Câu chuyện dòng sông Gio-đan và thánh Gioan Tẩy Giả

Chào các bạn,

Tôi là một dòng sông nhỏ nằm dọc theo thung lũng Gio-đan trải dài từ bắc xuống nam ở Israel. Giữa đồi núi sa mạc khô cằn dĩ nhiên tôi quá quan trọng cho sự sống của người dân nơi đây. Tôi không lãng mạn như dòng sông Seine bên Pháp, không đậm chất văn minh như dòng sông Nile bên Ai-cập, hay lừng lẫy chiến công như sông Bạch Đằng ở Việt Nam. Tuy vậy, tôi là một dòng sông nổi tiếng và linh thiêng, bởi tôi gắn liền với lịch sử của dân Thiên Chúa. Tôi chứng kiến quá nhiều biến cố dân Chúa trong Cựu ước. Hôm nay tôi muốn kể cho các bạn về một vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước là ông Gioan Tẩy Giả.

Ông ấy là con của bà Êlizabét và ông Dacaria vốn có họ hàng với Mẹ Maria. Ông ấy mở mắt chào đời trước Đức Giêsu sáu tháng. Sinh nhật và tuổi thơ của ông ấy gắn liền với vùng núi đồi ở Ein Karem, Giêrusalem. Là người dọn đường quan trọng cho Đức Giêsu, ông được cả bốn Tin Mừng ít nhiều nhắc đến. Nhất là trong Tin mừng Luca, tuổi thơ của ông được mô tả chi tiết hơn.

Gioan Tẩy Giả sống trong hoang địa cho tới ngày ra mắt dân Israel. Lúc đó ông ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Ông cũng thường lui tới với tôi để đi dạo dọc theo hai bờ sông của tôi. Mãi cho tới năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, ông nổi tiếng khắp vùng Giu-đê. Từ đó tôi cũng được nổi danh.

Thực vậy, là con sông quan trọng như tôi, dĩ nhiên dọc theo hai bờ sông có đông đảo dân chúng sinh sống. Họ trồng trọt, chăn nuôi và có cả hệ thống thương mại từ các vùng đổ về. Do đó, địa bàn rao giảng của ông Gioan là hai khu vực bờ sông tôi đây. Trong bối cảnh đó, tôi được chứng kiến mọi sự những gì liên hệ đến ông Gioan Tẩy Giả và chút ít về Đức Giêsu nữa.

Mỗi ngày tôi đều nghe ông ta rao giảng để kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng ăn năn sám hối, để được tha tội. Mấy năm trời, ông đã dìm rất nhiều người xuống lòng sông tôi đây để rửa tội cho họ. Dĩ nhiên tôi thừa biết phép rửa của ông khác xa với phép rửa của Đức Giêsu sau này. Tuy vậy, nước sông Gio-đan cũng hạnh phúc đóng góp vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đó là niềm vinh hạnh cho tôi.

Tôi nhớ lời rao giảng của ông hùng hồn quyết liệt lắm. Ông thôi thúc người ta hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng ông đòi người ta phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uấn cho thẳng và đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rao giảng như thế không phải ông là chuyên gia về thiết kế cầu đường giao thông. Ý ông ấy muốn người ta chuẩn bị tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ rồi.

Tôi thấy ông ấy thành công với lời rao giảng đi kèm với nghi thức rửa tội. Đám đông từ dọc hai bời sông đến thành Giêrusalem đều kéo đến xin ông làm phép rửa. Mỗi ngày ông mang nhiều người xuống lòng sông tôi đây để giúp người ta ăn ăn sám hối, chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Mêsia. Ngoài ra ông còn hướng dẫn dân chúng với những việc làm cụ thể: Ai có hai áo, thì chia cho người không có áo, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy. Đối với người thu thuế, ông khuyên người ta đừng đòi hỏi quá mức đã ấn định cho mình. Với binh lính thì đừng nên hà hiếp ai, đừng tống tiền người ta. Nói chung, ông muốn người ta hãy sống bác ái và tốt lành với tha nhân.

Là người nổi tiếng, tôi thấy nhiều người cứ lầm lẫn ông Gioan Tẩy Giả với Đấng Mêsia. Tuy nhiên, nhiều lần đứng bên bờ sông, ông minh thị với mọi người rằng ông không phải là Đấng Mêsia. Ông chỉ là kẻ dọn đường, là tiếng hô trong hoang địa. Ông nhìn xuống dòng sông tôi đây để nói thêm: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” Thú thực tôi cũng như nhiều người chẳng biết ông ấy đang nói về ai. Bởi trước giờ thiên hạ vẫn chờ đấng Mêsia đấy thôi!

Cho tới một ngày đẹp trời, khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng đến xin ông Gioan làm phép rửa cho mình. Dĩ nhiên ông ấy không chịu. Tôi thì mong ông đồng ý để tôi đây cũng được diễm phúc một lần trong đời được đụng chạm đến con người Giêsu. Do đó tôi háo hức đợi chờ. Ông Gioan nói chính ông ấy mới cần Giêsu làm phép rửa. Tôi ngơ ngác không hiểu, dân chúng trầm trồ thắc mắc ông Giêsu là ai mà ông Gioan lại nói thế. Lúc ấy tôi nghe được câu nói đầu tiên trong sứ vụ công khai của Đức Giêsu: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ đức công chính.” Nghe câu ấy xong, ông Gioan vâng lời chiều theo ý của Giêsu.

Thế là tôi thỏa lòng mong ước. Giêsu từ từ được dìm xuống lòng sông tôi đây. Dĩ nhiên tôi không rửa sạch tội cho Người, vì Người vô tội. Thay vào đó, tôi được góp phần vào khởi đầu sứ vụ công khai của Người. Vậy là Giêsu lúc này trải nghiệm thời khắc được nhúng mình dưới lòng sông như biết bao tội nhân khác. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, tôi cũng như dân chúng vô tay vui mừng. Mặt nước lúc này lấp lánh một hiện tượng lạ trên bầu trời khiến người dân xốn xang. Số là Đức Giêsu vừa dưới nước lên, các tầng trời mở ra. Thần Khí tựa chim bồ câu ngự trên Người. Tôi và mọi người hôm ấy nghe rõ mồn một có tiếng vọng từ trời xuống: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” Mọi người vẫn ngơ ngác không hiểu. Trời đã xế chiều, ai nấy về nhà mình với dòng suy tư thắc mắc: “Rồi ông Giêsu sẽ như thế nào đây?”

Sau ngày hôm đó, dòng sông tôi không còn chứng kiến người ta đến với tôi để chịu phép rửa nữa. Số là từ đây, ông Gioan phần đã hoàn tất sứ mạng Tiền Hô, phần vì ông bị Hêrôđê An-ti-pa bỏ tù. Cuộc sống yên ắng của Dòng sông Gio-đan được lập lại. Thi thoảng Đức Giêsu cũng lui tới dòng sông tôi đây. Đó là câu chuyện khác mà có dịp tôi sẽ kể cho bạn nghe về Đức Giêsu.

Giây phút này tôi cảm ơn ông Gioan Tẩy Giả là “nhân vật bản lề” của Cựu ước và Tân ước. Ông ấy là người bạn tốt của tôi. Ông ấy và con sông hiền hòa tôi đây là đôi bạn tri trỉ. Bởi đó mỗi lần người đời nhắc đến ông, tôi cũng được thơm lây. Ước mong có ngày tôi cũng được đón bạn đến với Dòng Sông nổi tiếng như tôi để sống lại những kỷ niệm ngày xưa: Một thời ông Gioan Tẩy Giả rao giảng về Đấng Mêsia.

Thân chào bạn,

Ký tên: Sông Gio-đan

Mừng lễ thánh Gioan Tẩy Giả, ngày 29 tháng 08

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 3: Mất trí và bị quỷ ám

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối từ phe …

Tham gia là một ơn gọi?

Tham gia vào giáo xứ không chỉ là trách nhiệm hay bổn phận, nhưng còn …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *