Chay nhé!

Đôi kia yêu nhau. Đến gần Mùa Chay, anh bạn nhắn tin cho cô bạn: “Em à, chay nhé!”. Tôi chọc:

– Cậu nhắn tin cho người yêu gì mà giống cha xứ nhắc nhở giáo dân thế? Chắc cũng là: xức tro, ăn chay, hy sinh hãm mình, kiêng thịt, sám hối, xưng tội, gia tăng đọc kinh cầu nguyện, làm việc bác ái… chứ gì?

– (Cười): Dĩ nhiên rồi, nhưng mấy cái đó không cần nhắc, bạn gái tớ ngoan đạo bẩm sinh. “Chay nhé!” – đối với chúng tớ – đơn giản là bớt nhắn tin cho nhau hằng ngày, để mỗi đứa có thời giờ và tâm trí dành cho Chúa, sống với Chúa nhiều hơn.

Câu trả lời của anh bạn khiến tôi bất ngờ. Hóa ra Mùa Chay trong tâm tưởng của đôi bạn ấy không chỉ bao gồm các việc thực hành đạo đức và thiêng liêng với những bảng hướng dẫn cặn kẽ, nhưng trước tiên là một khoảng lặng trong tương quan hay trong cõi lòng để dành một chỗ rất riêng cho Chúa.

Trong tiếng Anh, Mùa Chay được gọi là “Lent” – từ cổ có nghĩa là “mùa xuân”, mùa “dừng chân đứng ngắm” – mùa của niềm vui nghỉ ngơi và chiêm ngắm. Trong tiếng La-tinh, Mùa Chay được gọi là “Quadragesima”; nghĩa là bốn mươi ngày. 40 là con số biểu trưng cho kỷ luật, lòng sốt mến và thời gian chuẩn bị trong Kinh Thánh. Quan trọng nhất, Mùa Chay dẫn ta vào trong “hành trình hoang địa” 40 đêm ngày cùng với Chúa Giêsu.

Kinh nghiệm sống trong hoang địa cùng với Chúa rõ là không âu sầu phiền não, bởi lẽ Mùa Chay là thời gian quý báu giúp ta có được ‘thinh lặng nội tâm’ để nhìn nhắm Chúa Giêsu và nghỉ ngơi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, tức cầu nguyện, đang khi thực hành các việc ‘từ bỏ’ kể trên. Các việc thực hành chỉ là phương tiện dẫn ta đến đích là nên giống Chúa Giêsu bao nhiêu có thể.

Thử nhìn ngắm và noi gương Chúa Giêsu khi Ngài trải qua 3 cơn cám dỗ. Cả ba cơn cám dỗ đều muốn mỗi người đặt “cái tôi” và những bận tâm liên quan đến “cái tôi”, thay vì Thiên Chúa và kế hoạch nhiệm mầu của Người, làm trung tâm cho cuộc sống. Hay nói khác đi, cám dỗ muốn con người tách mình ra khỏi Thiên Chúa để đi đường tắt tưởng chừng dễ chịu hơn so với con đường hạnh phúc thật mang tên Thập Giá.

Ba cơn cám dỗ từ đói khát, hư danh và kiêu ngạo từng diễn ra với Chúa Giêsu trong hoang địa được lặp lại cách minh nhiên khi Ngài hiến mình chịu treo trên thập giá: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy…”. Thật ra chúng đã mặc nhiên không ngừng đeo bám Ngài trong từng phút giây của cuộc đời dương thế. Tên Cám Dỗ cả gan đặt sự thật Chúa-Giêsu-là-Con-Thiên-Chúa vào trong một mệnh đề điều kiện hay giả định: “Nếu”; nó cũng tìm cách tấn công vào tư cách và sứ mạng đích thực của Đấng Mêsia bằng cách vẽ ra những cách thế ngạo mạng, bất phục tùng Thiên Chúa.

Ngày nay, ma qủy vẫn đang cám dỗ mỗi con người quên đi phẩm-giá-làm-con, hay ơn-được-nhận-làm-nghĩa-tử của Thiên Chúa trong Người Con Yêu Duy Nhất; hoặc chúng khiến con cái Thiên Chúa muốn sống theo một cách thế không xứng hợp với phẩm giá mình; không theo hoặc bất phục tùng thánh ý Chúa Cha; không sống theo điều cần thiết nhưng theo điều mình muốn; không sống theo điều đúng đắn nhưng theo điều mình thích…

Để chiến đấu và chiến thắng trong cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã vận dụng lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh và tâm tình con thảo bao gồm sự vâng phục trong tin tưởng và yêu mến đối với Chúa Cha. Ma quỷ sẽ thất vọng và thất bại ê chề khi tôi và bạn đón nhận Chúa Giêsu trong cuộc sống.

Vậy thì, “Chay nhé!” của bạn, năm nay, sẽ là gì?

 

Anh Huy, SJ

Kiểm tra tương tự

Thánh Thể, vầng trăng mơ ước của tuổi thơ

Nhìn trăng lên, con người mọi thời đều mơ một cuộc sống trường sinh bất …

Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo

Chúng ta đều đang đặt ra cùng một câu hỏi: làm thế nào để kết …

Một bình luận

  1. tại sao vậy, gi phải làm gì đây

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *