“Cái Không”

fill

Sự thiếu hiểu biết và thiếu cảm thông thường để lại một “khoảng cách” rất lớn hoặc một “vết thương” giữa con người với con người hay trong con người. Khoảng cách ấy, vết thương ấy chỉ được nối liền và chữa lành khi con người hiểu biết, cảm thông và chia sẻ tình yêu thương với nhau. Trong mỗi con người cũng luôn có một sự bất hoà từ sâu thẳm bên trong, cái gây ra sự bất hoà ấy được Aristotle gọi là những “cái không” (Emptiness), những cái thiếu trong con người. Con người chỉ cảm thấy được hạnh phúc khi tất cả những “cái không” ấy được lấp đầy.[1] Những “cái không” ấy có thật sự là nguyên nhân gây lên mối bất hoà trong con người hay không? Bài viết này đưa ra một cái nhìn về những “cái không” ấy khởi đi từ quan điểm của Aristotle.

Khởi đi từ những vấn đề thực tế mà con người có thể cảm nhận được bằng giác quan, Aristotle đưa ra lý thuyết về con người gồm các thành phần: thể lý (body), giác quan (sensation), lý trí (rationality), và tâm linh (spirituality). Thể lý là con người sinh học bao gồm các hệ thống trong cơ thể con người (hệ thần kinh, bài tiết, hô hấp,…) nó được nuôi dưỡng và lớn lên mỗi ngày; giác quan là thành phần đem đến những cảm giác, cảm nhận, ham muốn; lý trí là sự ý thức, sự hiểu biết; và tâm linh là những cái siêu việt (transcendence-nghĩa là những cái liên quan đến với con người nhưng vượt ra khỏi sự hiểu biết của con người).[2]

Theo Aristotle, tất cả những thành phần này đều có những “cái không” hay còn thiếu, chính nó tạo nên sự hỗn độn trong con người. Bởi vậy, nguyên nhân sự hỗn độn là do những “cái không” gây ra, ví dụ như các vấn đề cờ bạc, hút sách, nghiện ngập,… Quả thế, những “cái không” ấy là xấu vì nó làm cho con người bị tha hoá, độc ác, xấu xa. Đồng thời, con người luôn có một khát khao để khoả lấp những cái thiếu trong mình để tìm kiếm hạnh phúc. Chỉ khi tất cả những “cái không” được lấp đầy thì họ mới có hạnh phúc.[3] Thế nên, con người sẽ mãi không có được hạnh phúc thật, bởi lẽ là thân phận con người thì luôn còn có một khát khao hướng thượng.

Đó là quan điểm của Aristotle về “cái không”, để hiểu đúng hơn về “cái không” ấy, chúng ta bắt đầu với bản tính tự nhiên của con người. Phần lớn người ta cho rằng bản tính tự nhiên của con người là tốt “nhân tri sơ tính bản thiện”[4]. Ví như bản chất tự nhiên của cây là mọc hướng thẳng lên trời, nó chỉ bị cong hay hướng đi nơi khác khi nó bị sự tác động từ bên ngoài, môi trường; bản chất của nước là luôn chảy xuống chỗ thấp trừ khi có một tác động khác bắt nó phải chảy ngược lại. (Mạnh Tử 6:2) [5] Cũng vậy, bản chất tự nhiên của con người là tốt, con người chỉ bị tha hoá, bị xấu đi khi họ bị tác động xấu từ môi trường. Thêm vào đó, sự tự do thuộc về bản chất của con người, nên tự do tự bản chất là theo sự thiện (tốt). Ví như để tự do nước sẽ rơi xuống theo phương thẳng đứng với mặt đất, nhưng nó sẽ bị lệch hướng đi khi nó bị một tác động lệch hướng từ bên ngoài. Thế nên, tự do là tốt, là đúng hướng. Vì vậy, chọn lựa trong tự do đích thực sẽ luôn là một chọn lựa tốt.

Chúng ta sẽ trở lại, sự tự do chọn lựa sau, giờ đây tiếp tục với cha Kavanaugh, S.J., ngài nói rằng con người là “embodied Awareness of Awareness”[6], nghĩa là một cơ thể có ý thức về mình đang ý thức. Việc ý thức được sự khát khao về tình cảm, các mối tương quan xã hội, tâm cảm, tâm linh… là bước đầu tiên để nhận diện được một con người. Khi ý thức được việc bản thân đang ý thức về những “cái không” ấy thì họ thực sự là con người. Quả thật, những ai không có hay từ chối những sự khát khao, hay những “cái không” trên thì họ thực sự bớt đi phần người. Nói như thế không có nghĩa là loại trừ những người bị những thử thách về trí não, hay một số phần khác của thân thể. Sự thực, trong họ vẫn có một khả thể về điều đó, chỉ khác là họ bị thử thách về nó mà thôi. Giả như con người không có nhu cầu ăn uống và họ không ăn uống gì, chắc chắn họ sẽ chết và trở về với cát bụi, lúc đó họ không còn là người đúng nghĩa nữa. Chính vì thế, chỉ khi tất cả những nhu cầu, những “cái không” của họ còn đó thì họ thực sự là người hơn. Nói cách khác, chính nhờ những “cái không” trong con người mà người ta xác định được một con người trọn vẹn. Tuy nhiên, để xác định những “cái không” của con người là không đơn giản, bởi vì có những nhu cầu ảo mà người ta tưởng là những “cái không” nơi con người. Chính những nhu cầu ảo nó phá hoại và làm hỗn loạn con người. Vấn đề đặt ra lúc này, đâu là những “cái không” của con người, cái làm cho con người trở thành người? Đâu là những nhu cầu ảo, cái làm cho con người mất người? Chính sự tự do nội tâm là câu trả lời đẹp nhất vì khi có tự do nội tâm sẽ tự do lựa chọn theo bản tính thiện tự nhiên của con người. Chính sự tự do ấy giúp con người đạt đến bản tính thiện tự nhiên như dòng nước tự do nó rơi từ trên xuống theo phương thẳng đứng.

