Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 3: Mất trí và bị quỷ ám

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối từ phe đối nghịch. Họ cáo buộc Ngài là kẻ bịp bợm, một tay ăn nhậu, kẻ làm điều ác… Nhưng có lẽ, lời vu khống nghiêm trọng nhất áp đặt cho Chúa Giêsu chắc chắn là việc Ngài bị xem như kẻ bị quỷ ám.

 

Tranh “Chúa Giêsu bị chế nhạo” của Hieronymus Bosch

 

‘Ông ta mất trí rồi!’

Khi rao giảng ở Galilê, Chúa Giêsu mải mê với đám đông đến nỗi Ngài và các môn đệ “thậm chí không có thời gian để ăn” (Mc 3:20). Khi đó, người thân của Ngài, tức là họ hàng của Ngài muốn đi bắt trói Ngài, “vì họ nói: ‘Ông ấy mất trí (exestē)’” (Mc 3:21). Chỉ có Máccô đề cập đến chi tiết này. Chi tiết này không dễ giải thích và có thể dịch là “ông ấy phát điên rồi!”. Điều này cho thấy rằng, ít nhất lúc đầu, các thành viên trong gia đình Ngài không phải là môn đệ của Ngài. Quả thực, như Phúc Âm Thứ Tư nói, “ngay cả anh em của Người cũng không tin Người” (Ga 7:5). Tuy nhiên, Mẹ của Người, Đức Maria, người mà chúng ta thấy cùng với môn đệ khác ở dưới chân thập giá (Ga 19,25-27), phải được miễn trừ khỏi việc này.

Trong Tin Mừng Mátthêu, việc gọi ai đó là “đồ ngốc” (rhaka) sẽ bị lên án rất nghiêm khắc: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo (mōre), thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt (Mt 5:22). Trong Tin Mừng Thánh Gioan, một lời xúc phạm tương tự cũng được người Do Thái dùng để ám chỉ Chúa Giêsu. Những người hiểu lầm lời nói của Ngài về việc Ngài sẵn sàng “hy sinh mạng sống” (Ga 10:17-18) và giải thích chúng như một ý định tự sát. Họ nói: “Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng (mainetai) rồi” (Ga 10:20). Bị điên tương đương với việc bị chiếm hữu. Trong lãnh thổ của người Ghêrasa, có một người đàn ông không mặc gì và đi lang thang giữa các ngôi mộ, la hét và tự đánh mình bằng những hòn đá. Sau khi Chúa Giêsu giải phóng anh ta, người dân trong vùng đó đã nhìn thấy “người bị đạo binh quỷ ám đang ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo” (Mc 5:15).

Tại Cêdarê, sau khi nghe lời khai của Phaolô, Tổng trấn Philatô đã cho ông là kẻ ngốc: “Ông Phaolô, ông điên mất rồi (mainēi),! Ông hay chữ quá nên hoá điên! “Ông Phaolô đáp: “Thưa ngài Philatô đáng kính, tôi không điên đâu, nhưng tôi nói lên những điều hợp với sự thật và lẽ phải” (Cv 26:24-25).

 

‘Ông ta bị quỷ ám!’

Lời vu khống nghiêm trọng nhất áp đặt cho Chúa Giêsu chắc chắn là việc Ngài bị xem như kẻ bị quỷ ám. Điều này được đề cập trong cả bốn Tin Mừng. Theo Máccô, lời buộc tội đến từ các kinh sư, họ nói rằng: “Ông ấy bị quỷ vương Bêendêbun ám” và “Ông ấy nhờ quỷ vương mà trừ quỷ” (Mc 3:22). Điều này cũng giống như việc gọi Con Người là “Xatan ” (Mc 3:23). Chúa Giêsu đã đáp lại lời vu khống này bằng một loạt lập luận cho thấy sự vô lý của lời buộc tội đó (Mc 3:24-27) và kết thúc bằng một tuyên ngôn chắc nịch: “Quả thật, tôi nói với các ông, ai “phạm đến Chúa Thánh Thần” sẽ được coi là “mắc tội muôn đời” (Mc 3:28-29). Quả thực, họ nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám” (Mc 3:30). Tuyên ngôn về “tội không thể tha thứ”, cũng được trích dẫn từ Tin Mừng Mátthêu 12:31-32 và Luca 12:10 với nhiều biến thể, và là một trong những lời phán xét nghiêm khắc nhất mà Chúa Giêsu từng nói ra [9].

 

 

Lời buộc tội như vậy cũng xuất hiện trong Tin Mừng Thứ Tư. Lời khẳng quyết của đám đông: “Ông bị quỷ ám thật rồi! […] có ai tìm giết ông đâu” (Ga 7:20). Thay vì một sự phán xét vô cớ, họ cũng có thể nói, “Ông điên thật rồi!” Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu đầy kịch tính ở chương 8, lời buộc tội này trở nên rõ ràng hơn: “Chúng tôi bảo ông là người Samari và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao? ” (Ga 8:48). Chúa Giêsu đáp: “Tôi không bị quỷ ám nhưng tôi tôn kính Cha tôi, còn các ông lại làm nhục tôi” (Ga 8,49). Những người buộc tội Ngài đã nhắc lại: “Bây giờ chúng tôi chắc rằng ông bị quỷ ám thật rồi!” (Ga 8:52). Sự xúc phạm này tái diễn khi Chúa Giêsu tiên báo về việc hiến mạng sống mình (Ga 10,17-18), những lời tiên tri đó đã dấy lên sự chia rẽ giữa họ: “Nhiều người trong nhóm họ nói: “Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi! Nghe ông ấy làm gì? “Kẻ khác bảo: “Người bị quỷ ám (daimonizomeou) đâu có nói được như vậy! Quỷ (daimonion) có thể mở mắt cho người mù được sao?” (Ga 10:19).

Trong khi Chúa Giêsu là Đấng Thánh, luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và do đó không phạm tội (Dt 4:15; Ga 8:46), nhưng các môn đệ của Ngài thì không, họ là những người được kêu gọi tỉnh thức và cầu nguyện để không sa vào cám dỗ (Mc 14,38). Thật không may, một trong số những Tông Đồ đã không thể cưỡng lại sức mạnh của quỷ. “Xatan đã nhập vào Giuđa, cũng gọi là Ítcariốt, một người trong Nhóm Mười Hai” (Lc 22:3). Tin Mừng Thứ Tư xác nhận điều này: “Ngay khi Giuđa cầm lấy bánh, Xatan liền nhập vào y” (Ga 13:27). Quả thực, Xatan cũng đã cố gắng hạ bệ Phêrô: “Simôn, Simôn ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:31-32). Trước đó Phêrô đã có nguy cơ trở thành “Xatan ” khi ông cố gắng cản Chúa Giêsu đi con đường mà Chúa Cha đã vạch ra cho Ngài: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy!” Chúa Giêsu nói: “Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8:33). Thánh Phaolô cũng cảnh báo về “tông đồ giả, họ là thợ gian xảo, đội lốt tông đồ của Đức Kitô. Lạ gì đâu! Vì chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng” (2 Cr11:13-14).

Tác giả: Enrico Cattaneo, SJ

Người dịch: Phê-rô Đào Anh Tuấn, SJ

Nguồn: La Civiltà Cattolica

Bài liên quan:

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 2: Một tay ăn nhậu và nguồn gốc bất thường

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 1: Kẻ bịp bợm và làm điều ác

[9]. Ở đây không thích hợp để liệt kê tất cả những biến thể của câu nói đó. Tuy nhiên, đó là một biểu hiện đã gây ra nhiều cuộc thảo luận giữa các nhà chú giải. Đây là cách Bibbia di Gerusalemme (Bologna, EDB, 2009) giải thích: “Việc gán cho ma quỷ công việc của Chúa Thánh Thần là trốn tránh ánh sáng của ân sủng và sự tha thứ đến nơi từ Thiên Chúa. Một thái độ như vậy đặt người ta ra ngoài ơn cứu độ. Nhưng ân sủng có thể thay đổi thái độ này; khi đó việc quay trở lại với ơn cứu độ sẽ trở nên khả thi” (tr. 2400).

[10]. Đây là lần duy nhất biệt danh này được tìm thấy và bị coi là một sự xúc phạm. Người Sa-ma-ri-ta-nô về chủng tộc và tôn giáo bị người Do Thái coi là những kẻ “giả mạo”.

Kiểm tra tương tự

Đức khó nghèo đem chúng ta đến gần Thiên Chúa

Một trong những danh hiệu truyền thống dành cho thánh Giuse là “Người yêu mến …

Giáo dục Kitô giáo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô

  Tôi đang làm việc trong trường Dòng Tên. Trong những ưu tư về giới …