Chết

Trong những ngày cuối năm phụng vụ, khi các bài đọc Lời Chúa đang hướng tín hữu về bối cảnh cánh chung, nơi cuộc phán xét sau cùng được khai mở, thì truyền thống Giáo hội cũng mời gọi con cái mình tưởng nhớ những người đã khuất. Đây không chỉ là sự tưởng nhớ thông thường, nhưng còn là một lời tuyên tín, một hành động đền ơn đáp nghĩa và là một lời nhắc nhở về cùng đích của mỗi người.

Đọc lại dòng lịch sử nhân loại, ta nhận thấy con người muôn thuở vẫn thao thức suy tư để tìm kiếm giá trị thật của sự sống. Là tạo vật duy nhất ý thức sự hiện hữu của mình, con người biết rằng sự sống sẽ không dừng lại ở quãng thời gian chóng qua này. Chắc chắn vẫn còn một điều gì đó ẩn sâu và chờ ta sau cái chết. Tuy nhiên, bởi nó là một ẩn số, và không một ai có kinh nghiệm về sự chết để giúp đỡ ta; nên ta chỉ được hướng dẫn qua những thúc đẩy phát xuất từ các giá trị tinh thần mà Tạo Hóa tốt đẹp đã đặt để nơi tận sâu tâm hồn chúng ta. Thêm nữa, những giá trị đó thường được cụ thể qua niềm tin nơi các tôn giáo. Trong các tôn giáo, niềm tin về một vị thần tối cao đã giúp họ vững tin về một thực tại đằng sau cái chết. Đó có thể là sự trở về với Đấng Tạo Thành hay cũng có thể là một kiếp luân hồi. Thế nhưng, dù là sự trở về hay luân hồi thì nó cũng chỉ là “quả” mà cuộc sống trần thế này là “nhân” ta đang gieo vãi.

Với niềm tin Công Giáo, sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi. Đối với họ, sự chết chính là cánh cửa để dẫn họ bước từ đời tạm này đạt tới sự sống vĩnh cửu. Thế nên, trong cuộc sống chóng qua này, họ cần biết ý thức để tích lũy cho mình những hành trang cần thiết hầu phần nào xứng đáng với cuộc sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, bởi mang thân phận tạo vật cùng những cám dỗ của thế gian, con người thường bị luyến tiếc rồi để mình bị lôi kéo bởi những giá trị chóng qua này. Thấu suốt những điều đó, Thiên Chúa vẫn mở đường cho con người khi họ liên đới họ với những người còn sống. Quả vậy, chúng ta là những thân nhân, ân nhân và là hậu thế, những người thân yêu đã không thể làm gì cho chính họ; còn ta, ta vẫn còn có thể dùng những hy sinh của mình để cầu nguyện và giúp họ sớm được thanh tẩy lỗi lầm. Bên cạnh đó, trong tình liên đới nhân loại, khi nhìn về những người đã khuất, ta biết rằng có những lúc bởi mong muốn những điều tốt đẹp cho chúng ta mà những người thân yêu đã để lòng ra nặng nề mà lỗi phạm với Chúa và tha nhân. Thế nên, để tỏ lòng hiếu thảo và trong tâm tình của người thụ ơn, ta cần biết hy sinh hãm mình và thêm lời cầu nguyện cho họ.

Nhìn vào quy luật sinh – tử, ta biết rằng đã sinh ra rồi có lúc ta sẽ rời bỏ cuộc sống này mà trở về với tạo hóa. Thế nhưng trong niềm tin Công Giáo, sự chết chỉ là một sự nối tiếp, nên để chuẩn bị tốt cho bước chuyển tiếp này, ngay từ hôm nay, bạn và tôi cần biết ý thức hơn về thân phận làm người. Mỗi người cần biết tích lũy cho mình những hành trang cần thiết. Thêm nữa, là hậu thế, bạn và tôi đều là thụ nhân của những người đi trước. Chúng ta đã mang ơn họ thì chúng ta cũng mang lấy trách nhiệm là hy sinh và cầu nguyện thêm cho họ. Bên cạnh đó, với những nghĩa cử này, khi rời bỏ cuộc đời này, chắc hẳn hậu thế cũng sẽ nhớ và cầu nguyện cho ta để nơi tòa chủng thẩm, chúng ta sẽ được Vua Vũ Trụ rước vào hưởng niềm vui vĩnh cửu với Ngài.

Thanh Tâm

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Thánh Thể, vầng trăng mơ ước của tuổi thơ

Nhìn trăng lên, con người mọi thời đều mơ một cuộc sống trường sinh bất …

Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo

Chúng ta đều đang đặt ra cùng một câu hỏi: làm thế nào để kết …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *