu vắng tình bạn này, rất khó để làm cho tình phụ tử, vốn là điều rất cần thiết trong thừa tác vụ Hoà Giải, trở nên chín chắn. Trở nên bạn của Đức Giêsu trước hết có nghĩa là vun vén cho đời sống cầu nguyện. Đó là việc cầu nguyện cá nhận với Chúa, nài xin liên lỉ ân huệ của tình bác ái mục tử; đó cũng có thế là lời cầu nguyện cụ thể để thi hành bổn phận của cha giải tội và cho các tín hữu, cho các anh chị em lại gần chúng ta trong việc tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa.

Một thừa tác vụ Hoà Giải “được bao bọc bởi cầu nguyện” sẽ phản chiếu cách khả tín lòng thương xót của Thiên Chúa và sẽ tránh được sự khó tính và thiếu cảm thông mà, đôi khi, có thể nảy sinh trong cuộc gặp gỡ mang tính bí tích. Một cha giải tội cầu nguyện sẽ ý thức rõ rằng chính bản thân mình trước hết là một tội nhân và được tha thứ trước tiên. Cha giải tội không thể nào tha thứ trong Bí tích Hoà Giải nếu không nhận biết mình đã được tha thứ trước. Và vì thế việc cầu nguyện là đảm bảo đầu tiên để tránh mọi thái độ cứng lòng vốn phán xét tội nhân một cách vô ích thay vì phán xét tội lỗi.

Trong cầu nguyện, cần khám phá ra ân huệ của một cõi lòng tan nát, có khả năng thấu hiểu những vết thương của tha nhân và xoa dịu chúng bằng tinh dầu của lòng thương xót, thứ dầu mà người samaritano nhân hậu đã đổ tràn trên vết thương của người bất hạnh chẳng được ai rủ lòng xót thương (Lc 10, 34)

Trong cầu nguyện chúng ta phải nài xin ân huệ cao quý của sự khiêm nhường, bởi vì nó luôn tỏ hiện cách rõ ràng rằng sự tha thứ chính là tặng phẩm nhưng không và siêu nhiên của Thiên Chúa, qua đó chúng ta chỉ là những người quản lý nhỏ bé, dù cần thiết, do bởi chính ý muốn của Đức Giêsu; và Người ắt hẳn sẽ rất hài lòng nếu chúng ta rộng rãi thông ban lòng thương xót.

Trong cầu nguyên, chúng ta cần luôn nài xin Chúa Thánh Thần, là Thần Khí của sự phân định và cảm thông. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta thông phần những đau khổ của những anh chị em đến gần toà giải tội và đồng hành với họ bằng sự nhận định khôn ngoan và chín chắn với một sự cảm thông đích thực cho những đau khổ của họ, bị gây nên bởi sự bần cùng của tội lỗi.

2. Kế đến, Cha giải tội phải là một người đầy Thánh Thần, một người biết nhận định. Biết bao điều xấu đã xảy đến với Giáo Hội do bởi thiếu nhận định! Biết bao điều tệ hại đã xảy ra cho các linh hồn do bởi một hành động không khiêm nhường lắng nghe Chúa Thánh Thần và ý muốn của Thiên Chúa. Cha giải tội không thực hiện ý muốn của chính mình cũng chẳng dạy dỗ một giáo huấn riêng. Cha giải tội được mời gọi thực thi luôn luôn và duy chỉ ý muốn của Thiên Chúa, trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội mà ngài chính là thừa tác viên, nghĩa là một người phục vụ.

Sự nhận định giúp phân biệt luôn luôn, ngõ hầu không lẫn lộn, và cũng không bao giờ “vơ đũa cả nắm”. Sự nhận định uốn nắn cái nhìn và con tim, khơi dậy sự nhạy bén của tâm trí vốn rất cần thiết khi đối diện với những ai vén mở sự thánh thiêng của lương tâm cho chúng ta để nhận lãnh từ đấy ánh sáng, sự bình an và lòng thương xót.

Sự nhận định cũng rất cần thiết bởi vì, ai đến toà giải tội, cũng có thể khởi đi từ những hoàn cảnh chán chường nhất; họ có thể đang bị xáo trộn tâm linh, và bản chất sự việc phải được xem xét một cách cẩn trọng, lưu tâm đến tất cả những hoàn cảnh cuộc sống, hoàn cảnh Giáo Hội, tự nhiên và siêu nhiên. Nếu như cha giải tội lưu tâm đến việc thực sự có những xáo trộn tâm linh ấy – vốn có thể là những xáo trộn tâm lý, và vì thế cần phải được xác định thông qua sự trợ giúp đúng đắn của các khoa học nhân văn – thì không được do dự chuyển đến những người chịu trách nhiệm, trong giáo phận, về thừa tác vụ nhạy cảm và thiết yếu này, ý nói ở đây là những nhà trừ quỉ. Nhưng những người này phải được tuyển lựa cách cẩn trọng và khôn ngoan.

3. Cuối cùng, toà giải tội cũng là một nơi đích thực để loan báo Tin Mừng. Thực sự là, chẳng có sự loan báo Tin Mừng nào chân thật hơn cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa của lòng thương xót, với Thiên Chúa là Lòng Thương Xót. Gặp gỡ lòng thương xót có nghĩa là diện kiến dung nhan đích thực của Thiên Chúa, như Đức Kitô đã mạc khải cho chúng ta.

Toà giải tội là nơi loan báo Tin Mừng và vì thế cũng là nơi để huấn luyện. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với hối nhân, cha giải tội được mời gọi để phân định đâu là điều hữu ích hơn và thực sự cần thiết cho hành trình thiêng liêng của người anh chị em đó; đôi khi sẽ cần thiết để tái loan báo những chân lý căn bản của đức tin, hạt nhân quan trọng nhất, đó là lời loan báo Tin Mừng (kerigma), mà nếu thiếu vắng nó thì chính kinh nghiệm về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn tiếp tục im tiếng; đôi khi cần chỉ ra những nền tảng của đời sống luân lý, luôn liên kết với chân lý, với sự thiện hảo và ý muốn của Thiên Chúa. Đó là một hoạt động của sự nhận định mau lẹ và khôn ngoan, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các tín hữu.

Thực sự, cha giải tội được mời gọi hàng ngày đi đến “những ngoại biên của sự dữ và tội lỗi” – đây là một ngoại biên xấu xí! – và hoạt động này của cha giải tội cho thấy một sự ưu tiên mục vụ thực sự. Giải tội là một ưu tiên mục vụ. Xin hãy làm ơn, đừng dùng những thông báo đại loại như: “Chỉ giải tội vào thứ hai, thứ tư từ giờ này đến giờ này”. Người ta có thể xưng tội mọi lúc, khi họ xin anh em giải tội. Và nếu anh em ở đấy (trong toà giải tội) để cầu nguyện, thì hãy để toà giải tội mở, đó chính là trái tim của Thiên Chúa đang rộng mở.

Anh em rất thân mến, tôi chúc lành cho anh em và ước mong anh em sẽ là những cha giải tội tốt: chìm đắm trong tương quan với Đức Kitô, có khả năng để phân định trong Thánh Thần và sẵn sàng nắm bắt cơ hội để loan báo Tin Mừng.

Anh em hãy cầu nguyện liên lỉ cho các anh chị em đến với Bí Tích Hoà Giải để nhận lãnh ơn tha thứ. Và cũng xin cầu nguyện cho tôi nữa.

Và tôi cũng không muốn kết thúc mà không nhắc đến một điều đã nảy ra trong tâm trí tôi khi Đức Hồng Y Tổng Trưởng phát biểu. Ngài đã nói về những chìa khoá và về Đức Mẹ, và tôi rất thích điều này. Tôi muốn nói một điều…hai điều. Thậtt rất là ích lợi cho tôi khi từ bé, tôi đã đọc cuốn sách của Thánh Anphongsô Maria Liguori về Đức Mẹ: Những vinh quang của Đức Maria. Luôn luôn khi kết thúc mỗi chương, sẽ có một phép lạ của Đức Mẹ, ở đó Mẹ bước vào giữa cuộc sống và sắp xếp mọi thứ. Và điều thứ hai là, có một truyền thuyết về Đức Mẹ, là một truyền thống lưu truyền ở Nam Ý mà tôi nghe kể: Đức Mẹ của những quả quýt. Đấy là vùng đất có rất nhiều cây quýt, có phải thế không? Người ta nói Đức Mẹ là người đỡ đầu của những tên trộm. (Mọi người cười). Người ta kể rằng những kẻ trộm đến cầu nguyện ở đấy. Và người ta nói, truyền thuyết kể rằng những kẻ trộm đến cầu nguyện với Đức Mẹ của những quả quýt. Khi họ chết, có một đoàn người xếp hàng trước thánh Phêrô đang cầm chìa khoá, và thánh nhân mở cửa ra và cho từng người đi vào; và Đức Mẹ khi thấy một trong số những kẻ trộm thì Mẹ ra dấu hãy ẩn nấp đi; và rồi sau khi tất cả mọi người khác đã đi vào, thánh Phêrô đóng cửa. Khi đêm đến, Đức Mẹ từ cửa sổ gọi người người ăn trộm ấy và cho người ấy vào thiên đàng bằng cửa sổ. Đây là một câu chuyện phổ biến, nhưng lại rất đẹp: sự tha thứ cùng với Đức Mẹ ở cạnh bên; tha thứ cùng với Mẹ. Bởi vì người phụ nữ này, hay người đàn ông nọ đến toà giải tội, đều có một người Mẹ ở trên trời sẽ mở cửa cho người ấy và giúp người ấy giây phút bước vào Thiên Đàng. Luôn là Mẹ, bởi vì Mẹ giúp đỡ cả chúng ta nữa trong việc thực thi lòng thương xót. Cám ơn đức hồng y về hai dấu chỉ: chìa khoá và Đức Mẹ.

Giờ đây, mời anh em đọc kinh Truyền Tin.

[Ban phép lành]

Nhưng đừng nói là kẻ trộm được vào Thiên Đàng nha! Đừng nói! [mọi người cười]

Nguồn: http://press.vatican.va

Dịch bởi Tiến Khải, S.J.

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *