Cách Vật Trí Tri Theo Kiến Giải Của Vương Dương Minh

images

I. DẪN NHẬP 

Có thể nói, Vương Dương Minh là một trong những triết gia lớn cuối cùng của nền triết học Trung Quốc trước thời hiện đại. Là triết gia tiêu biểu nhất của phái Tâm học, một trong hai học phái của Đạo học, ông được xem là triết gia có tư tưởng mang nét tổng hợp nhiều tư tưởng của các học phái lớn trước đó: Nho gia, Đạo gia, Phật gia (qua phái Thiền) và Tiên gia. Vì thế, việc tìm hiểu triết thuyết của triết gia này một cách kỹ lưỡng sẽ giúp bản thân người viết có cái nhìn phần nào mang tính tổng hợp về nền triết học Trung Hoa.

Trong phạm vi một bài viết mang tính lượng giá cuối khóa học, việc tổng hợp như trên đòi buộc phải giới hạn trong một khuôn khổ nhất định. Vì vậy, người viết chọn cách thức tìm hiểu về một điểm chủ đạo trong học thuyết của Vương Dương Minh: kiến giải của ông về “cách vật trí tri”, để mong có cái nhìn xuyên suốt về học thuyết của ông từ sợi chỉ quán thông này.

Với mục tiêu đó, trong giới hạn về khả năng và tài liệu, trước hết người viết sẽ đề cập sơ lược thân thế sự nghiệp của Vương Dương Minh; sau đó sẽ nói về xuất xứ của cụm từ “cách vật trí tri” và những gì liên hệ đến nó trong kiến giải của Vương Dương Minh; và cuối cùng là một suy tư cá nhân về vấn đề này bằng cách thử làm một so sánh giữa “cách vật trí tri” và “sống theo lương tâm” trong luân lý Ki-tô giáo.

II.  Sơ lược về thân thế và sự nghiệp của Vương Dương Minh

Vương Dương Minh (1472-1529), còn gọi là Vương Thủ Nhân, tự là Bá An, người ở Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang. Xuất thân trong một gia đình đạo đức và danh giá. Ngoài tư cách là một triết gia nổi tiếng; và là người đưa Lý học phát triển đến đỉnh cao. Đương thời ông còn là nhà chính trị có tài đức và có tầm ảnh hưởng lớn trong triều Minh (1386-1643)[1].

Lúc còn trẻ, ông ham võ nghệ, rồi theo đuổi việc tu tiên, ham đạo Phật, sau cùng trở về Nho. Vương Dương Minh từng là đệ tử nhiệt thành của phái Trình-Chu, nhưng sau sự kiện thất bại trong việc “cách vật” cây tre, ông từ bỏ phái này.[2] Sau này, tình cờ ông đại ngộ ra ý nghĩa của “cách vật trí tri”, nền tảng của toàn bộ lý thuyết Tâm học mà ông sẽ phát triển sau này.

Bản thân Vương Dương Minh không có trước tác, nhưng những điều giảng dạy của ông đã được học trò ghi lại thành sách với tên “Ngữ lục”, “Văn lục”, “Biệt lục”, “Phụ lục”, vv., gồm 38 quyển với tên “Vương Văn Thành Công toàn thư”.[3]

 III.        Cách Vật Trí Tri là gì?

Cụm từ “cách vật trí tri” không hoàn toàn là phát minh của Vương Dương Minh. Thực vậy, trong Triết sử Trung Hoa, cụm từ này xuất hiện lần đầu tiên trong sách Đại học, thuộc Tứ Thư (Trung Dung, Đại Học, Luận Ngữ, Mạnh Tử) của phái Nho gia. Theo truyền thống, tác giả của sách này là Tăng Tử, cháu nội Khổng Tử. Sách này nguyên được trích ra từ bộ Lễ Ký, gồm hai phần: phần một là những lời vàng tiếng ngọc do Khổng Tử truyền lại cho Tăng Tử để dạy người ta phép tu tề; phần hai là những giảng giải của Tăng Tử về phần một.[4] Trong “tám điều mục” thuộc phần một, sách dạy: “Trí tri tại cách vật, vật cách nhi hậu tri chí” (trí thức biết được do tiếp xúc với sự vật, vật được tiếp xúc rồi sau đó tri thức mới đến)

Cụm từ này (cách vật trí trí) đã được một số triết gia trước Vương Dương Minh chú giải. Ví dụ, Trịnh Huyền đời Đông Hán: “Cách là đến cùng, vật như là sự vật”. Từ đời Tống về sau, có nhiều cách giải thích khác. Phái duy tâm Trình – Chu đời Tống nhấn mạnh rằng tri thức vốn có ở con người, nhưng ảnh hưởng của vật dụng làm cho mất đi, cần phải “cách vật” hoặc “tức vật cùng lí” để lấy lại. Trình Di giải thích: “Cách như là xét đến cùng, vật như là lí. Như vậy là xét đến cùng lí vậy” (“Nhị Trình di thư”, Cuốn 18). Chu Hy thì giải thích “Nói muốn đạt đến cái biết của ta thì căn cứ vào vật và xét đến cùng cái lí của nó” (“Tứ Thư”, chương cuối tập chú).[5]

IV.         Nền tảng siêu hình trong kiến giải “Cách Vật Trí Tri”: vũ trụ quan của Vương Dương Minh

Nền tảng của vũ trụ quan phái tâm học được xây dựng chính yếu trên tư tưởng của Trình Hạo và Lục Tượng Sơn. Theo họ, Đạo là tâm ta; tâm ta tức là Đạo. Ngoài Đạo không có sự vật; ngoài sự vật không có Đạo: “vạn vật đầy rẫy trong chỗ một tấc vuông (tâm). Đầy tâm mà phát ra, lấp đầy cả vũ trụ; chẳng gì không là Lý ấy.” Ông thêm rằng, “Tâm ta chỉ là một. Nó là tâm của ta, tâm của bạn ta, tâm của thánh hiền trăm năm hay ngàn năm trước. Nếu trăm năm hay ngàn năm sau lại có một thánh hiền nữa ra đời, thì cái tâm của ngài cũng chỉ như thế. Nếu ta có thể phát triển tận cùng tâm ta, thì ta đồng nhất với Trời.”[6]

Vũ trụ chưa hề cách ly con người, nhưng con người tự cách ly vũ trụ. Việc học của ta là nhằm khử bỏ che lấp ấy để trở về bản thể mình. Cái ta cần học biết, cần đạt tới là cái tâm. Cách vật là khảo sát cái tâm. Cái thể của tâm rất lớn. Nếu có thể phát huy được cùng cực của tâm ta, thì sẽ hòa hợp với Trời.[7]

Có thể nói Vương Dương Minh kế thừa toàn bộ tư tưởng này về vũ trụ quan. Công lao đóng góp của ông trong lãnh vực này chính là việc đưa ra một số kiến giải khiến hệ thống của hai vị trước trở nên mạch lạc và phong phú hơn. Ví dụ, khi có người hỏi ông: “nếu bảo rằng trong trời đất không có vật gì ở ngoài tâm, vậy hoa kia ở trong núi sâu, tự nở tự tàn, thì có liên quan gì tới tâm?” Vương Dương Minh giải thích: “Khi ngươi chưa xem hoa, hoa kia và tâm ngươi cùng là tĩnh mịch. Khi ngươi đến xem hoa, thì sắc hoa kia phút chốc trở thành rõ ràng. Mới biết hoa kia không phải ở ngoài tâm ngươi (Truyền Tập Lục, Quyển 3). Một đoạn khác của sách này chép lời Vương Dương Minh rằng, “Minh linh (tâm) ta là chủ tể của Trời Đất, quỷ thần, muôn vật… Trời Đất, quỷ thần, muôn vật mà tách khỏi minh linh ta thì không còn có Trời Đất, quỷ thần, muôn vật nữa” (Quyển 3).

Như thế, theo Vương Dương Minh, vũ trụ là một toàn thể tâm linh, trong đó chỉ có một thế giới là thế giới thực tại và hữu hình mà chúng ta tự mình có kinh nghiệm lấy. Vì thế, không có chỗ cho thế giới trừu tượng “lý” của Chu Hi. Với ông, “Tâm” và “lý” chỉ là một (đây là khác biệt cơ bản giữa hai học phái)

V.            Cách vật trí tri theo kiến giải của Vương Dương Minh

Lúc đầu, Vương Dương Minh cũng hiểu từ ngữ cách vật theo quan điểm của Chu Hi, tức xét đến cùng cái lý của sự vật. Nhưng sau này ông phê bình rằng, nếu lấy tâm ta mà tìm kiếm cái lý trong mỗi sự vật như Chu Hi nói thì ta đã tách tâm và lý ra làm hai.[8]

Theo Vương Dương Minh, cách có nghĩa là sửa, hay chính (sửa cho đúng); vật có nghĩa là sự vật, và cũng có nghĩa là sự việc; sự việc ở đây không chỉ gói gọn trong nghĩa sự kiện, mà còn bao hàm cả ý nghĩa đạo đức, luân lý; ví dụ, ý hướng vào hiếu kính cha mẹ, thì hiếu kính cha mẹ là một “vật”.[9] Như thế, “vật” ở đây có ý nghĩa bao trọn toàn bộ các khía cạnh liên quan và thuộc về đời sống con người. Theo nghĩa này, “cách vật” không có nghĩa là “tìm hiểu sự vật”, mà có nghĩa là “kiểu chính việc”, tức làm cho ngay chính sự vật, sự việc. Điều này đồng nghĩa với việc ta đạt tới cùng lương tri của tâm ta đối với sự vật; lúc đó, ở mỗi sự vật ta đều đạt được cái lý của nó.

Cách vật như thế chính là sự triển khai của ý niệm “làm sáng đức sáng” được nói đến trong sách Đại học. Tuy nhiên, phải dựa vào đâu để “cách vật-chính việc”? Vương Dương Minh phân tích rằng, “Bản thể của minh đức (tâm) là lương tri; cho nên làm sáng đức sáng và thân dân chính là trí lương tri (thực hành những gì lương tri dạy bảo). Ông định nghĩa lương tri: mọi người chúng ta, tốt hay xấu, đều có cùng một tâm trong căn bản, nó không bao giờ bị che bởi tư ý và tự nó biểu hiện trong phản ứng mau chóng, trực nhiên của ta đối với sự vật. Ví dụ, khi thấy đứa bé sắp rơi xuống giếng, phản ứng trực nhiên đầu tiên của ta là nỗi lo sợ cho nó. Chính cái ánh sáng bên trong tâm ta đó mách bảo ta phải cứu đứa bé; và cái ánh sáng đó là cái nhất thể của vũ trụ.[10]

Mặt khác, ông cho rằng, việc cách vật như thế không thể đạt được bằng cách chiêm nghiệm và trầm tư theo lối nhà Phật hay Lão gia, nhưng do kinh nghiệm hằng ngày, khi ta làm những việc thông thường: “muốn trí lương tri, lẽ nào có nghĩa là mờ mờ mịt mịt tự treo vào cõi vô thực hư không [như Phật và Lão]? Cần phải chấp nhận thực tại của sự vật.”[11] Cách cụ thể, toàn bộ phương pháp tu luyện của ta có thể gói gọn trong nguyên tắc sau: khi ta đối diện với những chọn lựa, những sự kiện hằng ngày, lương tri ta sẽ định cho ta biết tính chất của “vật” đó là tốt hay xấu, phải hay trái; khi lương tri biết “vật” là tốt, thì phải thi hành với lòng thành; khi lương tri biết “vật” là xấu, thì cũng phải đừng thi hành với lòng thành.

Ví dụ, trong sự kiện gặp đứa bé rơi xuống giếng, nếu ta tìm cớ để không theo linh cảm của lương tri do nghĩ đến tư thù hay đến phần thưởng, thì ta đã để cho tư ý tiểu trí (tư dục) che mờ bản tâm, cũng là bản thể của Trời. Còn khi ta thuận theo lương tri là ta đã “kiểu chính việc”, đồng thời đã trí lương tri, vì “lương tri” thuộc về “biết”, còn “trí lương tri” thuộc về “hành”.

Như vậy, Lương tri chỉ cho ta lẽ phải trái. Ta phải thực hành lương tri; và theo Vương Dương Minh, lúc đó cái biết của lương tri mới hoàn thành.[12] Đây là lý do ông gộp hai điều mục thành một: “cách vật trí tri”, để giải thích cho câu nguyên văn trong Đại học: “cách vật ở tại trí tri.”

Tuy nhiên, ở đây có một lưu ý: điều mà lương tri hiểu ngay một cách sáng rõ, là phương diện đạo đức của ý muốn và tư tưởng ta. Lương tri chỉ có thể nói cho ta biết phải làm điều gì, nhưng không chỉ cho ta phải làm thế nào (nó thiếu điều mà ta gọi là “kỹ năng chuyên môn”). Muốn biết phải làm thế nào, ta phải học hỏi tìm hiểu những phương pháp thiết thực để hành động cho phù hợp từng hoàn cảnh.[13] Và nếu ta kiên trì tu dưỡng “cách vật trí tri”, thì ta dần xóa bỏ được các chướng ngại, do tư dục, ngăn trở bản thể của tâm; và đến lúc nào đó ta sẽ đạt được tận cùng của bản tâm, tức là trở về tình trạng thiên uyên-nhất thể với trời đất vạn vật.

VI.         Thử làm một so sánh giữa “cách vật trí tri” theo Vương Dương Minh và “sống theo lương tâm” trong luân lý Ki-tô giáo

Với những gì vừa trình bày ở phần trên, ta có thể tóm kết cách vật trí tri của Vương Dương Minh thành: “thực hiện những gì lương tri dạy bảo.” Giải nghĩa như vậy được xem là xa lạ so với tư tưởng các triết gia thời đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta không xét đến sự so sánh với nghĩa thực mà sách Đại Học đã trình bày về “bát điều” thì quả thật “cách vật trí tri” theo kiến giải của Vương Dương Minh là điều rất quen thuộc trong thời đại hiện nay. Quả thế, ngày nay, khi tình trạng đạo đức của các xã hội xuống cấp, khi người ta không tìm thấy được những nền tảng luân lý, thì lời kêu gọi “sống theo lương tri” đã trở nên thông dụng, thậm chí cấp thiết, như một cứu tinh của nền đạo đức xã hội. Tuy nhiên, chữ “lương tri-conscience” mà xã hội đang dùng nhìn chung chỉ mang một ý nghĩa khá nông cạn và không có nền tảng siêu hình. Nó được định nghĩa như là “cái ý thức về đúng hay sai trong một cá nhân-the sense of right or wrong within the individual[14].

Về phần triết học, khi suy tư về đạo đức học, thời hiện đại này cũng đã có nhiều triết gia suy tư về cái mà chúng ta có thể tạm gọi là “lương tri”, trong đó tiêu biểu là Immanuel Kant. Kant đã xây dựng được một hệ thống về điều mà ông gọi là “quy luật luân lý trong tôi” hay “mệnh lệnh luân lý”, với ba quyển sách kinh điển: Đặt Cơ Sở Cho Siêu Hình Học Về Đức Lý, Phê Phán Lý Trí Thực Hành, và Siêu Hình Học Về Đức Lý. Với Kant, “quy luật luân lý” đã có một nền tảng siêu hình rất rõ ràng. Tuy nhiên, từ “luân lý” của ông lại có nghĩa rất rộng. Nó không chỉ gói gọn trong phạm vi lý tính cá nhân, mà còn mở ra những nguyên tắc đạo đức của xã hội ở bên ngoài.[15]

Với những bất cập như trên, tôi thiết tưởng, nếu muốn đem “thực hiện những gì lương tri dạy bảo” của Vương Dương Minh để liên hệ với điều gì thuộc tư tưởng và não trạng của thời đại hôm nay, thì ý nghĩa “sống theo lương tâm” của luân lý Ki-tô giáo là gần gũi và thích hợp hơn cả.

Vậy, lương tâm[16] theo Ki-tô giáo là gì? Hiến chế Gaudium et Spes của Công Đồng Vaticano II mà Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (1992) đã dùng làm khởi đầu cho phần dạy về lương tâm con người nói rõ: “Nơi đáy lương tâm của mình, con người khám phá ra sự hiện diện của một luật mà con người đã không tự ban cho mình, và con người buộc phải vâng phục. Tiếng nói này không ngừng thúc dục con người hãy yêu mến và thực hiện điều thiện, và xa lành điều ác: tiếng nói này vẫn vang lên trong sâu thẳm của tâm hồn con người vào những lúc cấp thời (…) Đó là luật được Thiên Chúa in sâu vào lòng con người. Lương tâm là trung tâm điểm sâu thẳm nhất và bí ẩn nhất của con người; đó là cung thánh, nơi con người ở một mình với Thiên Chúa, và là nơi con người nghe thấy tiếng của Ngài.” Như vậy, Giáo lý nêu rõ rằng, hiện diện nơi tâm hồn con người, lương tâm là sự phán đoán của lý trí, nhờ đó con người nhận ra tính luân lý (đúng/sai) của một hành vi cụ thể. Lương tâm còn ra lệnh đúng lúc để ta biết thực hiện điều thiện, tránh xa điều ác. Nó chứng tỏ rằng nó có uy quyền của chân lý vì nó lấy sự Thiện tối cao (Thiên Chúa) làm chuẩn đích. Trong khi đó, con người ta bị thu hút bởi sự Thiện và đón nhận những mệnh lệnh của sự Thiện. Nói cách khác, chính nhờ những phán đoán của lương tâm mà con người nhận ra những quy định của Luật Thiên Chúa.[17] Lương tâm ở đây bao gồm sự nhận thức các nguyên tắc của luân lý, sự áp dụng các nguyên tắc này vào các hoàn cảnh cụ thể nhờ biết phân biệt thực hành các lý lẽ và các điều thiện, và sau cùng là sự phán đoán về những hành vi cụ thể mình đã làm và sẽ làm. (x. GLCG, số 1780).

Khi con người phạm tội, tức hành động ngược lại với những gì lương tâm mách bảo, thì chính lương tâm sẽ tự lên án cho người đó. Tuy nhiên, một nguy cơ xảy ra là nếu ở trong tình trạng tội lỗi, lương tâm có thể thiếu hiểu biết và đưa ra những phán đoán sai lầm. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc lương tâm dần dần trở thành mù quáng. (x. GLCG, số 1790-1791). Vì thế, điều quan trọng là con người phải biết lắng nghe và làm theo tiếng nói lương tâm; đồng thời phải đạo tạo, rèn luyện lương tâm để đảm bảo sự đúng đắn của nó. Trong việc này, Lời Chúa là ánh sáng cho chúng ta. Quả thực, chúng ta có được một bảo chứng cho chân lý nếu sống thấm nhuần lời dạy của Đức Ki-tô và suy xét lương tâm dưới ánh sáng Thập Giá, cùng sự trợ lực sáng soi của Chúa Thánh Thần.

Như vậy, nếu đưa ra một so sánh chi tiết, ta có thể thấy ngay rằng hai bên có một số khác biệt. Ở đây, tôi chỉ nêu lên một vài khác biệt cơ bản. Trước hết, vì vũ trụ quan của Vương Dương Minh là một toàn thể tâm linh gói trọn trong nhân tâm, nên lương tri cũng chỉ xuất phát từ chính bản tâm con người, mặc dù bản tâm đó cũng chính là Đạo. Trong khi đó, lương tâm là nơi sâu thẳm nhất của con người, nơi mà Thiên Chúa đặt tiếng nói của Người để chỉ dạy ta sống theo chân thiện mỹ; hay nói cách khác, tiếng nói của lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa. Thứ đến, khi bản tâm con người bị che mờ do tư dục, Vương Dương Minh chỉ kêu gọi ta quay trở lại với việc luyện tập cách vật trí tri hằng ngày để làm sáng tỏ lại bản tâm đó. Còn Giáo lý dạy ta rằng, khi lương tâm ta bị mù quáng do phạm tội, ngoài việc ta cố gắng làm lành lánh dữ, ta cũng còn cần đến ơn trợ lực của Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời Người, tham dự các bí tích, và nhờ ơn soi dẫn của Thánh Thần. Khác biệt cuối cùng: lương tâm Ki-tô giáo không chỉ giúp ta nhận ra luật luân lý, mà còn giúp ta biết vận dụng những luật đó trong các hoàn cảnh cụ thể.

Tuy nhiên, ngay trong những khác biệt trên lại ẩn chứa sự tương đồng. Trước hết, cả hai đều xác nhận về nền tảng siêu hình trong tiếng nói của lương tâm và lương tri. Thực thế, với Vương Dương Minh, Đạo của bản tâm ta cũng là Đạo của Trời Đất. Vì vậy, cái biết mà lương tri bày tỏ là cái biết vượt lên trên trí hiểu thông thường do quan năng ta mang lại. Với Ki-tô giáo, cái biết đó là điều mà Millard J. Erickson gọi là một trong những phương thế Thiên Chúa tự mặc khải chính mình nơi con người.[18]

Bên cạnh đó, còn có nhiều điểm tương đồng khác. Ví dụ, về tác dụng của lương tâm và lương tri: cả hai đều như những tấm gương phản chiếu để dạy ta biết sự phải trái, dạy ta những quy luật luân lý muôn thuở của Thiên Chúa hay của Đạo. Ngoài ra, nếu ta không phân biệt chi ly giữa bản thể của tâm là lương tri với chính tâm, thì cả lương tâm lẫn lương tri đều có điểm chung là có thể bị che mờ do tư dục hay do tội lỗi.[19]

Và cuối cùng, điều tương đồng quan trọng nhất, đó là cả Vương Dương Minh lẫn Giáo lý Ki-tô giáo đều dạy ta phải thực hành theo những gì lương tri hay lương tâm dạy bảo ngay trong đời sống cụ thể hằng ngày; và rèn luyện để lương tri hay lương tâm luôn trong sáng. Quả vậy, với Vương Dương Minh, cách vật trí tri là gói gọn tất cả những gì thánh nhân cần làm để xóa bỏ dần những che mờ nơi bản tâm, hầu đạt được sự đồng nhất thể với trời đất vạn vật, tức hợp nhất với bản lai nguyên thủy của Đạo. Còn Giáo lý dạy ta phải biết lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa nơi tâm hồn và thi hành theo, để ta sống hợp nhất với Người.  Cả hai đều chứa đựng hệ quả mặc nhiên rằng “phẩm giá của nhân vị con người bao hàm và đòi hỏi sự ngay thẳng của lương tâm” (x. GLCG, số 1780).

 VII.      Kết Luận

 Vương Dương Minh đã đem lại nền tảng siêu hình cho tư tưởng Nho gia qua kiến giải của ông về sách Đại học, trong đó có “cách vật trí tri”. Ta có thể tóm gọn kiến giải về cách vật trí tri của ông như sau: nhân tâm cũng chính là bản tâm của Trời. Mỗi con người đều có chung một bản tâm trong căn bản. Bản thể của tâm đó chính là lương tri. Lương tri là cái minh linh sáng láng; là cái cho ta biết một cách trực nhiên và hồn nhiên về bản chất phải trái của mỗi “vật”-mọi điều liên quan và thuộc về đời sống con người. Cách vật trí tri chính là việc, trong đời sống hằng ngày, ta thuận theo những gì lương tri chỉ bảo để “chính việc”-làm cho “vật” được ngay chính như nó là. Đó chính là sự tu dưỡng để ta xóa bỏ những ngăn trở của bản tâm do tư dục, hầu đạt đến sự hợp nhất thể với Trời và muôn vật.

Với ý nghĩa như thế, Vương Dương Minh đã trực tiếp kêu gọi lương tri của mọi người, đòi hỏi họ phải có trách nhiệm đạo đức cá nhân trong đời sống: làm lành, lánh dữ. Khi đem ý nghĩa của kiến giải này so sánh với việc “sống theo lương tâm” trong luân lý Ki-tô giáo, trước hết ta sẽ nhận ra ngay những dị biệt nhất định. Tuy nhiên, điều làm chúng ta ngỡ ngàng chính là những nét tương đồng giữa hai bên (trong đó bên này thuộc tư tưởng Phương Đông hoàn toàn xa lạ với Giáo lý Ki-tô giáo mà thời đó vẫn bị gán là thuộc Phương Tây). Phải chăng đó là một trong những semina Verbi-hạt giống của Ngôi Lời mà Thiên Chúa đã gieo vãi nơi truyền thống của dân tộc này, như lời của Công đồng Vatican II (1962-1965), trong tuyên ngôn về “Thái độ của Giáo hội đối với các tôn giáo bạn ngoài Kitô giáo”: “Giáo hội Công giáo không loại bỏ những điều chân lý hay những điều thánh thiện từ trong các tôn giáo khác”[20]?

Qua đây, người viết nhận ra rằng, nơi truyền thống văn hóa của dân tộc vĩ đại này (Trung hoa), còn rất nhiều điều mà người Ki-tô hữu ngày nay cần khám phá và đào sâu, để việc đối thoại với các tôn giáo và văn hóa khác không chỉ dừng ở việc “đối thoại”, mà là một tinh thần tìm kiếm chân lý đích thực mà Thiên Chúa đã gieo vào thế giới này, đúng như tinh thần của Công Đồng Vaticano II.

Hơn nữa, với bản thân, trong tư cách là một Giê-su hữu, điều này còn trở nên thái độ sống đối với tinh thần của Dòng. Quả thật, trong những Tổng hội gần đây của Dòng Tên, sứ mạng cho Trung Quốc đã trở thành một trong những ưu tiên của sứ mạng toàn cầu. Tổng hội 35 nêu rõ, “chúng ta muốn tiếp tục đối thoại cách tôn trọng đối với dân tộc này, với ý thức rằng, Trung Quốc là chìa khóa quan trọng đối với hòa bình thế giới; và quốc gia này chứa đựng một tiềm năng lớn lao trong việc làm giàu truyền thống đức tin chúng ta.”[21]

Ước gì sự ngỡ ngàng của chúng ta, mà tôi đề cập phía trên, là một ngỡ ngàng của lòng tôn kính và ca ngợi trước vẻ đẹp và quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua tri thức nhân loại!

 

Antôn Trần Khắc Bá sj, học viên Triết II 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Phùng Hữu Lan, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc-Tập II: Thời Đại Kinh Học, người dịch: Lê Anh Minh, Nxb. Khoa Học Xã Hội, năm xuất bản 2007.
  2. Phùng Hữu Lan, Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, bản dịch của Nguyễn Văn Dương, NXB. Thanh Niên, 1999.
  3. Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung  Quốc, quyển I, NXB. Thanh Niên, 2004.
  4. Đoàn Trung Còn, Tứ Thơ Đại Học Trung Dung, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1996.
  1. Webster’s Third New International Dictionary, Merriam-Webster Inc., Springfield, Massachusetts, U.S.A., 1961.
  2. Immanuel Kant, Phê Phán Lý Tính Thực Hành, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB. Tri Thức, Hà Nội, 2007.
  3. Millard J. Erickson, Thần Học Cơ Đốc Giáo- tập I, bản dịch Việt ngữ của Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam, NXB. Văn Hóa Thông Tin, 2003.
  4. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1992.
  5. 9.      Thánh Công Đồng  Chung Vaticano II.
  6. 10.  Tổng Hội Dòng Tên 35.

 

Từ Internet:

http://vi.wikipedia.org/

http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/



[1] Triều Minh là triều đại tiếp nối sau Triều Mông Cổ (Nhà Nguyên-[1280-1367]), sau này triều Minh bị lật đổ và thay thế bởi triều Thanh (1644-1911).

[2] x. Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung  Quốc, quyển I, NXB. Thanh Niên, 2004, tr. 130.

[3] Tham khảo tại: http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C6%B0%C6%A1ng_D%C6%B0%C6%A1ng_Minh

[4] x. Đoàn Trung Còn, Tứ Thơ Đại Học Trung Dung, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1996, tr. 3.

[6] x. Phùng Hữu Lan, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc-Tập II: Thời Đại Kinh Học, người dịch: Lê Anh Minh, Nxb. Khoa Học Xã Hội, năm xuất bản 2007, tr. 634.

[7] x. Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung  Quốc- Quyển I, NXB. Thanh Niên, 2004, tr. 128.

[8] Thực ra, nếu nhìn từ góc độ này để nói rằng Chu Hi tách Lý và Tâm làm hai, như Vương Dương Minh đã phê bình, là chưa xác đáng! Quà thực Chu Hi đã tách biệt Tâm và Lý, nhưng điều này chỉ thể hiện rõ từ vũ trụ quan của ông như chúng tôi đã phân tích trong phần “Điểm Căn Bản Của Hai Học Phái”.

[9] x. Phùng Hữu Lan, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc- Tập II: Thời Đại Kinh Học, op.cit., tr. 663.

[10] x. Phùng Hữu Lan, Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, bản dịch của Nguyễn Văn Dương, NXB. Thanh Niên, 1999, tr. 307-310.

[11] x. Phùng Hữu Lan, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, op.cit., tr. 663.

[12] Đây chính là ý nghĩa cốt lõi của thuyết “tri hành hợp nhất”.

[13] Tuy nhiên, về sau những người kế tục ông lại hiểu sai và cho rằng, lương tri vẫn có thể chỉ ra cả phương pháp hành động. Xin tham khảo thêm điểm này tại Phùng Hữu Lan, op., cit., tr. 313.

[14] Webster’s Third New International Dictionary, Merriam-Webster Inc., Springfield, Massachusetts, U.S.A., 1961.

[15] x. Immanuel Kant, Phê Phán Lý Tính Thực Hành, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB. Tri Thức, Hà Nội, 2007, tr. 12. (xem phần chú thích của người dịch).

[16] Trong toàn bộ phần này, để rút gọn, tôi sẽ gọi “lương tri theo quan niệm của Vương Dương Minh” bằng hai chữ “lương tri”, còn “lương tâm theo quan niệm Ki-tô giáo” là “lương tâm

[17] x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1992, số 1777-1778. (từ đây, chúng tôi sẽ ghi tắt thành GLCG)

[18] x. Millard J. Erickson, Thần Học Cơ Đốc Giáo- tập I, bản dịch Việt ngữ của Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam, NXB. Văn Hóa Thông Tin, 2003, tr. 16.

[19] Thực ra, theo Vương Dương Minh, chỉ có tâm là bị che mờ, còn bản thể tâm-lương tri- thì luôn sáng rõ. Điều này tương tự như khi nói rằng, chỉ có lương tâm bị mù quáng, còn tiếng nói của Thiên Chúa thì luôn chân thật

[20] Thánh Công Đồng  Chung Vaticano II, Nostra Aetate, s. 2.

[21] Tổng Hội Dòng Tên 35, Nq. 3, s. 39.

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *