Cho phép mình sướng

Tôi vừa bước ra khỏi một cuộc chiến của bận rộn. 12 tiếng mỗi ngày quay cuồng với chiến lược, hoạch định, chương trình hoạt động, giao tế, thỏa thuận, công văn…tôi luôn trở về nhà với một trạng thái lâng lâng, một thân xác rã rời cùng với một tâm trí trống rỗng. Nhưng tôi nghiện cảm giác bận rộn đó. Nếu bạn cũng đang chiến đấu trong cuộc chiến tương tự như vậy, bạn sẽ hiểu cái khoái cảm có được khi luôn là người ra khỏi văn phòng cuối cùng, nhìn một thỏa thuận ký chốt, nghe những lời khen về kết quả đạt được, hoặc cãi nhau rất hăng trên bàn họp để bảo vệ lập trường của mình… Những việc đó có thể gây nghiện.

Bạn không tin sao?

Viện Nghiên Cứu về Căng thẳng của Mỹ đã chỉ ra rằng, từ những năm 1990 các nhà khoa học đã phát hiện rằng, căng thẳng cũng gây nghiện, vì khi bạn căng thẳng, cơ thể tiết ra một loại hooc-môn tên là dopamine tạo cảm giác thoải mái. Dopamine tác động đến hệ thần kinh trung ương để đòi hỏi bạn lặp đi lặp lại một vài hoặc một loạt các hoạt động giúp tiếp tục tiết ra chất này, và tiếp tục khiến bạn thoải mái. (1)

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nghiên cứu thấy rằng khi cơ thể hoạt động với cường độ cao, các mô, cơ bị kéo dãn do hoạt động quá độ, cơ thể có thể sản sinh ra chất endorphin hay còn gọi là “morphin nội sinh”, hiểu đơn giản là một chất giảm đau có tính gây nghiện do cơ thể tự tạo ra. Cũng như các loại chất gây nghiện khác, cơ thể càng lúc càng đòi một lượng lớn hơn chất gây nghiện này, và để đáp ứng, càng lúc con người phải càng hoạt động quá sức hơn để có thể sản sinh nhiều hơn endorphin. (2)

Cái này, dân gian gọi nôm na là “thú đau thương”.

Bạn thấy đó, cơ thể chúng ta có những cơn nghiện mà chính mình đã không hề nhận ra. Và nếu ai đó nói rằng, họ nghiện đau khổ, hoặc họ nghiện tình trạng căng thẳng, có lẽ đó là sự thật. Hoặc cũng có khi chúng ta đổ thừa cho guồng quay của công việc và cuộc sống, mưu sinh và thăng tiến, là tôi bị cuốn đi, chứ không phải là tôi chọn lựa mình trôi đi theo những thứ giúp tôi cảm thấy thoải mái một cách rệu rã.

Nếu bạn vẫn chưa tin rằng mình đang nghiện căng thẳng, bạn hãy thử nhớ lại lần cuối cùng bạn cho phép mình được ngồi thảnh thơi, nhâm nhi một món đồ uống mình ưa thích, đọc một cuốn sách hay, hoặc ngắm nhìn dòng người qua lại. Lần cuối cùng đó, bạn ngồi không được bao lâu? Bạn có cảm thấy bứt rứt, bạn có cảm thấy quá khó chịu với sự thảnh thơi đó không?

Nếu câu trả lời của bạn là “ngắn ngủi”, “bức bối”, “không chịu được”… thì có lẽ bạn cũng như tôi, chúng ta nghiện sự căng thẳng, hay người bình dân hay nói “khổ riết quen rồi, giờ sướng chịu không nổi”.

Và đó là lý do vì sao chúng ta cần cai nghiện.

Chúng ta cần bứt mình ra khỏi những lo toan, những vòng quay liên tu bất tận đó, bắt chước Chúa Giê-su để đi vào một nơi thanh vắng, gặp gỡ một Người có thể giúp chúng ta bình an lại, và sắp xếp lại cuộc đời mình.

Nếu nói cuộc đời của mỗi chúng ta giống như một cái tủ, với những ngăn, kệ, không gian nhất định, thì việc chúng ta thỉnh thoảng phải lôi hết mọi thứ ra và sắp xếp lại, vứt bỏ bớt những thứ đã cũ kỹ không còn cần đến để cho ngăn nắp là điều hết sức cần thiết. Chúng ta cần cho phép mình được cảm nếm sự sung sướng thuần khiết mà không gợn trong đó những ham muốn của danh lợi, chiến thắng, tiền bạc, hay các mối quan hệ xã hội chi phối. Trong cái “sung sướng thuần khiết” đó, chúng ta cho phép mình được bày ra những điều khiến mình bận tâm, được gục vào lòng của Đấng Tình Yêu và nói “con mệt mỏi” và cảm nhận được Ngài chạy từ đàng xa đến, ôm chầm lấy chúng ta, hôn lấy hôn để, xỏ dép vào chân, và lấy áo mới cho chúng ta. Cho phép mình được sống cái giây phút rất hiện tại đó, để nói với “Bố” rằng: Con đã có lỗi, xin tha thứ cho con. Và thấy rằng “Bố” chẳng mảy may quan tâm đến cái quá khứ đó, “Bố” cũng không lo lắng mai mốt đứa con này có tái phạm hay không, “Bố” chỉ quan tâm đứa con vỡ nát này đang đứng trước mặt Ngài, và cần được yêu thương, vỗ về.

Bạn có cho phép mình được nếm trải cái “sung sướng thuần khiết” này không? Bạn có chọn đứng lên, đi về với “Bố” chứ?

Dành cho bạn http://linhthaosinhvien.net/ nếu câu trả lời là có, là muốn.

Vi.

(1) https://www.stress.org/are-you-a-stress-addict

(2) https://www.webmd.com/depression/guide/exercise-depression#1

Kiểm tra tương tự

Đức khó nghèo đem chúng ta đến gần Thiên Chúa

Một trong những danh hiệu truyền thống dành cho thánh Giuse là “Người yêu mến …

Giáo dục Kitô giáo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô

  Tôi đang làm việc trong trường Dòng Tên. Trong những ưu tư về giới …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *