Chúa cho tôi ngã ngựa, vỡ mộng …

 

Chúa cho tôi ngã ngựa, vỡ mộng,

để tôi nhận ra, phù vân là gì và vĩnh cửu là gì

 

Mùa thu đối với tôi, có lẽ là mùa đẹp nhất trong năm. Tôi yêu thích cái cảm giác lang thang trên những con lộ ít người qua lại, ngắm nhìn mặt đường được phủ một lớp áo vàng do vô vàn tán lá rụng lìa khỏi nhành cây. Tôi chiêm niệm. Chồi non đâm khởi vào mùa xuân, rực rỡ vào mùa hạ, tàn tạ vào mùa thu, và biến mất trong không trung vào mùa đông. Cuộc đời quả thật là vô thường. Nay có đây: đủ đầy và dư dả. Nhưng mai thì chưa chắc. Có thể vẫn vậy. Cũng có thể trắng tay.

 

“Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngã xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc, gió xoay lui xoay tới rồi gió đi, gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục.“ Tôi chiêm niệm. Ai cũng sẽ đi tìm một chân lý để theo đuổi. Nếu không, người ta sẽ chết – chết vì chính tâm hồn khô héo của bản thân. Chân lý là động lực để sống, là niềm tin để theo đuổi, và là lý tưởng để bám vào. Vậy chắc hẳn ta sẽ thất vọng lắm đa, nếu cuối đời ta bỗng phát giác ra rằng: cả đời ta đã bám vào một thứ chân lý phù vân huyễn hoặc, tan đi trong mây khói một sớm một chiều.

 

Là một người trẻ đi tìm kiếm chân lý, tôi đã được Chúa chạm đến, bằng cách này hay cách khác, cho dù tôi có biết hay không. Bước vào nhà thờ, nhìn dáng người của các ông bà lưng đã còng nhưng vẫn quỳ gối trước Thánh Nhan Người, trên tay cầm chuỗi tràng hạt. Tôi thấy buồn và cô đơn khi mình là người trẻ duy nhất trong buổi chầu Thánh Thể ngày hôm đó. Thế nhưng, nỗi buồn và cô đơn của tôi có hề gì so với nỗi buồn của Chúa chứ.

 

Thời gian đã đến, khi sức mạnh của bóng tối

Lấy niềm tin ra khỏi tâm hồn,

Làm cho ánh sáng của niềm hy vọng nên mờ nhạt,

Sức nóng của tình yêu từ từ tàn phai.

Nhóm người trung tín với Chúa ngày càng ít đi,

Ngôi nhà của Chúa trở nên hoang tàn

Và chính trong lúc này, trong thời gian cuối cùng

Khi niềm tin, niềm hy vọng và cả tình yêu bị teo tóp lại,

Thì Chúa đã làm hiển lộ chính dung mạo Thánh thiện của Chúa,

Dung mạo của kẻ đã bị đóng đinh trên thập giá

Và đã nhắm mắt lại trong giấc ngủ của cái chết.

Như đứng ở sau một tấm màn, chúng con nhìn thấy những khổ đau,    

Trong những khoảnh khắc thật thánh thiện và cao cả.

Sự khổ đau của Chúa quá lớn, lớn hơn tất cả mọi thước đo do con người đặt ra,

Chúng con không thể hiểu được và chúng con không thể thấm nhuần được.

Vâng, Chúa chịu khổ đau trong thinh lặng,

Và một sức mạnh luôn ở trong Chúa,

Sức mạnh thắng vượt sự khổ đau dù lớn lao đến mấy.

Chúa là Chúa, khi Chúa đã tự mình hiến dâng.

Ôi một sự bình an sâu lắng không thể tả nổi,

Tuôn ra từ những khoảnh khắc này,

Và một lời được thốt lên: Mọi sự đã hoàn tất.

Ai được Chúa kết hiệp mãi mãi với Chúa.

Chúa sẽ ném thật xa tấm màn đầy bí ẩn che mắt người đó:

Người đó chịu đau khổ với Chúa,

Chịu đau khổ với Chúa,

Ẩn mình, thinh lặng và sâu lắng trong an bình.”

 

Tôi đã không cảm được đoạn thơ trên của Thánh Edith Stein, cho đến khi một người phụ nữ đức hạnh của Chúa bật khóc trong giờ chia sẻ thiêng liêng rằng, con luôn tìm đến Chúa khi cần sự an ủi, nhưng có bao giờ con biết được, thật ra Chúa cũng cần con đến nhà thờ để an ủi Chúa đâu. Nước mắt tôi, không hiểu sao, lại vô thức nhỏ giọt. Đúng rồi, Chúa cũng cần tôi, cần bạn, và cả bạn nữa. Chúa cần tất cả chúng ta.

 

Dù cho ở thời đại nào, thì nhà Chúa vẫn là một nơi cư ngụ của các tâm hồn bé mọn và đơn sơ, là nơi tá túc của những kẻ tội lỗi, chứ không phải là một viện bảo tàng của các vị thánh. Không một vị thánh nào mà không có một quá khứ. Không một tội nhân nào không có một tương lai. Với Chúa, quan trọng là ta bước đi như thế nào từ ngày hôm nay, chính giây phút này. Có lẽ, tôi sẽ không thể nào hiểu được những nỗi buồn của anh chị em mình, nếu tôi không có những sai lầm và bị ngã ngựa như Thánh Phaolô. Như Chúa tôi dạy: “ Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Chúa tôi cắt tỉa tôi theo ý muốn của Người, để rồi tôi nên thanh sạch là nhờ lời Người chỉ bảo. Mỗi khi được Chúa dạy và cắt tỉa, tôi lo lắng, buồn rầu và đau đớn. Nhưng rồi sau đó, khi bình an trở về, tôi nhận ra rằng, tôi được nên sáng bóng nhờ sự mài giũa của Người. Sáng bóng trong Chúa có thể là khù khờ và vô ích với thế gian, nhưng cũng không sao, vì tôi nào có thuộc về thế gian chứ. “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.“ Tôi nhìn lại cuộc đời ngắn ngủi bấy nhiêu năm của mình, rồi nhận ra bao lần tôi sắp bị thế gian nuốt chửng vì chạy theo những gì nó mời gọi, để rồi Chúa cứu tôi trong tích tắc như thể Chúa đang bỏ 99 con chiên ngoan đạo lại và hớt hải đi tìm con chiên ngu ngơ đang đi theo bầy sói dữ – là tôi.

 

Có người hỏi, Chúa chạm đến tôi như thế nào, Chúa cứu tôi ra sao. Tùy trường hợp – tôi trả lời. Chúa chạm đến tôi bằng cái gọi là Lương Tâm. Chúa cứu tôi bằng cánh tay nối dài của Người là những người con trung tín với Chúa. Tình yêu của Chúa thì không ích kỷ, không độc đoán, rằng nếu con cãi lời ta, con sẽ bị ta trừng phạt. Tình yêu của Chúa mang âm hưởng bình an và kiên nhẫn. Nếu ta chọn Chúa, Chúa vui vẻ ôm ta vào lòng và Ngài cảm thấy hạnh phúc. Nếu ta không chọn Chúa, Chúa vẫn ở đó, đợi ta quay về để tiếp tục ôm ta. Vì nếu không là Chúa, chắc chắn ta sẽ quay về tìm Chúa thôi, bởi lẽ nào có ai hay sự gì có đủ khả năng làm ta thỏa mãn. Trong tâm khảm mỗi người, sẽ luôn có một lỗ hổng rất lớn, mà nơi đó, duy nhất một mình Đấng Ki-tô mới có thể đổ đầy và khiến ta cảm thấy đủ. Chúa hoặc không. Ba từ thôi. Chúa hoặc không.

 

Có người đã tâm sự với tôi về Chúa rằng, ban đầu Chúa sẽ cho chúng ta kẹo. Chúng ta thích kẹo nên tiến về phía Người. Rồi sẽ có một lúc, Chúa thôi cho chúng ta kẹo. Đó là khoảnh khắc chúng ta phải quyết định, chúng ta thích kẹo hay chúng ta thích người cho chúng ta kẹo. Tôi chiêm niệm. Quả thật, tôi đến với Chúa vì bình an và sự dịu dàng của Người. Thế nhưng, khi thập giá được gửi tới, là những khó khăn khi tôi phải sống theo lời Chúa, vâng phục Chúa, tôi cảm thấy giận dỗi người cho kẹo đến ghê hồn. Tôi bực tức và phân bì, tại sao tôi lại khổ đến vậy, Chúa bỏ tôi rồi chăng, Chúa quá đáng và không công bằng. Phận con người yếu đuối mỏng giòn, tôi dám trách cứ Chúa sao? Thật xấu hổ. Tôi nào có nhận ra, tình yêu chỉ được chứng minh khi ta biết hy sinh cho người mình yêu.

 

Nếu tôi nói tôi yêu Chúa vì trong Chúa tôi được yêu thương, được dư dả đủ đầy, thì đó là một điều dễ hiểu. Thế nhưng, nếu tôi có thể yêu Chúa được ngay cả khi thánh giá tôi đang vác nặng nề đến mức khó thở, ngay cả khi tôi cảm thấy tôi là con cá đang lội ngược dòng để theo Chúa và điều ấy thật cô đơn, thì khi ấy, tình yêu tôi dành cho Chúa mới được xem là chân thật chứ. Thế tại sao tôi lại phải yêu Chúa đến mức như vậy? Thưa: tôi yêu Chúa, vì Chúa yêu tôi trước. Tôi cố gắng từ bỏ mình, vì Chúa đã từ bỏ mình trước vì tôi.

Chúa cho tôi ngã ngựa, vỡ mộng, để tôi nhận ra, tôi là ai và Chúa là ai. Chúa cho tôi ngã ngựa, vỡ mộng, để tôi nhận ra, phù vân là gì và vĩnh cửu là gì. Tôi đã như con ếch ngồi đáy giếng. Chúa bế tôi ra khỏi chiếc giếng chật hẹp và tù túng. Ngài dùng cánh tay được nối dài của Ngài, chính là những tín hữu trung kiên và đạo đức, giơ tôi lên cao, cho tôi thấy núi non hùng vĩ, cho tôi ngắm công trình Ngài tạo dựng, cho tôi trải nghiệm tình yêu thật có dáng vẻ ra sao, cho tôi cảm nếm sự bình an trong khổ đau, và hơn hết, cho tôi biết, giờ đây chân lý sống của tôi sẽ là như thế nào. Ngài đưa cánh tay của Ngài đang giữ tôi lên cao rồi lại cho tôi xuống thấp, nhìn đến những tha nhân đáng thương và cần sự giúp đỡ. Ngài cho tôi kinh nghiệm, Thiên Chúa của tôi không chỉ ngồi trên ngai vàng uy quyền ở nơi đâu đó tôi không chạm đến được. Ngài còn ở ngay bên tôi.

 

Trong những gương mặt đói khát vì nghèo, trong những ánh nhìn vô hồn của các ông bà ở viện dưỡng lão đang đợi người nhà đến thăm, trong những cuộc đời chạy trốn vì bị truy đuổi, trong những số phận lạc trôi trên đại dương gầm rú vì vượt biên chiến tranh. Tôi hỏi Ngài, tại sao lại là con. Con nào có to lớn để giải quyết công việc gì vĩ đại. Chúa trả lời tôi: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.”

 

God Doesn’t Call the Qualified, He Qualifies the Called. Chúa không chọn những người đã được đào tạo. Chúa đào tạo những người Chúa chọn. God sees not as man sees. Người ta không thể hiểu tại sao Chúa lại chọn một cậu bé chăn cừu David để làm Vua, hay chọn một cô gái ở tuổi thiếu niên để làm mẹ của Con Một Thiên Chúa. Chúa bảo, Nước Trời thuộc về ai giống như trẻ nhỏ. Vậy trẻ nhỏ là như thế nào? Nghĩa đen là chỉ về trẻ em, nhưng cụm từ này cũng có thể áp dụng rộng hơn cho những ai cảm thấy họ nhỏ bé trong con mắt của thế gian, những ai cảm thấy không có nhiều thứ để dâng lên cho Chúa.

 

Sự khiêm nhường là điều chúng ta có khi chúng ta nghĩ chúng ta không có. Và chúng ta sẽ đánh mất nó khi chúng ta nghĩ chúng ta có nó. Điều đó thật là sâu sắc. Chúa nâng những kẻ cúi đầu trước Chúa lên và hạ bệ những kẻ vênh váo kiêu ngạo. Lạy Chúa, ơn Khiêm Nhường, con nào có thể tự mình xây dựng. Xin Chúa Thánh Thần ngự trị trong tâm khảm chúng con để chúng con biết mình không là ai và không là gì. Chúa cho thì con nhận. Chúa lấy lại thì con cũng hài lòng. Bởi lẽ nếu không được Chúa hà hơi vào mũi, thì con cũng cũng chỉ là một thân xác lạnh ngắt và bất động. Thân phận thụ tạo này có gì để kiêu hãnh và tự cao chứ. Xin Chúa hãy cắt tỉa con theo ý Chúa muốn, nhằm hoa trái của Chúa được sản sinh. Vì tình yêu nuôi dưỡng tình yêu. Vì tinh yêu nhân thêm tình yêu. Vậy nên, lạy Chúa, xin cho con cảm nếm được tình yêu Chúa nhiều hơn để con có thể yêu thương người bên cạnh nhiều hơn, như điều Chúa đã yêu cầu. Amen.

 

 

 

CHLB Đức, 02.12.22

Katherine PA Le

 

Kiểm tra tương tự

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

  “Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu. Chúc tụng suối mạch hằng …