Sự tự tự do chọn lựa giúp con người nhận biết “cái không”, cái làm lên con người; cũng chính “cái không” ấy làm cho con người thực hiện đúng chức năng là một con người. Một cách ẩn dụ về cái ly, nhìn bên ngoài, người ta có thể nhận ra hình dạng của một cái ly dùng cho việc đựng nước, tuy nhiên nếu như nó là một cái ly đặc đầy thuỷ tinh, thì nó trở thành một cái ly vô dụng vì nó không thể đựng được một chút nước nào. Như vậy, để cái ly thực hiện được đúng chức năng của nó là đựng nước thì nó phải cần có một khoảng trống ở bên trong nó. Thế nên, chính cái khoảng trống bên trong lại làm cho cái bên ngoài có ý nghĩa. Cũng vậy, cần có những cái “cái không” của con người nó để thực hiện chức năng của con người. Chẳng hạn con người cần “cái không” của mũi (lỗ mũi) hay của miệng để hít thở, nhờ đó con người mới có thể sống và phát triển như một con người. Nếu như mũi mà không có lỗ mũi thì cái mũi trở nên vô dụng, như vậy con người không có những cái “cái không” ấy thì sẽ mất đi chức năng của một con người. Vì thế, những “cái không” giúp xác định giá trị cho những cái bên ngoài. Nói cách khác, “cái không” định giá trị cho cái có.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cái không thiện dùng để xác định giá trị cho cái thiện trong con người hay sao? Thực ra, cái thiện giúp người ta nhận ra cái thiếu thiện nơi con người của mình để từ đó giúp họ tìm kiếm cái thiện cho đến khi được tròn đầy trong sự thiện. Chẳng hạn như phía bên ngoài của cái ly giúp xác định khoảng trống bên trong của ly, từ đó sử dụng nó để có đựng nước cho phù hợp. Ngược lại chính nhờ cái thiếu thiện mà người ta mới đi tìm kiếm cái thiện. Vậy, giá trị của những “cái không” giúp con người nhận biết cái thiếu của mình từ đó tìm cách để khoả lấp nó và nhờ vậy con người được hạnh phúc.

Tựu trung, sự khát khao khoả lấp những “cái không” là đặc tính của con người. Những “cái không” ấy tự nó không gây lên xáo trộn trong con người, nhưng chính nó giúp xác định giá trị và ý nghĩa của mỗi con người. Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi những “cái không” ấy được lấp đầy. Những “cái không” nơi con người chỉ được lấp đầy bằng sự tự do chọn lựa cách thức thực hiện nghĩa là tự do chọn lựa theo bản tính thiện tự nhiên của con người. Cũng vậy, điều quan trọng là nhận ra và phân định đâu là những “cái không” để lấp đầy; đâu là những nhu cầu ảo để từ bỏ nó. Để có sự nhận biết đó, con người phải trở về với bản tính thiện tự nhiên, từ bỏ mọi quyến luyến lệch lạc. Bắt đầu bằng việc đặt mình trước sự Thiện và trong sự Thiện.

Đaminh Nguyễn Văn Thế, S.J.

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên

[1] Aristotle, NICOMACHEAN, Prentice Hall Inc., 1999, pp. 14-29

[2] Louis P. Pojman, WHO ARE WE?, Oxford, 2006, pp. 56-70

[3] X. Louis P. Pojman, WHO ARE WE?, pp. 56-70

[4] Ian.P. McGreal, Những Tư Tưởng Gia Vĩ Đại Phương Đông, Phạm Khải dịch, NXB. Lao Động, 2005, tr.219

[5] Edmun Ryden, Nho Giáo Đạo Thuỷ, Học Viện Dòng Tên – Thủ Đức, 2014, tr. 20-23

[6] John F. Kavanaugh, S.J., WHO COUNT AS PERSONS?, Georgetown University Press, 2001, pp. 53-56

Kiểm tra tương tự

Hỡi các bậc phụ huynh, thánh Tôma Aquinô sẽ giúp bạn vượt qua những năm tháng mệt mỏi

Thánh Tôma Aquinô hiểu sự hiện hữu như một quá trình năng động chuyển từ …

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *