Cha Jose Vaz-Thánh truyền giáo gốc Cháu Á đầu tiên

Cha Jose Vaz (1651-1711)

edoardo-aldo-cerrato-beato-jose-vaz-oratorio-sri-lanka-h

Hoành Sơn S.J.

Trong nguyệt san CGvDT số tháng 2/2010, tôi đã viết về vị thánh hiển tu đầu tiên của Ấn Độ, cũng là của Á châu luôn: nữ tu Alphonsa. Cùng gốc Ấn Độ hồi ấy còn mấy chân phước khác : Euphrasia, Chavara, Kunjachan và Vaz. Mới đây hai vị trên đã được phong thánh ở Rôma ngày 23/11/2014. Riêng vị thứ tư là linh mục Jose Vaz được Đức Phan xi cô sang tận Sri Lanka là nơi cha đã hoạt động truyền giáo, để đưa cha lên bậc hiển thánh ngày 14/1/2015.

Gần giống Alphonsa, nữ tu Euphrasia (tên ngoài đời là Rosa : 1877-1952) đã nên thánh trong tật bệnh nó đeo đẳng chị suốt đời. Phải vất vả lắm, Rosa mới được bố cho đi tu. Đi tu rồi, lại suýt bị nhà dòng đuổi về vì quanh năm ốm yếu. Chẳng những khốn khổ vì bệnh, Euphrasia còn điêu đứng vì lời ra tiếng vào nữa. Chị đã chịu đựng tất cả với tâm hồn thanh thản, bởi được vác thánh giá chung với Chúa Giêsu. Chị còn sống trong trao đổi nội tâm thường hằng và mật thiết với Chúa nữa, khiến chị em trong dòng phải gọi chị là “Nhà tạm (tabernacle) di động”. Tuy bệnh tật và chuyên chăm cầu nguyện như thế, nhưng nếu thấy ai gặp cảnh khốn cùng, chị cũng hết lòng hết sức vì họ ngay.

Nếu nữ tu Euphrasia nên thánh trong khổ đau và nguyện cầu, thì linh mục Kuriakose Elias Chavara (1805-1871) lại nên thánh bằng cách giúp thánh hóa người khác, cũng như bằng những công cuộc từ thiện và giáo dục dành cho kẻ thấp hèn và túng quẫn. Cùng với hai linh mục khác, Chavara đã lập dòng CMI (Carmelites of Mary Immaculate), mà trong đó cha là tổng quyền thứ nhất. CMI là tu hội nam giới đầu tiên thuộc nghi tiết Syro-Malabar. Cho nữ giới, thì Chavara lập tu hội khác là CMC (Congregation of the Mother of Carmel). Cha Chavara cũng hăng say phổ biến phép lần hạt Mân côi, lập những nhà tế bần và viện dưỡng lão, xây trường học cho trẻ em thuộc tầng lớp mạt hạng của xã hội.

Riêng trong bài này, chúng tôi tập trung viết về cha Jose Vaz, bởi lẽ cha là vị thánh truyền giáo đầu tiên gốc Châu Á, với niềm hăng say tông đồ bất chấp gian nguy, có thể so sánh với nhà truyền giáo vĩ đại gốc Tây phương là thánh Phan sinh Xavier.

Giuse Vaz, cuộc đời trước truyền giáo

Jose (Giuse) Vaz (1651-1711) sinh tại Goa, truyền giáo ở Sri Lanka, được giáo dân ở đấy gọi một cách trìu mến là “Sammanasu svâmi”, tức Tôn sư thiên thần bởi sự đắm chìm trong cầu nguyện của cha. Riêng Đức (đã là Thánh) Gioan-Phaolô II, trong bài giảng phong chân phước cho cha, thì diễn tả cha như nhà trruyền giáo vĩ đại nhất mà thế giới thứ ba đã sản sinh được.

Để hiểu rõ về công trình và sự gian khổ lớn lao của nhà truyền giáo này, chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh khốn quẫn của người Công giáo Sri Lanka thời ấy.

Sri Lanka (xưa người Tây gọi là Ceylon, Tích lan) được thừa sai Bồ đào nha đến truyền giáo từ 1505 đến 1636, với tất cả 415 nhà thờ và nhà nguyện được xây dựng ở vùng ven biển. Miền đất ấy rồi sẽ bị Hà lan đánh chiếm vào năm 1637. Họ đưa Tin lành hệ phái Calvin du nhập, triệt hạ mọi thánh đường và trục xuất các linh mục, dọa giết nếu còn dám bén mảng tới nữa. Cùng lúc, họ bức bách giáo dân phải cải đạo sang Tin lành. Và họ cũng làm y như vậy khi họ đánh chiếm Mangalore (gần Goa) vào năm 1663.

Làm sao để giúp đỡ người Công giáo trong cơn bách hại và không người chăn dắt đây? Chỉ thừa sai nào can đảm lắm mới dám lén lút tới. Lại phải là người cùng mầu da (ngăm ngăm đen) mới không bị phát hiện, nhờ đó xâm nhập và làm việc âm thầm được. Và Thiên Chúa đã an bài cho Sri Lanka một tông đồ như thế : linh mục Jose Vaz.

                             *

Cậu bé Giuse Vaz sinh nấm 1651 từ một ông bố thuộc tập cấp brahmana (tế sư)[1] ở Goa, hồi ấy là thuộc địa của Bồ. Gia đình cậu là một gia đình Công giáo đạo hạnh.

Jose Vaz rất thông minh, học tu từ (rhetoric) và khoa học nhân văn tại một học viện Dòng Tên ở Goa, sau đó học triết học và thần học ở Viện Tôma Aquinô của dòng Đa minh. Sau khi thụ phong linh mục, cha Vaz sống như một người nghèo, đi chân đất và đeo xiềng “nô lệ Đức Mẹ” theo truyền thống thánh Grignion de Montfort. Ngay từ thời đó, cha đã được coi như một nhà giảng thuyết thánh thiện rồi.

Xảy ra khi ấy có sự chia rẽ giữa người Công giáo với nhau ở Kanara, một bên theo giám mục mới được Bộ truyền giáo bổ nhiệm, một bên theo giám mục bị thay thế nhưng không chịu vì dựa vào Padroado (Patronage), tức Quyền bảo trợ hay ủy nhiệm mà Tòa thánh trao cho vua Bồ đối với các lãnh thổ của đế quốc Bồ đào nha. Vì cuộc tranh chấp trở nên trầm trọng, nên cha Vaz, vốn được tiếng lành thánh và khôn ngoan, được phái đến dàn xếp. Bằng sự khiêm tốn và tài giao tiếp, cha trình bày cho hai phe thấy rõ cái xì căng đan lớn họ gây nên cho dân chúng xung quanh. Dần dà, rồi sự tranh chấp cũng lắng dịu lại.

Cũng trong thời gian này, từ 1681 đến 1684, cha ngược xuôi trong vùng để vực dậy lòng sùng đạo của giáo hữu; cha xây thêm trường học và nhà thờ, lập thêm những đoàn hội. Sự thánh thiện của cha, cùng với lòng hăng say tông đồ ấy. khiến người người kính ngưỡng cha, và nhiều phép lạ được gán cho cha, trong đó có một phép lạ liên quan đến mạng sống của cha.

Số là, một đêm kia, có mấy kẻ lạ mặt đến mời cha đi xức dầu cho một giáo dân hấp hối. Không ngần ngại, cha theo họ đi ngay. Và khi lên tới đỉnh một ngọn đồi, họ định ra tay giết cha. Bình tĩnh, cha quỳ xuống cầu nguyện. Lập tức, mấy kẻ nói đó thấy một luồng sáng chói mắt, và ngay chỗ cha quỳ có nước vọt lên. Hoảng sợ, họ bỏ chạy, và cha về nhà bằng an. Sau này, tại nơi ấy, người ta dựng một bàn thờ để ghi nhớ phép lạ, và hằng năm cả ngàn vạn người kéo đến hành hương để xin ơn.

                                 *

Trở về Goa năm 1684, cha tiếp tục giảng thuyết ở nhiều nơi, và gia nhập một nhóm linh mục muốn sống thành cộng đồng : họ họp thành một hội Oratorium[2] và bầu cha Vaz làm tổng quyền (provost) đầu tiên.

Dù nhiều tông vụ cần đến cha ở Goa, nhưng từ lâu Jose Vaz đã mong muốn tới giúp đỡ người Công giáo bị bách hại và không người chăn dắt ở Sri Lanka, do hoàn cảnh quá bi đát của họ. Cuối cùng, cha cũng từ chức tổng quyền được, và tìm cách xâm nhập vùng đất dữ ấy.

Sri Lanka và hoạt động truyền giáo của cha Vaz

Năm 1505, thừa sai Bồ tới truyền giáo ở vùng ven biển Sri Lanka. Sri Lanka hồi đó được gọi là Ceylon (Tích lan), với hai ngôn ngữ chính là tiếng Tích lan (Sinhalese) và tiếng Tamil.

Như đã nói trên, vùng ven biển Sri Lanka, trong đó có Colombo nay là thủ đô, đã được người Bồ truyền giáo. Nhưng hơn một thế kỷ sau, người Hà lan đến chiếm đóng đã đưa Tin lành hệ phái Calvin tới, đuổi các linh mục đi, triệt hạ các nhà thờ, và ép người Công giáo phải cải đạo. Do đó, từ rất lâu, những ai trung thành với đạo chỉ có thể giữ đạo chui, không bí tích, không mục tử, không một hành vi thờ phụng công khai nào.

Năm 1686, rời bỏ quê cha đất tổ, cha Jose Vaz giả làm ăn mày, vừa đi vừa xin ăn, và tự học tiếng Tamil nữa.

Và phải một năm sau, cha mới đặt chân tới được Sri Lanka trong tư thề một cu ly (coolie, phu khuân vác). Tới rồi, cha phải hoạt động rất bí mật, ngày ẩn trong rừng, chỉ ban đêm mới dám ra thăm giáo dân và làm các bí tích cho họ. Dần dà, rồi cha cũng tập họp được họ lại thành từng nhóm, đặt giáo lý viên đã được đào tạo đứng đầu mỗi nhóm để dạy dỗ và chăm sóc.

“Đi đêm mãi cũng có ngày gặp ma” : đúng đêm Giáng sinh năm 1689, khi cha đang làm lễ thì quân Hà lan ập vào. Họ đập phá tượng ảnh, bắt hết 300 người, cả đàn ông lẫn phụ nữ, hi vọng tóm cổ được linh mục chui trong số đó.

May mắn, cha kịp trốn thoát; nhưng giáo hữu thì bị tống lao và hành hạ. Riêng người đứng đầu nhóm bị xử tử, thêm bảy tân tòng lần lượt chết trong vòng một tháng vì bị đánh đập và bỏ đói.

                               *

Trốn khỏi nơi ấy, cha Vaz chạy thục mạng qua rừng tới vương quốc Kandy nằm sâu giữa đảo. Thế nhưng, thoát khỏi người Hà lan, ở Kandy cha lại bị tình nghi là gián điệp Bồ, và bị giam tù ba năm. Lợi dụng thời gian này, cha học tiếng Tích lan là ngôn ngữ của vương quốc, sẵn sàng để truyền giáo cho dân sở tại sau này.

May mắn là khi ấy xảy ra hạn hán, và quốc vương nhờ cha Vaz cầu mưa. Cha cầu Chúa, và lời cầu ứng nghiệm khi một cơn mưa lớn đổ xuống. Vua bèn ra lệnh thả cha ra, đồng thời cho phép cha phổ đạo và đưa thêm linh mục từ Goa tới. Và thế là cha Vaz có thêm được mấy anh em cùng hội Oratorium đến chung sức làm việc.

Năm 1697, có dịch đậu mùa. Các cha lao mình vào chăm sóc bệnh nhân, không phân biệt tín ngưỡng, và kết cục là một cha, cháu của cha Vaz, đã kiệt sức mà chết, dù nhà vua phái chính thầy thuốc riêng của mình đến cứu. Lòng bác ái hiếm có ấy khiến dân chúng cảm phục, và có nhiều người xin theo đạo.

Riêng cha Vaz vẫn chân không xuyên rừng lội suối, để thăm viếng và nưng đỡ tinh thần giáo dân. Cha làm việc suốt ngày, còn đêm thì dành phần lớn thời gian để cầu nguyện. Y như thánh Phan sinh Xavier vậy. Hèn nào mà người ta chẳng gọi ngài là “Tôn sư thiên thần”.

Đồng thời với việc mục vụ và trruyền giáo, cha Vaz cũng vận động bằng mọi cách để nhà cầm quyền Hà lan bãi bỏ lệnh cấm đạo Công giáo trên phần đất họ chiếm đóng. Cuối cùng rồi cha cũng thành công được một phần : Các linh mục hội Oratorium, và chỉ họ thôi, được phép hành đạo ở Sri Lanka!

Trong khi chờ đợi, cha cùng các đồng sự soạn sẵn sách giáo lý, sách kinh,v.v. bằng ngôn ngữ địa phương là Tamil và Tích lan, vào thời điểm mà Công giáo thế giới vẫn chỉ dùng tiếng la tinh trong phụng vụ. Cũng bằng hai ngôn ngữ nói trên, các cha sáng tác nhiều thánh ca, nhờ đó lòng sùng đạo được vực dậy, ăn sâu và phổ biến. Những tin tức tốt đẹp ấy rồi cũng đến tai Tòa thánh, nên Rôma muốn bổ nhiệm cha làm giám mục đại diện tông tòa đầu tiên của Sri Lanka, nhưng cha xin được từ chối, chỉ muốn tiếp tục làm một thừa sai bình thường.

Nhờ lòng can đảm và hăng say của cha Vaz, mà ngày nay Sri Lanka đã có tới hơn một triệu Công giáo, chiếm 7,5% dân số trên 17 triệu. Giáo hội Sri Lanka cũng thành vững mạnh và cắm rễ sâu trong nền văn hóa địa phương.

Cuối cùng, cha qua đời ngày 16-1-1711 sau 24 năm tận tụy vì sứ mệnh. Cha được xem như gương mẫu cho mọi thừa sai ở những vùng trời gian khổ nhất. Do đó, sau khi ngài qua đới, người ta nghĩ ngay đến việc vận động xin phong thánh cho ngài.

Tiến trình phong chân phước và phong thánh cho cha Jose Vaz

Tuy rằng tại Goa và Sri Lanka, ngay sinh thời cha Vaz, người ta đã coi ngài là một vị thánh rồi. Nhưng phải đợi gần ba thế kỷ sau, ngài mới được Đức Gioan Phaolo II sang Colombo phong chân phước năm 1995. Đó chỉ vị tiến trình vận động và điều tra gặp quá nhiều trắc trở, ngoài sự tiên liệu của con người.

Trước hết, tuy vị tổng giám mục Goa, mà hồi ấy giáo hội Sri Lanka còn lệ thuộc, đã quyết định bắt đầu tiến trình điều tra (informative) ngay hai năm sau khi cha Vaz ly trần. Nhưng bất thần Đức Cha qua đời. Thế là một cơ hội bị lỡ.

Thêm vào đấy, cần phải điều tra nơi chính cha Vaz làm việc là Sri Lanka, nhưng tại đó, hiện chỉ có các thừa sai Oratorium được phép ở và hoạt động thôi. Thế mà theo luật, thì Tòa án điều tra tư liệu thành văn (như thư từ ) và đời sống không thể có thành viên là những ai trong cùng hội tu với đương sự. Do đó người bên Sri Lanka chỉ có thể soạn viết cuốn tiểu sử cha Vaz, và thu thập các tư liệu.

Vị Tổng giám mục mới của Goa cũng vào cuộc bằng cách vận động xin Rôma bỏ qua khoản luật giới hạn nói trên, hầu các linh mục Oratorium tại chỗ có thể chính thức mở cuộc điều tra. Cuối cùng, bằng tự sắc ký ngày, 27/9/1742, Đức Bênedictô XIV đồng ý cho Tòa án được có những thành viên thuộc Oratorium, nhưng giới hạn cho việc điều tra bên ngoài Sri Lanka thôi. Rủi thay, trước khi tự sắc tới Goa, vị Tổng giám mục nói trên đã từ trần.

Trong klhi chờ đợi, một cuốn tiểu sử bằng tiếng Bồ được in ra :”Cuộc đời đấng đáng kính J. Vaz”. Tác phẩm này được liên tiếp tái bản nhiều lần, và được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác, khiến danh tiếng cha Vaz ngày càng vang xa.

Không may, những vị giám mục của Goa sau này lại không thích Jose Vaz vì cha không phải người da trắng, nên không muốn lập ủy ban điều tra. Thêm vào đấy, chính phủ lập hiến lên cầm quyền ở Bồ năm 1883 ra lệnh giải thể mọi tu hội và tịch thu tài sản các nhà dòng. Các nhà dòng ở Goa cũng chịu chung số phận. Bởi thế các tư liệu về cha Vaz cất trong văn khố Oratorium ở Goa bị lấy đi và chở về Bồ, để rồi bị phân tán trong nhiều thư viện tại đó.

Cuối cùng, phải đợi 200 năm sau khi cha Vaz qua đời, tiến trình điều tra mới được khởi động lại. Đây là nhờ công của Đức cha L.M. Zaleski người Ba lan, được bổ làm đại diện tông tòa ở Ấn Độ. Ngài quan tâm đến vụ việc, và do sự khuyến khích của ngài mà tiến trình điều tra được bắt đầu trở lại ở cả Goa lẫn Sri Lanka. Nhân dịp ấy, hàng giáo phẩm Sri Lanka cũng ra một thư luân lưu, nhắc nhở giáo sỹ và giáo dân phải ghi nhớ công ơn nhà truyền giáo vĩ đại trong dịp kỷ niệm Nhị bách chu niên ngày ly trần của ngài. Còn tại Goa, ở Sancoale, người ta xây một đền thánh lảm trung tâm phổ biến lòng sùng kính cha Jose Vaz, với sự hỗ trợ của Đức Thượng phụ Tổng giám mục Goa là Đức cha M. de Oliveira Xavier. Từ Sancoale, người ta cũng xuất bản một tạp chí nhị nguyệt san, mà số báo thứ tư tập trung vào Đấng đáng kính J. Vaz.

Cuối cùng, năm 1928, Đức Thượng phụ Tổng giám mục thiết lập ủy ban chuẩn bị cho tiến trình điều tra, để rồi người kế vị ngài sẽ lập tòa án điều tra chính thức năm 1934. Tòa án này hoàn thành công việc năm 1950 và gửi bản kết quả điều tra cùng với bản kết quả điều tra khác về non-cult (chưa có thờ kính) sang Rôma năm 1953. Cuối cùng, nhờ cuộc vận động thêm của Hội đồng giám mục Sri Lanka mà công việc tại Tòa thánh sớm hoàn tất, để rồi năm 1983, Đức Gioan Phaolo II chấp nhận (kết quả) tiến trình điều tra đức hạnh của cha Jose Vaz, và cha trở thành đấng đáng kính. Đến đây, chỉ còn chờ một phép lạ được công nhận để cha Vaz được phong chân phước.

Phép lạ được công nhận và việc tôn phong

Như đã nói trên, ngay sinh thời cha Vaz đã có nhiều đồn thổi về phép lạ nhờ sự ưu ái của Chúa đối với cha. Riêng phép lạ được công nhận trong tiến trình phong chân phước xảy ra mới đây vào năm 1938 cho hai mẹ con, mà con nay đã là linh mục : cha Cosme Jose Vaz Costa, SFX. Và sau đây là tóm lược câu chuyện do chính cha này kể và đăng trong tạp chí thần học Vvidyajyoti số tháng 12 năm 2014 :

Cosme Jose Vaz Costa, được gọi một cách thân thương là “Cậu bé phép lạ”, đã được cha mẹ nhận cha Vaz làm bổn mạng cho, nên cậu mới có tên phép rửa là Jose Vaz.

Tại sao thế?

Số là mẹ cậu rất hay băng huyết và sẩy thai. Người con đầu lòng của bà sinh non, và chỉ sống được sáu tiếng đồng hồ. Người con thứ hai cũng sinh non, khó sinh, nhưng may mắn sống sót. Tiếp đến ba người con khác chết trong bụng mẹ chỉ vào tháng thứ tư thôi.

Đau khổ và tuyệt vọng, cuối cùng nghe theo lời khuyên của một chị ruột, bà mẹ ấy đã chạy đến cầu xin cha Vaz ở chỗ hành hương Sancoale vào tháng ba năm 1938. Hai tháng sau, bà có thai, nhưng đến tháng thứ tư bà lại băng huyết dữ dội và được chở ngay vô bệnh viện. Theo chẩn đoán của các bác sỹ, sẩy thai là cái chắc!

Đau đớn, bà lại cầu khẩn cha Vaz, và việc sẩy thai đã không xảy ra. Bà được đưa về nhà, và bó buộc phải nằm yên trong phòng.

Sau một tháng, thấy trong mình khỏe khoắn hơn, bà bước xuống đi lại mấy vòng. Nhưng lập tức lại băng huyết, và bác sỹ được mời đến. Tình hình có vẻ ổn định lại, nhưng người ta cấm bà không được xuống khỏi giường.

Sau một tháng, thấy không sao cả, bà lại tìm cách ngồi dậy. Chân vừa chạm đất, bà băng huyết nữa, và đây là lần băng huyết thứ ba. Ông chồng bèn trói bà lại và cấp tốc chở đi cấp cứu. Bác sỹ giáo sư Aires D’Sa trưởng khoa đã nói không úp mở:

-“Tôi không thể cứu sống cả mẹ lẫn con. 99% là cả mẹ lẫn con đều chết. Chỉ 1% cơ may là cứu được một trong hai nếu cố gắng hết mình. Nên hãy chuẩn bị đi.”

Trong khi ấy, băng huyết vẫn tiếp tục.

Ngày 26/11/1938, tình trạng trở nên nguy kịch. Bác sỹ Aires quyết định mổ để cứu bà mẹ. Ông cho mời bác sỹ duy nhất có thể mổ thành công trong ca này : bác sỹ Rego ở bệnh viện Ribandar. Cuộc giải phẫu được ấn định vào ngày 28, bởi lẽ 27 là chủ nhật.

Khi ấy, nghe tình hình nghiêm trọng quá, cả năm chục bà con thân hữu đổ xô tới bệnh viện. Họ đặt tấm hình cha Vaz trên người bệnh nhân đang hôn mê, và hết thảy tha thiết nguyện cầu.

Đúng chủ nhật, trước ngày giải phẫu, đột nhiên người bệnh hồi tỉnh. Cũng bất ngờ băng huyết ngưng luôn trước sự ngỡ ngàng của các bác sỹ. Và thế là cùng lúc một bé trai sinh ra, lại chỉ có một chân ra trước, sinh sau bảy tháng trong thai, không cần giải phẫu chi cả : một chú nhóc, nhỏ như một chó frog, cân nặng chỉ có 1100gr thôi. Chính bác sỹ Aires cũng phải bàng hoàng thốt nên :”Cha Vaz đã làm một phép lạ lớn, và cứu sống bà ta.”

Cha đã cứu sống cả mẹ lẫn con. Con thì, khi cha Vaz được phong thánh mấy chục năm sau, đã có mặt trong lễ tôn phong. Còn mẹ thì sống tới 94 tuổi.

Ngay đêm cậu nhỏ snh ra, vì có lo ngại tử vong, nên cô điều dưỡng làm phép rửa gấp tại bệnh viện, để rồi hai tháng sau tại giáo đường mới diễn ra nghi thức phép rửa bổ túc. Tại nghi lễ này, gia đình đã chọn cha Vaz làm bổn mạng cho đứa nhỏ.

Mừng rỡ, cha đứa nhỏ chạy vội đến Sancoale đăng tin phép lạ trong tạp chí Veneravel Pe. Jose Vas số tháng 12 năm 1938.

Theo yêu cầu của Thánh bộ xét phong thánh, hội đồng năm bác sỹ giải phẫu, ngày 28/10/1992, đã khẳng định như sau :

-“Việc bất thần ngưng băng huyết cách hoàn hảo, tiếp theo là việc chân ra trước của đứa trẻ sinh non nhưng sống sót, sự kiện ấy không thể lý giải bằng khoa học”.

Sau khi đã hỏi ý kiến các nhà thần học cùng hồng y và giám mục của Thánh bộ, ngày 6/7/1993, Đức Gioan Phaolô II công bố đây quả thực là phép lạ, để rồi ngày 21/1/1995, Ngài đích thân tới Colombo phong chân phước cho “nhà truyền giáo vĩ đại nhất mà thế giới thứ ba đã sản sinh”, như Đức Thánh Cha diễn tả trong bài giảng hôm ấy của Ngài.

                           *

Chỉ nhờ sự chuyển cầu của cha Vaz, mà cả hai mẹ con cùng sống sót, lại sống lâu nữa, dù chỉ có 1% cơ may cứu sống được một trong hai nếu dùng mọi phương thế có thể. Đúng là một phép lạ lớn, một ơn sâu. Do đó dù gắn bó với con trai, bà mẹ đã sẵn lòng dâng con cho Chúa. Và “cậu bé phép lạ” ấy đã thành linh mục, được đích thân dụ lễ phong chân phước và phong thánh của người mà mình mang tên phép rửa.

Cuộc phong thánh diễn ra 20 năm sau phong chân phước, cũng tại thủ đô Sri Lanka là Colombo. Lần này thì Đức Thánh Cha Phanxico bỏ qua phép lạ thứ hai sau khi các hồng y và giám mục thuộc Thánh bộ bỏ phiếu chấp nhận việc phong thánh nhà truyền giáo gốc Á châu Jose Vaz. Cũng chíqh Đức Phanxicô đã đưa cha Vaz lên bậc hiển thánh ngày 14/1/2015 vừa qua tại Colombo.

Một cái nhìn để tổng kết

Châu Á đã tiếp nhận Tin mừng từ các thừa sai đến từ Phương Tây. Dân Châu Á cũng đã sống chết với Tin mừng một cách dũng cảm, do đó cống hiến rất nhiều tử đạo.

Dẫu sao, Công giáo tại đây chỉ mới chiếm khoảng 3% dân số, lại chưa có hiển tu, trừ mấy người bên Ấn. Phải chăng vì văn minh Nam Á và Đông Á quá khác biệt với Âu Mỹ, nên Kytô giáo từ đó truyền tới đã không ăn sâu được vào tâm hồn phương đông, khi mà nhiều công cuộc hội nhập văn hóa, như của Matteo Ricci và Di Nobili, đã thất bại.

Một mình Ấn Độ đã có thánh hiển tu : bốn thánh và một chân phước. Ắt hẳn vì Ấn Độ là một trong hai cái nôi tôn giáo của thế giới, vì Ấn Độ có một truyền thống tu hành sớm nhất, những phương cách tu luyện thâm sâu nhất, và người dân Ấn nổi tiếng sùng đạo. Đó cũng vì Công giáo Ấn phần lớn được giữ lại nghi tiết Syro-Malabar, vừa đông phương vừa rất thoáng, cho phép hội nhập vào tập tục địa phương như trong cưới hỏi và ma chay.

Riêng cha Vaz, không những hiển tu, cha còn là nhà truyền giáo vĩ đại, vừa hăng say hành động như người Tây phương, vừa liều thân vì anh em như các tông đồ thời đầu, vừa thoát tục và sống nội tâm sâu lắng như một tu sỹ bỏ đời samnyasin của Ấn.

 

 

[1] Người Ấn thuộc về một trong 4 tập cấp chính, mà tập cấp brahmana là tập cấp đầu. Tập cấp l;à giai cấp cha truyền con nối.

[2] Oratorium đầu tiên do thánh Philippe Neri lập bên Ý. Oratorium là Hội các linh mục.

Kiểm tra tương tự

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Vinh quang vĩnh cửu

Bạn thân mến, Chúng ta đã trải qua Tuần Thánh với những ngày đỉnh cao …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *