Nếu Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, thì những trung gian về tin tức có thể học hỏi gì từ mẫu gương của Ngài?
Dưới đây là một vài ý tưởng đến từ các thần học gia trong phong trào về nguồn (ressourcement) giữa thế kỷ trước vốn ảnh hưởng tới công đồng Vaticanô II và từ những người đương thời với họ về học thuyết truyền thông.
Hiệp nhất
Trước hết, Chúa Giêsu đã hiệp nhất con người bằng việc truyền đạt – nói theo mặt chữ mà nói, làm cho mọi người nhận biết – ơn cứu độ. Thần học gia Dòng Tên Henri de Lubac viết trong Catholicism: Christ and the Common Destiny of Man (Giáo Hội Công Giáo: Đức Kitô và vận mệnh chung của con người) rằng, nhân loại bị chia rẽ bởi tội nguyên tổ, nhưng Đức Kitô hiệp nhất chúng ta và làm cho tất cả chúng ta nên một thân thể. Thậm chí, khi Chúa Giêsu nói rằng Người đến để mang tới sự chia rẽ, chứ không phải bình an (Lc 12,51), thần học gia Hans Urs von Balthasar giải thích “sự chia rẽ” này ám chỉ cuộc phán xét của Thiên Chúa dành cho chúng ta khi chúng ta chết, cuộc phán xét diễn ra trong phạm vi của mối tương quan tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa. Trong mối tương quan tình yêu đó, chúng ta duy trì tính hiệp nhất như là anh chị em trong Chúa Kitô.
Cũng vậy, trong một mức độ nhẹ hơn, truyền thông có sức mạnh nối kết con người nhờ việc mang đến cho họ những kinh nghiệm được chia sẻ, như mối dây giữa những người cùng yêu thích những bộ phim hoặc xem cùng những môn thể thao giống nhau. Khả năng đem người ta lại với nhau được phác thảo bởi nhà lý thuyết về truyền thông Pierre Bourndieu, Harold Lasswell và bộ ba tác giả Elihu Katz, Michael Gurevitch và Hadassah Haas. Tuy nhiên, chẳng phải tất cả đều là những thú vui và các trò chơi: không được sử dụng khả năng mang người ta lại gần nhau để kích động một “tinh thần đám đông.”
Thay vào đó, tài liệu hậu công đồng Vaticanô II “Communio et Progressio” nói rằng, truyền thông phải giúp người ta hình thành những quan niệm lành mạnh nhờ việc cung cấp cho họ những lối nhìn đa dạng và rộng lớn hơn về một chủ đề nhằm giúp họ phân định điều gì là đúng đắn.
Truyền cảm hứng cho độc giả để nhìn nhận sâu xa hơn và hành động vì công bình
Chúa Giêsu cũng kỳ vọng thính giả của Người có thể rút ra những kết luận ý nghĩa từ những gì Người đã nói. Thần học gia Dòng Tên, Đức Hồng Y Avery Dulles gọi điều này là “truyền thông có tính biểu tượng” bởi vì, giống như những biểu tượng, các dụ ngôn của Chúa Giêsu gợi hứng cho thính giả của Người có lối nhìn vượt xa hơn ý nghĩa bề mặt.
Các nhà báo cũng có thể thực hiện điều này bằng việc truyền cảm hứng cho độc giả của mình để nhìn vào những vấn đề xã hội sâu xa hơn và khảo sát phạm vi rộng hơn về những câu chuyện mà chúng ta tường thuật, trong khi việc duy trì tính khách quan đó làm cho chúng ta trở nên khả tín. Ví dụ, chúng ta có thể cung cấp bối cảnh lịch sử về những vấn đề mà chúng ta đang bàn tới, bao gồm những đường link để có thể đọc sâu hơn. Đồng thời, chúng ta có thể truyền cảm hứng cho độc giả qua việc thuật lại những câu chuyện của những người chưa được miêu tả đúng mức để độc giả có thể kết nối với họ và quan tâm đến họ. Sau cùng, như “Communio et Progressio” đề cập và lịch sử dạy chúng ta, điều kiện tốt nhất của nhà báo làm việc là có thể và thực sự gợi hứng cho mọi người hành động vì công bình.
Tính chân thực
Cuối cùng, mẫu gương của Chúa Giêsu có thể dạy chúng ta làm thế nào để chống lại “những tin giả.” Nhiều người biết học thuyết nổi tiếng về truyền thông của Marshall Mcluhan: “trung gian là sứ điệp.” Ông Mcluhan bám sát học thuyết của mình khi nói rằng, Chúa Giêsu là một mẫu gương mà nơi đó tính trung gian và sứ điệp là trọn vẹn và như một: Chúa Giêsu truyền đạt một cách chân thực Đấng mà Thiên Chúa là bởi Người là Thiên Chúa.
Các ký giả rõ ràng không thể đạt được mức độ trung gian-như-sứ điệp này, nhưng chúng ta cần nỗ lực để vươn tới sự chân thực ấy bao nhiêu có thể trong công việc của mình. Điều này có thể đơn giản như việc trích dẫn tất cả các nguồn và trung thực về nguồn thông tin mà chúng ta tìm được, hay có thể phức tạp hơn, giống như việc duyệt xét những độ chênh lệch trong bản chất thông tin hay việc học hỏi về cách thức mà chúng ta xây dựng và “mã hoá” thông tin, như nhà lý luận Claude Shannon và Waren Weaver đã phác thảo trong tác phẩm model of communication (mô hình truyền thông) nổi tiếng của ông.
Sau hết, việc thực hiện một sự xem xét nghiêm ngặt về những lối nhìn thiên lệch của chúng ta và học biết truyền đạt một cách chân thực sẽ làm nên những nhà báo khả tín, làm cho chúng ta dễ dàng giúp thính giả hình thành nên những quan điểm đúng đắn và nhìn nhận về những vấn đề của thế giới cách sâu xa hơn, do đó đưa người ta lại với nhau trong những mối tương quan của sự đồng cảm và một khát khao sẻ chia vì công bình. Như “communio et Progressio” viết rằng, mục tiêu của truyền thông là “để thúc đẩy mọi lớp người thăng tiến và gia tăng sự cộng tác (giữa tất cả mọi người) cho đến khi tồn tại một mối dây hiệp nhất chân thực giữa họ.”
Tác giả: Colleen Dulle
Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.
Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2018/01/24/what-can-jesus-teach-journalists