Cầu nguyện thế nào cho đúng?

Ai trong chúng ta cũng biết cầu nguyện là điều vô cùng cần thiết cho đời sống đức tin của mình. Đề tài về cầu nguyện đã làm hao tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các thánh và các tác giả thiêng liêng. Cứ nhắc đến việc vun đắp đời sống thiêng liêng là người ta nói ngay đến cầu nguyện. Các lý thuyết về cầu nguyện cũng như các phương pháp thực hành cầu nguyện lan tràn trong các bài giảng và các phương tiện đại chúng. Ấy vậy mà chưa bao giờ người ta thoả mãn cũng như hiểu rõ về nó. Các câu hỏi cứ lởn vởn trong tâm trí chúng ta là tại sao chúng ta cầu nguyện nhiều mà chẳng thấy hiệu quả bao nhiêu, liệu chúng ta có cầu nguyện đúng cách không, tại sao trong giờ cầu nguyện, chúng ta chẳng thấy Chúa đâu mà chỉ toàn là những lo ra, chia trí… Rốt cuộc, chúng ta cứ loay hoay mãi với vấn đề “thế nào là cầu nguyện”.

Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta là phải luôn cầu nguyện (Lc 18,1). Ngài đã là một mẫu gương hoàn hảo về cầu nguyện. Chúa Giêsu là một con người của cầu nguyện, đặc biệt trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của sứ mạng như khi lựa chọn các tông đồ, làm phép lạ hoá cánh ra nhiều, suốt bốn mươi ngày trong sa mạc, lúc chịu phép rửa, lúc biến hình… Ngài thường lánh riêng ra một nơi vắng (và chúng ta không biết Ngài làm gì lúc đó)… Có đôi khi Tin Mừng cho chúng ta biết một chút về nội dung lời cầu nguyện của Chúa Giêsu như tạ ơn và chúc tụng Cha, chúc lành cho người khác (trẻ em), cầu xin, kêu van… Ngài cũng dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha và nói với các ông là khi cầu nguyện đừng lải nhải như dân ngoại, chỉ cần thưa lên cùng Chúa Cha những lời này là được… Tuy nhiên, Ngài chẳng hề dạy cho họ phương pháp cầu nguyện, cũng không đề cập gì đến việc phải làm gì khi chia trí, dành bao nhiêu thời gian để cầu nguyện, sử dụng tài liệu nào …

Khi giải thích về cầu nguyện, các vị thánh cũng đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau. Theo Gregorio Nisa, Juan Clímaco, Âutinh, cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Theo Toma Aquino hay Juan Demasceno, cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa. Với Origenes, cầu nguyện là nài xin Chúa. Với Bienaventura, cầu nguyện là có thái độ tâm tình hướng về Chúa. Với Teresa thành Avila, cầu nguyện là thắt chặt tình bạn với người mà chúng ta biết là yêu thương ta rất nhiều. Với Carlos de Foucauld, cầu nguyện là nghĩ đến Chúa bằng tấm lòng yêu mến Người… Và còn rất nhiều cách diễn tả khác. Chúng ta thoạt nghe có thể hiểu được điều mà các vị chân tu này biểu đạt, nhưng rồi vẫn phải thừa nhận rằng chẳng dễ để có thể thủ đắc được kinh nghiệm về cầu nguyện như các ngài. Các thánh vốn đã tiến xa trong đời sống thiêng liêng nên có thể dễ dàng gặp Chúa, thậm chí là hưởng kiến dung nhan và vinh quang Chúa trong khoảnh khắc thần bí, còn chúng ta thì vẫn còn phải mò mẫm những bước đi chập chững như trẻ con.

Thánh Phaolo quả thực rất có lý khi nói rằng chúng ta chẳng biết phải cầu nguyện thế nào cho phải (Rm 8,26). Các thánh dạy chúng ta sử dụng các quan năng của linh hồn là trí nhớ, trí hiểu, ý muốn để cầu nguyện, nhưng chúng ta chẳng biết chúng là cái gì, và sử dụng ra sao. Các thánh phân loại các kiểu cầu nguyện là chiêm niệm, suy niệm, suy xét, suy chiêm… nhưng với chúng ta, chúng dường như quá phức tạp để có thể áp dụng. Các thánh nói rằng cầu nguyện là dâng lời tạ ơn Chúa, nói chuyện với Chúa, tâm tình với Chúa… Chúng ta cũng làm như vậy nhưng đôi khi cũng có cảm giác là dường như mình chỉ đang tự kỷ với bản thân. Các phương pháp cầu nguyện nói đến việc “ý thức sự hiện diện của Chúa”, nhưng chúng ta chẳng biết phải ý thức thế nào, cố gắng lắm thì cũng chỉ được vài phút, rồi đầu óc cứ bay bổng ở nơi xa. Đôi khi chúng ta cố gắng kể với Chúa một chút việc tốt mình đã làm, nhưng rồi phân vân không biết có phải là đang kể công, khoe khoang với Chúa. Thỉnh thoảng chúng ta muốn xin Chúa điều này điều kia, nhưng lại sợ rằng làm như thế là yếu lòng tin, thiếu phó thác vào Chúa. Đôi lúc chúng ta xin lỗi Chúa vì những lỗi lầm trót phạm, chẳng qua cũng chỉ vì sợ hình phạt, chứ chẳng phải vì yêu mến và hướng trọn về Chúa… Rốt cuộc, cũng chỉ là quy về mình, chứ chẳng thấy Chúa đâu. Đúng thế, chúng ta chẳng biết phải cầu nguyện ra sao cho đúng ý Chúa!

Vào khoảng thế kỷ IV, có một phong trào xa lánh thế gian để vào sa mạc hay những nơi hoang vắng để tìm sự kết hiệp mật thiết với Chúa qua những việc hãm mình, khổ chế và cầu nguyện lâu giờ. Rất nhiều người tự cho rằng mình đã tu thành “chánh quả” nhờ các phương pháp tu luyện lạ đời. Đến khoảng thế kỷ XV-XVI, phong trào này lại tiếp tục nở rộ cách mạnh mẽ ở châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha. Khắp nơi, người ta hô hào một kiểu cầu nguyện chiêm niệm lâu giờ, gạt bỏ mọi tư tưởng để sống khoảnh khắc thiên đàng, chìm trong sự ngây ngất của tâm trí. Thánh Inhaxio Loyola đã sớm cảnh báo mối nguy của nó, rằng nó có thể sẽ dẫn người ta đến chỗ mơ mộng, tự lừa gạt chính mình, tưởng là gặp Chúa nhưng không phải. Cha Câmara từng kể rằng Inhaxio có lần đã nói với cha là 90/100 người cầu nguyện đều rơi vào ảo tưởng; nói xong, cha Câmara còn tỏ bày là cha không nhớ rõ là Inhaxio đã nói là 90 hay 99 người (FN I, 644-645).

Inhaxio không cho phép các tu sĩ dòng Tên bỏ nhiều giờ để cầu nguyện riêng, nhưng dạy họ phải luôn biết “tìm Chúa trong mọi sự”. Đừng hiểu nhầm là Inhaxio đánh giá thấp việc cầu nguyện riêng, hay chủ trương một kiểu “xuề xoà” trong các bổn phận thiêng liêng. Trái lại là đàng khác. Quyển Linh Thao mà ngài đã dành mấy chục năm để biên soạn không là gì khác hơn các phương pháp cầu nguyện cá nhân. Ai đã từng làm Linh Thao sẽ biết rằng Inhaxio rất đòi hỏi trong việc cầu nguyện. Người nào không thể gặp Chúa trong sự tĩnh lặng, riêng tư, với bầu khí thiêng liêng, thì còn lâu mới có thể thấy Chúa trong đời sống thường ngày với biết bao bận rộn, mệt nhọc. Việc Inhaxio không cho phép các tu sĩ dòng Tên cầu nguyện nhiều giờ là để giúp họ không hùa theo phong trào thái quá và mang tính hình thức của cầu nguyện, hay nói cách khác, là để giúp họ hiểu và sống đúng bản chất của cầu nguyện. Quả vậy, có lần cha Nadal đã vì những lời xin xỏ của các tu sĩ trẻ mà xin Inhaxio cho phép gia tăng giờ cầu nguyện, Inhaxio đã nổi giận với cha Nadal (MNad II, 32).

Với Inhaxio, không có một kiểu cầu nguyện đúng nghĩa nào mà tách người ta ra khỏi thực tại cuộc sống và bổn phận xây dựng Nước Trời với Chúa Giêsu. Sẽ là một sai lầm khi cho rằng mình có nhiều an ủi hay đụng chạm thiêng liêng, có được nhiều suy tư mới mẻ, thậm chí là xúc động, chảy nhiều nước mắt… là cầu nguyện tốt, và ngược lại. Từ kinh nghiệm của mình, Inhaxio cho rằng tất cả những điều này cần phải được phân định kỹ càng, bởi lẽ thần dữ cũng có thể làm phát sinh trong chúng ta những điều này như một chiến thuật của “tung hoả mù”, rồi dần dần lừa gạt chúng ta, dẫn chúng ta đi theo những mưu mô của nó vào một lúc nào đó. Điều quan trọng là chân nhận sự cao cả của Chúa và thừa nhận sự bất xứng của mình, chứ không phải mượn những danh từ mĩ miều như “nhờ ơn Chúa, tạ ơn Chúa…” để rồi phô trương những thành tích của mình, như thể đó là công lao của riêng mình, như người thu thuế mà Chúa Giêsu đã phê bình (x.Lc 18,9-14).

Quan trọng không phải là cầu nguyện nhiều hay ít giờ, ở nhà thờ hay nơi phố chợ, nhận được nhiều ơn an ủi hay khô khan… Kiểu cầu nguyện đích thực là phải giết chết cái tôi của mình. Cái tôi cứng đầu, kiêu ngạo, hống hách, bướng bỉnh, bất tuân, ngang tàng, bảo thủ, khinh chê người khác, tự hào về bản thân… Những cái tôi này là rào cản lớn nhất của đời sống thiêng liêng nói chung và của cầu nguyện nói riêng. Bởi thế, Inhaxio rất nhấn mạnh và đòi buộc thao viên thực hiện một cuộc hành hương ra khỏi chính mình, ra khỏi “lòng yêu mình, ham muốn và lợi ích riêng” (Lt 189), hệt như một cuộc xuất hành, để có thể thật sự tiến về miền đất hứa và gặp được Thiên Chúa. Quả vậy, dù là trong giờ cầu nguyện hay ngoài giờ cầu nguyện (trong cuộc sống thường ngày), không có sự hy sinh, bỏ mình vì tình yêu, thì cho dẫu có được những cảm xúc nồng cháy đến độ như thể được nâng lên các tầng trời và nói chuyện với các Thiên Thần, thì cũng chỉ là trò đùa nghịch của ma quỷ, chứ không phải cầu nguyện, là gặp gỡ Thiên Chúa.

Nhưng rốt cuộc thì phải cầu nguyện ra sao? Các thánh dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế nào? Đâu là tâm tình thật của cầu nguyện? Phải làm gì để không bị rơi vào ảo tưởng và trò lừa của ma quỷ? Chúng tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Sự khích lệ thánh thiện khi bạn cảm thấy muốn từ bỏ

“Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 14-09-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 14/09/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Tình yêu Thánh …