Chiêm Ngắm Dung Mạo Thiên Chúa Nơi Đức Ki-tô Giê-su (Huấn Giáo về Năm Đức Tin, kỳ 13, 16-1-2013)

NĂM ĐỨC TINHai môn đệ Em-mau đã nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh, nhưng trước đó hai ông đã được chuẩn qua cuộc thoại với Chúa Giê-su… Chúng ta cũng vậy, Bí Tích Thánh Thể phải được chuẩn bị bằng một đời sống diễn ra trong cuộc thoại với Đức Giê-su và đó là ngôi trường vĩ đại mà chúng ta có thể học để thấy dung mạo Thiên Chúa và được đi vào tương quan thân mật với Ngài…

Phần A:

 Phần B: 

Trong buổi Tiếp Kiến Chung hôm sang thứ Tư ngày 16-01-2013, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã tiếp tục loạt bài Huấn Giáo về Năm Đức Tin, kỳ thứ 13 với chủ đề “Ngắm nhìn dung mạo Thiên Chúa”. “Việc tìm kiếm Thánh Nhan Thiên Chúa” là một chủ đề nổi bật trong Cựu Ước, điển hình là lòng mong mỏi của Mô-sê muốn được thấy “vinh quang Thiên Chúa” ngay còn tại thế. Thế nhưng ông Mô-sê chỉ được cho thấy “lưng của Đức Chúa!” ĐTC nhấn mạnh rằng “câu trả lời mà Chúa Giê-su đưa ra cho ông Phi-líp-phê, không chỉ trả lời cho riêng ông mà thôi, nhưng còn là cho hết thảy chúng ta và đưa dẫn chúng ta đi vào trọng tâm của niềm tin có tính Ki-tô học, rằng ‘Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha’ (Ga 14,9). Trong cách diễn dạt ấy chứa đựng cách tóm lược tính mới mẻ của Tân Ước. Tính mới mẻ ấy đã xuất hiện nơi hang đá Bê-lem, đó là Thiên Chúa có thể được nhìn thấy, Thiên Chúa đã biểu lộ dung mạo của Ngài. Một Thiên Chúa hữu hình nơi Đức Giê-su Ki-tô.” Dưới đây là toàn văn diễn từ của ĐTC Benedict XVI trong buổi Tiếp Kiến Chung vừa qua.

 Anh chị em thân mến!

Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II đã khẳng định trong Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải Lời Thiên Chúa, như sau “… Đức Ki-tô Giê-su, người là Đấng Trung Gian và là Thể Tròn Đầy của mọi Mặc Khải” (số. 2), đây chính là chân lý cận thân về hết mọi Mặc Khải Thiên Chúa chiếu tỏ cho chúng ta. Cựu Ước thuật lại cho chúng ta rằng, làm thế nào mà sau thời Sáng Tạo, dầu nguyên tội đã nảy sinh từ ước muốn ngạo mạn của con người muốn chiếm chỗ Đấng Sáng Tạo, thì Thiên Chúa lại ban tặng cho con người cơ hội/khả thể mới để làm bạn lại với Ngài. Điều ấy có thể thấy trước tiên là ngang qua giao ước với ông Áp-ra-ham và cuộc hành trình của một dân bé nhỏ, đó là dân Do-thái, một dân mà Ngài chọn không phải theo tiêu chuẩn thế giá trần gian, mà đơn thuần chỉ vì yêu mà thôi. Tại sao Ngài lại chọn lựa như thế, ấy hãy còn là một mầu nhiệm, và Thiên Chúa đã hé lộ nó theo phong cách riêng của Ngài, nghĩa là Ngài đã mời gọi vài người đại biểu trong dân. Việc gọi đại biểu trong dân không có nghĩa là Ngài loại trừ những người khác, nhưng đúng hơn là Ngài muốn những đại biểu ấy trở nên chiếc cầu đưa dẫn dân đến với Ngài.

Trong lịch sử dân Ít-ra-en, chúng ta có thể lần lại dấu vết những đoạn trình thuật về cuộc hành trình của dân, nơi đó Thiên Chúa đã làm cho dân được biết đến Ngài, Ngài đã tự tỏ mình, đã tự bước vào trong lịch sử bằng lời phán ra và bằng hành động. Vì tất cả những sự ấy, Ngài đã phục vụ dân ngang qua các vị trung gian, như ông Mô-sê, các Ngôn-Sứ, và các vị Thẩm Phán. Họ là những người đã thông truyền cho dân ý định của Ngài, nhắc bảo dân phải trung tín với giao ước và giữ giao ước ấy trong niềm mong chờ thời nó được hiện thực hóa cách tròn đầy và dứt khoát.

Thời hiện thực hóa mọi thời hứa ấy đúng ngay biến cố “Con Thiên Chúa làm người” mà chúng ta có dịp chiêm ngắm vào dịp Lễ Giáng Sinh. Điều này có nghĩa là Mặc Khải Thiên Chúa đã đạt tới đỉnh điểm của nó, đạt đến độ tròn đầy của nó. Nơi Đức Giê-su Na-da-rét, Thiên Chúa đã thực sự viếng thăm dân Ngài, Thiên Chúa đã viếng thăm nhân loại theo một cách thế vượt quá mọi đợi mong: Ngài đã gởi Thánh Tử của Ngài cho nhân loại, nghĩa là Thiên Chúa đã muốn làm cho con người biết chính Thiên Chúa. Thực vậy, Đức Giê-su không truyền đạt cho chúng ta một điều gì đó về Thiên Chúa, Ngài cũng không nói về Chúa Cha cách đơn giản nữa, mà Ngài chính là Mặc Khải Thiên Chúa, và bởi vì Ngài là Thiên Chúa, nên chỉ có Ngài mới có thể hé lộ cho chúng ta “dung mạo Thiên Chúa”. Trong lời tựa của mình, Thánh Sử Gio-an đã viết thế này “Thiên Chúa, chẳng ai thấy bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18)

Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh đến điều này, đó là “việc tỏ lộ dung mạo Thiên Chúa”. Xem xét điều này, Thánh Sử Gio-an, trong trình thuật của mình, đã trình bày cho chúng ta một cuộc thoại đầy ý nghĩa mà chúng ta vừa nghe đầu buổi Tiếp Kiến này, đó là cuộc thoại giữa ông Phi-líp-phê và Đức Giê-su. Khi đã đến gần cuộc Vượt Qua, Chúa Giê-su đảm bảo lại với các môn đệ và khích lệ họ là hãy tin và đừng sợ hãi. Rồi sau đó Ngài đã trò chuyện với họ, và trong cuộc đối thoại ấy Ngài đã nói về Chúa Cha (x. Ga 14,2-9). Chuyện cụ thể là, ông Phi-líp-phê hỏi Chúa Giê-su thế này “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện!” (Ga 14,8). Chúng ta thấy Phi-líp-phê là một người rất thực tế và thích cụ thể, đã thay chúng ta nói ngần ấy điều mà ai trong chúng ta cũng muốn nói, đó là chúng con muốn thấy Chúa Cha, nghĩa là đòi “gặp mặt” Cha, đòi được thấy dung mạo Chúa Cha.

Câu trả lời mà Chúa Giê-su đưa ra, không chỉ trả lời cho riêng Phi-líp-phê và các môn đệ Chúa Giê-su, mà là cho hết thảy chúng ta và đưa dẫn chúng ta đi vào trọng tâm của niềm tin có tính Ki-tô học, rằng “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Trong cách diễn dạt ấy chứa đựng cách tóm lược tính mới mẻ của Tân Ước. Tính mới mẻ ấy đã xuất hiện nơi hang đá Bê-lem, đó là Thiên Chúa có thể được nhìn thấy, Thiên Chúa đã biểu lộ dung mạo của Ngài. Một Thiên Chúa hữu hình nơi Đức Giê-su Ki-tô.

Trong toàn bộ Cựu Ước, chúng ta thấy hiển lên rất rõ chủ đề “hãy kiếm tìm tôn nhan Thiên Chúa”, nghĩa là chỉ đề mong mỏi muốn biết dung mạo Thiên Chúa, muốn được thấy Ngài tận mắt. Trong tiếng Do-thái, thuật ngữ “pānîm”, có nghĩa là “dung mạo”, được nhắc tới không dưới 400 lần, và cả 100 trong số ấy, ám chỉ đến “dung maọ Thiên Chúa”. Mỗi lần nhắc tới là mỗi lần ám chỉ đến ý nghĩa “dung mạo Thiên Chúa”. Thế nhưng đối với tôn giáo Do-thái, mọi ảnh tượng về Thiên Chúa đều bị cấm, bởi vì người tín hữu Do-thái tin rằng Thiên Chúa bất khả biểu đạt bằng bất kỳ ảnh tượng nào. Cũng nên biết là trong Cựu Ước các dân láng giềng của người Do-thái, họ thờ ảnh tượng, và điều này giúp chúng ta hiểu được việc cấm ấy có một ý nghĩa nào đó. Ở đây chúng ta thấy việc cấm này xem ra loại trừ hoàn toàn việc “thấy Thiên Chúa tận mắt” qua ảnh tượng trong thờ phượng và trong lòng sùng kính. Vậy thì, đối với người Do-thái sùng đạo, việc kiếm tìm dung mạo Thiên Chúa có nghĩa gì, trong khi biết rằng chẳng ở đâu có dung mạo như thế?

Câu hỏi này quan trọng. Một đàng họ muốn nói rằng Thiên Chúa không thể được biểu đạt hoặc bị giản lược vào một vật gì đó, ví dụ như một bức ảnh Chúa được cầm trên tay, mà cũng không được đặt cái gì khác vào chỗ của Thiên Chúa. Vậy mà, đàng khác, Thiên Chúa đã phán với họ (họ lại khẳng định rằng) Ngài có một dung mạo, Ngài là một Vị, một Đấng, một “NGÀI” có thể có tương quan với dân. Thiên Chúa là một Đấng đã không khép kín mình ở chốn Trời Cao để nhòm trộm xuống con người. Chắc chắn Thiên Chúa vượt lên trên mọi sự, vượt lên mọi cách thế biểu đạt, tuy nhiên Ngài đã đích thân tìm tới chúng ta, mở lòng lắng nghe chúng ta, nhìn ngắm chúng ta, và trò chuyện với chúng ta, ký kết giao ước với chúng ta, và trên cả là Thiên Chúa có khả năng yêu. Lịch sử cứu độ là một chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người, và lịch sử ấy thuật trình về Thiên Chúa, Đấng đã hé mở mình từ từ cho con người, Đấng đã làm cho con người biết chính Ngài, biết dung mạo của mình.

Đúng vào ngày đầu Năm Mới, ngày 01 tháng Giêng, chúng ta đã nghe được trong phụng vụ lời cầu chúc bình an rất tuyệt vời: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh (em)! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)!” (Ds 6,24-26). Ánh tôn nhan Thiên Chúa chiếu tỏa chính là nguồn sự sống, là ánh sáng cho phép ta nhìn thấy thực tại. Ánh sáng Dung Mạo Ngài chính là một dẫn lộ cho sự sống.

Trong Cựu Ước, có một nhân vật khác mà trong đó nó được gắn kết trong một cách thế hết sức đặt biệt với chủ đề “dung mạo Thiên Chúa”, đó là những thuật trình về Mô-sê. Thiên Chúa đã chọn Mô-sê để giải phóng dân khỏi ách nô lệ của Ai-Cập, qua Mô-sê Thiên Chúa đã ban cho dân Lề-Luật của giao ước và dẫn dắt dân về Đất Hứa. Đúng vậy, chương 33 của sách Xuất Hành thuật rằng ông Mô-sê có một mối tương quan gần gũi và cẩn tín với Thiên Chúa. Có đoạn thuật rằng “Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê mặt đối mặt, Chúa đã nói với ông như một người bạn nói với một người bạn thân” (câu 11). Với tương quan cẩn tín như thế, Mô-sê đã thành khẩn xin Chúa cho được thấy dung mạo của Chúa: “Chúa ơi! Xin tỏ cho con vinh quang của Ngài!” Và Thiên Chúa đã đáp ứng thành ý của ông rõ thế này “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi và sẽ xưng danh Ta là Đức Chúa trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót”. Nhưng mà ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống. Đức Chúa còn phán thế này “Đây là chỗ gần Ta, ngươi ngồi trên tảng đá. Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá và lấy bàn tay Ta mà che cho ngươi đến khi Ta đã đi qua. Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy!” (Xh 33, 18-23).

Qua những trình thuật ấy, một mặt chúng ta thấy giữa Mô-sê và Đức Chúa có một cuộc thoại như những người bạn thân tình và cẩn tín, nhưng mặt khác thì Mô-sê đang khi còn sống mà muốn nhìn thấy tôn nhan Chúa thì coi như bất khả thi, vì Thiên Chúa vẫn còn giữ kín, và việc nhìn dung mạo của Ngài bị giới hạn. Các thánh giáo phụ bàn về điều này như sau: anh chỉ có thể nhìn thấy các mặt lưng của tôi, ý muốn nói rằng bạn chỉ có thể theo sau Đức Ki-tô và bước theo Ngài bạn, (nếu không anh chỉ) nhìn từ phía lưng của mầu nhiệm Thiên Chúa. Thiên Chúa mà dân bước theo, là Thiên Chúa mà họ chỉ nhìn thấy các mặt lưng của Ngài.

Nhưng, với mầu nhiệm Nhập Thể, một điều gì đó hoàn toàn mới đã xuất hiện. Hành trình tìm kiếm dung mạo Thiên Chúa đi vào một bước ngoặt không thể tưởng tượng nổi, bởi vì dung mạo này, giờ đây đã có thể thấy: đó là dung mạo của Đức Giê-su, của Con Thiên Chúa làm người. Nơi Ngài, hành trình mạc khải của Thiên Chúa, khởi đi từ việc gọi Áp-ra-ham, đã nên trọn. Đức Giê-su Ki-tô chính là sự viên mãn của toàn thể mạc khải bởi vì Ngài chính là Con Thiên Chúa và đồng thời cũng là “Đấng Trung Gian đích thực, và là sự viên mãn của toàn thể mạc khải” (Hiến Chế Dei Verbum, số 2). Nơi Ngài nội dung Mạc Khải và Đấng Mạc Khải trùng khít với nhau. Đức Giê-su tỏ cho chúng ta biết dung mạo Thiên Chúa và giúp chúng ta nhận biết “Danh xưng Thiên Chúa”. Trong lời nguyện tư tế, trong bữa Tiệc Ly, Ngài đã nói về Cha rằng: “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha…Con đã cho họ biết danh Cha” (x. Ga 17,6.26).

Lối diễn đạt “danh xưng Thiên Chúa” có ý nói rằng, cũng như Đức Ki-tô, Thiên Chúa Cha cũng đang hiện diện giữa con người. Trước bụi gai đang bốc cháy, Thiên Chúa đã mạc khải danh xưng của Ngài cho Mô-sê, từ nay thánh danh Thiên Chúa có thể được cất lên, như là một dấu chỉ cụ thể về sự “hiện diện” của Ngài ở giữa nhân loại. Nơi Đức Ki-tô, toàn bộ hành trình này đã nên trọn và tìm thấy sự viên mãn của nó. Ngài đã công bố một cách thức hiện diện mới của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, đó là “những ai trông thấy Ngài thì thấy Chúa Cha” , như khi Ngài đã nói cho Phi-líp-phê (x. Ga 14,9). Thánh Bê-na-đô xác nhận rằng, Ki-tô giáo là “tôn giáo của Lời Thiên Chúa”, nhưng, không phải là một lời được viết hay lời thinh lặng, mà là Lời được nhập thể và sống động” (Hom. Super missus est, IV, 11: PL 183, 86B). Trong truyền thống giáo phụ và trung cổ, người ta sử dụng một công thức đặc biệt để diễn tả thực tại này: Đức Giê-su là Lời vắn tắt (Verbum abbreviatum) (Rm 9,28; Is 10,23); Ngài là lời vắn tắt và thiết yếu của Chúa Cha, Lời đã nói cho chúng ta tất cả về Ngài.

Cũng vậy, nơi Đức Giê-su, thì khoa trung gian (khoa sư phạm trung gian) giữa Thiên Chúa và con người, cũng tìm thấy sự viên mãn của nó. Trong Cựu Ước, ta thấy có nhiều nhân vật được chọn để thi hành sứ mạng này, cụ thể là Mô-sê. Ông là người giải phóng, là người hướng dẫn, là “vị trung gian” của giao ước cũ, và Tân Ước cũng đã xác định ông như vậy (Gl 3,19; Cv 7,35; Ga 1,17). Còn Đức Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật. Ngài không chỉ đơn thuần là một trong các vị trung gian giữa Thiên Chúa và con người mà còn là Đấng trung gian của Giao Ước mới và vĩnh cửu (x. Dt 8,6; 9,15; 12,24). Thánh Phao-lô xác nhận: “Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là con người Ðức Ki-tô Giê-su” (1Tm 2,5; xem Gl 3,19-20). Nơi Ðức Ki-tô Giê-su, chúng ta thấy và gặp gỡ Chúa Cha; nơi Ngài, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa với danh xưng là “Abba, Cha ơi!”; nơi Ngài, chúng ta được trao ban hồng ân cứu độ.

Khao khát để biết Thiên Chúa đích thực, nghĩa là lòng mong mỏi muốn được thấy dung mạo Thiên Chúa vốn  đã hiện diện một cách bẩm sinh nơi mỗi người, kể cả những người vô thần. Và có lẽ, chúng ta chỉ ý thức về khao khát này khi chúng ta muốn tìm biết Thiên Chúa là Đấng nào, Ngài là gì và là ai đối với chúng ta. Và nỗi khao khát chỉ được thỏa đáp (thành hiện thực) khi chúng ta bước theo Đức Ki-tô, trở nên thân quen với Ngài và cuối cùng là được thấy Thiên Chúa như một người bạn, thấy dung mạo của Ngài nơi dung mạo của Đức Ki-tô. Điều quan trọng là chúng ta không chỉ bước theo Đức Ki-tô những lúc cần thiết và khi chúng ta thấy không còn bận bịu với công việc thường ngày, nhưng chúng ta cần bước theo Ngài trong suốt cuộc sống của mình.

Một cuộc sống trọn vẹn cần phải được định hướng vào cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô, vào tình yêu dành cho Ngài, và trong tình yêu này, ta hãy dành một vị trí trung tâm cho tình yêu đối với tha nhân, một tình yêu mà nhờ vào ánh sáng của mầu nhiệm khổ nạn của Đức Giê-su, chúng ta sẽ nhận ra khuôn mặt của Đức Giê-su nơi khuôn mặt của những người nghèo, những người bệnh tật và đau khổ. Điều này chỉ trở nên khả thi khi dung mạo thật của Đức Giê-su trở nên thân quen với chúng ta khi chúng ta chăm chú lắng nghe Lời của Ngài và trên cả là Mầu Nhiệm Thánh Thể. Vì khi đi vào Lời này, chúng ta có thể gặp gỡ Ngài đích thực và tất nhiên là gặp Ngài trong Mầu Nhiệm Thánh Thể.

Trong Tin Mừng Thánh Lu-ca, đoạn tường thuật về hai môn đệ trên đường Em-mau rất quan trọng. Hai môn đệ đã nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh, nhưng trước đó cũng cần có những bước chuẩn bị, họ đã mời Ngài nên Ngài vẫn ở lại với họ, và cuộc gặp gỡ này cũng đã được chuẩn bị bởi cuộc đối thoại vốn làm cho trái tim họ bừng cháy. Và cuối cùng họ đã nhận ra Ngài. Chúng ta cũng vậy, Bí Tích Thánh Thể phải được chuẩn bị bằng một đời sống diễn ra trong cuộc thoại với Đức Giê-su và đó là ngôi trường vĩ đại mà chúng ta có thể học để thấy dung mạo Thiên Chúa, chúng ta đi vào mối dây thân mật với Ngài. Chúng ta cũng học để ngay từ lúc này, chúng ta biết hướng đến khoảnh khắc cuối cùng của lịch sử, lúc Thiên Chúa sẽ tỏ cho chúng ta thấy ánh sáng của dung mạo Ngài. Trong thế giới này, chúng ta đang cất bước để hướng đến sự viên mãn, trong niềm vui chờ đợi Nước Thiên Chúa hiển trị.

Cám ơn anh chị em

RadioVaticana, 16/1/2013

Augustin Nguyễn Thái Hiệp, S.J.

Augustin Nguyễn Minh Triệu, S.J.

chuyển ngữ và giới thiệu.

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *