Chúa Giêsu, người tình của tôi đó Chị!

 

Trong một lần trò chuyện với các anh chị trong cộng đoàn, đề tài của chúng tôi đang được nói nhiều là du lịch Việt Nam, đi biển, đi núi…

  • Có một Chị hỏi tôi: “còn Hạnh, có dự định đi nghỉ hè ở Việt Nam không?”.
  • Tôi trả lời: “Dạ thưa không, em chuẩn bị đi tham dự khóa Linh Thao một tuần, sau đó sẽ đi hành hương viếng Đức Mẹ Lộ Đức”.
  • Bất ngờ Chị hỏi : “Linh Thao, hành hương mang lợi ích gì mà năm nào cũng thấy Hạnh đi vậy? Chúa Mẹ thì nơi nào chẳng có, sao không để dành thời gian, tiền của giúp cho người nghèo ở Việt Nam”.

 

Tuy có ngỡ ngàng trước câu hỏi của Chị, nhưng tôi đã bình tỉnh, nhẹ nhàng trả lời:

  • “Chị ơi! tôi đang đi tìm Chúa Giêsu, người tình của tôi đó Chị”.

Mọi người trong bàn bỗng hướng về phía tôi với cái nhìn ngạc nhiên và tò mò.

  • Tôi mĩm cười, tiếp lời: “nếu các anh chị cho phép, tôi xin được chia sẻ những gì Chúa đã ban cho tôi trong những lần Linh Thao, trong những chuyến hành hương”.

 

Và sau đó từ đề tài “du lịch” đã được chuyển thành đề tài “Chúa Giêsu, Người là ai ?”

 

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (Lc 9,20).

 

Đây là câu hỏi Chúa đã hỏi các môn đệ. Còn chúng ta,

Chúa Giêsu, Người là ai đối với các anh chị ?

Chúa Giêsu, Người là ai đối với tôi ?

 

Tôi, cũng như các anh chị luôn có thói quen tốt lành như đọc kinh chuỗi Mân Côi, tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật, giữ chay các ngày Hội Thánh dạy… tôi hài lòng, và tự hào mình giữ được những thói quen này, thậm chí còn chỉ trích những người không đến với Thánh Lễ hoặc không tham gia những sinh hoạt của cộng đoàn. Nhưng có một ngày, trong một chuyến hành hương; đứng trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, cùng mọi người đọc kinh Mân Côi, tôi thật xúc động khi đang đọc lời Kinh Lạy Cha, lời kinh mà tôi vẫn thường đọc hằng ngày, nhưng chưa bao giờ có được một cảm xúc mãnh liệt như vậy. Tôi đã được ơn tại nơi linh thiêng này. Đức Mẹ soi sáng cho tôi nhận ra, lời cầu nguyện mà Đức Mẹ mong muốn nhất, đó là lời Kinh Lạy Cha và lời Kinh Kính Mừng. Mẹ ban ơn cho tôi nhận ra, dù tôi siêng năng đọc kinh, làm việc bác ái tông đồ, nhưng không có một liên hệ cá biệt với Thiên Chúa, thì thật sự tôi đang làm một việc vô ích. Kể từ ngày ấy, tôi yêu lời Kinh Lạy Cha. Lời kinh năm xưa các môn đệ đã được Chúa Giê-su dạy cho cầu nguyện. Kinh Lạy Cha hướng dẫn chúng ta vào con đường cầu nguyện nội tâm, giúp chúng ta đồng hình đồng dạng với hình ảnh của Chúa Con. Vậy mà bao năm tháng qua tôi vẫn đọc hời hợt như một cái máy. Ôi! Tôi xấu hổ và bất xứng với Chúa quá! Và tôi quyết tâm đi tìm Ngài. Để được gần với Ngài, mật thiết với Ngài, tôi liên lỉ cầu xin ơn khát khao Lời Ngài và tôi đã đi tìm Lời Ngài qua Thánh Kinh. Đây là lý do tại sao tôi đam mê đi Linh Thao, tĩnh tâm và hành hương viếng thăm Đức Mẹ.

 

Tôi đã bước vào cuộc tình mà Thiên Chúa đang mời gọi, tôi bắt đầu ý thức tin rằng mình được Thiên Chúa yêu thương. Và tôi say mê Chúa Giê-su qua Lời của Ngài. Mỗi ngày tôi được mật thiết với Chúa Giê-su hơn trong lời Kinh Lạy Cha, vào Lời Chúa. Tôi luôn dựa vào Lời Chúa và quy hướng về thánh ý Chúa. Mỗi lần đến với Ngài, tôi thân thưa: “Chúa ơi! Chúa biết con cần Chúa. Con thật diễm phúc được là con của Chúa, được gọi Chúa là Cha”. Tôi đã để Ngài hướng dẫn đời tôi và Ngài đã đến với tôi từ Kinh Thánh, Ngài đến với tôi từ các biến cố và Ngài đến với tôi rất nhiều lần từ đời sống cộng đoàn.

 

Thưa các anh chị, dần dần tôi đã nhận ra dung mạo Ngài, một dung mạo nổi bật sự thánh thiện và yêu thương. Ngài vô hình, nhưng sự hiện diện vô hình của Ngài lại rất sống động trong tâm hồn tôi. Tôi phấn đấu sống thân mật với Ngài qua lời Kinh Lạy Cha, trong Thánh Thể, trong Lời Ngài. Và chính Ngài đã nuôi dưỡng mối tình thân mật giữa Ngài và tôi.

Chúa đến với chúng ta trong thân phận một con nguời nhỏ bé, với phẩm giá của con người, trong cái giới hạn của thời gian và không gian, chúng ta không thể nào diễn tả tình yêu của Chúa cho trọn vẹn được! Ngài đến để làm gì? Ngài là ai đối với tôi? Ngài đến để cứu độ chúng ta, Ngài chính là người tình muôn thưở của tôi.

 

Giờ đây, trong cuộc sống tôi trân quý và ý thức hơn lời mời của Tin Mừng để biết vững lòng tin vào Chúa trong các nguy nan của cuộc sống. Chúa luôn bên cạnh, luôn yêu thương và sẵn sàng tha thứ. Đức Giê-su là trung tâm đời sống tâm linh của tôi. Tôi khao khát đến với Ngài, tôi khao khát tìm hiểu Lời Ngài. Lời của Ngài rất ngọt ngào. Các anh chị hãy siêng năng đến với Lời Chúa, sẽ có một ngày anh chị sẽ nếm được hương vị ngọt ngào này.

 

Một cảm nghiệm sống động trong chuyến hành hương Đất Thánh. Được đặt chân nơi Chúa Giê-su sinh ra, nơi Chúa lớn lên, nơi Chúa đi rao giảng, nơi Ngài bị khổ hình và nơi Ngài nhận cái chết đau thương trên Thập Giá. Được đi qua trên những con đường Chúa đi khi xưa, nơi Chúa Giê-su đã từng cầu nguyện với các môn đệ, tôi cảm nhận được tình yêu vô bờ bến của Chúa cho loài người chúng ta. Là con Thiên Chúa đầy quyền năng, nhưng Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục theo ý Chúa Cha, chấp nhận sống khổ và chết đau thương như vậy. Tôi nhận ra dung mạo nổi bật tình yêu thương xót, một Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật, đã đến thế gian, sống nghèo nàn với thân phận con người, và đã cứu độ chúng ta. Tôi muốn hiểu tình yêu thương xót Chúa. Nhưng tôi không hiểu nổi. Điều mà tôi nghĩ cần làm, không phải là tìm hiểu tình yêu ấy, mà là tìm mến yêu chính tình yêu ấy.

 

Trong những năm gần đây, cộng đoàn Công Giáo Việt nam có những hội đoàn Lòng Thương Xót Chúa được thành lập, các anh chị rất hăng say kêu gọi cùng nhau siêng năng  lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót. Trong chiều hướng này, tôi mời anh chị chiêm ngưỡng dung mạo Đức Giê-su lòng xót thương, theo cái nhìn của thánh sử Luca.

Trong Tin Mừng Luca, thánh sử cho ta cảm thấy những bước chân của Chúa Giêsu luôn hao hức lên đường để hoàn tất sứ mạng cứu rỗi. Theo từng chặng đường của cuộc hành trình này, tôi sẽ đề cập một số biến cố tiêu biểu làm nổi bật  lòng thương xót của Thiên Chúa.

  1. Lòng thương xót của Đức Giê-su qua hai biến cố sau :
  • Chúa Giê-su cho con trai bà góa thành Na-in sống lại (Lc 7,11-17). « Trông thấy Bà Chúa chạnh lòng thương… » (7,13). Ngài cùng quặn đau với bà, chia sẻ đớn đau với bà. Nước mắt của bà cuốn hút sự chú ý của Chúa. Bà góa chẳng hề xin. Vậy mà Chúa lại tự nguyện can thiệp.

Một Thiên Chúa thương xót không đứng ngoài đớn đau của con người.

  • Người phụ nữ được tha thứ và yêu mến nhiều (Lc 7, 36-50), Chúa để cho người phụ nữ tội lỗi tới gần Ngài. Chị thinh lặng, nhưng chính hành động của chị là ngôn ngữ nói hộ tấm lòng. Chị can đảm tới với Chúa, vì chị tin rằng, Ngài sẽ không hắt hủi chị. Sức cuốn hút mãnh liệt của Chúa đã giúp chị vượt qua tất cả, vượt qua cả cái nhìn tiêu cực về bản thân tội lỗi của mình. Chính lòng khát khao mà Chúa đã khơi lên trong lòng chị đã đẩy bước chân chị tới với Ngài. Khi chị phụ nữ tội lỗi đến với Đức Giê-su, Ngài hoàn toàn thinh lặng. Chính thái độ thinh lặng của Chúa đón nhận chị ấy là lòng thương xótlớn lao có khả năng làm cho con người ta được biến đổi. Ngài chấp nhận để cho người khác hiểu lầm về mình. Khi thể hiện lòng thương xót đón nhận chị phụ nữ tội lỗi, Chúa Giê-su tự nguyện để mình liên lụy với thân phận lỗi tội của chị. Đó là tình yêu vĩ đại mở đầu cho một tình yêu lớn lao nơi chị : « Ai yêu nhiều sẽ được tha nhiều » (Lc 7,47).

Qua hai biến cố trên, chúng ta nhận ra lòng thương xót đích thực luôn có hai chiều : một đàng Chúa đến gần sờ chạm vào nỗi khổ của người khác ; đàng khác, Ngài để cho người khác tới sờ chạm vào mình. Can đảm tới với Chúa, dù Ngài thinh lặng. Có một ngày các anh chị sẽ nhận được cái nhìn của Ngài, như bà goá thành Na-in. Và nghe được lời Ngài như người phụ nữ tội lỗi.

  1. Lòng xót thương của Chúa Giê-su còn được diễn tả qua nhiều dụ ngôn khác như :người Samari tốt lành (Lc 10, 29-37), con chiên lạc (Lc15,1-7), người cha nhân hậu (Lc 15,11-32), Phê-rô chối Chúa…(Lc 22,31-34), người trộm lành (Lc 23, 39-43). Và các phép lạ chữa lành bệnh tật được dàn trải suốt trong Tin Mừng Luca : chữa người bị quỷ ám, chữa mẹ vợ ông Simon, người phong hủi, người bại liệt, người nô lệ viện đại đột trưởng.

 

Để khám phá Đức Giê-su, Người là ai ? tôi đã đến với Lời Ngài. Nói cách khác, tôi khao khát đọc Lời Ngài. Lời Thiên Chúa là lời luôn sống động, luôn mới mẻ. Lời Tin Mừng luôn là lời thắp lên ngọn lửa mãnh liệt trong lòng, Lời giải thoát con người khỏi cái nhìn chán nản thất vọng. Chính vì thế, khi đọc Tin mừng là được mời gọi trở thành chứng nhân, tức là chính cuộc đời và con người chúng ta cũng trở thành lời loan báo Tin mừng. Lời ân sủng ắp đầy sức mạnh đảo lộn những thất bại trở thành bài học quý giá.

 

Thưa các anh chị, những gì tôi chia sẻ trên đây đều là hoa trái của cầu nguyện , của những khóa linh thao, của những khóa tĩnh tâm, của những chuyến hành hương. Đặc biệt là của khóa Magis tôi đang theo học. Dù không thể hiểu hết các trình thuật nơi Tin mừng, nhưng qua những lần vừa đọc vừa suy niệm, tôi đã khám phá ra Đức Giê-su, Người là ai ?

  • Đức Giê-su, dung mạo Ngài phản ánh lòng thương xót của Thiên Chúa một cách lạ lùng.
  • Đức Giê-su, Ngài phá vỡ tất cả những hẹp hòi định kiến của con người để tới sờ chạm vào nổi đau cùng cực của nhân loại.
  • Đức Giê-su, hiến tế đời mình trên Thập Giá, để nuôi cuộc sống cuộc đời chúng ta. Ở đó, lòng thương xót của Thiên Chúa giải thoát tận căn tội lỗi con người.
  • Đức Giê-su, là niềm vui, hi vọng, bình an đích thực cho nhân loại, cho kẻ bé mọn, cho người nghèo hèn, cho kẻ tội lỗi.
  • Đức Giê-su, bên Ngài tôi thật hạnh phúc, và vững lòng Tin, Cậy, Mến. Bên Ngài, tôi có thể chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.

 

Để đáp lại tiếng Chúa và Giáo Hội mời gọi chúng ta nỗ lực tìm hiểu Tin mừng. Chúng ta khẩn cầu xin Chúa ơn ước ao đọc và suy niệm Lời Chúa. Như thế dung mạo lòng xót thương của Thiên Chúa sẽ mỗi ngày một khắc họa sâu đậm hơn trong trái tim mỗi người. Chúng ta sẽ nếm nghiệm « niềm vui Tin mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giê-su » (ĐGH Phanxicô, Evangelii Gaudium- Niềm vui của Tin Mừng).

 

 

Mùa Vọng 2019.

Mácta Nguyễn Thị Ngọc Hạnh

Kiểm tra tương tự

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

Đức Thánh Cha chính thức công bố Sắc chỉ về Năm Thánh 2025

Năm Thánh 2025 của Giáo hội Công giáo đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chính …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *