Căn cước tâm linh và thể lý

  

                                         Hoành sơn

Sức mạnh và sự thống trị của cái Tôi

Đứa bé vừa sinh ra đã quy hết về mình. Nó sán mẹ chỉ vì nó cần mẹ và nguồn sữa mẹ: nó coi mẹ như sự nối dài của thân thể nó. Tuy nguồn sữa mẹ đủ cho cả nó lẫn đứa em cùng bú với nó (nếu có). Nhưng, như chính thánh giáo phụ Augustinô tận mắt nhìn thấy, mặt nó xanh mét lại vì ghen tức với em nó. Đó chỉ vì đứa bé rất ích kỷ, không thích chia sẻ với bất kỳ ai.

Sự vị kỷ ấy thống trị ngay từ ấu thơ, và có thể biến dạng thánh tật Tự kỷ, hay bệnh tâm thần Say điên chính mình.

Tự kỷ (autismus) là sự rối loạn trong phát triển tâm lý của đứa bé, sự rối loạn ấy liến hệ đến mối tương quan với tha nhân, được biểu hiện bằng khép kín, không dễ cười với người khác.

Say điên chính mình (narcissismus) lấy từ tên Narcisse  thuộc huyền thoại Hy lạp, người chỉ mê mệt với hình ảnh mình phản chiếu ở đáy giếng nước, đến nỗi gieo mình xuống ôm lấy và chết đuối luôn. Bệnh Narcissismus là bệnh của kẻ chỉ say yêu được mình thôi, chỉ tôn thờ mình và ngỡ ngàng trước những ưu điểm của mình, cũng như uất ức khi người khác không coi trọng mình như thế.

Sự vị kỷ bẩm sinh rồi sẽ thống trị con người suốt đời, để từ đó biết bao ganh ghét, giận dữ và tội lỗi xảy ra, cùng với những khốn khổ do tham, sân như Đức Phật nhận định. Vâng, người ta không thể cảm nhận gì mà không quy về mình, không thể làm gì mà không làm vì mình, dù trong yêu thương cũng vậy, như thánh hiền Yajnavalkya nói trong Áo nghĩa thư như sau:

-“Không phải vì chồng mà người ta yêu chồng, nhưng vì mình (âtman) mà chồng trở thành đáng yêu. Không phải vì vợ mà vợ được yêu, nhưng vì mình (âtman) mà người ta yêu vợ. Không phải vì con mà người ta yêu con, nhưng người ta yêu con là vì mình đó thôi…” (BrihadAranyaka-Upanisad, IV.5-6).

Thật ra, thì người ta yêu nhau vì cả mình lẫn đối phương nữa, nhưng Vì mình thường chiếm phần quan trọng nhất. Này nhé, mẹ yêu con chỉ vì nó là con mình, chứ dì ghẻ đâu có thương nổi con chồng. Hay chàng Hùng yêu cô Lan chỉ vì sắc đẹp của cô Lan làm anh mê mẩn, muốn chiếm lấy cho riệng mình thôi.

*

Cái Tôi mạnh như thế, nhưng cái Tôi ấy là gì, là thiêng liêng hay là thân xác này đây?

Áo nghĩa thư cho rằng cái Tôi hay Âtman là thiêng liêng, mà chỉ vì sai lầm, người ta mới đem gán nó vô thân thể, khiến cho khi thân xác ăn, ngủ, nhìn, ngửi, thì người ta nói : Tôi ngủ, Tôi ăn, Tôi ngửi, Tôi nhìn. Thực ra, cũng theo Áo nghĩa thư, thân xác cùng với căn (giác năng) chỉ là  công cụ cho cái Tôi nó giác nghiệm thế giới, thế thôi! (BÂU.III.8.11). Thế nhưng người phàm nói chung, vốn nghiêng về lạc thú giác cảm, nên mới đặt âtman vào ngũ căn (giác năng để nghe, ngửi,v.v…) và coi trọng lục trần (thanh, hương, vị,v.v…).

Thật ra, sinh học ngày nay cũng khám phá thấy căn cước (identity) một người thể hiện khá rõ nơi thân thể người ấy.

Căn cước sinh học

Căn cước (identity) là cái nó biểu hiện mỗi người thành riêng biệt, không thể lẫn với người khác. Căn cước có thể tìm ngay trên thân xác con người.

Quả thế, người ta dễ nhận ra nhau qua gương mặt, giọng nói,v.v…, nhất là ở vân tay, khiến cho ở cuối mỗi bản hợp đồng, đương sự vừa phải ký tên vô, vừa phải điểm chỉ nữa. Căn cước ấy còn nằm sâu hơn gấp bội, ở hệ gen của một người.

căn cước do ánh mắt– Căn cước này khá tinh vi, nên khó nhận thấy. Dẫu sao, thì ánh mắt vẫn rất đặc biệt do cấu trúc rất phức tạp và đa dạng của cả mống mắt (iris) lẫn võng mạc (rétine). Mống mắt hợp thành bời muôn vàn những ống nhỏ hơn sợi tóc, chúng quấn vấn lấy nhau nên một mô típ riêng nó tô mầu cho mắt. Phức tạp và đa dạng đến nỗi, ngay nơi một người, mống mắt trái đã khác mống mắt phải rồi. Còn võng mạc nó nằm ở trong cùng và tiếp nhận ánh sáng chiếu vô, võng mạc ấy cũng do chi chít những mạch máu li ti chúng đan thành một thứ bản đồ mà mô típ là riêng biệt cho con người ấy.

căn cước do giọng nói– Thế giới có bảy tỷ người, thì cũng có bảy tỷ giọng nói với thanh sắc khác nhau. Giọng nói phát ra do sự rung động của những dây thanh quản khi không khí đi qua, sẽ uốn theo vòm miệng bên trong và vành môi bên ngoài. Nên tuỳ dây thanh quản, vòm miệng rộng hẹp, vành môi cấn chỉ hay ngoác rộng mang tai, mà giọng nói thành thanh tao hay ồm ồm, âm sắc thành the thé hay trầm đục, rất là đa dạng, nên không có gì giống nhau giữa giọng người này với của người kia.

căn cước do mùi người– Biết bao nhiêu tế bào, mô và cơ quan phức tạp hợp kết thành cơ thể mỗi người. Những cơ thể ấy lại ăn uống khác nhau, tiêu hoá, tuần hoàn và bài tiết khác nhau, để rồi mùi  của mồ hôi từ các hạch mồ hôi tiết ra càng rất khác nhau, khiến đứa bé sơ sinh, quen mùi mẹ rồi, thấy ai bế nó mà thấy mùi lạ thì nó nhận ra ngay và khóc oà lên.

căn cước do vân tay– Đây là những rãnh ngang dọc vạch trên da ngón tay, được hình thành dần từ trong lòng mẹ cho đến tuổi thơ ấu. Những rãnh cùng với mấu nối vẽ thành một mô hình quá phức tạp, đến nỗi dù giữa anh em song sinh mô hình ấy cũng rất khác nhau.

căn cước ở gen–  Trong mỗi tế bào, có một cái nhân làm thành bởi 23 cặp nhiễm sắc thể (trong đó có một cặp về giới tính). Mỗi nhiễm sắc thể được kết thành bởi nhiều ngàn DNA. Mỗi DNA lại do 30 tỷ cặp nucleotide, và mỗi nucleotide là sự kết hợp của hai base, để rồi mỗi cặp base lại do 2 trong 4 yếu tố làm nên, 4 yếu tố ấy là A (Ademine), G (Guanine), C (Cytosine) và T (Thyamine). Phức tạp như thế đấy, đến nỗi ngay khả năng hai DNA y hệt  nhau chỉ là 1/43000000000, tức gần bằng số 0 vậy. Nói chi đến cả hệ thống gen của một người!

Lại còn hệ thần kinh trung ương nó điều hoà sinh hoạt của toàn bộ các cơ quan, các mô, các tế bào, và thống nhất những hoạt động ấy vì lợi ích riêng của cơ thể, khiến mỗi người thành một cá thể. Dẫu sao, tính cá thể ấy là đăc điểm chung cho mọi sinh vật, nhất là động vật, như chúng ta thấy rõ nơi con bò, con chó. Thế nhưng những động vật này hoạt động do bản năng sinh tồn hay truyền sinh đưa đẩy : chúng bị động, chứ không chủ động! Chỉ riêng con người mới có thể cưỡng lại sự thúc đẩy của bản năng để hành động tự mỉnh, hành động đúng ý nghĩa của hành động. Nói cách khác, nó là chủ, là chủ thể (subject) của hành động, để rồi, với giang sơn riêng bên trong là tâm hồn, với ý thức hồi phản về  chính mình, nó xướng lên được tiếng Tôi : Tôi biết, tôi nghĩ suy, tôi quyết định, tôi làm.

Vì cái Tôi có thể hành động không theo sự đưa đẩy của bản năng thân xác, nên nó được xướng lên không từ căn cước thể lý, nhưng tâm linh.

Căn cước tâm linh

Nói đến tâm linh là nói đến cả Tâm lẫn Linh (spirit, spiriual). Ở Tâm, con người có Biết và Cảm cùng với Quyết định.

Về nhận thức, thì con chó, con mèo cũng có trực giác giác tính (intuition sensible), nhờ đó nó biết mình và những vật khả giác xung quanh để có phản ứng thích hợp. Trực giác ấy sẽ để lại trong ký ức những mô tượng do kinh nghiệm nghe, nhìn, ngửi thấy, để rồi lắm lúc những mô tượng ấy được chiếu lại trong tưởng tượng. Ngoài ra, do nhiều lần bắt gặp những con chó cụ thể, ký ức con mèo sẽ xoá bỏ những đặc điểm riêng như hình dạng lớn bé của con chó này, mầu vàng hay đen, trắng của con chó kia, để chỉ giữ  lại những nét chung thuộc loại chó thôi, nhờ đó lần sau, hễ thấy chó thì nó bỏ chạy, bằng như thấy chuột thì nó vồ ngay.

Hơn mèo hay chuột, chó, con người từ mô tượng chung chung nói trên, có thể trừu tượng (abstrahere) thành những ý tưởng (idea) : ý tưởng bò, chó, rồi tổng quát hơn nữa, ý tưởng động vật, sinh vật,v.v…, để từ những kinh nghiệm và kiến thức ấy tiến dần đến khoa học về sự sống. Thực ra, khoa học không chỉ dựa vào kinh nghiệm, mà còn phải dựa vào suy tư với sự trợ giúp của tưởng tượng sáng tạo nữa.

Quả thực, nhờ suy luận mà từ cái đã biết người ta vượt tới những gì  chưa biết, thậm chí từ kinh nghiệm giác  tính vươt tới những gì siêu giác, từ những gì cụ thể vượt tới cái tổngquát, như giống loại, hệ thống, quy luật. Hơn thế, từ những hữu thể bất toàn và tương đối, nó có thể vượt tới xác quyết về một Hiện hữu siêu việt và tuyệt đối.

Trong Tâm, ngoài tri thức lý tính (rationnelle, do raison), còn có tình cảm nữa.

Cây cối, như cây hướng dương cũng có cảm nhận về ánh sáng. Hơn thảo mộc, con vật còn cảm lại về cảm nhận giác tính thành cảm xúc và tình cảm như thích, ghét, sướng, khổ. Con người cũng có những cảm xúc và tình cảm như con vật, nhưng hơn con vật, nó biết đánh giá tình cảm nào là cao đẹp và vị tha, tình cảm nào là hạ trọc hay ti tiện, nhờ có ý thức về thiện ác.

Nhờ ý thức luân lý cũng như nhờ khả năng cưỡng lại bản năng thuộc thân xác để sống xứng phẩm giá con người, nên không thể phủ nhận nơi con người một căn cước thiêng liêng. Con người đúng là Chủ, là Chủ thể của hành động, của cuộc sống. Nó là Chính mình, từ đó xướng lên được tiếng Tôi, để chỉ riêng mình nó ở bên trong, còn những sự vật khác được đẩy ra bên ngoài thành Đối tượng, khách vật (object).

Thế còn thân xác, nó thuộc phạm vi chủ thể hay đối tương, đối vật, khách thể đây, khi mà tôi phải ăn để sống, nhờ đó có thể tự do quyết định?

Cái Tôi với căn cước thể lý

Vì do cái Tôi mà có tham, sân và đau khổ, nên Phật giáo dậy phải Vong ngã để tránh khổ và giác ngộ. Có điều không còn cái Tôi thì tu luyện làm chi cho vất vả khi chẳng có ai (cái Tôi nào) để giác ngộ cả. Dẫu sao, niềm tin Vô ngã giúp con người bớt vị kỷ rất nhiều và vị tha trong Từ-bi-hỉ-xả.

Bà la môn giáo thì nghĩ khác : cái Tôi vẫn có đấy, nhưng cái Tôi (âtman) ấy thuần tuý thiêng liêng, là “Con chim không ăn” đứng nhìn “con chim ăn” là thân xác này.

Một cách thực tế, và đứng về mặt khoa học mà nói, sự thể hiện của cái Tôi, ít là trong cuộc sống này, không thể thiếu thân xác. Này nhé, ngay trong những hành vi chưa phải hành động, như tri thức và quyết định, hệ thần kinh đã phải nhộn lên rồi. Cũng vì cái Tôi vừa có thể cưỡng lại thúc bách của bản năng (thuộc thân xác), vừa không thể làm chủ (chủ thể) của hành động và cuộc sống mà không nhờ thân xác và uốn theo những quy luật sinh học, nên phải nhìn nhận nơi căn cước con người hai mặt thiêng liêng và xác thể.

Có điều, xem ra căn cước con người nghiêng về tâm linh hơn, khiến cho hoạt động của hệ thần kinh trung ương vừa tuân theo quy luật sinh học, vừa có gì như thanh thoáng, vươt  trên sự o ép của những quy luật ấy. Để thấy rõ điều này, hãy so sánh hoat động bộ não với hoạt động của một máy vi tính.

Ở máy vi tính, hoạt động phần mềm (phần chương trình) phải dựa và tuỳ thuộc hoàn toàn vào phần cứng là máy móc. Còn ở bộ não, chính các ký hiệu tư tưởng… chạy trên mạng lưới thần kinh, trong khi tạo ra hay làm mất đi những kết nối (synap) giữa một nơ ron với nhiều nơ ron khác (cho xung động thần kinh đi qua), cũng dệt lại phần nào mạng lưới thần kinh ấy, đồng thời xác định và ổn định dần trên đó chức năng của từng vùng, khiến cho J.P. Changeux phải nhận định:

-“Tổng thể di truyền cung cấp một mạng lưới (phần cứng) với đường nét còn lờ mờ, mà hoạt động sau đó (của phần mềm) sẽ vạch rõ (vạch thêm, vạch lại) những góc cạnh (thuộc phần cứng là hệ thần kinh)”.

Do đó, không thể không nhìn nhận cả hai mặt tâm linh và xác thể của con người, của căn cước con người! Thế nhưng căn cước tâm linh thì hoàn toàn riêng biệt cho mỗi người, khiến ông Trần Hùng vĩnh viễn là Trần Hùng, không có gì chung với những người khác. Trái lại, căn cước thể lý, dù uốn theo căn cước tâm linh để thành riêng biệt, nhưng sự riêng biệt ấy không hoàn hảo, dù cả trong DNA cũng vậy, khiến cho khoa học có thể thay đổi một phần hệ gen một người, mà người này vẫn ý thức về mình là cái Tôi cũ và ý thức trách nhiệm về các hành động xưa kia của mình.

Vì con người còn có mặt tâm linh bên trên mặt thể lý, nên con ngươi không chỉ Là người, mà còn phải Làm người nữa, Làm người bằng cách đi con đường phải đi của cái Tôi.

Đường đi (Đạo) cho cái Tôi : Mở cửa

Để tránh quy hết về mình một cách quá đáng, từ đó sinh ra biết bao tham sân, ganh ghét và tội ác, con đường duy nhất cho con người đi là Mở cửa. Mở ra với người khác, đó chính là đạo đức, cũng là Đạo làm người vậy.

Để Làm Người, trước hết phải chu toàn những bổn phận đối với xã hội, tha nhân. Tiến xa hơn, để Làm Thánh, phải vì người mà quên mình, bỏ cái Tôi đi.

Con vật sống hoàn toàn thụ động, do bản năng sinh tồn đun đẩy mà tranh cướp miếng mồi, do bản năng truyền sinh thúc bách mà thoả mãn nhục dục thả cửa. Vâng, theo bản năng  con sói chỉ sống vì cá thể nó thôi. Nên không ai đưa ra toà một con sói dữ cả. Chứ con người, vì có tự do, nên cũng có bổn phận đối với tha nhân và có trách hiệm về việc làm của mình. Do bản năng tâm linh là Hướng thiện bởi biết phân biệt thiện ác, con người phải sống đức hạnh, và đây cũng là biết hành động vì tha nhân nữa, chứ không thể chỉ biết có mình như cầm thú.

Chính Thiên Chúa, vì là Sự Thiện tuyệt đối, nên cũng là Mở ra và Mở sang hoàn hảo. Ngay trong khải mạc (mạc khải), Ngài không chỉ cho ta một hiểu biết về Ngài, mà CHO chính MÌNH (AUTO-DONATION), như Philippe Nouzille nói.

Như chúng ta biết, để hiểu vế mầu nhiệm MỘT THIÊN CHÚA BA NGÔI, các nhà thần học thường dựa vào Hữu luận để nhìn Thiên Chúa như một bản thể và ba bản vị. Cũng có người nhìn qua lăng kính Sự sống, cũng là Sinh sản (engendrer). Riêng tôi thích nhìn cùng mầu nhiệm cao vời ấy qua khái niệm Tình yêu theo thánh  Augustinô (De Trinitate, ch. XV), cũng là theo Nouzille qua ý tưởng Auto-donation.

Việc Trao ban chính mình ấy bắt đầu ở ngay chính Thiên Chúa trong mầu nhiệm Hiệp thông (Communion), hiệp thông này trọn vẹn đến nỗi Cha và Con chì là một Hiện hữu, và Tình yêu hỗ tương ấy cũng đặc sánh lại hoàn toàn nơi Chúa Thánh Thần, Ngài là Tình yêu, là Hiệp thông giữa Cha và Con.

Sự Yêu thương hay Trao ban chính mình này rồi sẽ thể hiện đầy đủ bên ngoài khi, vì yêu thương loài người ích kỷ và tội lỗi, Ngài cho Con giáng trần làm người và chịu chết để cứu chuộc, để nơi (trong) Chúa Kytô phục sinh chúng ta thành con Thiên Chúa trong ân sủng. Ân sủng, đó là sự Sủng ái (kharizô) của Ngài trong sâu thẳm hồn ta, sự sủng ái ấy biến ta thành Đáng yêu (kharis, ân sủng) theo Karh Rahner. Mở ra vì loài người, qua Con Cha thành người, Thiên Chúa cũng dạy chúng ta con đường Mở ra và Mở hết, và đó là hy sinh mạng sống vì anh em.

 Sự Mở ra hoàn hảo của Thiên Chúa chính là Đức Ái viết hoa, nó làm nên bản tính của Ngài, khiến cho Thiên Chúa không chỉ yêu thương, mà Ngài là chính sự Yêu thương, như thánh Gioan được soi sáng đã thốt lên như thế :

-“Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Yêu thương (agapê)” (1Gio.4.8).

Đó là bề sâu và chiều cao của Đức Ái. Còn chiều rộng là mở toang 1800,  tức  mở ra với toàn loài người, chứ không phải chỉ với đồng bào và đồng đạo như trong Do thái giáo; thậm chí mở ra để yêu thương cả kẻ thù, kẻ làm hại tôi nữa. Yêu kẻ thù ư? Xem ra Lão giáo cũng đạt tới Đức Ái cao siêu ấy khi xướng lên trong Đạo đúc kinh ;”Dĩ đức bào oán”, nhưng đây là nói, còn thực hành thì dù Trang tử cũng không làm nổi. Còn Chúa Kytô, Ngài vừa dạy ta yêu kẻ thù, vừa chịu chết để cứu chuộc tất cả, cứu chuộc ngay cả những kẻ đóng đinh Ngài, khi trên thập tự Ngài đã xin Cha tha cho kẻ giết mình. Để rồi theo chân Chúa và nhờ Thân khí Chúa, các chứng nhân (martyr) hay tử đạo chính danh cũng làm được như vậy, bắt đầu là thánh Stêphanô (Công vụ 7.60).

Vì Thiên Chúa là Tình yêu, là Trao ban chính mình một cách trọn vẹn, nên con đường mà Thiên Chúa thành người  mang đến cho đệ tử là Nên một với nhau, là Yêu đến quên mình vì nhau. Bởi thế, khi môn đệ làm được như thế, họ sẽ chứng thực được rằng Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa được Cha sai đến (Gio.17.21,23).

Chính vì lý do đó, mà giữa thế giới duy vật trong lối sống hôm nay, sự hiến thân trọn đời của Mẹ Têrêsa Calcutta vì những người túng khổ, những người bị xã hội xa lánh hay một thân cô độc trong cơn hấp hối ở xó chợ, đầu đường, sự hy sinh ấy đã làm cho cả dân tộc Ấn độ không phân biệt tôn giáo hết mực kính ngưỡng, đến nỗi ngày Mẹ ly trần, Phủ Thủ tướng đã tuyên bố quốc tang; rồi khi Mẹ được phong thánh, cũng Phủ thủ tướng cùngvới hai thủ hiến tiểu bang đã cử phái đoàn sang Rôma dự lễ tấn phong ngày 4/9/2016. Chưa hết, nhân dịp này, trong hai cuộc họp khánh niệm, một bên Ấn độ, một bên Bangladesh, có cả đại diện của Ấn giáo và Hồi giáo tới dự để ca tụng công đức của người phụ nữ nhỏ thó ấy. Người Ấn độ bất phân tôn giáo đều yêu mến Mẹ Têrêsa đến thế, khiến cho một số người Ấn giáo quá khích phải phát khùng, và một kẻ đã đập vỡ một bức tượng thánh giá. Chính hành động cực đoan này lại tố giác ngược về lóng yêu kính của đại đa số dân chúng đối với Mẹ Têrêsa, môn đệ xứng danh của Chúa Kytô, con yêu của Chúa Cha mà bản tính là Yêu thương theo thánh Gioan, là Trao ban chính mình theo Nouzille.

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 2: Định vị lại chính mình

Giữa bối cảnh ơn gọi suy giảm ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ …

Suy Tư Tin Mừng CN 5PS: Anh em hãy sinh nhiều hoa trái

Bạn thân mến! Bạn có bất ngờ không, nếu Thiên Chúa ngỏ lời với bạn: …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *