Chủ đề: Những Hướng Dẫn Sống Thao Luyện Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19 (5/4/2020)

Hướng dẫn sống Linh Thao 8

 

Việc cầu nguyện của Tuần III

 

Anh chị em thân mến,

Trong Linh thao, những bài cầu nguyện theo mặc khải có hai loại: suy gẫm và chiêm niệm. Những bài cầu nguyện của Tuần một thuộc đời sống thanh luyện là những bài suy gẫm – còn những bài cầu nguyện của Tuần hai trở đi thuộc đời sống soi sáng là những bài chiêm niệm.

 

1/ Những bài suy gẫm:

Theo định nghĩa của từ điển, “suy gẫm là việc vận dụng các khả năng suy tư, tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn để tìm hiểu các mầu nhiệm đức tin”. Trong Linh thao, các khả năng này được vận dụng để chủ thể nghiền ngẫm, suy xét mà tìm hiểu sự thật về chính mình dưới ánh sáng đức tin của Nguyên Lý và Nền Tảng ở cấp độ nhân bản (LT 233-7).

 

Mục đích của Tuần Một giúp thao viên đạt tới ơn tha thứ của Thiên Chúa với ba bài mẫu trong ngày: Về tội ở ý thức khi thao viên suy gẫm tội của tha thể để nhận ra tội của chính mình: tội các thiên thần, Adam-Eva và tội một ai đó (LT 45-53) – Về tội trong vô thức khi thao viên suy xét và nghiền ngẫm các tội đã phạm trên ý thức của chính mình và tìm ra những xung năng trôi xuống thành nết xấu luân lý nơi sâu thẳm cõi lòng (LT 55-60) – Và về Hỏa ngục, vốn được hiểu là hậu quả con người phải lãnh nhận do những tội lỗi chính mình đã gây ra (LT 65-71). Chính vì Chúa còn để cho tôi sống nên đây là cơ may tôi trở về mà lãnh nhận ơn tha thứ và hiện thực ơn tha thứ bằng hệ thống xét mình (LT 24-43).

 

Như tôi đã trình bày, cấu trúc bài cầu nguyện theo I-nhã gồm: đặt mình dưới sự hiện diện của Chúa – đặt khung cảnh – xin ơn – cầu nguyện với những điểm gợi ý – tâm sự và kết thúc. Vào Linh thao, sau khi đặt Nguyên lý và nền tảng cho cuộc thao luyện, ta sẽ có Nguyên lý này đặt ở đầu mỗi bài như gương soi cho toàn bộ chủ đề cầu nguyện. Đó là kinh dọn lòng (LT 46). Như vậy, Cấu trúc của những bài suy gẫm của Tuần một thứ tự như sau: Đặt mình hiện diện trước mặt Chúa – sau kinh dọn lòng  là hai tiền nguyện: đặt khung cảnh và  xin ơn – tiếp theo là chính việc suy gẫm các điểm được gợi ý – rồi đến tâm sự và kết nguyện. Sau giờ suy gẫm là thời gian xét gẫm.

 

2/ Những bài chiêm niệm:

Theo từ điển, “chiêm niệm là chiêm ngắm Chúa Giêsu trong đức tin, tham dự vào các mầu nhiệm của Người, lắng nghe lời Chúa, và mến yêu Người trong thầm lặng”. Trong Linh Thao, chiêm niệm là hành vi cầu nguyện trong đức tin liên quan đến mầu Nhiệm Đức Giêsu, để tiếp nhận Ngài từ bên ngoài vào trong ý thức, ngang qua cửa ngõ giác quan: thị giác, thính giác và cả ngũ quan để dần dà Ngài và lối sống của Ngài đi vào ý thức rồi chìm sâu vào trong vô thức. Thế nên trong các bài chiêm niệm về cuộc đời Chúa Giêsu, thánh I-nhã đề nghị thao viên nhìn xem các nhân vật (LT 106; 114), nghe các nhân vật nói (LT 107; 115) nhìn các nhân vật làm (LT 108; 116)…. Tất cả các bài chiêm niệm của Tuần Hai, Tuần Ba và Tuần Bốn đều vận dụng các giác quan như thế.

 

Cấu trúc của bài chiêm niệm có chung cấu trúc như bài suy gẫm, nhưng có thêm một tiền nguyện là lịch sử đặt trước hai tiền nguyện của bài suy gẫm. Như thế thứ tự là: Đặt mình hiện diện trước tôn nhan Chúa – kinh dọn lòng – tiền nguyện một, về lịch sử – tiền nguyện 2, về khung cảnh – tiền nguyện 3, là xin ơn – sau đó là những điểm chiêm niệm – cuối cùng là tâm sự và kết thúc.

 

Có hai lưu ý liên quan đến kinh dọn lòng và về lịch sử:

 

-Về kinh dọn lòng:

Ở Tuần một, chúng ta “xin cho mọi ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ hướng về việc ca tụng và phụng sự Chúa Chí Tôn” (LT 46), nhưng sự qui hướng ấy còn dừng lại ở bình diện luân lý, nghĩa là làm điều thiện chứ không phạm tội – còn Kinh Dọn lòng từ Tuần Hai trở đi, nội dung trên còn ngầm ám chỉ cụm từ “như Chúa Giêsu”, để mình được đào luyện sống cái tốt hơn của tình yêu hiến tế so với cái tốt nhân bản. Vì Ngài là mẫu gương giúp ta được đào luyện nên con Thiên Chúa.

 

-Về Lịch sử:

Như đã trình bày, những bài chiêm niệm trong Linh Thao có thêm tiền nguyện về lịch sử và được đặt trước hai tiền nguyện của bài suy gẫm: tức là việc đặt khung cảnh và xin ơn. Ý nghĩa cho ta nhận thức rằng Ngôi Hai Thiên Chúa đến làm người để cứu độ và thánh hóa con người không phải là một ý niệm hay một sự tưởng tượng của loài người sáng chế ra, nhưng được Thiên Chúa thực hiện cách cụ thể trong lịch sử nhân loại đến nỗi thánh Gioan viết: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời Sự Sống….chúng tôi làm chứng và loan báo cho anh em” (1Ga 1,1-2).

Chúc anh chị em bước vào hành trình chiêm niệm cuộc khổ nạn của Chúa với tràn đầy lòng sốt mến.

Cho vinh danh Chúa hơn

Ghi chú: Tôi xin lỗi anh chị em vì thường mỗi ngày thao luyện, tôi có viết các chỉ dẫn được đăng lên vào buổi chiều để thao viên đọc và hiểu được cách đào luyện của Linh Thao.  Những chỉ dẫn này tôi thấy có đăng trên Zalo của các nhóm xứ Hiển Linh. Hôm qua tôi lên trang mạng nhà xứ: dongten.net lại không thấy. Vì có một số người hỏi tôi về sự hướng dẫn này. Xin cáo lỗi anh chị em và tôi sẽ nhờ thầy xứ đăng các bài hướng dẫn trước đây và những hướng dẫn sau này.

 

Xin chân thành tạ lỗi.

Người soạn: Lm. Giuse Lê Quang Chủng,S.J

Kiểm tra tương tự

Bảy kỹ năng sống tuyệt vời có được khi lớn lên trong một gia đình đông anh chị em

Có nhiều anh chị em là một ơn xét theo nhiều phương diện. Đây chỉ …

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam giới thiệu về Trung tâm Linh đạo I Nhã

Trong phiên họp sáng 16/04/2024 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), Đức Cha Giuse Đỗ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *