Chọn chúa hay chọn dấu lạ?

“Sẽ có những Ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn.” [Mt 24,24]

“Có kẻ lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.” [Lc 11,16]

Bạn có nhận thấy một thế hệ đòi dấu lạ – hiếu kỳ với những sự lạ! Càng ngày, thế giới càng có quá nhiều những điều lạ thường diễn ra, kích thích sự quan tâm của quần chúng, thậm chí thu hút sự hiếu kỳ của con người. Chưa thời nào như thời nay con người trở nên rất dễ dàng để “phong thần” cho những những sự vật và cho con người. Người ta sẵn sàng “phong thần” cho chó, cho rắn, cho cá, và sẵn sàng sụp lạy chúng mà không cần hiểu biết điều ấy có hợp lý hay không, những sự lạ ấy có thật sự là lạ hay giả tạo. Có một số người tự xưng mình là tiên tri, là nhà ngoại cảm, là các thầy chiêm tinh, đã thu hút và làm lay động không ít những tâm hồn đơn sơ và yếu đuối. Thậm chí, còn có một xu hướng, người ta sẵn sàng bỏ rất nhiều thời gian, tiền của và công sức để chạy đến những nơi được gọi là linh thiêng hay được cho là có xuất hiện dấu lạ như: Đức Mẹ Tà-pao, cha Bửu Diệp, cha Long Lòng Chúa Thương Xót,… Có người muốn đến để xin ơn, để được chữa lành, có người muốn thăm quan, và cũng có người vì hiếu kỳ muốn đến xem những sự lạ,… Các mục đích này có thể là tốt, tuy nhiên điều đáng quan ngại ở đây chính là sự “quá nhạy cảm” đối với những dấu lạ của con người hôm nay.

Những ai có thể làm được dấu lạ? Theo như lời Chúa dạy, chúng ta biết rằng, không chỉ Thiên Chúa và các thiên thần của Ngài có thể làm được phép lạ, nhưng chính thế lực sự dữ [Sa-tan] cũng có thể làm được những dấu lạ giống hệt như Thiên Chúa làm: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi” (Mt 7,15). Chúng hoàn toàn có thể giúp con người tìm thấy hài cốt thân nhân, có thể giúp chữa khỏi bệnh tật, có thể giúp con người buôn may bán đắt, có thể giúp con người biết được những sự thầm kín và giúp làm được nhiều điều con người ao ước. Thậm chí, chúng làm những điều trên còn hấp dẫn hơn cả các thánh của Chúa làm. Một khi con người bị hút vào những dấu lạ hấp dẫn này, con người quên mất thực tại cuộc sống này, quên mất phẩm giá của những điều bình dị hằng ngày của đời sống. Phẩm giá cao quý của nó ở chỗ, chính Chúa Giê-su đã chọn lối sống ấy và đã trả một giá rất đắt là chính sự sống của Ngài để cứu chuộc lại nó.

Mục đích [của dấu lạ và của kẻ làm dấu lạ] là gì? Dù ta thấy những diễn tả bên ngoài của dấu lạ từ Thiên Chúa và từ các ngôn sứ giả (hay của tên phản Ki-tô) đều giống nhau, nhưng mục đích và đường hướng thì hoàn toàn khác nhau. Thiên Chúa tỏ mình qua những dấu lạ để con người nhận biết Người, để thương xót và cứu vớt con người, nhờ đó con người tìm được về nguồn của hạnh phúc là chính Ngài. Trong khi đó, những tên khác làm dấu lạ nhằm mục đích kéo con người về phe của nó, đó là con người trở nên tự mãn, kiêu ngạo, loại bỏ Thiên Chúa và trở thành nô lệ của sự dữ. Như ta biết, điều này không thể hứa hẹn cho ta sự hạnh phúc vĩnh cửu mà còn ngược lại, đánh mất linh hồn mình. Vì thế, những kẻ tìm, kiếm và chạy theo dấu lạ thì dễ có nguy cơ rơi vào bẫy của kẻ thù, quên đi giá trị của một cuộc sống bình thường của con người, đầy quý giá với những nỗ lực và cố gắng sống hằng ngày. Chính môi trường đời sống thường ngày là môi trường tốt nhất để mỗi người nên thánh, môi trường con người lập công, môi trường sống trọn vẹn đức Tin – Cậy – Mến, chứ không phải là dấu lạ, không phải là đền thờ hay nơi thánh thiêng nào khác: “…những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23). Nói như thế không có nghĩa là ta không nên đến với những cuộc hành hương hay thăm viếng đền các thánh, nhưng điều nhắm quan trọng là tương quan thâm tình của ta với chính Chúa chứ không phải chỉ là dấu lạ hay chỉ tìm ơn huệ của Ngài.

