Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là một sự chiến thắng, tại sao?

jesuscrossChiến thắng của Đức Giêsu chính là cây thập giá. Chẳng phải khi chết trên cây thập giá, Đức Giêsu đã thất bại sao. Con không hiểu ý này. Xin giải thích cho con.

Chào bạn,

Câu hỏi của bạn là một câu hỏi rất rộng. Đã không biết bao nhiêu đầu óc của các bậc vĩ nhân suy tư và cảm nghiệm về điều này, được ghi chép lại trong hằng hà sa số quyển sách. Chúng tôi không có tham vọng trình bày hết vì bản chân chúng tôi cũng không đủ khả năng. Dưới đây, chúng tôi chỉ xin chia sẻ một vài ý nhỏ, vừa cố gắng giải đáp phần nào thắc mắc của bạn, vừa như một tâm tình giúp chúng ta sống mầu nhiệm thập giá thật ý nghĩa.

Hình phạt đóng đinh vào cây thập giá là một hình phạt ghê rợn nhất mà người La Mã thời xưa áp dụng cho các tử tù. Họ bắt tử tù vác cây thập giá ra ngoài thành, lột sạch quần áo rồi đóng đinh người tử tù vào cây thập giá ấy, sau đó dựng đứng cây thập giá lên. Như thế, người tử tù sẽ không chết ngay lập tức, nhưng bị cái đau hành hạ, cộng với việc phải chịu sự tủi nhục khi bị người khác phỉ báng, chịu xấu hổ vì bị trần truồng. Sức nặng của cơ thể làm cho tử tù có xu hướng rơi xuống đất. Người tử tù cố gắng dùng lực ở chân để giữ cơ thể. Nhưng càng cố gắng, họ càng cảm thấy đau, đến khi phổi bị chèn, không thể hô hấp được, họ chết đi một cách từ từ như một con thú, không còn nhân phẩm, không còn hình thù.

Bởi thế, người ta thường gán cho cây thập giá những gì mình không thích, những gì mang lại đau đớn, mất mát, thiệt thòi, tủi nhục, hy sinh. Chắc chắn là chẳng ai trong chúng ta, với đầu óc minh mẫn, bình thường, và không có lý do gì, lại muốn mang lấy những thập giá kiểu như thế. Đó là bởi vì, cứ theo lẽ tự nhiên, con người nào cũng thích được ăn sung mặc sướng, thích hưởng vinh quang, được người khác ca tụng.

Suy rộng ra, chúng ta có rất nhiều cây thập giá phải vác trong cuộc đời tại thế này. Đó là những điều khiến ta không ưng, điều ta không vừa ý, điều gì đó xảy đến với ta nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Ta luôn có thập giá bên mình là vì con người chúng ta hữu hạn, không hoàn hảo. Chúng ta là loài thụ tạo. Bởi thế, ta phải vác thập giá là vì ta không tránh được nó. Ta chịu đau đớn, mất mát, tủi nhục, phần lớn là do ta không thể làm gì được để thoát khỏi nó, ta không có đủ quyền năng để chiến thắng nó. Chứ nếu có thể vượt qua được nó thì chẳng dại gì ta rước nó vào thân. Là xu hướng tự nhiên của ta khi ta tránh được nó càng xa càng tốt.

Khác với chúng ta, Đức Giêsu đã chấp nhận vác thập giá không phải vì Ngài bất lực trước nó. Thập giá cuộc đời Ngài không chỉ là cây gỗ Ngài vác đi để chịu đóng đinh trên đồi ở tận cuối hành trình dương gian, nhưng còn là phận người, là đói, là khát, là cái nghèo, cái rét, cái xua trừ… Là một Thiên Chúa, Ngôi Lời vốn dĩ tự đủ, và không có gì gọi là khiếm khuyết. Nhưng Ngài đã tự nguyện trở nên một con người, đón nhận vào mình tất cả những gì làm nên một con người, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Cách đặc biệt, khi đứng trước cái chết trên thập giá, Ngài thừa khả năng để vượt qua nó, nhưng Ngài đã không làm. Khi những đau đớn và sợ hãi xảy đến trong Ngài, Ngài vẫn có xu hướng muốn né tránh nó để mình được an toàn, không chịu đau đớn, không gánh lấy thiệt hại gì. Nhưng Ngài đã không làm thế.

Vui lòng vác cây thập giá, Ngài đã giữ lòng trung tín đến cùng với Chúa Cha, điều mà Adam, Eva và hết thảy loài người chúng ta đã không làm được. Trước thập giá, ta luôn bỏ chạy, chối từ, buông xuôi, bỏ cuộc. Trong cuộc chiến với cám dỗ và thử thách, ta luôn là kẻ bại trận. Nhưng Đức Giêsu thì không như thế. Ngài đón nhận thập giá vốn là cái mà bản tính tự nhiên trong Ngài không thích. Ngài chiến thắng được cái ích kỷ nhỏ nhen của mình. Ngài chiến thắng được cám dỗ muốn Ngài buông xuôi và tìm kiếm một con đường dễ dàng hơn, thoải mái hơn. Đức Giêsu, người đáng lẽ không phải chịu đau khổ nào, lại vui lòng đón nhận nó với một sự tự nguyện, đã trở thành người chiến thắng như thế.

Chính nhờ mẫu gương Giêsu chiếu sáng mà mầu nhiệm thập giá, từ một cớ vấp phạm, đã trở thành một cơ hội để con người chúng ta được hiến thánh. Người ta cứ khó là than, đau là kêu, thiệt thòi là trách, mỏi mệt là kể khổ. Nhưng người nào có thể vui lòng đón nhận hết tất cả những khó khăn thử thách mà cuộc đời gửi tới với một lòng trung thực, vẫn sống trong tình mến, chính trực, hiên ngang, không làm gì hỗ thẹn với lương tâm và với trời đất, không ta thán kêu ca gì, ấy phải là người vô cùng mạnh mẽ và hưởng nhờ niềm vui chiến thắng mà Đức Giêsu mang đến. Và đây cũng là bí quyết của hạnh phúc, rằng ta vượt qua được mọi vấn đề không phải nhờ việc than thân trách phận, nhưng đón nhận nó với một thái độ an nhiên rồi nhờ đó mà từ từ tìm ra giải pháp.

Nếu Đức Giêsu đã không dám đón nhận cây thập giá, là cuộc thương khó và cái chết khổ nhục của Ngài, thì Ngài cũng là kẻ thất bại như tất cả chúng ta, cũng tầm thường như mọi con người, những người chỉ biết tìm kiếm sự thoải mái cho bản thân. Nếu Ngài vì sợ đau, sợ chết mà dùng phép lạ để thoát thân, thì Ngài cũng nhỏ mọn và hèn kém như một tên tiểu tử không có chút gì gọi là nghĩa khí. Nhưng với cây thánh giá, Ngài mở ra một con đường mới, nơi đó, Ngài là người dẫn đầu với cành vạn tuế chiến thắng hiển vinh. Ta thấy trên cây thập giá một sự chiến thắng của một tình yêu vĩ đại dành cho Cha và cho con người. Nơi nào có tình yêu, nơi đó có chiến thắng. Đức Giêsu đã chiến thắng trên thập giá, vì trên cây thập giá ấy đã hiện hữu một Tình Yêu đích thực.

Thân chúc bạn ngày càng chìm sâu hơn trong mầu nhiệm thập giá của Đức Giêsu, đặc biệt trong mùa Chay này, để nhờ đó mà được phục sinh vinh hiển như Ngài.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Để trẻ em được là trẻ em lâu hơn

Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện …

Hướng dẫn trẻ nhỏ khám phá sức mạnh chữa lành từ lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu

Tôi biết một người mẹ có hai con trai nhỏ thường xuyên cãi nhau. Một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *