Chân phước Phanxicô Garate – Thầy gác cổng trường Deusto (Lễ nhớ ngày 10 – 9)

Chân phước Phanxicô Garate khá giống thánh Anphong Rodriguez mà ngài nhận làm bổn mạng: cả hai cùng là tu huynh, cùng gác cổng trường học trong 40 năm. Tuy nhiên cuộc sống của thầy gác cổng trường Deusto êm đềm hơn và cũng đơn sơ hơn.

Chân phước Phanxicô Garate sinh năm 1857 trong một gia đình nông dân nghèo và đạo đức, tại xóm Recarte, tỉnh Guipuzcoa, nước Tây Ban Nha, gần lâu đài Loyola của gia đình I-nhã. Năm 14 tuổi, vì gia đình nghèo, ngài xin vào giúp việc tại trường Đức Mẹ Antigua của Dòng Tên gần nhà. Trong 3 năm, không những ngài đã học được cách thức phục vụ mà cả tinh thần phục vụ nữa. Năm 17 tuổi, ngài được nhận vào nhà tập tại Poyanne, miền nam nước Pháp. Từ năm 20 tuổi đến năm 31 tuổi, ngài làm y tá  và coi phòng thánh tại trường thánh Giacôbê Tông đồ ở Guardia. Kế đến, trong hơn 40 năm, cho tới chết, ngài gữ chân gác cổng ở Đại học Deusto, gần thành phố Bilbao, miền bắc Tây Ban Nha.

Trong vai trò gác cổng, hằng ngày tiếp xúc với sinh viên, phụ huynh và khách khứa, Phanxicô Garate noi gương thánh Anphong Rodriguez coi mọi người như Chúa để tôn trọng và phục vụ. Không  phải là nhà thần bí, ngài chỉ sống đơn sơ, theo các bề trên hướng dẫn và những suy nghĩ bình thường. Hàng  trăm thứ lỉnh kỉnh tại cổng trường đủ làm cho người bình tĩnh nhất mất kiên nhẫn. Dầu vậy, ngài có biệt tài dàn xếp mọi sự nhẹ nhàng, mặc dầu nhiều khi thật phức tạp.

Hai điều giúp ngài nhiều là luôn vui vẻ và tế nhị. Mặc dầu nhiều vất vả, nặng nề, bị quấy rầy, nhưng ngài giữ được nét mặt luôn tươi cười, làm cho ai đến gặp ngài cũng cảm thấy nhẹ nhàng. Một cha ở cùng cộng đoàn với ngài kể: “Chúa mới biết một ngày thầy phải trả lời điện thoại bao nhiêu lần. Đây là một trong những điều cho thấy thầy kiên nhẫn và vượt qua mọi sự. Nhiều khi các cha ở trường không gọi điện được, thầy giúp trong nháy mắt là xong.” Một lần có bà gọi điện hỏi kết quả kỳ thi của con, ngài trả lời:

Thưa bà, hình như các giám khảo không hoàn toàn hài lòng.
– Cháu được mấy điểm? Có bị loại không?
– Thưa bà, thực ra tôi nghĩ là em hơi xui xẻo.
– Xin thầy nói rõ cháu bị loại, phải không?

Bị loại? Ngài không dám dùng từ nặng như vậy, nhất là để báo tin cho một người mẹ. Ngài nói thật dịu dàng: “Thưa bà, có điều gì tương tự như vậy.”

Tuy nhiên, đối với đám sinh viên tinh nghịch, ngài không để họ gạt. Nhiều lần ngài “lật tẩy” những âm mưu trốn học hoặc tránh hình phạt, nên họ thường lắc đầu: “Ông thánh này lanh lắm, chịu thôi.”

Phanxicô Garate còn là một người của Chúa: ngài ít nói, và thường tránh các đám đông, không phải vì nhút nhát, nhưng vì muốn có nhiều thời giờ và cơ hội sống thân thiết với Chúa. Âm thầm và lặng lẽ, suốt đời ngài phục vụ mọi người một cách khiêm tốn, tận tình, tế nhị và khôn ngoan. Qua ngài, chúng ta thấy đời sống của một tu huynh luôn nhắc nhở các linh mục Dòng Tên điều thâm sâu nhất trong công việc của một Giêsu hữu là phục vụ vì yêu mến.

Đâu là bí quyết của ngài? Ngài cho biết: “Tôi làm những gì mình làm dược, phần còn lại để Chúa lo. Chúa có thể làm được mọi sự. Có  Chúa giúp, cái gì cũng trở nên dễ dàng và thú vị. Tôi sung sướng được phục vụ một ông chủ tốt như vậy.”

Ngài qua đời ngày 09 tháng 9 năm 1929, và được Đức thánh cha Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1985.

 CHO VINH DANH CHÚA HƠN

Kiểm tra tương tự

Ngày #1: Tuần Cửu Nhật Kính Thánh Giuse: Xin Cho Con Tìm Được Chồng

Thánh Giuse được biết đến như là một trong ba vị thánh bảo trợ cho …

Phanxicô Xaviê – Một linh đạo truyền giáo

Lm. Giuse Hoàng Sĩ Quý, S.J. Trong 10 năm truyền giáo, thánh Phanxicô Xaviê vượt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *