Thánh Alberto Hurtado, S.J là Giêsu hữu đầu tiên sinh trong thế kỷ XX được Hội Thánh tôn vinh. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước cho ngài vào ngày 16.10.1994 tại Rôma, và 11 năm sau đó, vào ngày 23.10.2005, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tuyên phong ngài lên bậc hiển thánh. Đối với cha Alberto Hurtado, ‘đời sống linh mục là đời sống Đức Kitô nối dài. Ước nguyện căn bản của linh mục là mỗi ngày được sống gần Chúa Giêsu hơn, để hiến thân cho anh em trọn vẹn hơn và hiệu quả hơn’ (trích phần giới thiệu về thánh Alberto Hurtado trong “Phụng Vụ Dòng Tên”). Bài báo sau đây, được in trong tạp chí “Linh đạo Inhã” [Review of Ignatian Sprituality, number. 108/2005], trước khi chân phước Alberto Hurtado được tuyên thánh, tìm hiểu về một trong những khía cạnh của đời sống nội tâm và thiêng liêng của cha Alberto Hurtado: việc đồng hành thiêng liêng trong đời sống của một Giêsu hữu.
CHA ALBERTO HURTADO, S.J VÀ VIỆC LINH HƯỚNG
Cha Alberto Hurtado, S.J (1901 – 1952), người sẽ sớm được tuyên thánh, là một trong những gương mặt nổi bật nhất trong lịch sử Giáo Hội Chilê. Ngài là một tông đồ và là một ngôn sứ. Đồng thời, ngài cũng là một nhà huấn luyện giỏi, đặc biệt chủ yếu bằng hướng dẫn thiêng liêng. Những trang sau đây nhằm tìm hiểu khía cạnh này trong cuộc đời của ngài.
Ngài là ai?
Alberto Hurtado sinh vào ngay đầu thế kỷ 20 trong một gia đình Chilê quý tộc nhưng lâm cảnh nghèo khó. Ngài mất cha khi mới lên bốn, và một vài năm sau, ngài phải sống với mẹ và các em trai, và với họ hàng. Ngài học tại trường Colegio San Ignacio ở Santago, và tốt nghiệp vào năm 1917. Năm 1923, ngài nhận bằng luật sư của trường Universidad Católica.
Cũng năm ấy, ngài vào Dòng Tên. Ngài thụ huấn ở Chilê, Argentina, Tây Ban Nha và Bỉ. Ngài hoàn thành chương trình thần học tại Louvain, và thời gian đó, ngài lấy học vị tiến sĩ về giáo dục. Tại đây, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 24 tháng 8 năm 1933.
Ngài trở lại đất nước Chilê vào năm 1936, và chỉ 16 năm trong thừa tác vụ linh mục, cho đến lúc qua đời năm 1952, ngài đã để lại một dấu ấn khó phai ngang qua các hoạt động loan báo Tin Mừng và thăng tiến nhân bản. Ngài là một nhà huấn luyện giới trẻ, giám đốc của Hiệp hội Thánh Mẫu, giáo sư tôn giáo của trường Colegio San Ignacio, giáo sư về giáo dục học của trường Universidad Catolíca, giáo sư tại chủng viện Santiago; một người cổ vũ cho Linh Thao, một cố vấn toàn quốc của Công giáo Tiến hành, người sáng lập Hogar de Cristo, một tổ chức bác ái, cho đến nay vẫn là một trong những kiểu mẫu quan trọng cho quốc gia; người lập ra Hiệp hội Công nhân, người cổ vũ cho ơn gọi; tác giả của nhiều loại sách và bài báo khác nhau; người sáng lập tạp chí Mensaje…
Trong tất cả những nỗ lực này, ngài cho thấy một sự gần gũi mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, và một lòng nhiệt thành vô bờ bến trong việc phục vụ anh chị em, đặc biệt những người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Ngài là một tông đồ rao giảng tình yêu của Thiên Chúa, và là một ngôn sứ, người lên án những bất công trên thế giới.
Ngài qua đời ngày 18 tháng 8 năm 1952. Để vinh danh ngài, ngày 18 tháng 8 hằng năm đã được luật định là Ngày Đoàn Kết (Solidarity Day). Trong những dịp khác, quốc hội Chilê đã vinh danh ngài khi họp phiên họp toàn thể.
Ngài được tuyên chân phước vào ngày 16 tháng 10 năm 1994 bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Năm 2004, một sắc lệnh đã được ký, công nhận đặc tính phép lạ của một sự kiện ngoại thường xảy ra nhờ sự can thiệp của ngài, như vậy, đây là một bước trên hành trình phong thánh sắp đến cho ngài, vào Chúa nhật ngày 23 tháng 10 năm 2005.
Kinh nghiệm của Alberto Hurtado về việc linh hướng
“Kinh nghiệm cha Alberto Hurtado đã có khi được đồng hành bởi những người khác trong đường lối của Thiên Chúa đã giúp cho ngài, khi đến lượt mình, trở thành một người linh hướng khôn ngoan cho những người khác.”
Khi cha Alberto Hurtado xuất bản cuốn sách của ngài – cuốn Sindicalismo, historia – teoría – practica. [tạm dịch Những Liên đoàn lao động, Lịch sử – Lý thuyết – Thực hành] vào năm 1950, ngài đã đề tặng cuốn sách cho cha Fernando Vives, S.J (1871 – 1953). Nói về cha Vives, cha Hurtado viết rằng, ngài là “một người mà tôi đã mắc nợ thiên chức linh mục và ơn gọi tông đồ xã hội của tôi.” Cha Vives là một tông đồ vĩ đại, là một nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào công nhân Công giáo vào những thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Cha Vives là cha linh hướng của Alberto suốt trong những thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời Alberto. Khi còn là một thanh niên, ý định trở thành Giêsu hữu đã bắt đầu lớn lên mạnh mẽ trong con người của Alberto. Lúc đó, Alberto bắt đầu đi với một nhóm bạn đến với những người nghèo nói tiếng Tây Ban Nha ở khu vực ngoại ô Santiago, để dạy giáo lý và để làm việc trong một thư viện ở đó. Kinh nghiệm này ghi dấu đậm nét trong lòng Alberto. Cha Vives đã giúp cho Alberto chuyển hóa kinh nghiệm gặp gỡ với những người bị gạt ra bên lề xã hội này thành một kinh nghiệm của đời tu.
Cha cũng chỉ ra những cách thức để Alberto lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa. Nhất trí với bạn thân của Alberto, cha Manuel Larraín, giám mục tương lai của Talca, và là người lập ra Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh (viết tắt là CELAM), chúng ta có thể nhận xét rằng, dù là một người trẻ tuổi, Alberto đã sớm trưởng thành trong đời sống tôn giáo. Khi chỉ mới 16 tuổi, ngài viết: “Chỉ khi nào bạn suy ngẫm về cuộc đời của Chúa chúng ta, bạn mới có thể cảm nếm được bạn đang lớn lên đối với những điều thuộc về tôn giáo.” (s63y04)[1] “Bạn sẽ thấy điều tôi nói là đúng, rằng bạn sẽ được giúp ích rất nhiều nếu bạn rước lễ thường xuyên” (s63y02).
Trong những thư của ngài, người ta có thể khám phá ra rằng Alberto đã thiết tha đi tìm con đường Chúa chọn cho cuộc đời ngài như thế nào. Ngài chắc chắn một điều, rằng một người sẽ tìm thấy bình an lớn lao khi “người đó đã làm mọi sự có thể để tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa.” (s63y02). Ngài giới thiệu cho bạn bè của ngài phương pháp của thánh Inhã về việc phân biệt các nhân đức ngang qua việc xét mình (s63y04), và việc phân định ơn gọi ngang qua việc khảo sát tỉ mỉ những lý do thuận và nghịch của mỗi khuynh hướng (s63y02). Thật dễ dàng để thấy rằng ngài đã học tất cả những điều này từ cha Vives.
Chúng ta cũng có thể thấy dấu ấn của vị thầy của Alberto trong những nỗ lực của Alberto để phát triển hết mức có thể những khả năng của mình. Một ví dụ cho điều này đó là thành tích học tập của ngài tại trường Colegio San Ignacio. Khi còn là một cậu bé, Alberto đã nhận một vài phần thưởng cho kết quả học tập của ngài; một chi tiết đáng lưu ý, đó là ngài chưa bao giờ được xếp hạng đầu trong những lớp học đạo. Tuy nhiên, khi ngài trở thành học trò của cha Vives, trong năm học cuối cùng của ngài (1917), ngài đã nhận một phần thưởng cho thành tích học tập từ trước đến nay, được khen ngợi về tất cả các môn học, và lần đầu tiên trong cuộc đời, ngài nhận được ký tự “S”, là dấu hiệu của một sinh viên ưu tú.
Cha Vives đã phải rời đất nước không lâu sau khi Alberto hoàn thành chương trình học thứ hai của ngài. Lúc ấy, Alberto đã đau khổ rất nhiều, không chỉ vì sự quyến luyến cá nhân giữa thầy và trò, nhưng cũng bởi vì Alberto cần đến lời khuyên dạy của thầy. Ngài cũng rất buồn vì đã không thể nào làm cho quyết định trở thành Giêsu hữu của mình thành sự thực. Hoàn cảnh kinh tế của gia đình ngài rất bấp bênh, và ngài cảm thấy có trách nhiệm vì sự tương lai an toàn của gia đình mình.
Tiếp sau đó, ngài đã xin cha Damián Symon, SS. CC (1882 -1963), đồng hành với ngài trong hành trình thiêng liêng. Trong khi cầu xin Chúa điều Chúa ao ước cho mình, Alberto đã dấn thân rất nghiêm túc trong việc học. Luận án cử nhân của ngài đạt điểm xuất sắc, cả những đề tài về pháp luật ngài chọn cũng vậy, những đề tài nhằm giúp thăng tiến hoàn cảnh của những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Thời gian ấy, ngài cũng bắt đầu ấn tượng với những hoạt động tông đồ của cha Symon. Về cha Symon, ngài viết rằng, cha có “một lòng nhiệt thành không gì cưỡng nổi, lòng nhiệt thành cần phải được liên tục làm cho trở nên ôn hòa để không trở thành quá mức. Ngài không thể thấy một nỗi đau buồn nào mà lại không muốn xoa dịu nó, cũng như không thể thấy một nhu cầu nào mà lại không tìm ra cách để đáp ứng. Đời sống của ngài là một hành vi của tình yêu dành cho Thiên Chúa, luôn được chuyển thành hành vi của tình yêu dành cho tha nhân. Lòng nhiệt thành của ngài, hầu như chan chứa, không gì ngoài việc biến tình yêu thành hành động. Ngài có một trái tim giống như một nồi áp suất cần một khóa van an toàn.”[2]
Những khoảng thời gian vật lộn và chưa xác định của Alberto tiếp tục, mãi đến năm 1923, ngài mới có thể thực hiện ước mơ trở thành Giêsu hữu của mình. Những năm đầu không tránh khỏi những khó khăn. Vị luật sư trẻ tuổi, người muốn thực hiện những nhiệm vụ lớn lao vì Chúa Kitô, đã tìm thấy chính mình trong đời tu, một đời sống khắc khổ và tuân theo nhiều quy luật. Ngài bắt đầu cảm thấy ngài đã không đạt đến chuẩn mức ngài đang được mong đợi. Trong một vài ghi chép cá nhân, ngài viết: “Đời sống tôi hiện giờ là một sự thất bại.” Nhưng với niềm hy vọng sâu xa, sau đó, ngay lập tức ngài viết: “Tại sao tôi vẫn còn tiếp tục sống? Thiên Chúa nhào nắn người môn đệ của Người bằng bùn đất từ nỗi thống khổ của tôi” (s12y03).
Tại Louvain, cha bề trên của ngài là John the Baptist Janssens, bề trên cả tương lai của Dòng Tên. Ngài đã đối xử với Alberto với lòng yêu thương, và biết cách để đánh giá đúng những tài năng của Alberto. Cha đã khuyến khích Alberto lớn lên trong tình thân mật với Chúa Giêsu Kitô, và lưu tâm đến những nhu cầu của thế giới, nơi Alberto đang được kêu gọi đến để phục vụ.
Trong những năm đầu của thừa tác vụ linh mục ở Chilê, Alberto đã thực hiện rất nhiều hoạt động mục vụ. Ngài rao giảng Chúa Giêsu Kitô với lòng nhiệt thành, và với sự sáng tạo. Cùng thời gian đó, ngài đấu tranh cho một trật tự xã hội mới, một trật tự của tình huynh đệ và sự hòa hợp; ngài mạnh mẽ lên án tất cả những điều chống lại trật tự này. Ngài đã giúp nhiều người gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, và họ đã trở thành bạn đồng hành với ngài trong sứ mạng và trong đời sống. Ý thức rằng những hoạt động liên tục như vậy có nguy cơ tách mình ra khỏi sự gần gũi cần thiết với Chúa Giêsu, và khỏi nguồn duy nhất mang lại ý nghĩa cho những gì ngài đang thực hiện, cha Hurtado đã duy trì một thái độ cởi mở hoàn toàn với các bề trên trong dòng.
Ngài đặc biệt giữ mối tương quan gần gũi với cha Álvaro Lavín, S.J (1902 – 1990).[3] Những trình thuật chi tiết cho thấy rằng cha Alberto đã được sai vào công việc, và ngài đã duy trì đời sống nội tâm. Qua những trình thuật này, ngài cho thấy một sự mở ra hoàn toàn để chính mình được dẫn dắt, để thay đổi đường hướng, nhằm phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong những cách thức mới mẻ – những khả dụng chân thực được hy vọng bởi những ai đang tìm kiếm sự hướng dẫn thiêng liêng.
Bài viết ngắn chúng ta vừa thực hiện cho phép chúng ta khẳng định không chút nghi ngờ rằng, kinh nghiệm mà cha Alberto Hurtado đã có khi được đồng hành bởi những người khác trong đường lối của Thiên Chúa, đã giúp cho ngài, khi đến lượt mình, trở thành một người linh hướng khôn ngoan cho những người khác.
Đồng hành thiêng liêng
Khi cha Alberto Hurtado trở về Chilê năm 1936, ngài đã là một người trưởng thành, cả về thiêng liêng lẫn nhân bản. Đời sống của ngài xoay quanh Chúa Giêsu Kitô. Ao ước duy nhất của ngài là thực hiện thánh ý Thiên Chúa và ao ước cả thế giới tuân theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Trong hoạt động tông đồ của mình với người trẻ, ngài nói về Chúa Kitô với một lòng nhiệt thành và với một sự thân thiện rất ấn tượng. Vì lý do này, nhiều người đã bắt đầu đến với ngài và xin ngài giúp họ định hướng cuộc đời.
Ngài đã đề nghị với họ điều gì?
I. NHỮNG ĐÍCH NHẮM MỘT NGƯỜI LINH HƯỚNG PHẢI ĐẶT RA
“Bất cứ ai đồng hành với một người về mặt thiêng liêng phải đặt anh ta trong mối liên hệ với thực tại chung quanh anh ta.”
A) SỰ ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG VỚI CHÚA KITÔ. Cha Hurtado mời gọi những ai đến với ngài hãy đặt Chúa Giêsu vào trung tâm đời sống mình. Họ phải liên lỉ kết hợp với Chúa Giêsu, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Một câu Kinh Thánh cha Hurtado rất ưa thích trích từ thư của thánh Phaolô, là: “Tôi sống, những không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi,” (Gl 2,20) và ngài đã giới thiệu câu này cho họ như là một khuôn mẫu sống.
“Ao ước lớn nhất (của người trẻ) là phải rập theo đời sống của Thầy mình, kéo dài mầu nhiệm Nhập Thể; để làm cho Con Thiên Chúa trở nên một người Chilê, giống như trong lịch sử nhập thể đã làm cho Ngài trở nên một người Do Thái. Tất cả những điều này có thể được tóm tắt trong một châm ngôn lớn nhất cho bất kỳ đời sống thiêng liêng nào: Làm điều Đức Kitô sẽ làm nếu Ngài ở vào vị trí của tôi.[4]
Từ điều này, phát sinh một lời mời gọi luôn luôn tìm kiếm, trong mọi hoàn cảnh, thánh ý của Thiên Chúa. Cha Hurtado đã nói với những người đến gặp ngài, rằng: “Một trong những thành tựu lớn lao của đời sống Kitô hữu hệ ở việc nhận ra rằng Chúa Kitô đang đến với mỗi người trong chúng ta, một cách cá nhân, để cho chúng ta biết ý muốn đích thực của Ngài. Ngài dừng ngay trước mặt tôi, trước mặt chỉ một mình tôi, và đặt bàn tay thần linh của ngài lên đầu tôi. Khi nào chúng ta nghĩ về chính chúng ta dường như bị mất hút trong đám đông của một đoàn tín hữu không tên tuổi, khi nào chúng ta tưởng tượng rằng những lời nói hay lời mời gọi của Chúa Kitô đang gửi đến một đám rất đông những người tin, khi ấy tương quan của chúng ta với Chúa Kitô vẫn còn là điều gì đó chung chung và mơ hồ. Tôi đã không biết về phụ tính thần thiêng của Thiên Chúa, cũng như không hiểu biết về vai trò của tôi như một người con của Người (…)Ý thức về lời mời gọi đặc biệt rằng Thiên Chúa đang nhắm trực tiếp đến tôi một cách cụ thể, và việc nhận biết này phải là mối quan tâm lớn nhất của đời tôi, đặc biệt trong những thời điểm có tính quyết định nhất, giống như trong việc lựa chọn một nghề nghiệp vậy.”[5]
B) LIÊN ĐỚI CỦA CON TIM. Mỗi người phải phát triển một thái độ nội tâm về tình liên đới. Với một sự chắc chắn rằng không ai có thể phục vụ Thiên Chúa mà không yêu thương anh chị em, một người phải nhận biết và phán đoán về thực tại với con mắt của Chúa Kitô. “Một khi người tín hữu Công giáo đạt đến thái độ thiêng liêng này, tất cả những cải cách xã hội liên quan đến yêu cầu về sự công bằng sẽ đạt được.”[6]
Cha Hurtado nhận thấy rằng bất cứ ai đồng hành với một người về mặt thiêng liêng phải đặt anh ta trong mối liên hệ với thực tại chung quanh anh ta. Trong cách thức này, anh ta có thể lao tác với Chúa Giêsu để thánh hiến thế giới này.
“Một nền giáo dục xã hội đích thực phải đặt người được giáo dục vào mối liên hệ mật thiết với thực tại của môi trường chung quanh, nơi trong đó họ sống, với niềm vui, niềm hân hoan, với những khả thể hành động mà qua đó họ có niềm vui và đạt đến những lợi ích, với những nỗi buồn phiền để qua đó, họ cảm thấy những phiền muộn này như là của chính họ, với những vấn đề để họ cố hết sức giải quyết chúng, để họ luôn có trong tâm trí tư tưởng của thánh Augustinô: “Bạn nói rằng có những thời đại thật tồi tệ, nhưng khi bạn trở nên tốt hơn, thì thời đại cũng sẽ tốt hơn: bạn chính là thời đại.” (HS, p.53)
C) TỰ DO NỘI TÂM. Khi một người đồng hành với một người về mặt thiêng liêng, phải giúp anh ta có khả năng yêu mến Chúa Giêsu Kitô trong một cách thế trưởng thành, trách nhiệm và kiên vững. Tắt một lời, nhằm đạt được sự tự lập, để có một sự thẩm lượng nội tâm và chân thật về đâu là điều tốt và điều đúng. Và điều này ở trong một cách thế ý thức, tận tâm và kiên vững.
“Vị linh hướng phải bổ trợ cho linh hồn mình đang hướng dẫn, để anh ta có thể sống mà không cần đến mình. Vì không có gì trong thế gian có thể làm giảm bớt khả năng làm việc, quyết định, giải quyết của anh ta. Linh hướng đích thực không giảm bớt tự do của linh hồn, nhưng trái lại tạo hứng khởi và củng cố cho linh hồn. Một vị linh hướng tốt sẽ biết rằng Thiên Chúa đã định ra cách thế cho mỗi một linh hồn, chứ không phải do mình. Vai trò của vị linh hướng chỉ cốt ở việc giúp cho linh hồn khám phá ra điều đó.” (PE, pp. 209 – 210)
II. CÁC PHƯƠNG TIỆN
A) THỰC HÀNH CÁC THÓI QUEN. Việc đồng hành thiêng liêng phải trao cho người khác những khí cụ để giúp họ bước theo Chúa Kitô cách tự do và hiệu quả. Trong những đoạn sau đây, cha Hurtado đề cập đến một vài khí cụ này:
“Học cầu nguyện (…) Cầu nguyện là hơi thở của một linh hồn sống đời tu, vì lý do này, người hướng dẫn không nên làm gì nếu trước đã không dạy người học trò của mình cầu nguyện.
“Bước đầu tiên là dạy khẩu nguyện (vocal prayer) mặc dù điều này không phải là quan trọng nhất; nó phải được thực hiện với một sự sốt sắng của một người đang thưa chuyện với Chúa; anh ta nên cố gắng để đưa vào đó một vài ý hướng đặc biệt, chẳng hạn như cầu nguyện cho sức khỏe của một người bạn, cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới, v.v.; không bận tâm vào việc cầu nguyện nhiều cho bằng làm cho việc cầu nguyện trở nên là một hoạt động có ý thức và giúp hồi tâm.
“Việc cầu nguyện khẩu nguyện này cần được bổ sung bởi việc cầu nguyện có tính cá vị hơn. Cầu nguyện cá vị này chính là một cuộc đối thoại chân thành, thực sự và thân mật với Thiên Chúa, một đời sống cầu nguyện dựa trên tình cảm của lòng biết ơn, ngưỡng mộ, tôn trọng, vui mừng, và hy vọng. Một người mới bước vào đời sống nội tâm sẽ thực hành việc cầu nguyện này trong tất cả hoàn cảnh của đời sống anh ta: khi đi lại, khi chơi thể thao, lúc ở rạp hát, khi đang yêu… Đời sống cầu nguyện này không gì khác hơn là siêu nhiên hóa những gì anh ta đang làm trong một cách thế tự nhiên. Việc cầu nguyện này phải được làm thường xuyên như hơi thở vậy. Có thể nói mà không khoa trương rằng, đời sống thiêng liêng của một người trẻ phụ thuộc phần lớn vào việc rút tỉa lợi ích từ những thời điểm này.
“Suy niệm hằng ngày, thậm chí chỉ mười lăm phút mỗi buổi sáng, là một thực hành rất tốt và rất cần thiết cho việc nuôi dưỡng đời sống siêu nhiên cho linh hồn; trong việc suy niệm này, một người sẽ đi sâu hơn và những chân lý lớn lao của Kitô giáo, và đạt đến một chiều sâu về đời sống siêu nhiên.
“Linh Thao trong tĩnh tâm, trong vòng ba hay bốn ngày mỗi năm, là một lực đẩy mạnh mẽ nhất để một người gỡ mình ra khỏi những gì hữu hình, và tháp nhập đời sống đức tin của mình vào những thực tại vô hình.”
“Trước khi đi ngủ mỗi đêm, nên dành ra một vài phút ngắn ngủi để duyệt xét lại lương tâm; việc dự thánh lễ và rước lễ thường xuyên hết sức có thể, hằng ngày, trong niềm hy vọng, sẽ dần tạo ra một chương trình cho đời sống thiêng liêng…” (PE.pp.214-216)
B) HUẤN LUYỆN. Bất kỳ ai đồng hành với người khác trong đời sống thiêng liêng nên nhìn đến việc người được đồng hành lớn lên trong sự hiểu biết về những lời dạy liên quan đến đức tin. Trong cách thế này, anh ta sẽ tìm được câu trả lời cho những ưu tư sâu thẳm nhất của mình, và tiến đến một sự trưởng thành hơn, và hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giêsu hơn.
Vì mục đích này, người linh hướng nên cung cấp cho người ấy một trình bày lý thú, tươi mới và sống động, kể cả những áp dụng thực tiễn, những yếu tố tốt đẹp và cảm hóa, và mối liên hệ giữa những điều này với nhu cầu sống còn của linh hồn con người.” (PE, p.136) Những tìm hiểu này nên dẫn đến một tương quan thân mật với Chúa Kitô.
Người linh hướng cũng phải đưa vào việc huấn luyện luân lý, điều này sẽ cung cấp cho người được hướng dẫn một sự độc lập cần thiết và sự mạnh mẽ để đối mặt với những thách đố trong đời. Đi xa hơn việc nhấn mạnh đến cách chống lại tội, người linh hướng phải chỉ ra nét đẹp tuyệt vời khi con người sống theo những giới răn và những đức hạnh.
C) NHỮNG ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN. Những cách thế cho việc lớn lên trong đời sống thiêng liêng cần được lưu ý, để giúp cho việc phát triển những đức tính nhân bản:
“ Một vị linh hướng kinh nghiệm sẽ mở ra cho người trẻ những chân trời mới, giới thiệu cho anh ta nhiều lãnh vực cần được tìm tòi học hỏi: giáo lý, luân lý, lịch sử giáo hội, xã hội học, tâm lý học, tiểu sử học, lịch sử, v.v., là những lãnh vực mà những ai khao khát trở nên người lãnh đạo các người trẻ phải nghiên cứu thấu đáo.” (PE,p.215)
Người được hướng dẫn phải phát triển khả năng thưởng thức cái đẹp. “Mọi sự là đẹp, duyên dáng, hài hòa, vì đơn giản nên biết sự vật là như thế (…) Sự hài hòa là nền tảng của một trật tự luân lý, sự hài hòa biểu lộ trong chính nó một vẻ kính trọng dành cho tất cả những mối tương quan căn bản của tự nhiên.” (HS,p.92) Việc trau dồi cái đẹp bên trong và bên ngoài sẽ lôi kéo người được hướng dẫn đến một lòng quảng đại lớn lao hơn, giúp người ấy đấu tranh chống lại môi trường đầy tính duy vật chung quanh người ấy.
“Điều chúng ta đã nói, về mối liên hệ với cái đẹp, cũng sẽ được nói như vậy về sự trau dồi những đức tính nhân bản như tử tế, có giáo dục, nhã nhặn, tác phong lịch sự, lòng kính trọng, lòng kính trọng dành cho tất cả: con người cũng như sự vật.” (HS,p.92)
“Những người dạy dỗ không nên quên rằng giáo dục về xã hội nhằm mục đích sản sinh ra những hoa trái chân thực. Điều này nên được nối kết với việc thực hành hằng ngày về các nhân đức mà chúng ta đã nêu. Những ý kiến này thoạt nhìn dường như không có ý nghĩa mấy, như: đúng giờ, đóng cửa, lên cầu thang nhẹ nhàng, không quấy rầy giấc ngủ của người khác, tắt đèn…, có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống, và điều này chẳng bao giờ được nhấn mạnh đủ.” (HS, 204)
Tóm lại, người được hướng dẫn nên được giúp để mở ra với sự toàn vẹn của thực tại. “Mọi người cần trở nên cởi mở với cuộc sống và với những gì cuộc sống tỏ lộ ra, nhằm thánh hiến mọi sự (…) Giáo dục Kitô giáo là sắp xếp thế giới này hướng về một thế giới xa hơn” (s40y1).
THÁI ĐỘ CẦN THIẾT TRONG ĐỒNG HÀNH
“Linh hướng là một “vấn đề cá nhân”, và rõ ràng nó mang đặc tính cá nhân, một đặc tính nên được để ý đến.”
A)SỰ ÂN CẦN CÁ NHÂN DÀNH CHO NGƯỜI ĐƯỢC ĐỒNG HÀNH. Cha Hurtado đề ra mục tiêu này, bởi vì ngài đã đối xử với người khác với một tấm lòng rất ân cần và chân thực. Ngài lưu tâm đến mỗi người và mọi người, cố gắng giúp họ trong chính thực tại của mỗi cá nhân. Nhiều người chứng thực rằng họ cảm thấy được cha Hurtado đối xử với họ như thể ngài chỉ dành thời gian cho họ, mặc dù ngài đang dấn thân vào rất nhiều hoạt động.
Cha đã xem nguyên tắc này là cơ bản. Về việc đồng hành thiêng liêng cho người trẻ, ngài đã viết những dòng sau: “Linh hướng phải nắm rõ đời sống thiêng liêng, và phải biết rõ về người trẻ. Linh hướng là một “vấn đề cá nhân”, và rõ ràng nó mang đặc tính cá nhân, một đặc tính nên được để ý đến. Những buổi trò chuyện, thực hành, nghiên cứu nhóm, là những định hướng “chung chung”, tuy nhiên, vấn đề của mỗi một người đều mang tính “cá nhân”. (PE, p.210)
B) LUÔN KHÍCH LỆ. Cha Hurtado đề cao tầm quan trọng của việc ghi lại những diễn tiến của những người được ngài đồng hành thiêng liêng. Ngài cảm thấy rằng dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, một người cũng không nên phê bình, chỉ trích về những khuyết điểm và sự thiếu nhất quán của người khác bằng một thái độ gay gắt. “Đặc biệt khi một người trẻ có những yếu đuối thường xuyên lặp đi lặp lại, anh ta cần tìm một vị linh hướng có thể thông hiểu, người chẳng bao giờ mất kiên nhẫn với anh vì bất kỳ chuyện gì trên thế giới!” (PE, p.238)
Một nguyên tắc tương tự cũng được tìm thấy trong lời khuyên cha Hurtado gửi đến các linh mục, những người làm việc với giới trẻ. “Đừng quên động viên các hối nhân. Chớ có gắt gỏng một cách không thương xót. Nếu sự việc cứ lặp đi lặp lại, hãy ngăn chặn một sự sa ngã có thể xảy ra, và chỉ cho anh ta cách xử lý mà anh ta nên theo. Hãy để cho anh ta thấy những chế ngự mà anh ta đã đạt được.” (s58y25)
Cha Hurtado đã cho thấy thái độ này trong chính công việc của ngài với những người đến với ngài. Đoạn văn sau đây được rút từ một lá thư ngài gửi cho các anh em Giêsu hữu. “Tôi tin rằng một người với tinh thần quá ưa chỉ trích chỉ có thể gây ra một bầu khí khó chịu xung quanh người đó, một phức cảm tự ti đích thực, làm ngăn trở những hành động trong thực tế có thể trở nên hữu ích, mặc dù có những khiếm khuyết trong đó. Tôi càng nhìn rõ những phức tạp gớm ghê của chủ nghĩa bi quan, của sự nhu nhược, nhút nhát và tầm thường đang đè nặng lên rất nhiều anh em trong Dòng, và làm cho họ không tiếp cận được với các giá trị xứng với tầm vóc của họ (…) Tôi đang bắt đầu cảm thấy điều này ngay trong chính thân xác của tôi, và có lẽ vì lý do này, tôi đã chậm trễ rất nhiều trong việc tìm hiểu thư của anh, điều rất khó để đưa vào thực hành. Bây giờ tôi bắt đầu với nhiều nỗi sợ; anh đã thấy rằng tôi đã dành cả mùa hè để chuẩn bị bài nói chuyện của tôi (…) Kinh nghiệm ít ỏi của tôi mỗi ngày mỗi chỉ ra cho tôi sự cần thiết phải đưa ra những lời khích lệ. Tôi tin có một thực tế cần làm sáng tỏ, rằng rất nhiều người đến với tôi chỉ nhằm tìm kiếm sự nâng đỡ, khích lệ. Đây là điều rất lạc quan, và tôi đang cố gắng để khơi dậy lên trong họ điều này (…) Mặt khác, tôi e ngại rằng một vài nhà chuyên môn, thậm chí một vài người rất thành thạo, vẫn có những chuẩn đoán mù mờ…điều mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể đưa ra nếu chúng ta chỉ nhìn thoáng trên những khuyết điểm, trong thực tế, nó giống như việc xua đuổi người khác và làm cho họ ra ngã lòng” (s62y59).
LỜI KẾT
Chúng ta hãy kết luận bằng chính những lời của cha Hurtado.
“Người hướng dẫn phải làm cho người trẻ thấm nhuần tư tưởng rằng trong mọi giây phút, anh ta nên sống theo thánh ý của Thiên Chúa, và trách nhiệm của người hướng dẫn là giúp người trẻ hiểu rõ điều này trong hoàn cảnh sống đa dạng của mình. Phải làm sao cho hình ảnh của Chúa Giêsu luôn hiện diện trong tâm hồn người trẻ, đang yêu thương anh ta và gợi hứng cho anh ta hành động trong mọi lúc, như chính Chúa sẽ hành động nếu Ngài ở vào vị trí của anh ta.” (PE,p.209)
“Đồng thời, người hướng dẫn thiêng liêng nên luôn tìm cách hiểu về người trẻ, nắm rõ những nhân đức tự nhiên của họ, phần nhiều trong đó đang ẩn sâu trong tâm hồn họ. Nơi một người trẻ tuổi vui tươi và hoạt bát thường ẩn chứa những khả thể rất phong phú, giá trị hơn rất nhiều so với những người trẻ tính tình rụt rè nhút nhát. Nhờ ân sủng, nếu người hướng dẫn chinh phục được những người trẻ, thì sự chinh phục này sẽ mang lại rất nhiều kết quả kỳ diệu nơi người trẻ.” (PE,p.211)
Những trình bày này góp nhặt từ kinh nghiệm của cha Padre Alberto Hurtado và những điều ngài đã xác tín trong khi đồng hành với người khác về đời sống thiêng liêng. Tất cả những điều này lại dựa trên những kinh nghiệm ngài có khi được người khác đồng hành, đặc biệt bởi cha Fernando Vives, theo đường lối của Thiên Chúa.
Jaime Castellon
(Philipphê Trần Thanh Minh, S.J chuyển ngữ từ “Padre Alberto Hurtado, S.J and Spritual Direction, Jaime Castellon:Review of Ignatian Sprituality, number 108/2005.”)
[1]. Để đồng nhất những tài liệu, chúng tôi sử dụng phép đếm số trong văn khố lưu trữ của cha Hurtado.
[2]..Álvaro Lavín, Padre Hurtado, Apóstol de Jesucristo [Fr. Hurtado, Apostle of Jesus Christ,] Santiago, 1977, pp. 22-23.
[3]. Cha Lavín là phó giám tỉnh (Vice Provincial) từ 19-01-1947 đến 29-9-1952. Sau này, ngài đã đặt cha Hurtado làm tuyên úy, tiếp theo sau ngài, cho The Hogar de Cristo, cho đến khi ngài được gọi làm viện trưởng trường Colegio San Ignacio vào năm 1957. Một lần nữa, ngài làm giám tỉnh Dòng tại Chilê (1960 – 1963), và tuyên úy cho The Hogar de Cristo. Những năm sau đó, ngài dấn thân hoàn toàn để phục vụ người nghèo bằng nhiều cách thức. Ngài cũng được tin tưởng trong việc điều tra phong thánh cho cha Hurtado, và về điều này, ngài đã viết rất nhiều sách.
[4]. Puntos de educación, [Points of Education], Valparaíso, 1942, p. 213 In the future: PE
[5]. Elección de Carrera [Choice of a Career], Buenos Aires, 1943, pp.12-13.
[6]. Humanismo Social [Social Humanism,] 3rd edition 1992, p. 20. In the future: HS