Chúa Ba Ngôi và sứ mạng truyền giáo

Trong ngày mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta đọc những câu kết thúc của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.[1] Chúa Giê-su sai các tông đồ hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đâu là mối liên hệ giữa mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mệnh lệnh truyền giáo?

 

 

Các biến cố quan trọng trong Tin Mừng Mát-thêu đều diễn ra ở trên núi. Mặc dù không nói rõ tên ngọn núi nào, nhưng tất cả đều ám chỉ đó là những sự kiện quan trọng. Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai bằng bài giảng trên núi, và bây giờ kết thúc sứ vụ ở trần gian, Ngài ủy thác sứ mạng cho các môn đệ cũng ở trên núi.

 

Điều thú vị tiếp theo, trong bài sai đi, yếu tố đầu tiên Đức Giê-su đề cập đến là quyền năng: “Thầy được trao toàn quyền trên trời dưới đất.” Quyền năng được hiểu là quyền giảng dạy, quyền trên các thần ô uế, quyền tha tội…[2] Những quyền này nói lên sức mạnh của Thiên Chúa, Ngài chiến thắng mọi sự. Nhưng chắc chắn không phải là quyền lực hành xử theo kiểu thế gian, thắng làm vua thua làm giặc. Tin Mừng thánh Mát-thêu nói rõ điều răn quan trọng nhất là yêu thương. Trong cuộc phán xét cuối cùng, Thiên Chúa chỉ dựa trên luật sống yêu thương để phân biệt người thiện với kẻ ác (Mt 25,31-46). Cho nên, quyền năng mà Đức Giê-su đề cập ở đây có ý nghĩa rộng hơn. Đó không phải là một sức mạnh khuất phục mang tính độc đoán, nhưng là sự dịu hiền của tình yêu thương và đem lại sức sống. Như thế, lệnh truyền sai đi cũng là lời mời gọi, hãy kết nối với tình yêu của Thiên Chúa. Hãy để cho quyền năng của Thiên Chúa Ba Ngôi đem đến sức sống và tình yêu vào thế giới.

 

Với quyền năng được trao, Đức Giê-su ban lề luật trên núi như một Mô-sê mới (Mt 5-7). Trong suốt thời gian đi rao giảng công khai, Ngài đã đưa ra những chỉ dẫn để sống theo luật mới. Cuối cùng, Ngài ủy thác sứ mạng ấy lại cho các tông đồ và dấu chỉ bao gồm tất cả những điều Đức Giê-su dạy thực hiện là phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Phép rửa đánh dấu sự khởi đầu số phận của Đức Giê-su, khi Ngài lãnh nhận phép rửa ở sông Gio-đan. Phép rửa ấy nhắc nhớ về việc Chúa chịu chết và phục sinh. Phép rửa ấy làm cho mọi người được tái sinh và tham dự vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi gói gọn việc sai đi vào lệnh truyền hãy làm phép rửa, Đức Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta bước vào mối tương quan của Thiên Chúa Ba Ngôi với Ngài – sống tình con thảo của với Chúa Cha và để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi chi tiết cuộc sống của mình.

 

Tuần trước mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được nhắc nhớ mình đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Ngài là món quà tuyệt vời, được ban cho các môn đệ và cho mọi người. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, cả Ba Ngôi Thiên Chúa có thể ngự trị trong đời sống và trong tâm hồn mỗi người. Khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tín hữu, Ngài mang đến sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Con. Cho nên, khi nhìn vào tâm hồn mình, bạn sẽ khám phá ra tiếng nói của Chúa Cha; nhận ra Chúa Con, Đấng mà bạn và tôi được mời gọi bắt chước, và kết hiệp mật thiết với Ngài. Tất cả những điều này chỉ có thể xảy ra được, nhờ Chúa Thánh Thần. Ngài ngự xuống trên mọi người, như cách mà Ngài đã ngự xuống trên Đức Ma-ri-a, và Mẹ đã thụ thai Con Thiên Chúa. Khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mỗi người, Thiên Chúa được sinh ra trong tâm hồn và chúng ta sẽ nhận được sự sống của Thiên Chúa.

 

Lễ trọng mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay mời gọi bạn và tôi chiêm ngắm một mầu nhiệm sâu xa và siêu việt đến nỗi chúng ta chiêm ngắm và suy ngẫm cả đời cũng không thấu hiểu hết. Mặc dù các nhà thần học đã cố gắng sử dụng các khái niệm triết học để giải thích về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, nhưng không có khái niệm, hay diễn tả nào của con người giải thích đầy đủ về bản chất Thiên Chúa là ai. Giáo lý của Giáo hội có thể trình bày những sự thật tổng quát về Chúa Ba Ngôi, nhưng Giáo hội vẫn khẳng định mầu nhiệm này rộng lớn, và trí khôn của con người không bao giờ có thể hiểu hết về bản chất bên trong, chiều sâu, vẻ đẹp và sự toàn năng của Thiên Chúa.

 

Khi suy ngẫm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, điều quan trọng không phải là cố gắng tìm ra một định nghĩa hoàn hảo để định nghĩa về Thiên Chúa, nhưng trước hết và quan trọng nhất là mở lòng mình ra để cảm nếm và bước vào mối tương quan của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nói một cách khác, là con người, bạn và tôi không thể hiểu về Thiên Chúa thông qua các suy luận của trí hiểu. Chúng ta chỉ hiểu biết về Thiên Chúa qua sự kết hiệp với Ngài trong cầu nguyện và hãy để Ngài tỏ lộ chính mình cho chúng ta.

 

Hôm nay Giáo hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm cao cả này và sống theo khuôn mẫu tình yêu hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức thánh cha Phan-xi-cô nhấn mạnh rằng: Dấu hiệu sinh động về Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu thương đối với tất cả mọi người; biết chia sẻ niềm vui mừng và sự đau khổ; không ức hiếp người khác, nhưng cộng tác với nhau; sống can đảm và khiêm tốn xin, cũng như trao ban sự tha thứ; biết trân quý những đặc sủng khác nhau mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người để xây dựng cuộc sống chung.[3]

 

Lạy Chúa, cám ơn Chúa, vì qua ngày lễ hôm nay, chúng con hiểu rõ hơn bản chất sâu xa sứ mạng của người Ki-tô hữu: Hãy trở thành một Ki-tô hữu đích thực và sống kết hiệp, thông phần vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

 

[1] Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi năm B (Mt 28,16-20): Đức Giê-su hiện ra tại Ga-li-lê, và sai môn đệ đi đến với muôn dân.

[2] Xem Mt 7,29; 8,9; 9,6; 10,1; 21,23-24,27.

[3] Huấn dụ của Đức thánh Cha trưa Chúa Nhật 30/05/2021: Dấu chỉ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu cho mọi người.

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: Trí tuệ nhân tạo phải luôn hướng đến lợi ích con người

Chiều ngày 14/6/2024, phát biểu trong phiên họp chung hội nghị thượng đỉnh G7 về …

Lời khẩn nguyện ẩn giấu trong lời kết của Kinh Kính Mừng

Mẹ Maria sẽ đồng hành cùng chúng ta nếu chúng ta mở ra với Mẹ, …