Thiên Chúa luôn ao ước con người được sống hạnh phúc, sống triển nở trong sự tự do và trở nên con cái của Ngài: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Vì thế, bất cứ hình thức lễ nghi, thờ phượng hay chạy theo dấu lạ nào làm cho con người trở nên tổn thất phẩm giá (cả của cải, thời gian, công sức), trở nên sợ hãi mất tự do, trở nên ảo tưởng xa rời thực tại, rơi vào hình thức thờ ngẫu tượng xa rời Thiên Chúa, đều là những hình thức xa lạ với ý muốn của Ngài. Ngài tôn trọng tự do của con người nên đôi khi ta nhận thấy dường như Ngài không lên tiếng gì trong những điều con người đang làm, nhưng ta biết rằng thời khắc cuối cùng đang đến và đôi khi thời khắc ấy đã đến ngay tức thì đối với một số người. Hãy nhìn xem mà rút kinh nghiệm cho chính mình!

Dấu Lạ lớn nhất chính là Đức Ki-tô Giê-su. Ngài là Thiên Chúa thật mà chấp nhận trở nên người phàm và sống như người trần thế (x.Pl 2,6-11), để chuộc những ai sống dưới trần thế. Ngài đã chọn và ôm ấp lấy đời sống bình thường của con người, chọn một gia đình đơn sơ để nhập thể. Ngài trở nên gần gũi, cụ thể và sống động trong từng nhịp sống của kíp nhân sinh. Ngài trở thành bạn đường của hết mọi người, để an ủi, bênh đỡ, để hướng dẫn và nâng con người lên tầm cao mới là được làm con và được nên giống Thiên Chúa.

Tuy nhiên, dù Ngài gần gũi và sống động như thế nhưng con người vẫn khó nhận ra, vì thế con người vẫn loay hoay tìm kiếm và đôi khi bị lạc đường. Vậy Thái độ sống đức tin nào nên được ôm ấp nơi người tín hữu? Hãy để cho Lời Chúa được nhào nặn và “thấm” vào lòng ta mỗi ngày qua việc chú tâm hơn đến Lời của Chúa. Hãy nương theo những hướng dẫn của Giáo Hội và lắng nghe những tiếng nói thánh thiêng từ lương tri của ta. Đó là những nền tảng vững chắc để mỗi tín hữu tựa vào mà tìm cho mình hướng đi đúng đắn. Hãy can đảm để cho những yếu đuối của phận người cứ xâm chiếm lấy mình trong ánh nhìn yêu thương của Thiên Chúa, đừng cố tìm chạy trốn khỏi chính mình, khỏi yếu  đuối phận người qua việc “nài nỉ” những dấu lạ. Cái yếu đối của phận người có những nét đẹp của nó. Nếu ta cứ chạy theo dấu lạ rồi ra sự hiện hiện của Chúa Giê-su trở thành vô ích, những công nghiệp cứu độ của Ngài trở nên vô nghĩa. Dấu lạ rồi cũng qua đi, ơn huệ thì có lúc này lúc khác, nhưng Chúa thì luôn luôn hiện diện mãi. Người tặng quà thì không bao giờ muốn người nhận quà nhìn quà và chỉ nhớ đến quà, nhưng mà nhìn quà và nhớ đến người tặng. Món quà là trung gian để cho người trao và người nhận được gắn kết thân mật và ở lại trong tâm của nhau. Món quà là biểu tượng của Tình Thương và là dấu chỉ của Người Tặng Quà.

Trương Minh Cao, SJ.

Kiểm tra tương tự

Hẹn hò trực tuyến – Thật nản lòng!

Ngày nay, các bạn nữ Công giáo độc thân chẳng dễ dàng gì để tìm …

Tolle Lege: Lời mời gọi đọc sách

Có lẽ nhiều người khó chịu với trào lưu khuyến khích văn hóa đọc. “Với …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *